Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023

Sáng 24/2, thực hiện Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024”, Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023. 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn_ Ảnh: Vietnamnet

Đến dự và chủ trì diễn đàn có ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT; ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các đơn vị của Bộ TT-TT, lãnh đạo các cơ quan báo chí trung ương và địa phương…

Quan tâm hơn đến đặt hàng báo chí

Tại diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, báo chí hiện đang gặp khó khăn về vấn đề tài chính. “Các cơ quan báo, truyền hình tại Bình Định đã chuyển sang kinh tế đặt hàng. Nhà nước vẫn đảm bảo ngân sách đặt hàng, nuôi sống cơ quan báo chí.  Ngoài ra, cơ quan báo chí có thể ký hợp đồng với các đơn vị có nhu cầu về truyền thông. Năm nay, tỉnh Bình Định cũng dành khoản tiền để đặt hàng cơ quan báo chí”, ông Phạm Anh Tuấn nói. 

Ông Phạm Anh Tuấn nhận định, các cơ quan báo chí phải có định mức, đơn giá đã xây dựng và được cơ quan chủ quản, cơ quan liên quan thống nhất. Đây là điều kiện tối thiểu, bắt buộc. “Hiện nay, chính quyền địa phương ngày càng quan tâm hơn đến việc đặt hàng. Các sở ngành, quận huyện địa phương có khoản tiền dành cho truyền thông. Như vậy, việc quan trọng là bố trí ngân sách đã có”, ông Tuấn chia sẻ.

Mô hình đánh giá cơ quan báo chí

Phó Trưởng ban Nhân Dân điện tử (báo Nhân Dân) Ngô Việt Anh cho biết, báo chí có nhiều khó khăn trong việc tăng nguồn thu. Báo chí khó khăn trong việc cạnh tranh truyền thông xã hội, thiếu cơ chế đặt hàng báo chí,  và tình trạng vi phạm bản quyền. Cùng với đó, báo chí đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi số, chiến lược kinh doanh chưa phù hợp.

Theo ông Ngô Việt Anh, Việt Nam hiện nay nhiều cơ quan chưa rạch ròi giữa việc tuyên truyền và truyền thông chính sách. Đây là nguồn thu rất lớn của các cơ quan báo chí, thậm chí là nguồn thu quan trọng. Hiện các cơ quan báo chí có quan tâm nhưng chưa đầy đủ.

Ông Ngô Việt Anh đưa ra một mô hình đặt hàng điển hình tại Hàn Quốc có thể tham khảo. Họ có quỹ báo chí quốc gia, là cơ quan thuộc chính phủ, tập hợp tất cả đặt hàng từ các cơ quan nhà nước. Họ đánh giá đặt hàng của các cơ quan đó phù hợp với đơn vị báo chí nào sau đó thực hiện giống như mời thầu. Sau khi sản phẩm ra, họ sẽ đánh giá, đưa các cơ quan báo chí vào các nhóm A, B… sau đó để các bộ, ngành lựa chọn. 

Việc chuyển đổi số trong nội tại cơ quan báo chí đang gặp nhiều vấn đề. Chuyển đổi số trên mạng xã hội chưa được các cơ quan báo chí chú trọng, một số báo cho rằng đó là kênh phát tán chứ chưa chú trọng chính vào môi trường này - Ông Ngô Việt Anh nhận định.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm_Ảnh: Vietnamnet

Tập huấn quản lý tài chính, đa dạng nguồn thu

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho rằng, Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ báo chí. Bộ TT&TT rà soát lại những nghị định, văn bản liên quan đến những vấn đề liên quan đến kinh tế báo chí”, ông Trần Thanh Lâm nói.

Theo ông Lâm, những ý kiến tại diễn đàn nên chuyển đến tất cả cơ quan báo chí khác không tham dự. Cùng với đó, nên có những buổi tập huấn riêng cho những người làm về cách thức, thủ tục về mặt tài chính cho các báo. Các cơ quan báo chí cần có một Phó Tổng biên tập, Phó Tổng giám đốc phụ trách về tài chính, quản lý, không nhất thiết về nội dung.

