Để có phóng sự hay
15:30 28/06/2016
- Hoạt động công tác Hội
Làm thế nào để có một phóng sự hay, hấp dẫn và tạo hiệu ứng xã hội cao là trăn trở những người làm hiện nay. Đây cũng chính là nội dung trao đổi tại Hội thảo báo chí khu vực đồng bằng duyên hải Bắc Bộ với chủ đề “Để có một phóng sự hay” do Hội Nhà báo Hưng Yên tổ chức ngày 27/5.
Thể loại phóng sự luôn được chú trọng và chiếm vị trí mũi nhọn, trở thành "bài đinh" của mỗi số báo. (Ảnh: PV)
Cái khó của làm phóng sự
Trong các thể loại báo chí, phóng sự là thể loại có khả năng diễn tả phong phú, thu hút độc giả trong quá trình phản ánh hiện thực và có sức chiến đấu cao. Thời gian qua, lãnh đạo các cơ quan báo, đài đã rất chú trọng tới việc làm thế nào để có một phóng sự hay, thu hút độc giả, tạo hiệu ứng xã hội cao nên đã tích cực động viên, khuyến khích phóng viên tìm tòi, sáng tạo, quan sát và lắng nghe để phát hiện vấn đề mới, đang được dư luận xã hội quan tâm. Trên thực tế, thể loại phóng sự luôn được chú trọng và chiếm vị trí mũi nhọn, trở thành “bài đinh” của mỗi số báo. Song, để viết được phóng sự hay, đòi hỏi phóng viên phải tìm tòi, công phu, vốn kiến thức rộng, có nhiều kinh nghiệm trong phát hiện vấn đề và khai thác thông tin… Thực tế điều này không phải phóng viên nào cũng làm được. Bên cạnh đó, trong quá trình khai thác thông tin, thu thập tư liệu, nhà báo gặp phải nhiều rào cản, phải đối mặt với khó khăn, vất vả, thậm chí là nguy hiểm rình rập, tốn công sức nên dễ tạo ra tâm lý ngại viết hoặc chỉ viết chung chung, vô thưởng vô phạt. Đó là chưa kể, phóng viên còn phải chịu áp lực về định mức tin, bài nên một số bài viết đơn điệu mặc dù phát hiện đề tài hay nhưng chưa đi sâu khai thác vấn đề, đào sâu suy nghĩ, do đó rất khó có được một phóng sự hay và thật sự tạo nên hiệu ứng xã hội…
Theo nhà báo Trần Đăng Khoa, Quyền Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Hà Nam, để làm được một phóng sự hay thì trước hết phải phát hiện đề tài hay, dám đi sâu khai thác thông tin; lãnh đạo các cơ quan báo, đài cần phải mạnh dạn động viên, khuyến khích và tin tưởng trao quyền tự chủ cho phóng viên thực hiện đề tài; tôn trọng phóng viên tác nghiệp nhưng vẫn cần sự kiểm soát chặt chẽ về nội dung tư tưởng và luật pháp quy định.
Bàn về vai trò của lãnh đạo, nhà báo Đỗ Thị Thìn, Tổng biên tập Báo Thái Nguyên, cho rằng, cần phải động viên, khuyến khích, tạo điều kiện về vật chất cũng như động viên tinh thần cho phóng viên khi thực hiện những đề tài phóng sự gai góc. Với người lãnh đạo, cần định hướng, tư vấn cho phóng viên nhưng tránh can thiệp quá sâu, cho dù đó là vấn đề thuận chiều hay trái chiều.
Nhà báo Thu Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ninh lại cho rằng, thực hiện phóng sự về mặt trái của xã hội dễ, còn “khen” lại rất khó; Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm khi làm loạt phóng sự về trận mưa lụt lịch sử ở Quảng Ninh và thực trạng “hậu” dự án cầu Bãi Cháy là những bài học quý trong kinh nghiệm viết phóng sự.
Nhà báo phải có tâm, có “tầm” và “con mắt nhà nghề”
Ngoài việc các cấp lãnh đạo các cơ quan báo chí động viên, khuyến khích phóng viên tác nghiệp, bản thân mỗi nhà báo cũng cần tự rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ, phải luôn học hỏi, lắng nghe, dũng cảm và dám dấn thân tìm tòi phát hiện những đề tài hay, phản ánh sinh động những vấn đề thời sự đang thu hút sự quan tâm của độc giả.
Theo nhà báo Vũ Anh Thao, Tổng biên tập Báo Thái Bình, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Bình, làm phóng sự rất khó nhưng các báo, đài phát thanh và truyền hình phải thực hiện vì “thương hiệu”. Các phóng sự, ngoài tính mới lạ và phát hiện, việc đặt tít cũng rất quan trọng Với báo in, báo điện tử, các tít phải độc, lạ và gợi sự tò mò với độc giả. Còn với thể loại phát thanh và truyền hình, nên đi thẳng vào vấn đề, không nên né tránh. Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Báo Hà Nam lại cho rằng, phóng sự là một câu chuyện hoàn chỉnh. Để có phóng sự hay, phóng viên phải dũng cảm và dấn thân. Tuy nhiên, sự quan tâm cũng như niềm tin của lãnh đạo cũng rất cần thiết. Phải như “bà đỡ mát tay” cho các phóng sự có chất lượng cao ra đời!
Các ý kiến phát biểu tại hội thảo đều nhấn mạnh: Nhà báo phải nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp và trách nhiệm với xã hội; bằng cách chịu khó lăn lộn, trải nghiệm cuộc sống, dũng cảm, dấn thân tìm tòi phóng viên mới phát hiện nhiều đề tài hay, nhiều chi tiết đắt giá cho phóng sự. Có điều, cuộc sống được tạo nên bởi vô số mối quan hệ không đơn giản, vì vậy các chi tiết tình huống, thông tin khi đăng tải phóng viên cần cân nhắc, lựa chọn xem đâu là “mảnh ghép” mình cần, đâu là chi tiết “đắt” phải xây dựng. Điều này đòi hỏi phóng viên phải nhạy bén, chủ động tiếp cận và khai thác triệt để tình huống, chất liệu thông tin và chỉ có thực tế cuộc sống sẽ dẫn dắt, giúp phóng viên điều chỉnh kết cấu và cách thể hiện phóng sự phù hợp với đề tài đặt ra!
Thùy Dung
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Giải Vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam sẽ diễn ra trong tháng 12/2024 (04:01 18/11/2024)
- Hội Nhà báo Việt Nam tiếp xã giao đoàn Đại sứ Cuba (05:29 21/10/2024)
- Vinh danh 22 tác phẩm đoạt Giải báo chí Tây Nguyên lần thứ I (12:41 05/08/2024)
- Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam thăm, chúc mừng Sư đoàn 312 (05:21 26/12/2023)
- Nâng cao đạo đức nghề nghiêp, trách nhiệm của người làm báo (01:02 18/11/2023)