Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Doanh nhân Hải Phòng - Vững tin vươn ra biển lớn

Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ Nguyễn Thành Phương cho biết, cách đây 14 năm, tập đoàn quyết định dấn thân vào phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụ thể là phát triển KCN nam Đình Vũ với quy mô 1300 ha hoàn toàn lấn biển. Lúc đó, rất nhiều người e ngại, lo lắng, nhưng sự quyết liệt, quyết tâm của Chủ tịch Trần Văn Thắng, đến nay, Sao Đỏ đã thành công, KCN nam Đình Vũ là một trong những mô hình phát triển KCN rất hiệu quả của Hải Phòng. Đây cũng chính là minh chứng cho thấy bản lĩnh, trí tuệ, ý chí của doanh nhân Hải Phòng, việc khó đến mấy cũng quyết tâm làm và làm bằng được, góp phần đắc lực xây dựng và phát triển thành phố.

Doanh nhân Nguyễn Văn Bình đón nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư xây dựng KCN Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng

Vượt qua những rủi ro và nỗi sợ hãi

Thời điểm cách đây 14 năm, việc một doanh nghiệp Việt Nam dám đầu tư phát triển KCN được đánh giá  rất cao. Bởi đây là một lĩnh vực khá mới tại Hải Phòng, Việt Nam, các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN của nước ngoài được đánh giá cao hơn bởi có nhiều kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế rất mạnh. Tập đoàn Sao Đỏ, xây dựng KCN nam Đình Vũ thực sự là sự dấn thân với biết bao rủi ro và nỗi sợ hãi. Bởi với 1300 ha KCN hoàn toàn lấn biển, “tiền tấn” sẽ phải đổ xuống biển và nếu không thành công thì cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ phá sản. Thế nhưng, Chủ tịch Tập đoàn Sao Đỏ Trần Văn Thắng; Tổng Giám đốc Nguyễn Thành Phương luôn tự tin vào chính mình, vào doanh nghiệp, vào tương lai phát triển của Hải Phòng và quyết tâm thực hiện giấc mơ, lý tưởng của mình.

Và trái ngọt đã tới khi đến nay, Sao Đỏ đã hoàn thành lấn biển 900 ha, tạo nên một KCN bề thế, tiếng tăm tại Hải Phòng, đã thu hút được hơn 60 nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới và Việt Nam với số vốn đầu tư hàng tỷ USD. Doanh nhân Nguyễn Thành Phương khẳng định, tới năm 2025, Sao Đỏ sẽ hoàn thành toàn bộ 400 ha lấn biển còn lại, một kế hoạch rất chắc chắn và tự tin.

Cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên “xông pha” vào lĩnh vực mới là phát triển KCN, doanh nhân Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Công ty CP Shinec vẫn luôn tự tin sẽ thành công mặc dù khởi đầu với rất nhiều “điểm yếu” cả về kinh nghiệm, nguồn vốn cũng như kỹ năng quản trị. Nhưng bản lĩnh, ý chí của doanh nhân Việt Nam, doanh nhân Hải Phòng đã chiến thắng. Doanh nhân Phạm Hồng Điệp đã “chèo lái” con thuyền doanh nghiệp vươn ra biển lớn, đi tới thành công. Đến nay, KCN nam cầu Kiền do Shinec đầu tư xây dựng với quy mô gần 200 ha đã trở thành một hình mẫu phát triển thành công và hiệu quả của Hải Phòng. Đặc biệt, doanh nhân Phạm Hồng Điệp còn là người đầu tiên định hướng và kiên trì phát triển KCN nam cầu Kiền thành KCN sinh thái từ cách đây hàng chục năm. Và đến nay thì KCN sinh thái đã trở thành mục tiêu, là xu thế phát triển tất yếu. Như thế, đã đủ thấy, doanh nhân Hải Phòng, cụ thể là Chủ tịch Shinec Phạm Hồng Điệp không chỉ hội đủ bản lĩnh vượt khó, tự tin mà còn đi trước và nắm bắt được xu thế thời đại. Sự thành công của KCN nam cầu Kiền là bàn đạp để Shinec tồn tại, phát triển vững mạnh và vươn tới những chân trời mới, cụ thể là tiếp tục phát triển KCN tại Hải Phòng và nhiều vùng đất mới.

