Công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội: Bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả

Tại Tọa đàm góp ý dự thảo Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội Khóa XV”, các chuyên gia khẳng định, việc xây dựng, ban hành Đề án là chủ trương đúng đắn, quan trọng nhằm làm cho công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội phải ngày càng bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Thông tin kịp thời, tin cậy, chính xác 

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà, những năm qua, Đảng đoàn Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội đã luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao Văn phòng Quốc hội không ngừng cải tiến, đổi mới nội dung, phương thức thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội. Thông qua việc tổ chức hiệu quả hoạt động thông tin công chúng của Quốc hội nói chung và hoạt động của các cơ quan báo chí nói riêng đã chuyển tải kịp thời thông tin tin cậy, chính xác về hoạt động của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội tới cử tri, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, tạo điều kiện để cử tri giám sát hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, khẳng định vai trò, vị thế của Quốc hội. 

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, trước yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư và chuyển đổi số, đặc biệt xuất phát từ yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội Khóa XV, đòi hỏi cần sớm xây dựng định hướng chính sách về công tác truyền thông của Quốc hội bảo đảm chuyên nghiệp, thống nhất. Chính vì vậy, trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đảng đoàn Quốc hội đã giao Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Chiến lược truyền thông về hoạt động của Quốc hội Khoá XV. Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 944-NQ/ĐĐQH15 về việc thành lập Ban chỉ đạo Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV đã được ban hành.

Tại toạ đàm, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng cường, đổi mới công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chủ trương xây dựng, ban hành Đề án về công tác này là hết sức đúng đắn nhằm làm cho công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội ngày càng bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn nữa, tăng cường sự tương tác hai chiều giữa Quốc hội, đại biểu Quốc hội với cử tri và Nhân dân cả nước. TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, cho rằng, chức năng của truyền thông là thông tin, dẫn dắt dư luận, phản biện các quyết sách của Quốc hội, hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội một cách chủ động, minh bạch, công khai, dân chủ, qua đó, dẫn dắt để công chúng hiểu đúng, hiểu đầy đủ về  các quyết sách của Quốc hội. 

Phải căn cơ, đầy đủ và khả thi

Đánh giá cao trách nhiệm, công sức và tâm huyết của Ban Chỉ đạo và Tổ Soạn thảo đã xây dựng được dự thảo Đề án rất công phu, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh cũng cho rằng, cần nhận diện rất sâu sắc về vai trò, vị trí của công tác truyền thông về Quốc hội trong hệ thống truyền thông quốc gia xuất phát từ vị thế, vai trò đặc biệt và đặc điểm các công việc của Quốc hội. Đơn cử, nếu các bộ, ngành chủ yếu thông tin theo lĩnh vực quản lý, điều hành, các địa phương thông tin theo phạm vi lãnh thổ thì thông tin về Quốc hội liên quan tới toàn bộ kinh tế - xã hội của đất nước, diện bao phủ rất lớn và rộng khắp, phức tạp.

Bên cạnh đó, cần đặt mục tiêu rõ ràng trong dự thảo Đề án là phải ngăn chặn có hiệu quả hệ thống thông tin truyền thông chống phá Đảng, Nhà nước và các hoạt động của Quốc hội. Điều này trong các nghị quyết của Đảng cũng đã nêu rất rõ. “Các kênh thông tin truyền thông của Quốc hội cũng phải có trách nhiệm thông tin về việc Quốc hội luật hóa kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng vì đây là nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan lập pháp”, TS. Bùi Ngọc Thanh lưu ý.

Nhấn mạnh tính khả thi của dự thảo Đề án để bảo đảm việc thực thi trong thực tế, TS. Nhị Lê cho rằng, cần lưu tâm tới đội ngũ truyền thông và các công cụ truyền thông của Quốc hội và ngoài Quốc hội. Một nhóm vấn đề nữa là cơ chế vận hành, quy chế phối hợp trong Quốc hội và ngoài Quốc hội; thể chế bảo đảm sự phối hợp giữa các loại hình truyền thông, các lĩnh vực truyền thông về Quốc hội. Bên cạnh đó, TS. Nhị Lê cũng đề xuất sửa đổi tên Đề án thành “Tăng cường truyền thông về hoạt động của Quốc hội” bởi đây là đề án mang tầm chiến lược. 

Liên quan đến vấn đề truyền thông chính sách, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, sự tương tác hai chiều trong xây dựng chính sách là hết sức quan trọng. Phải có tính tương tác thì công chúng mới quan tâm để từ đó có sự lan tỏa, truyền thông chính sách mới tốt hơn. Cho rằng, các phóng viên phải là người đi đầu trong công tác này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng nêu rõ, phải có lực lượng cung cấp thông tin cho báo chí. Vậy lực lượng này là từ các vụ, cục, đơn vị chuyên môn của Văn phòng Quốc hội hay các đại biểu Quốc hội chuyên trách, Thường trực các Ủy ban phụ trách lĩnh vực, chủ trì thẩm tra các dự luật? 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu dự thảo Đề án phải tính toán kỹ lưỡng các đề xuất, chính sách cụ thể, chẳng hạn như đặt hàng sản phẩm thế nào, định lượng và cân đối tài chính ra sao, hay việc đầu tư cho Báo Đại biểu Nhân dân và Truyền hình Quốc hội xây dựng bộ phận cung cấp thông tin để có thể chuyển tải đến các cơ quan báo chí khác, đến mạng xã hội và các nhân vật có tầm ảnh hưởng để họ có thông tin chính thống như thế nào... Tất cả những vấn đề này đều phải được lượng hóa trong Đề án thì mới có thể thực hiện được. 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo Đề án tiếp thu ý kiến tại toạ đàm, tập trung hoàn thiện dự thảo Đề án, bảo đảm tính cụ thể, khả thi hơn để công tác thông tin, truyền thông về hoạt động của Quốc hội phải được thực hiện chuyên nghiệp, thông tin đầy đủ để người dân nắm bắt được và hiểu rõ hoạt động của Quốc hội. 

Theo baodaibieunhandan.vn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top