Ông Cao Anh Minh, Tổng giám đốc Đài truyền hình TP.HCM, cho rằng trước sự cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng đa truyền thông hiện đại, các cơ quan báo chí cần phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại hiệu quả sản xuất chương trình, để vừa thực hiện tốt vai trò tuyên truyền chính trị vừa đảm bảo tận dụng được các nền tảng truyền thông mới để thu hút nguồn doanh thu quảng cáo. Điều này cần được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, giúp các đơn vị báo chí tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, tăng cường sức cạnh tranh với các doanh nghiệp truyền thông trong và ngoài nước.

Ông Mai Vũ Tuấn, Giám đốc, Tổng biên tập Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, cho rằng đa dạng hóa nguồn thu là yêu cầu tiên quyết cho sự phát triển bền vững của các cơ quan báo chí hiện nay. Ông Tuấn kiến nghị Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Tài chính ban hành các đơn giá định mức hoạt động của đơn vị sự nghiệp báo chí, như: phương tiện đi lại, trang thiết bị phục vụ tác nghiệp, có chính sách miễn giảm nghĩa vụ tài chính, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí…

 Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm_ Ảnh: PV

Tích cực tháo gỡ cho kinh tế báo chí

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, kinh tế báo chí là mối lo hàng ngày nhưng trên truyền thông chưa có nhiều diễn đàn nói về kinh tế báo chí.

“Diễn đàn lần này được tổ chức vào đúng thời điểm trên thế giới các nền tảng mạng xã hội lớn nhất, kiếm được doanh thu quảng cáo nhiều nhất giờ đây đang đứng trước xu hướng sụt giảm và sa thải hàng loạt nhân viên. Theo chia sẻ, cuối năm 2022 vừa qua doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo chí giảm gần như theo chiều thẳng đứng. Đến đầu năm 2023 vẫn chưa thấy dấu hiệu phục hồi”, ông Nguyễn Thanh Lâm cho hay.

Ông Lâm chia sẻ, mặc dù những nguồn lực khác được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, nhiều cơ quan vẫn còn lúng túng trong việc tháo gỡ. Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT đây cũng chính là một phần trách nhiệm từ phía các cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các cơ chế chính sách hiện chưa kịp thời.

Những vấn đề vướng mắc như thuế, đặt hàng… sẽ được Bộ tổng hợp và báo cáo với Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội. “Thời gian tới, khi Thủ tướng ký chỉ thị về tăng cường công tác truyền thông chính sách, các địa phương sẽ bố trí nguồn lực cho truyền thông chính sách, trong đó có đặt hàng báo chí và truyền thông cơ sở. Trong năm nay, chắc chắn sẽ có kết quả”, ông Lâm nói.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, hàng tháng, Bộ sẽ có cuộc họp báo. Những cuộc họp đó sẽ mời các bộ, ngành liên quan cùng tháo gỡ các vướng mắc về kinh tế báo chí. 

Theo thống kê của Cục Báo chí (Bộ TT&TT), báo chí đã có nhiều đóng góp vào thành công trong phòng, chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam nhưng nghịch lý là doanh thu báo chí có sự sụt giảm mạnh dù tỷ lệ người xem, người đọc tăng lên. Qua khảo sát, nắm bắt số liệu của 159 cơ quan báo chí in, điện tử (81 báo, 78 tạp chí) và đài phát thanh, truyền hình trong 2 năm đại dịch, tổng doanh thu đều giảm.

Hiện báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Nếu như trước đây, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% thì giờ đây sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in. Nhiều người đặt kỳ vọng vào báo chí điện tử, song nguồn thu từ báo chí điện tử dù tăng nhưng vẫn cần nhiều thời gian để có được nguồn thu bền vững hơn.

Nếu chỉ trông chờ và phụ thuộc nhiều vào quảng cáo thì các cơ quan báo chí sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu, trong bối cảnh các doanh nghiệp tìm đến quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google ngày càng nhiều hơn. Thêm nữa, việc các trang tin, trang mạng xã hội lấy lại nội dung có chọn lọc một cách chủ đích từ các cơ quan báo chí cũng thu hút doanh thu quảng cáo khiến "miếng bánh" kinh tế cho các cơ quan báo chí ngày một nhỏ đi.

TH

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top