EVNNPC: Làm tốt công tác phòng, chống cháy nổ, đảm bảo vận hành an toàn

Không chỉ chú trọng công tác đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ người dân, khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, Tổng công ty Điện lực miền Bắc còn triển khai nhiều giải pháp thiết thực, bám sát thực tiễn trong công tác PCCC một cách đồng bộ từ Tổng công ty đến tận đơn vị cơ sở.

Là đơn vị thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) quản lý vận hành, kinh doanh bán điện trên 27 tỉnh miền Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra, trừ Hà Nội), với mục tiêu luôn đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống của Nhân dân góp phần đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.

Triển khai đồng bộ đến tận đơn vị cơ sở

Theo ông Vũ Anh Phương, Phó Tổng Giám đốc EVNNPC, trong những năm qua, các đơn vị trong EVNNPC đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa các nguy cơ cháy nổ, gây mất an toàn vận hành lưới điện; Đảm bảo PCCC trong sản xuất kinh doanh. 100% các đơn vị trong EVNNPC thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương, Cảnh sát PCCC các cấp tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, hiệu quả đối với lưới điện sau công tơ của cơ sở, hộ tiêu thụ điện; Tham gia các đoàn kiểm tra an toàn PCCC, an toàn sử dụng điện của cơ quan quản lý Nhà nước tại các cơ sở, hộ tiêu thụ điện trên địa bàn.

Công tác PCCC luôn được Ban Tổng Giám đốc EVNNPC trú trọng chỉ đạo triển khai đồng bộ, bài bản từ cấp Tổng Công ty đến cấp cơ sở; Giao nhiệm vụ cụ thể cho 1 Phó Tổng Giám đốc tham mưu cho Tổng Giám đốc về công tác PCCC. Tại 40 đơn vị, cơ sở trực thuộc, Giám đốc hoặc Phó Giám đốc là người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm về công tác PCCC; Giao Ban an toàn EVNNPC (phòng an toàn các Công ty Điện lực) là đầu mối quản lý, tham mưu về công tác PCCC. Mỗi đơn vị cơ sở (điện lực, phân xưởng…) có 1 cán bộ (chuyên viên) kiêm nhiệm theo dõi, thực hiện công tác PCCC của đơn vị.

Các đơn vị đều thành lập Ban chỉ huy PCCC, các thành viên trong Ban chỉ huy được phân công cụ thể, rõ ràng; Mỗi đơn vị, cơ sở, trạm biến áp trung gian trở lên... được thành lập Đội (Tổ) PCCC cơ sở và được huấn luyện, bồi dưỡng về nghiệp vụ PCCC; Sau huấn luyện được cấp giấy chứng nhận đáp ứng được yêu cầu chữa cháy tại chỗ. Hiện tại, toàn EVNNPC có 2.789 người trong Ban chỉ huy PCCC cơ sở; 608 đội PCCC cơ sở, gồm 7.600 đội viên.

Công tác tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC được EVNNPC và các đơn vị thành viên thực hiện thường xuyên đúng quy định. Tính đến 30/6/2021, 100% các đơn vị, cơ sở đã tổ chức thực tập các tình huống giả định trong phương án chữa cháy được phê duyệt theo quy định.

Diễn tập PCCC tại Công ty Điện lực Bắc Ninh - Ảnh tư liệu

EVNNPC đã chỉ đạo thực hiện đúng công tác kiểm tra an toàn PCCC theo Quy định công tác an toàn vệ sinh lao động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. 9 tháng năm 2021, EVNNPC không để xảy ra sự cố cháy nổ nào. Tại các Đơn vị của EVNNPC, 6 tháng đầu năm đã tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC được 1.743 lần, Cơ quan PCCC tại địa phương phối hợp kiểm tra 148 lần, Tổng công ty và các đơn vị phối hợp kiểm tra được 28 lần.

Các đơn vị thành viên EVNNPC đã chủ động trong công tác quản lý, kiểm tra định kỳ các thiết bị PCCC theo quy định. Đặc biệt, với các thiết bị PCCC tại khu vực có nguy cơ gây cháy nổ cao như TBA 110kV, TBA trung gian, kho xưởng... đã được các đơn vị đặc biệt trú trọng. Các thiết bị có hiện tượng bất thường, hư hỏng được kiểm tra và sửa chữa kịp thời, đảm bảo vận hành an toàn, không có lỗi chủ quan về PCCC. Với những trang bị PCCC không đạt tiêu chuẩn, được thanh lý, bổ sung mới và dự phòng đúng số lượng yêu cầu.
Đối với các trạm biến áp 110kV, trạm biến áp trung gian thường xuyên, định kỳ kiểm tra các thiết bị phòng cháy, hệ thống chữa cháy và các phương tiện, dụng cụ, bể nước, bể cát chữa cháy, bể chứa dầu sự cố, và các phương tiện khác để sẵn sàng khi có tình huống cháy, nổ xảy ra.

Các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp công trình điện TBA 110 kV đều lập thiết kế hệ thống PCCC theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành. Được cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC theo quy định trước khi đưa vào vận hành.

