'Điểm sáng' trong đời sống văn hóa tinh thần của đất nước
17:59 22/08/2016
- Hoạt động công tác Hội
Nhân dịp Hội Nhà báo Việt Nam vừa tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 10 năm Giải Báo chí Quốc gia, Tạp chí Người Làm Báo đã có cuộc trao đổi với một số thành viên hội đồng chấm giải Giải Báo chí Quốc gia lần thứ X năm 2015. Nội dung cuộc trao đổi như sau:
Nhà báo Phan Quang, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
Giải Báo chí Quốc gia là Giải thưởng văn hóa đàng hoàng, minh bạch, có tác động thúc đẩy báo giới thường xuyên nâng cao năng lực tác nghiệp và đạo đức nghề nghiệp, đạt hiệu quả tốt trên nhiều mặt. Giải là điểm hẹn, là niềm tự hào của báo giới Việt Nam và cả những ai quan tâm đến báo chí, truyền thông.
Nếu cuối thập niên 1990, chúng ta ghi nhận Giải Báo chí góp phần làm nên diện mạo báo chí Việt Nam thì ngày nay có thể khẳng định: Giải Báo chí Quốc gia thể hiện diện mạo thu nhỏ của báo chí Việt Nam, tôn vinh, lưu giữ phần tinh túy của nền báo chí ấy, góp phần gìn giữ di sản văn hóa Việt Nam. Thành công ấy là sự tích hợp tài năng, trí tuệ, tâm huyết của mấy thế hệ nhà báo trong cả nước 10 năm qua, nếu tính cả tiền thân của Giải là Giải Báo chí toàn Quốc được thành lập theo Quyết định của Trung ương năm 1991, thì đã là một phần tư thế kỷ.
Tạo được thành công là niềm tự hào, mọi sơ suất, bất cập - chưa nói biểu hiện thiếu trong sáng - đều có thể dẫn đến chuyện lình xình “hậu giải”. Một giải báo chí có uy tín nhất thế giới là Giải Pulitzer của Mỹ, được tổ chức, điều hành khoa học với bề dày hơn 100 năm, vậy mà như chúng ta biết, cách đây không lâu đã để xảy ra một vụ bê bối, nhà báo được trao giải bị đuổi việc, chủ bút báo The New York Times là cơ quan gửi tác phẩm rởm dự thi, phải từ chức. Nói như vậy, không phải là huênh hoang ta bằng họ, ta hơn họ, mà chính là nhận chân thực tại, tìm cách hoàn thiện Giải Báo chí Quốc gia của chúng ta ngày càng tỏa sáng hơn.
Thiển nghĩ, có những vấn đề không dễ xử lý luôn, mà đòi hỏi phải có thời gian. Phải chăng những cải tiến nào được sự đồng thuận cao, Chủ tịch Giải kết luận, thì sẽ áp dụng cho việc thực hiện giải năm tới. Một số vấn đề nếu còn phải tiếp tục suy nghĩ, bàn luận thỉnh thị cấp trên, thì chờ đến lúc nào tìm ra giải pháp đúng sẽ đưa vào thực hiện.
Cũng có một số vấn đề không đề cập trong báo cáo, nhưng không ít người trăn trở. Chẳng hạn, việc tuyển chọn tác phẩm dự thi thông qua hai bước, sơ khảo và chung khảo theo thông lệ, nhiều năm đạt kết quả tốt, không có chuyện khiếu nại “hậu giải”, tuy nhiên sức ép thời gian thật nặng nề. Phải “săm soi” trên dưới 1.650 tác phẩm (tính năm vừa qua), trong đó có tác phẩm dài đến 125 trang, những tác phẩm thể loại truyền hình dài 60 phút... Số tác phẩm được giải nói chung đều trải qua quá trình chọn lọc khắt khe.
Tôi nghĩ có lẽ Lãnh đạo Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia, mà thường trực là Hội Nhà báo Việt Nam nên lập một tổ chuyên gia giúp việc nghiên cứu, lặng lẽ tham vấn một số người trong nước, tìm hiểu kinh nghiệm nước ngoài, không cần phải hội thảo, tọa đàm nếu không thật cần thiết, rồi đề xuất kiến nghị lên Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia và Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam xem xét, quyết định.
Nhà báo Lê Quốc Trung, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam
Trong 10 năm qua, báo chí nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nếu trong những năm đầu của Giải Báo chí Quốc gia, báo điện tử chỉ mới là bước đi chập chững thì nay đã thành xu thế phát triển chung của báo chí. Sự phát triển của các loại hình báo chí đã làm cho cơ cấu giải phải thay đổi, bổ sung cho phù hợp.
Cần phải cân đối số lượng để giải xứng tầm là một giải quốc gia, đặc biệt là đối với Giải A. Những tác phẩm đoạt Giải A được coi là những tác phẩm xuất sắc nhất của báo chí nước nhà trong 1 năm, cho nên được xét chọn rất chặt chẽ và mỗi loại giải chỉ có duy nhất một Giải A. Như vậy hiện nay, 1 năm nhiều nhất cũng chỉ trao 11 Giải A.
