Đổi mới kinh tế để chống “giặc nội xâm” (Bài 4)
20:42 21/01/2018
- Báo chí & Công chúng

“Binh pháp” chống “giặc nội xâm”:
Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu phát triển của Việt Nam, Ảnh:TL
Cuộc chiến chống “giặc nội xâm” sẽ không đạt được mục đích cuối cùng nếu chúng ta không đồng thời đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới. Trong các Nghị quyết gần đây của Trung ương đã thể hiện rõ tinh thần này. Tư duy đổi mới vừa nằm trong chương trình kế hoạch hành động thực hiện các Nghị quyết đó, vừa tiếp tục nghiên cứu để sữa chữa các sai lầm, khuyết điểm, yếu kém, sơ hở đã tồn tại và phát triển dày thêm trong hàng chục năm qua, mà nhiều người thường gọi là sửa “lỗi hệ thống”. Trong đó cần tập trung các vấn đề chính, như sửa đổi hệ thống pháp luật đi đôi với việc nâng cao năng lực quản trị quốc gia, sửa sai công tác cán bộ đi đôi với tinh giản biên chế, kiện toàn sắp xếp lại bộ máy nhà nước.
Cái gốc của đổi mới kinh tế
Đổi mới kinh tế gốc của vấn đề là sửa “lỗi hệ thống”. Chúng ta không thể chấp nhận một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN lại để quá nhiều doanh nghiệp mà một phần lợi nhuận của doanh nghiệp có được lại bằng quan hệ giữa chủ doanh nghiệp với quan chức.
Bằng các thủ đoạn, những kẻ tham nhũng đa lợi dụng sự bất cập của pháp luật để đục khoét tài sản công và bòn rút giá trị sinh lợi của tài nguyên đất nước. Sự tồn tại của doanh nghiệp này đồng nghĩa với sự phá hoại nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hình thành phát triển lợi ích nhóm và tư bản thân hữu.
Chúng ta cũng không thể chấp nhận công việc quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp yếu kém như lâu nay, tiền vốn, lao động, tài sản công bị thất thoát lãng phí quá nhiều.
Muốn sửa “lỗi hệ thống” cần đổi mới cả về kinh tế và chính trị. Mục tiêu của đổi mới, trước mắt cần tập trung hóa giải được các vấn đề như: Ngăn chặn được mầm mống của phát triển “tư bản thân hữu” tạo đồng lực phát triển kinh tế tư nhân, giải quyết căn cơ những bất cập của doanh nghiệp Nhà nước.
Mục tiêu của đổi mới, trước mắt, về kinh tế cần hoá giải được các vấn đề như ngăn chặn và xoá bỏ sự phát triển của tư bản thân hữu, tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân, giải quyết căn cơ những bất cập của doanh nghiệp nhà nước, tiến tới chỉ còn khái niệm chung là Doanh nghiệp.
Đổi mới kinh tế, trước hết phải ngăn chặn bằng được thất thoát, lãng phí. Tại sao một đất nước tiềm năng kinh tế lớn, vị trí địa lý có lợi thế mạnh về thương mại mà sự phát triển tăng trưởng thua kém nhiều nước khác trong khu vực. Câu trả lời trước hết là sự yếu kém trong quản trị quốc gia, chúng ta để tham nhũng phát triển tràn lan. Tham nhũng đã làm cho ngân khố quốc gia cạn kiệt, đất nước phải gánh một khối nợ công khổng lồ.
Nợ công lớn lên từng ngày, cùng với giá trị tài nguyên bị hao mòn theo năm tháng, khiến nhiều doanh nghiệp và người có quyền lực giàu lên nhanh chóng.
Nền móng tư bản đang phát triển trên một nước đang đi theo con đường lên CNXH mà những viên gạch của nền móng ấy chính là “ tư bản thân hữu”.
Khi một đất nước, phần nhiều sự giàu có của cá nhân là kinh doanh bằng quan hệ, bằng các thủ đoạn để chiếm đoạt, bòn rút ngân sách, giá trị sinh lợi của tài nguyên, tài sản công thì nền kinh tế không thể tạo được sức bền để phát triển. Ngược lại nó gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.
Muốn ngăn chặn được thất thoát lãng phí, ngăn chặn xoá bỏ tư bản thân hữu, giải quyết được các vấn đề cơ bản của phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, cốt lõi và quan trọng nhất là xoá bỏ cơ chế “xin – cho”.
