Đua thuyền tìm bắt "hoa hậu cá" bên bờ di sản Phong Nha-Kẻ Bàng
23:57 28/04/2023
- Báo chí địa phương

Cuộc thi có sự tham gia của 6 đội thi, mỗi đội có 2 người là một nam, một nữ trong cùng xã. Thành viên nữ có vai trò chính là chèo và di chuyển thuyền từ bờ Nam sang bờ Bắc. Khi thuyền cập bến lồng cá, thành viên nam lặn tìm và bắt những con cá trắm to trốn mình dưới đáy bằng tay và một tấm lưới nhỏ hỗ trợ.
Đội thi bắt cá đưa về thuyền_ Ảnh: PV.
18 con cá trắm có cân nặng và kích thước khác nhau. Các đội thi sẽ đua thuyền trên sông và thi xem ai bắt được nhiều cá nhất, bắt được cá trắm đầu tiên và bắt được cá có trọng lượng lớn nhất. Không chỉ thể hiện tốc độ đua thuyền, các vận động viên còn trình diễn khả năng bơi lặn của bà con miền sông nước, nhằm tìm thấy những con cá trắm dưới lồng chứa sâu.
Anh Nguyễn Văn Nhung, đội thị xã Hưng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết mặc dù bản thân cùng đồng đội không đạt giải cao nhưng vẫn rất vui và đã cố gắng hết mình để thể hiện tinh thần thi đua của xã nhà, cũng như rèn luyện thể lực.
Toàn cảnh khu vực lồng bắt cá_ Ảnh: PV.
Kết thúc hội thi, đội thi số 1 thị trấn Phong Nha giành giải nhất với kết quả bắt được 04 con cá trắm trong vòng 17 phút 04 giây.
Tiếp nối hội thi đánh bắt cá trắm, các đội thi tiếp tục tranh đấu để tìm ra "hoa hậu cá", với phần thắng thuộc về đội của xã Hưng Trạch. Con cá trắm có cân nặng 10kg với thân hình chắc khoẻ cùng lớp vảy đóng đều đặn đã vinh dự trở thành hình mẫu đẹp nhất cho "sản vật" sông Son. Hội thi ẩm thực cá trắm cũng diễn ra ngay sau đó.
Các thí sinh phải ngụp lặn sâu để tìm và đánh bắt cá_Ảnh: PV.
Hội thi được xây dựng thành sự kiện thường niên, diễn ra nhân dịp 30/4 - 1/5 nhằm tôn vinh sản phẩm của địa phương và giới thiệu đến với du khách đặc sản nổi tiếng, tượng trưng cho ẩm thực của vùng. Hoạt động cũng được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của địa phương.
Cá trắm là sản vật sông Son, gắn với hình ảnh ẩm thực và du lịch của địa phương_ Ảnh: PV.
Được biết, nuôi cá trắm trên sông Son (Bố Trạch, Quảng Bình) là nghề có từ lâu đời được lưu truyền và phát triển bởi bà con địa phương. Ban đầu, nghề xuất phát điểm với quy mô nhỏ lẻ. Tuy nhiên, với sức hút cùng giá trị nhiều mặt của sản vật mà đến nay nghề nuôi cá trắm trên sông Son đã phát triển mạnh với gần 1000 lồng cá, tạo sinh kế cho khoảng 500 hộ dân. Sản phẩm được người tiêu dùng yêu thích, đặc biệt là khách du lịch.
Khánh Trinh
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Lễ hội hoa Phượng đỏ - Hải Phòng 2025 (02:18 19/04/2025)
- Báo Người Lao Động tổ chức khóa học ứng dụng AI (11:35 16/04/2025)
- Hợp nhất Báo Sóc Trăng và Đài Phát thanh - Truyền hình Sóc Trăng (10:45 15/04/2025)
- Thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Hải Phòng (09:43 14/04/2025)
- Nghệ An họp báo Quý I năm 2025 (05:39 10/04/2025)