Từ cách đây 30 năm, Hải Phòng đã được định hướng phát triển Khu Kinh tế, Khu công nghiệp. Và những người đầu tiên khai phá mảnh đất này là những doanh nghiệp nước ngoài đến từ Vương quốc Bỉ; Nhật Bản với sự thành lập của KCN Đình Vũ, KCN Nô- mu- ra (hiện đổi tên thành KCN Nhật Bản - Hải Phòng). Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, đã có thêm nhiều doanh nghiệp doanh nhân Hải Phòng, Việt Nam dám mạo hiểm dấn thân vào lĩnh vực này như doanh nhân Đặng Thành Tâm, Chủ tịch công ty Kinh Bắc với KCN Tràng Duệ, sau đó là các doanh nhân Trần Văn Thắng, Nguyễn Thành Phương , Phạm Hồng Điệp và mới đây là doanh nhân Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch; Nguyễn Văn Trường, Tổng Giám đốc Công ty Việt Phát khi bắt tay xây dựng KCN Tiên Thanh tại huyện Tiên Lãng với diện tích hơn 450 ha… Và còn rất nhiều nữa những doanh nghiệp khác đang sẵn sàng đầu tư vào hạ tầng KCN với niềm tự tin, tự hào sẽ thành công.

Với sự lãnh đạo của các doanh nhân năng động, nhiệt huyết Công ty CP Cảng Hải Phòng và Công ty CP Tập đoàn Hateco đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng xây dựng các bến cảng nước sâu số 3,4,5,6 Lạch Huyện

Thực tế phát triển của Hải Phòng cho thấy, phát triển KKT, KCN là xu thế tất yếu, là động lực, đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội thành phố. Đã có rất nhiều doanh nhân Hải Phòng đã nắm bắt xu thế, vận động theo xu thế với sự dũng cảm, sẵn sàng vượt qua chông gai thử thách, sự rủi ro và nỗi sợ hãi để thành công như những doanh nhân nói trên, chính họ đã góp phần đắc lực vào sự thành công của Hải Phòng khi đến nay đã có 14 KCN đang hoạt động, thu hút hơn 800 dự án đầu tư trong nước và nước ngoài với tổng số vốn đầu tư gần 39 tỷ USD. Các doanh nghiệp trong KKT, KCN của Hải Phòng hiện chiếm 82% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố; 95,2% kim ngạch xuất, nhập khẩu; nộp ngân sách liên tục tăng, năm 2022 đạt 17.842 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho khoảng gần 200.000 lao động trực tiếp. Nếu không có những doanh nhân dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua thử thách để đầu tư tạo dựng, thành lập KCN, chắc chắn, Hải Phòng sẽ không đạt được những thành tựu như vậy.

Vững tin và tự hào

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, đến nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có  26.658 doanh nghiệp đang hoạt động. 5 năm qua, trung bình mỗi năm Hải Phòng có khoảng 3.000 doanh nghiệp thành lập mới, cùng với đó là những lớp doanh nhân mới.

Trải qua các giai đoạn phát triển, cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Hải Phòng thêm vững tin và tự hào bởi đã có những đóng góp đáng kể đối với sự phát triển của thành phố và không ngừng lớn mạnh. Nhiều tên tuổi doanh nghiệp Hải Phòng có quá trình xây dựng và trưởng thành mấy chục năm qua vẫn luôn tạo được dấu ấn đặc biệt, nổi danh như Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong; Công ty CP Sơn Hải Phòng; Công ty CP Tập đoàn Hapaco (tiền thân là Xí nghiệp giấy Đồng Tiến); Công ty CP Thương mại Minh Khai; Công ty May Hai; Công ty Điện lực Hải Phòng; Công ty xăng dầu khu vực 3… Cùng với đó là một loạt các tên tuổi khác như Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng; Công ty CP Cảng Hải Phòng; Công ty Việt Phát; Nhật Hạ; Công ty CP đầu tư và du lịch Vạn Hương; Hoàng Huy; Shinec; Sao Đỏ; Công ty CP KCN Sài Gòn- Hải Phòng… Mỗi doanh nghiệp đều gắn với tên tuổi của các doanh nhân tràn đầy bản lĩnh nhiệt huyết và sự tự tin, trở thành niềm tự hào của Hải Phòng.