Vận dụng thành thục, phát huy hiệu quả  “4 tại chỗ”

Trong phạm vi quản lý của mình, EVN cũng như Tổng công ty Điện lực miền Bắc và các đơn vị thành viên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa các nguy cơ cháy nổ, gây mất an toàn, ảnh hưởng vận hành lưới điện như: Tăng cường kiểm tra, rà soát chụp ảnh, đo bắn nhiệt tại các vị trí, điểm tiếp xúc trên đường dây dẫn điện, trạm biến áp trung, hạ thế thuộc phạm vi quản lý để phát hiện sớm khả năng phát sinh cháy, nổ trên lưới điện vào thời điểm các phụ tải tăng cao.

Ngành điện cũng tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện, thay thế kịp thời các vật liệu, thiết bị đã qua sử dụng lâu ngày hoặc chất lượng kém. Song song các đơn vị trong EVN, EVNNPC thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền sử dụng điện an toàn, hiệu quả đối với lưới điện sau công tơ của cơ sở, hộ tiêu thụ điện; Tham gia các đoàn kiểm tra an toàn PCCC, an toàn sử dụng điện của cơ quan quản lý Nhà nước tại các cơ sở.
Nói về công tác PCCC tại Điện lực cấp tỉnh, ông Trần Ðức Dũng - Giám đốc Công ty Ðiện lực Ðiện Biên (đơn vị thành viên EVNNPC) cho biết: Việc xây dựng, phối hợp tổ chức thực tập các phương án PCCC giữa chuyên môn với ngành điện tại cấp cơ sở là hết sức cần thiết. Qua thực tập, lực lượng PCCC cơ sở mới kịp thời rút kinh nghiệm, nâng cao nghiệp vụ, phối hợp xử lý cháy nổ, không bị động khi có sự cố xảy ra, phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”.

Một trong những giải pháp trọng tâm trong công tác PCCC được PC Điện Biên triển khai thực hiện nghiêm túc là thường xuyên kiểm tra công tác PCCC tại các cơ sở sản xuất; Kiểm tra an toàn hành lang lưới điện, tránh nguy cơ xảy ra cháy nổ do những nguyên nhân khách quan, yếu tố thời tiết, cây gãy đổ…

Tại cơ sở, lực lượng PCCC liên tục đi kiểm tra, phát quang hành lang tuyến dọc đường dây điện đơn vị quản lý, các điểm xung yếu, nguy cơ mất an toàn để kịp thời khắc phục sự cố. Ðặc biệt trước mùa mưa, công ty tiến hành khảo sát thực trạng toàn bộ hệ thống lưới điện, từ đó phát hiện kịp thời các vị trí quá tải của dây dẫn, cáp, trạm biến áp, các mối nối, sứ nhiễm bẩn gây hiện tượng phóng điện để xử lý kỹ thuật.

Phối hợp với Cảnh sát PCCC tổ chức tuyên truyền, huấn luyện phồng cháy, chữa cháy tại Công ty Điện lực Điện Biên (Ảnh tư liệu)

Trong quá trình kiểm tra, lực lượng PCCC cơ sở kết hợp tuyên truyền các quy định về an toàn điện cho người dân, nhắc nhở người dân không treo các biển hiệu, biển quảng cáo hoặc buôn bán, họp chợ dưới các trụ điện cũng như khi xây dựng nhà cửa cần tuân thủ khoảng cách an toàn, phòng ngừa nguy cơ cháy nổ…
Cùng chia sẻ về công tác PCCC, đại diện Công ty Điện lực Thái Nguyên cho biết: Nguyên nhân các vụ cháy nổ trên lưới điện chủ yếu do phụ tải sinh hoạt tăng đột biến mùa nắng nóng và người dân tập trung ở nhà do giãn cách phòng chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân sử dụng thiết bị điện, dây dẫn không đảm bảo kỹ thuật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ và tai nạn điện trong dân.

Phần lớn các vụ cháy nổ trên địa bàn gần đây cho thấy nguyên nhân từ chạm chập điện gây cháy chiếm tỷ lệ gần 50-60%, số còn lại do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn nhiệt, dùng quá tải dòng sau công tơ, vi phạm quy định về PCCC…

Để chủ động ngăn chặn, giảm sự cố cháy nổ do điện và giảm thiểu thiệt hại từ các vụ cháy, PC Thái Nguyên đã tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tăng cường kiểm tra, tuyên truyền và hướng dẫn các điểm có nguy cơ cháy nổ, mất an toàn địa bàn theo quy định.

Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phổ biến các quy định pháp luật về PCCC, hướng dẫn người dân sử dụng thiết bị PCCC, ký cam kết thực hiện các quy định và khắc phục ngay các nguy cơ cháy nổ đã phát hiện.

Để ngăn ngừa các sự cố cháy nổ do điện, ngành điện đã khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng, không đảm bảo… không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn, tắt các thiết bị nếu không cần thiết, không sử dụng thiết bị tiêu thụ điện trong cùng một ổ cắm, dây dẫn không đi trên mái tôn hoặc treo trên tường, tường vách làm bằng vật liệu dễ cháy...

Mai Phương

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top