Theo cơ cấu hiện nay, các giải được chấm theo thể loại của từng loại hình báo chí. Việc này có thể dẫn đến có tác phẩm ở loại giải này được giải cao (vì đạt tiêu chí của giải ở loại hình đó) nhưng có thể chưa xuất sắc bằng một tác phẩm khác được giải thấp hơn ở loại giải khác. Ví dụ: ở báo in có 2 hoặc 3 phóng sự xuất sắc, có tác động xã hội rất lớn, nhưng cùng nằm trong báo in nên chỉ có một tác phẩm được Giải A, những tác phẩm còn lại chỉ có thể đoạt Giải B, trong khi đó, ở báo điện tử cũng có một tác phẩm phóng sự xuất sắc và đứng đầu trong loại giải đó nên mặc dù có thể chưa xuất sắc bằng 3 tác phẩm kia của báo in nhưng lại có cơ hội đoạt Giải A. Giải A trong trường hợp này không phải là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của báo chí nói chung. Tình trạng này không phải không thể xảy ra.
Hiện nay, Giải A được quy định cố định là mỗi loại giải không quá 1 Giải A trong khi các Giải B, C do Hội đồng chung khảo quyết định trên cơ sở chất lượng và số lượng tác phẩm vào vòng chung khảo. Điều này dẫn đến tình trạng nêu trên là có thể trong một loại giải có nhiều tác phẩm xứng đáng đoạt Giải A hơn các tác phẩm ở loại giải khác nhưng cũng chỉ 1 tác phẩm được Giải A.
Theo dõi Giải trong 10 năm qua, tôi thấy có một số cơ quan báo chí gần như không thể tham gia giải. Thí dụ một số cơ quan báo chí phục vụ đối tượng thiếu niên nhi đồng hoặc đồng bào dân tộc, miền núi. Viết cho các đối tượng này thường ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu. Nếu xếp chung trong các loại giải theo loại hình báo chí hiện nay, rất khó đoạt giải, chính vì vậy rất ít tác phẩm phục vụ các đối tượng này đoạt giải trong 10 năm qua.
Như đã nói ở trên, cơ cấu giải hiện nay tương đối hợp lý, nhưng để khắc phục những bất cập đã nêu và nâng cao hơn nữa chất lượng giải vẫn cần tiếp tục xem xét cải tiến cơ cấu giải. Có thể vẫn dựa trên cơ sở cơ cấu giải hiện nay, tùy theo tình hình phát triển của báo điện tử, báo phát thanh và báo chí nói chung, điều chỉnh số lượng các loại giải bảo đảm sự bình đẳng, thống nhất giữa các loại hình báo chí. Đồng thời cần xem lại quy định khung cứng nhắc mỗi loại giải chỉ có tối đa 1 Giải A theo hướng giao cho Hội đồng chung khảo căn cứ chất lượng cụ thể của từng năm quyết định. Như vậy số lượng giải có thể tăng lên.
TS Trần Bá Dung, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban Thư ký tổng hợp Giải Báo chí Quốc gia
Ở sân Đài PT-TH Đồng Nai có một tảng đá không đẹp lắm, nhưng khách đến ai cũng vào chụp ảnh. Đó là tảng đá khắc tên những nhà báo của Đài đoạt Giải Báo chí Quốc gia. Tôi biết, đây là nơi đầu tiên trong làng báo Việt Nam làm việc này. Ai cũng thấy ý nghĩa thật sâu sắc. Chưa hết, Đài PT-TH Đồng Nai còn là nơi mạnh dạn có cơ chế tặng thêm 100% giá trị giải thưởng cho các nhà báo đoạt Giải. Đó là một cách đầu tư đúng, trúng, đời và độc đáo. Đầu tư từ những đề tài nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn thông qua những câu chuyện bình dị.
Ở Đài PT-TH Nghệ An cũng vậy, ngoài việc đầu tư cho tác giả có đề tài tốt, chọn tác phẩm tốt hàng tuần, hàng tháng, Đài cũng có hình thức tôn vinh cho tác giả đoạt giải, thưởng gấp 2,5 lần giá trị giải thưởng của Giải Báo chí Quốc gia (Đài đã nhiều lần đoạt giải cao Giải Báo chí Quốc gia).
Còn Báo Đầu tư, có cách đầu tư cũng rất phong cách như nhà đầu tư. 10 năm nay, tôi biết, vào thứ 6 hàng tuần, Báo đều mở lớp học và trao đổi nghiệp vụ cho phóng viên. Đến một khái niệm phóng sự ảnh cũng được hỏi, tranh luận sôi nổi cả tiếng đồng hồ. Một cái tít báo được giảng viên đưa ra cũng được cả hội trường phản biện...
Đó là những cách đầu tư hiệu quả mà tôi biết. Đương nhiên, trước hết phải là nỗ lực của mỗi nhà báo. Thế nên, muốn có giải cần phải đầu tư./.
PV
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Giải Vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam sẽ diễn ra trong tháng 12/2024 (04:01 18/11/2024)
- Hội Nhà báo Việt Nam tiếp xã giao đoàn Đại sứ Cuba (05:29 21/10/2024)
- Vinh danh 22 tác phẩm đoạt Giải báo chí Tây Nguyên lần thứ I (12:41 05/08/2024)
- Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam thăm, chúc mừng Sư đoàn 312 (05:21 26/12/2023)
- Nâng cao đạo đức nghề nghiêp, trách nhiệm của người làm báo (01:02 18/11/2023)