Cũng chính với những doanh nhân như vậy, doanh nghiệp Hải Phòng đã và đang đảm nhận nhiều dự án lớn, quan trọng của thành phố như các KCN Tràng Duệ; nam cầu Kiền; nam Đình Vũ; Tiên Thanh; Khách sạn 5 sao Pullman; Khu Du lịch quốc tế Đồi Rồng; các khu đô thị mới; các tòa nhà chung cư nhiều tầng… Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện doanh nghiệp Hải Phòng có 734 dự án đầu tư với tổng vốn khoảng 457.000 tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án có vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, chứng tỏ tiềm năng và thế mạnh của doanh nghiệp Hải Phòng.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp Hải Phòng đi đầu trong đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ mà nổi bật là Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast với sản phẩm xe ô tô chạy xăng và giờ đây là xe ô tô, xe máy điện cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Cùng với đó là các hoạt động đầu tư, đổi mới của Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong; Công ty CP Sơn Hải Phòng; Công ty TNHH Vico…

Doanh nghiệp Hải Phòng cũng giữ vai trò chủ lực trong số thu ngân sách hàng năm của thành phố; bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm nghìn lao động. Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, giai đoạn 2020-2023, tổng số kinh phí hỗ trợ đạt 384,5 tỷ đồng. Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Đỏ cho biết sẽ triển khai trong năm 2023 xây dựng tuyến đường song hành đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện, phường Đông Hải 2, quận Hải An tặng thành phố với trị giá khoảng 150 tỷ đồng.

Đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định, trong quá khứ, hiện tại và tương lai, doanh nghiệp khu vực tư nhân nói chung và doanh nghiệp Hải Phòng nói riêng chiếm số lượng lớn, đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự phát triển của thành phố, không chỉ về lĩnh vực kinh tế, mà còn cả về xã hội. Lãnh đạo thành phố Hải Phòng luôn nhất quán quan điểm coi doanh nghiệp là sức mạnh nội tại, là nguồn lực tự cường của thành phố; cùng chung tương lai, cộng đồng trách nhiệm vì nhân dân, vì sự phát triển của thành phố và đất nước.

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp kiên trì xây dựng KCN nam cầu Kiền trở thành KCN sinh thái

Lãnh đạo thành phố cam kết  sẽ dành sự quan tâm đặc biệt, sự hỗ trợ thực chất, hiệu quả để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Hải Phòng thật sự lớn mạnh. Đây là không phải là chủ trương lý thuyết, mà sẽ trở thành những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể mà Thường trực Thành ủy tập trung chỉ đạo thời gian tới. Theo đó, sẽ đồng hành doanh nghiệp tăng tốc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, CCHC, tập trung vào chuyển đổi số, tăng cường các hình thức tiếp xúc, đối thoại bằng nhiều hình thức, có thể phát triển mô hình cà phê doanh nhân; ngày thứ bẩy cùng Bí thư, Chủ tịch quận, huyện. Cùng với đó, thực hiện nghiêm công bố công khai các quy hoạch được phê duyệt để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; đơn giản hóa và hướng dẫn tận tình các thủ tục; công khai minh bạch và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai...

Đồng chí Bí thư Thành ủy khẳng định thành phố sẽ nghiên cứu ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy hoặc của Thành ủy về hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp của thành phố phát triển, nhất là hỗ trợ kết nối chuyển giao công nghệ, tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp FDI, tạo mối liên kết hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, hoàn thành trong năm 2023.

Đây chính là động lực, điểm tựa để doanh nghiệp, doanh nhân  Hải Phòng càng thêm vững tin và kỳ vọng vào sự phát triển, lớn mạnh hơn nữa trong thời gian tới, cùng thành phố thực hiện các khát vọng phát triển.

                                                               Trọng Hồng

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top