Để có mùa xuân thống nhất

Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai (1920 - 2002), người chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa, còn được biết đến với với biệt danh Mai Hồng Quế, đã có những đóng góp thầm lặng nhưng to lớn cho chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), để đi đến chiến thắng cuối cùng vào mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.

Ông Trần Văn Lai cùng gia đình đoàn tụ sau ngày thống nhất 2 miền Nam - Bắc. Ảnh: TL

Con đường cách mạng chông gai

Ai đã từng xem bộ phim Biệt động Sài Gòn chắc hẳn không thể quên hình ảnh ông chủ hãng sơn Đông Á điển trai, hào hoa, thanh lịch trong bộ phim nổi tiếng ấy. Ít ai biết rằng, Anh hùng Trần Văn Lai chính là nguyên mẫu nhân vật chính của một trong những câu chuyện tình đẹp nhất thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người âm thầm xây hầm chứa vũ khí và ém quân tiến đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân năm 1968 gần nửa thế kỷ trước.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông tham gia công tác tuyên truyền, xây dựng cơ sở, lực lượng cách mạng trong đơn vị của Trung tướng Nguyễn Bình, Tư lệnh của các lực lượng vũ trang miền Nam. Những năm 1945 - 1954, ông được cử làm Tổ trưởng Chiến đấu Thanh niên Tiền phong Công đoàn thành Sài Gòn, Tổ trưởng Trừ gian Phá hoại Ban công tác 1 thuộc 10 Ban Công tác thành thuộc Chiến khu 7 và Tiểu đội trưởng Vận động thành, thuộc Tiểu đoàn Quyết tử 950 Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ 1952 - 1954 là cán bộ nằm vùng tổ chức xây dựng cơ sở thuộc Quận ủy 2 (Công ty 2) thành Sài Gòn.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Trần Văn Lai được Đảng giao nhiệm vụ ở lại Sài Gòn hoạt động, vì đã xây dựng được nhiều cơ sở trong nhân dân, được nhân dân đùm bọc, che chở. Để che mắt địch, ông đã tổ chức các nghiệp đoàn công khai đấu tranh hợp pháp và bắt đầu nhận nhiệm vụ xây dựng các cơ sở bí mật trong nội thành Sài Gòn. Trong quá trình hoạt động, ông đã vận chuyển hàng tấn vũ khí vào nội đô, xây dựng được trên 20 cơ sở đặc biệt tin cậy, và tự tay thiết kế, xây dựng 7 căn hầm tại các nhà riêng của mình dùng để cất giấu vũ khí, nuôi giấu cán bộ hoạt động tại nội thành Sài Gòn.

Ông Trần Văn Lai cùng các con. Ảnh: TL

Vang mãi những chiến công hiển hách

Để có một cuộc tấn công thẳng vào Dinh Độc Lập, “trái tim” của Mỹ - ngụy, Trần Văn Lai đã chuẩn bị suốt 6 năm từ khi Quân khu ủy chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, cất giấu vũ khí cho nhiệm vụ chiến lược.

Khi nhận nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, biết đây là một nhiệm vụ rất lớn và vô cùng gian khó nên Trần Văn Lai đã phải bán hai căn biệt thự của mình ở số 6 và số 8 Tự Đức, quận Phú Nhuận (nay là Nguyễn Thị Huỳnh, phường 8, quận Phú Nhuận) trích ra 800.000 đồng Sài Gòn gửi vào nhà băng Trung Quốc để chi dùng cho công cuộc cách mạng của Quân khu (hiện vẫn còn tập séc của nhà băng Trung Quốc đề tên Mai Hồng Quế, điều này có xác nhận của nhiều người). Đồng thời mua 7 căn nhà gần những mục tiêu ta sẽ tấn công như: Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ, Đài Phát thanh... Đặc biệt là mua căn nhà số 287 Trần Quý Cáp, gồm 3 căn liền nhau 68, 70, 72 để đào thành một căn hầm chứa vũ khí. Số vũ khí này đã được sử dụng đánh Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tòa Đại sứ Mỹ...

Sau Chiến dịch Mậu Thân 1968, Trần Văn Lai bị lộ. Ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa truy bắt gắt gao và treo thưởng 1 triệu đồng cho những ai bắt được ông. Phần lớn tài sản bị địch tịch thu, bản thân Trần Văn Lai phải tạm lánh về quê vợ ở Quảng Ngãi nương náu. Đến năm 1970 và 1972, ông hai lần bị địch bắt giam ở Quảng Ngãi, nhưng với tên giả là Phạm Sửu, chúng vẫn không biết được hoạt động trước đây của ông ở Sài Gòn.