Một số "đất vàng" ở TP. Đà Nẵng bị một số kẻ cơ hội thâu tóm, ảnh minh họa
Cơ chế "xin cho" thuận lợi lớn cho tham nhũng lãng phí
Cơ chế "xin cho" chi phối gây nguy hại đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong loạt bài viết “Chống được "chạy” sẽ thành công", người viết bài này đã phân tích sâu về hệ lụy của cơ chế xin cho. Ở đây xin nêu thêm một số thí dụ:
- Cho phép thành lập các trường Đại học, trong lúc điều kiện dạy và học còn nhiều khó khăn, bất cập, phẩm chất và năng lực một bộ phận giảng viên còn hạn chế, chất lượng tuyển sinh thấp, hệ luỵ của nó là tạo ra một sản phẩm đào tạo không đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Tốt nghiệp đại học thất nghiệp nhiều, hàng vạn người phải bỏ nghề được đào tạo để kiếm sống. Lãng phí rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo.
Nếu Nhà nước không cấp phép thành lập ra nhiều trường, mà để cho các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đặt hàng trước với các trường đã có sẵn. Trên cơ sở đặt hàng các trường tính toán xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, chắc chắn không có hệ lụy xấu nêu trên. Trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, Nhà nước chỉ nên đầu tư tập trung đào tạo thầy, còn lại nên theo cơ chế đặt hàng của đơn vị sử dụng, thuận theo quy luật lao động và thị trường.
- Cho phép thành lập ngân hàng, trong lúc sự phát triển sản xuất còn nhiều bất cập. Năng suất lao động xã hội thấp, sức sản xuất trong nước còn yếu, ngân hàng lại mọc lên nhiều, nhu cầu sản xuất kinh doanh còn bất cập so với dịch vụ kinh doanh tiền tệ. Số lượng ngân hàng lớn, lãi suất cao, đầu tư lớn vào những lĩnh vực rủi ro cao cũng đã gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.
- Có những dự án sử dụng ngân sách Nhà nước, sử dụng vốn vay, vốn huy động trong dân, tổng mức đầu tư có những địa chỉ gấp đôi, gấp ba giá thực tế trên thị trường. Sự chênh lệch này đã làm phân hóa giàu nghèo tạo ra nhóm lợi ích. Xét cho cùng đây cũng là một loại tội phạm kinh tế, lợi dụng sơ hở của luật pháp, cơ chế “xin cho” để tham nhũng.
Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ chế “xin cho” có rất nhiều, trước mắt cần sửa đổi loạt văn bản quy phạm pháp luật liên quan như, luật ngân sách, luật đầu tư, luật đấu thầu, luật đất đai... Bảo đảm các quy định trong các văn bản pháp luật không còn cơ chế “xin cho”.
Khi còn tồn tại cơ chế “xin cho”, thì nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền soạn thảo, tham gia xây dựng và ban hành nghị định, thông tư cũng nghĩ ra cách để tạo lợi ích nhóm. Thí dụ: một số Bộ quy định tất cả công chức, viên chức bắt buộc phải có chứng chỉ tin học. Trong lúc đa số người tự học đều thành thạo sử dụng máy tính và các phương tiện, thiết bị thông minh. Và có nhiều người đi học lấy chứng chỉ để đủ tiêu chuẩn làm công chức, viên chức.
Theo những thông tư của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đài tạo, Bộ TT&TT thì mấy triệu công chức, viên chức trong cả nước phải đi học. Mỗi người đi học phải nộp mấy triệu mới có chứng chỉ. Hiện nay, trên cả nước có nhiều cơ sở được cấp phép tổ chức lớp và cấp chứng chỉ. Thử hỏi đằng sau việc cấp phép này có lợi ích nhóm? Trong lúc đời sống công chức, viên chức còn khó khăn, họ vừa tốn tiền vào việc mà tự họ có thể giải quyết được, vừa mất thời gian để mưu sinh cuộc sống.
Lẽ ra khi ban hành các văn bản luật, các cơ quan phải lường tính cụ thể, bảo đảm lợi ích cộng đồng. Nhưng, ở đây họ không nghĩ thế. Hiện thực “Bòn nơi đói rách, đãi nơi quân hồng” vẫn cứ tiếp diễn. Người thu nhập thấp và trung bình vẫn cứ phải móc hầu bao của mình để phục vụ “nhóm lợi ích”.
Cơ chế "xin - cho" đang tạo ra những bất cập, Ảnh minh họa
Xoá bỏ cơ chế "xin cho"
Về cơ chế "xin cho" đã có hàng ngàn tác phẩm báo chí bàn đến. Tựu chung, cơ chế này gắn liền với chế độ quan liêu bao cấp. Lẽ ra khi xoá bỏ chế độ bao cấp, theo đó phải xoá luôn cơ chế "xin cho". Trái lại, chúng ta đã duy trì quá lâu cơ chế này. Như vậy, trong nền kinh tế ở nước ta, tồn tại hai quan hệ song trùng.
