'Động trời' ở Tổng cục Thủy sản: Kiểm định khống hơn 800 sản phẩm

14:52 21/07/2016 - Kinh tế
Hơn 800 sản phẩm (140 sản phẩm thức ăn chăn nuôi thủy sản, trên 660 sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản) của hơn 70 doanh nghiệp (DN) đã được đóng dấu kiểm định khống vừa được phát hiện tại Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT).

Hơn 800 sản phẩm trong lĩnh vực thuỷ sản được “kiểm định khống” khiến nông dân và DN xuất khẩu thuỷ sản gánh chịu hậu quả. Ảnh: Bình Phương

Chế khống phụ lục, ban hành văn bản trái luật

Theo quy định, các sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, trước khi lưu hành ra thị trường, phải được Trung tâm 3K chứng nhận chất lượng, Tổng cục Thủy sản cấp phép lưu hành. Tùy từng loại, thông thường thời gian khảo kiểm nghiệm cũng mất vài tháng tới cả năm. Tuy nhiên, DN chỉ cần chi khoảng 5 triệu đồng cho Giám đốc Trung tâm 3K, một sản phẩm không cần qua các khâu khảo kiểm nghiệm, vẫn có thể có tên trong danh sách.

Theo đó, năm 2013, Giám đốc Trung tâm 3K lúc đó là ông Bùi Đức Quý, đã cấu kết với các cán bộ của Trung tâm này là ông Nguyễn Huy Bàn, bà Đỗ Thị Hà, ông Phạm Hồng Quân, bà Vũ Thị Thu, bà Nguyễn Thị Hà, ông Nguyễn Văn Dũng và ông Lê Tuấn Anh (lúc đó là Phó Phòng Hành chính quản trị- Tổng Cục thủy sản) làm giả công văn và ban hành công văn trái luật để đưa tên các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vào bản phụ lục sản phẩm đã được cấp phép lưu hành.

Kết quả xác minh cho thấy, các đối tượng trên đã làm “khống” 3 văn bản của Tổng cục Thủy sản (văn bản số 758, 1526, 1789), cấp phép lưu hành cho hơn 800 loại sản phẩm trong lĩnh vực thủy sản.

 Đơn cử, Văn bản 758 gốc (lưu tại Văn phòng) phụ lục kèm theo chỉ có 30 sản phẩm, nhưng bản được phát hành có 198 sản phẩm, các đối tượng đã bổ sung khống 168 vào phụ lục lưu hành trái pháp luật từ tháng 12/2014. Để “vẽ” được phụ lục trên, đường dây có sự tham gia của  ông Bùi Đức Quý, ông Nguyễn Huy Bàn, ông Lê Tuấn Anh và bà Đỗ Thị Hà. Đáng lưu ý, thời điểm đó, ông Quý không còn làm Giám đốc Trung tâm 3K. Đường dây trên còn làm giả phần phụ lục tại 2 công văn khác, khiến hàng trăm loại thức ăn, chất xử lý, tái tạo môi trường nuôi trồng thủy sản đưa vào lưu hành trái pháp luật.

Đoàn xác minh của Tổng cục Thủy sản cũng phát hiện trong quá trình thực hiện hành vi trên, bà Vũ Thị Thu đã chuyển tiền 2 lần cho ông Bùi Đức Quý với tổng số tiền là trên 900 triệu đồng….Trong đó, số tiền này được tính “trả công” cho ông Quý 5 triệu đồng/sản phẩm khi xác nhận khống cho DN.

Xử lý còn nương nhẹ?

Chiều 20/7, trao đổi với báo chí, ông Dương Văn Cường, Chánh văn phòng Tổng Cục Thủy sản cho biết:  sau khi có kết luận giải quyết tố cáo, Tổng cục đã cách chức và khai trừ Đảng ông Bùi Đức Quý (lúc đó chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thuỷ sản). Buộc thôi việc và khai trừ Đảng với công chức là ông Lê Tuấn Anh, phó trưởng Phòng Hành chính, quản trị của Văn phòng Tổng Cục; buộc thôi việc 5 viên chức và cảnh cáo của Trung tâm 3K. “Chúng tôi đã xử lý theo quy định về pháp luật xử lý công chức, viên chức của một cơ quan quản lý nhà nước, còn xử lý hình sự hay không là ở cơ quan bảo vệ pháp luật”- ông Cường nói.

Chánh văn Phòng Tổng cục Thủy sản cho biết, sau khi thụ lý vụ việc, Tổng cục có Văn bản 1512 (ngày 17/6/2015) thu hồi toàn bộ những văn bản bị ghép, đưa thêm sản phẩm trái quy định. Đồng thời, có hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, xử lý với sản phẩm đưa vào phụ lục không đúng quy định; tổ chức thanh tra đột xuất, có sự tham gia của A86 tại một số cơ sở… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý sai phạm tại Tổng cục Thủy sản còn quá nhẹ../

Nguồn: Tiền Phong

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top