Tiếp nối gương sáng

Sau khi kết thúc chiến tranh, Anh hùng Trần Văn Lai về công tác tại Đơn vị Tiền phương B12, Bộ Tư lệnh thành đội Sài Gòn - Gia Định, được giao nhiệm vụ truy quét tàn quân địch, tiếp quản nhà của quân địch khi bỏ chạy. Sau đó làm Trưởng Ban quản lý Thương xá Tam Đa. Năm 1977, ông về công tác Phòng Tổng kết chiến tranh, Bộ Tư lệnh Thành phố, là Thương binh hạng 1/4, mất 81% sức khỏe, nên năm 1981 nghỉ hưu, năm 2002 qua đời do hậu quả của đòn roi trong nhà tù Mỹ - ngụy trước đây. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, những chiến công đã làm nên huyền thoại của Biệt động Sài Gòn, năm 2015, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, rời quê hương từ tấm bé, có lúc cận kề với cái chết, nhưng Anh hùng Trần Văn Lai vẫn luôn đau đáu nhớ về quê hương. Ông sợ lỡ hy sinh, vợ và các con không biết đường tìm về nguồn cội nên ông đặt tên các con đều gắn với địa danh quê hương Vũ Đông, Kiến Xương, Thái Bình, đó là: Trần Vũ Đông, Trần Vũ Tiên, Trần Kiến Xương, Trần Vũ Bình, Trần Vũ Long, vì điều kiện hoạt động đơn tuyến bí mật nên các con của ông đều được sinh ra trong Vùng giải phóng Củ Chi, mãi cho đến ngày giải phóng 5 người con đầu của ông mới được cấp giấy khai sinh đúng vào 1 ngày 07/5/1979.

Riêng đứa con út Trần Thị Thanh Vui (1977) chào đời khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, ông đặt tên Vui lót chữ Thanh, ý nghĩa vui mừng đất nước được thanh bình và một ý nghĩa nữa, ngày giải phóng có nhà báo quân đội Nguyễn Thanh (tác giả kịch bản bộ phim Biệt động Sài Gòn) là nhà báo đầu tiên đến gặp phỏng vấn và giúp ông tìm ra người mẹ và người em duy nhất còn sống ở quê hương Thái Bình, ông nhớ ơn ông Nguyễn Thanh ý nghĩa là vậy.

Anh Trần Kiến Xương (tức Trần Vũ Bình), con trai ông Trần Văn Lai cùng gia đình bên chiếc xe kỷ vật năm xưa của gia đình. Ảnh: NVCC

Ngay sau giải phóng, thống nhất hai miền Nam - Bắc, ông đã gửi tặng quê hương xã Vũ Đông 1 pho hình nổi Bác Hồ do những nghệ nhân phục vụ trong Dinh Độc Lập làm, có kèm 2 câu thơ: “Còn nhỏ ơn xóm nghĩa làng/Lớn lên ơn Bác muôn vàn kính yêu”. Và câu chuyện cảm động về cuộc đoàn tụ sau hơn 40 năm xa cách, giữa Trần Văn Lai với mẹ và em trai ông đã được được khắc hoạ trong bộ phim tài liệu lịch sử “Từ Tết đầu tiên đến Tết này” và phát sóng trên VTV nhân dịp Tết Bính Thân 2016...

Tiếp nối truyền thống gia đình, các con của ông, đặc biệt là anh Trần Vũ Bình hiện đang đảm nhiệm công tác Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, có một cách báo hiếu độc đáo là tự mình nghiên cứu, tìm tòi để hiểu thấu đáo mọi hoạt động của cha mẹ mình, anh nhớ từng chi tiết, từng chiến công của mỗi người, để có thể kể lại cho mọi người. Nhưng điều đặc biệt là, tất cả những căn nhà, những chiếc xe mà cha mẹ anh mua để hoạt động phục vụ cách mạng, anh đều tìm cách mua lại (có cái phải chấp nhận giá đắt nhất).

Sau đó anh đã dày công sưu tập tư liệu, vũ khí để hình thành các bảo tàng giới thiệu về hoạt động của Biệt động Sài Gòn, trong đó có cha mẹ mình. Đặc biệt, bảo tàng “Kho vũ khí dùng để đánh vào Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968” ở nội thành Sài Gòn, đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia. Đến nay, Trần Vũ Bình cùng gia đình cũng đã hiến tặng cho các Bảo tàng nhiều hiện vật xe ô tô, vật dụng mà cha anh và đơn vị đã sử dụng trong hoạt động biệt động.

Trong 7 cơ sở của cha mẹ anh, có nhiều cái đã được công nhận là Di tích lịch sử, đặc biệt là căn nhà 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu (Trần Quý Cáp), phường 5, quận 3 đã được công nhận Di tích đặc biệt cấp Quốc gia. Đã có nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đã đến thăm và vô cùng khâm phục các chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Năm 2005, kỷ niệm 30 năm giải phóng Sài Gòn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân cũng đã đến thăm lại di tích lịch sử đặc biệt này.

Một mùa Xuân nữa đã đến. Nhớ về những mùa Xuân đầu tiên khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, lòng người lại bùi ngùi nhớ về những hy sinh thầm lặng, vẻ vang của những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm xưa. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, dấu tích của một thời kỳ lịch sử đấu tranh khốc liệt cũng dần phai mờ, bao câu chuyện xung quanh những con người phi thường vẫn còn đó nhiều bí mật cần tiếp tục được giải mã./.

Nam Lâm

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top