Đó là quan hệ dọc, cấp trên với cấp dưới, nhà nước với doanh nghiệp và người dân. Quan hệ này chủ yếu là thực hiện theo cơ chế "xin cho".
Thứ hai là quan hệ ngang, quan hệ kinh tế thị trường, thuận mua vừa bán, trao đổi hàng hoá theo nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống.
Khi hai quan hệ nói trên tồn tại song trùng, thì quan hệ dọc thường tác động tiêu cực đến quan hệ ngang, nhất là khi quyền lực của bộ máy cơ quan công quyền bị tha hoá. Đây là sự cản trở rất lớn đến tính năng động, sáng tạo và minh bạch của kinh tế thị trường.
Đảng ta đề ra xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là đường lối rất đúng đắn và sáng tạo. Nhưng trên thực tế, hiểu về nội hàm của vấn đề này hiểu chưa sâu, chưa toàn diện. Định hướng XHCN ở đây cần hiểu, chủ yếu nói về sự can thiệp của nhà nước là để bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội gắn với kinh tế phát triển. Đồng thời ngăn ngừa khủng hoảng và cạnh tranh kinh tế thiếu lành mạnh, chống tích tụ tư bản. Nhưng trên thực tế nền kinh tế của nước ta, sự can thiệp của nhà nước, bên cạnh có nhiều tác động tích cực thì đang là sự trở ngại của phát triển kinh tế. Biểu hiện tập trung nhất là cơ chế "xin cho" chưa xoá bỏ được, làm cho sản xuất kinh doanh thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh công bằng.
Cơ chế "xin cho" đẻ ra tư bản thân hữu. Tư bản thân hữu ẩn chứa lợi ích nhóm, thao túng quyền lực nhà nước. Việc duy trì quá lâu cơ chế "xin cho" đã tạo ra mâu thuẫn giữa tính định hướng XHCN và sự gieo mầm chế độ tư bản chủ nghĩa. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm rối loạn kỷ cương, xói mòn đạo lý, vô hiệu hoá việc thực hiện chủ trương phòng chống tham nhũng, lãng phí, suy thoái của Đảng và nhiều chủ trương chính sách khác.
Chúng ta nói mãi xóa bỏ cơ chế "xin cho", nói hàng chục năm nay rồi, nhưng sao không làm được? Có một nguyên nhân chính là một số khâu nào đó trong bộ máy nhà nước bị suy thoái, tha hoá ngày càng nghiêm trọng, nhóm lợi ích đang dùng cơ chế này như là một phương tiện, công cụ để đục khoét tài sản công một cách hữu hiệu nhất. Vì thế đã cản trở đến tư duy tích cực, hành động đổi mới thay đổi cơ chế, ngay trong nghiên cứu bổ sung sửa đổi luật pháp.
Việc xoá bỏ cơ chế "xin cho" là câu chuyện không mới, nhưng chúng ta không làm thì sẽ mất chế độ. Chúng ta sợ mất quyền lực, sợ quyền lực bị giám sát thì sẽ mất tất cả. Vậy xóa bỏ cơ chế này bằng cách nào? Sửa đổi luật, duy trì và giám sát thực hiện luật là cách duy nhất để thay đổi cơ chế "xin cho" trong thể chế nhà nước pháp quyền.
Các văn bản liên quan đến cơ chế xin cho rất nhiều, trước mắt cần sửa đổi các quy phạm pháp luật như: Luật Ngân sách, luật đầu tư, luật đấu thầu, luật đất đai… đảm bảo các quy định trong văn bản pháp luật không còn cơ chế xin cho.
Nguyễn Hòa Văn
SERIES: “Binh pháp” chống “giặc nội xâm” >>> Bài 1: Nhận thức về cuộc chiến chống "giặc nội xâm" >>> Bài 2: Yêu cầu chính trị và pháp luật trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” >>> Bài 3: Để cuộc chiến chống “giặc nội xâm” thắng lợi |
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Câu chuyện về hành trình theo đuổi đam mê của các gương mặt trẻ tại giải thưởng “Bền đam mê” (09:43 02/04/2025)
- Hoa hậu môi trường thế giới Nguyễn Thanh Hà: Lan tỏa thông điệp xanh tại sự kiện “Triệu cây xanh vì môi trường quốc gia” (07:55 23/03/2025)
- Ra mắt cuốn sách kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc (05:54 06/12/2024)
- Tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã giảm đáng kể (04:45 29/11/2024)
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)