Điểm yếu 'chết người' của doanh nghiệp nhỏ và vừa
23:39 28/08/2016
- Báo chí & Doanh nghiệp
Rất nhiều nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được quy định trong Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV, tuy nhiên một trong những điểm yếu “chết người” của DNNVV chính thiếu hiểu biết pháp luật thì không được đề cập…
DNNVV rất cần được hỗ trợ pháp lý. Ảnh minh họa
Có quy định nhưng chưa hiệu quả
Các “gói” hỗ trợ pháp lý dành cho DN đã được quy định tại Nghị định 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho DN và Quyết định 585/QĐ-TTg ngày 5/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DN giai đoạn 2010-2014. Tuy nhiên, rất nhiều DN, nhất là DNNVV tỏ ra lúng túng mỗi khi “đụng đến các vấn đề liên quan đến pháp luật.
Tại Hội nghị “Giải pháp nâng cao hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” do Sở Tư pháp Hà Nội phối hợp với Hiệp hội DNNVV Việt Nam tại Hà Nội mới đây, bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, mặc dù chính sách hỗ trợ pháp lý cho các DN, kể cả các DNNVV đã có nhưng cho tới nay việc thực hiện cơ bản là chưa hiệu quả, chưa sát sao.
Nguyên nhân được bà Hạnh chỉ ra là do việc phổ cập kiến thức liên quan đến pháp lý dành cho khối DN hiện nay còn yếu, kém và thiếu sót khi chưa đưa vấn đề pháp lý làm trụ cột trong quá trình phát triển của các DN.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam, ông Tô Hoài Nam nhận định, với đa số DN Việt Nam hiện nay là DNNVV, lại rất non trẻ, thiếu kinh nghiệm, chưa có am hiểu đầy đủ các quy định của pháp luật và thường không “để tâm” nhiều đến các vấn đề pháp lý, pháp chế DN...
“Vì vậy, các “gói” hỗ trợ về pháp lý rất cần thiết đối với các DNNVV. Nhưng liệu rằng, các cơ quan chức năng, các DN đã cùng “chung lưng đấu cật” để thúc đẩy vai trò của “gói” hỗ trợ này tới các DN hay chưa?”- ông Nam đặt vấn đề.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng…”
Thực tế cho thấy, phần lớn các DN “nhận trực tiếp các “gói” hỗ trợ dịch vụ pháp lý từ phía các cá nhân, các tổ chức hành nghề luật hoặc các hiệp hội bảo vệ quyền lợi cho họ, sự tham gia từ phía các cơ quan nhà nước, các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong công tác hỗ trợ pháp lý dành cho các DN, đặc biệt là các DNNVV còn rất nhiều hạn chế…
Với tỷ lệ DNNVV chiếm tới 95 % trên tổng số các DN đang hoạt động hiện nay, thực tế cho thấy nhiều chủ DNNVV có thể là những người có chuyên môn cứng, lành nghề và có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh theo đăng ký nhưng lại rất thiếu kinh nghiệm, hiểu biết về pháp luật DN, đặc biệt các quy định liên quan đến tổ chức, thực hiện DN trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật.
DN kinh doanh đặt mục tiêu hàng đầu là lợi nhuận song thực tế không ít DN mải mê với việc kinh doanh mà coi các vấn đề khác không phải mối bận tâm quá lớn bao gồm cả vấn đề về pháp chế, pháp lý, dẫn đến khi có tranh chấp nhiều DN đã không thể trụ vững.
Trong khi các DN lớn đã có bộ phận pháp chế trong DN, hoặc có luật sư riêng thì nhiều DNNVV lại rằng không cần thiết hoặc đắn đo với chi phí thuê luật sư dẫn đến trạng thái “mất bò mới lo làm chuồng”, khi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, bất đồng về quan điểm, lợi ích… thì mới tá hỏa lo “làm chuồng” .
Chính vì vậy, sự hỗ trợ pháp lý từ phía các cơ quan nhà nước hoặc do các chuyên gia, các nhóm, các tổ chức có khả năng, hiểu biết pháp luật DN đối với đối tượng DNNVV là rất cần thiết và quan trọng.
Cần luật hóa
Với các quy định hiện hành, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, thật khó hiểu những hỗ trợ, tư vấn về pháp lý mà Nhà nước cũng như các chuyên gia, các tổ chức hỗ trợ tư vấn cho DNNVV bao gồm những nội dung gì. Phải chăng đây là một “gói” hỗ trợ mở để “tùy cơ ứng biến”, để “liệu cơm gắp mắm”?
Với việc Bộ KH&ĐT đang soạn thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, nhiều ý kiến cho rằng cần đưa thêm nội dung hỗ trợ pháp lý cho DNNVV vào Luật. Thay vì quy định một cách máy móc, cứng nhắc, cần thiết quy định một cách rõ ràng Nhà nước “trợ giúp” gì cho các DNNVV.
Theo các chuyên gia, hiện các DNNVV đang rất cần những hỗ trợ về mặt pháp lý như: tăng cường năng lực tiếp cận thông tin, chính sách pháp luật cho DNNVV thông qua các trang web chuyên biệt; liên tục vận động, tổ chức, tuyên truyền, bồi dưỡng pháp luật và ý thức pháp luật cho các DNNVV; xây dựng các đội ngũ chuyên gia tư vấn pháp luật, pháp lý dành cho các DN khi họ có nhu cầu; bám sát hoạt động và khuyến nghị nguy cơ rủi ro về pháp lý cho các DN; xây dựng mạng lưới hỗ trợ pháp lý dành cho DNNVV ở các địa phương trên cả nước để đảm bảo cơ chế hỗ trợ nhanh, gọn, chính xác và kịp thời cho các DN….
“Rất cần thiết phải thống kê hết các chương trình hỗ trợ DNNVV đang được thực hiện tại Việt Nam để Luật hóa. Ví dụ, một trong những yếu điểm "chết người" của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp là không có hoặc thiếu kinh nghiệm thương trường, thiếu hiểu biết pháp luật... nên rất cần phải được hỗ trợ một cách bài bản, thường xuyên, liên tục, vậy các chương trình hỗ trợ pháp lý theo Nghị định 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về Hỗ trợ pháp lý cho DN… cần được Luật hóa…”
(Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT Hải Dương)
“Trong thời gian qua Nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật cho phù hợp với các cam kết quốc tế khi gia nhập các Hiệp định thương mại, tổ chức quốc tế. Nhưng qua báo chí và thông tin mà VCCI Cần Thơ có được thì phần lớn các DNNVV chưa nắm bắt kịp do kiến thức pháp luật còn nhiều hạn chế. Do vậy, cần đưa nội dung hỗ trợ pháp lý cho DN vào Luật nhằm cung cấp những kiến thức pháp lý cần thiết cho DN trong quá trình hội nhập hiện nay…”
(Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ)
Nguồn: PLVN
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Tập đoàn Stavian nhận giải thưởng nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024 (03:33 22/11/2024)
- BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực trong giai đoạn phát triển mới (03:02 21/11/2024)
- Vinamilk nhận loạt giải thưởng về quản trị và phát triển bền vững (03:19 20/11/2024)
- Khám phá Vietjet Green Friday, ưu đãi lớn nhất năm, bay xanh khắp thế giới! (02:34 19/11/2024)
- Phú Quốc sẽ có dự án Bệnh viện quốc tế Mặt trời do Sun Group đầu tư xây dựng (10:45 18/11/2024)