Còn mãi Truông Bồn

Đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, báo Quân đội nhân dân cuối tuần đăng bài thơ “Còn mãi Truông Bồn” của nhà báo, nhà thơ PGS,TS Nguyễn Hồng Vinh. Trang thơ Người Làm Báo vừa nhận được bài bình về bài thơ này của Nhà phê bình văn học, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú. Trân trọng giới thiệu bài viết này:

Di tích Truông Bồn - xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An

CÒN MÃI TRUÔNG BỒN

 

Chỉ còn mấy giờ thôi

Giặc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc

 

Chỉ còn mấy giờ thôi, các em được về với Mẹ

Lúa đồng quê quấn quýt người thân

Lời trầu cau xóm ngõ râm ran

Em vào học trường y

Em tươi cười hôn lễ

Em giêng hai hò hẹn hội làng...

 

Chỉ còn mấy giờ thôi mà mãi mãi

Các em ra đi ở độ tuổi xuân thì

Nghiệt ngã chiến tranh, thêm lần nữa

Bom rơi

Truông Bồn

Bom rơi!...

 

Suốt dọc Trường Sơn bao địa danh ngời chói

Những con số linh thiêng chấp chới hồn xuân:

12 cô Truông Bồn

10 cô Ngã ba Đồng Lộc

8 cô hang đá Quảng Bình

Bao nhiêu cô gái hy sinh

Để làm nên một con đường Giải phóng!

 

Tôi tìm về triền hoa mua hoàng hôn tím

Dâng nhành thơ trước mộ các em

Toạ độ lửa năm xưa, nay cây xanh, ngói đỏ

Ai ru huyền thoại Truông Bồn...

Du khách đến thăm Di tích Truông Bồn

Một áng thơ hay, cảm động!

Thơ viết về Truông Bồn đã có nhiều, vì đó là đối tượng thẩm mỹ xứng đáng được ngợi ca, được trân trọng, bởi nhờ có những Truông Bồn bất tử như thế mới góp phần làm cho chiến công thắng Mỹ của dân tộc ta trở thành bất tử. Với cách tiếp cận đặc thù nhân vật, Nguyễn Hồng Vinh đã tạo ra một áng thơ riêng, đó là cách xây dựng tình huống theo cách của kịch, tạo ra kịch tính, như một “độ căng” cần thiết để nhân vật trữ tình xuất hiện trong lô gich tưởng tượng tất yếu là như thế:

Chỉ còn mấy giờ thôi

Giặc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc

Thơ miêu tả dù hay cũng chưa vào hàng tuyệt bút. Thơ hay xưa nay đều chú ý gợi hơn là tả. Không miêu tả sự vật mà nói đến sức ám ảnh của chính sự vật ấy tạo ra, mới là “cao tay”. Qua đó, người đọc vừa hình dung được cái vẻ ngoài, vừa nắm bắt, thẩm thấu cái tinh hoa bên trong của sự vật. Câu mở đầu của bài thơ “Chỉ còn mấy giờ nữa thôi” là như vậy. Thời gian trừu tượng, nhưng lại tạo ra cảm giác không gian vật lý như bị bị nén lại, cô lại cao nhất có thể. Đó là thời điểm mang tính gạch nối giữa chiến tranh và hòa bình. Phải từng sống trong những ngày đó mới thấy “mấy giờ” kia căng thẳng, hồi hộp như thế nào. Phải thấy sự tàn phá khủng khiếp của bom Mỹ dội xuống gây ra bao cái chết cho người thân trên mảnh đất quê hương mình mới thấy “mấy giờ” kia dồn nén bao khát khao hòa bình, bao khát khao chờ đợi sự bình yên đến mức nào...

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh thắp nhang ở nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 (Quảng Trị)

Thế nên “chỉ còn mấy giờ nữa thôi” được nhắc lại ở đầu khổ hai là đúng với logich tâm trạng:

Chỉ còn mấy giờ thôi, các em được về với Mẹ

Lúa đồng quê quấn quýt người thân

Lời trầu cau xóm ngõ râm ran

Em vào học trường y

Em tươi cười hôn lễ

Em giêng hai hò hẹn hội làng...

Thì ra “chỉ còn mấy giờ nữa thôi” là cái bản lề nghệ thuật khép mở hai thế giới không gian: chiến tranh và bình yên; chết chóc và sự sống; mất mát, thương đau và hạnh phúc sum vầy; tàn phá bi ai và phồn sinh lễ hội... Cũng là khép mở hai thế giới tâm trạng căng thẳng, cảnh giác và thoải mái, tự do... Một thế giới của hòa bình, êm ấm, bình yên hiện lên trong tưởng tượng: đồng quê yêu dấu, người mẹ thân thương, trầu cau, hôn lễ, hội làng... Đó là Hạnh phúc!

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh thắp nhang tưởng niệm 8 nữ thanh niên xung phong ở hang đá Quảng Bình

Nhưng. Cũng trong khoảng thời gian “chỉ còn mấy giờ” nữa thì:

Chỉ còn mấy giờ thôi mà mãi mãi

Các em ra đi ở độ tuổi xuân thì

Nghiệt ngã chiến tranh, thêm lần nữa

Bom rơi

Truông Bồn

Bom rơi!...

Một bi kịch xót xa nhất lại xảy ra: các em – những cô gái Truông Bồn ngã xuống. Họ ra đi ở độ tuổi đẹp nhất “tuổi xuân thì”, mang theo những khát vọng đẹp nhất, cũng bình thường, giản dị nhất về bình yên. Câu thơ như đau theo chủ thể trữ tình, nghẹn lại theo nhịp bom rơi: “Bom rơi/ Truông Bồn/ Bom rơi...”...

Rồi như chợt bừng tỉnh, nhà thơ đối thoại với hiện thực:

Suốt dọc Trường Sơn bao địa danh ngời chói

Những con số linh thiêng chấp chới hồn xuân:

12 cô Truông Bồn

10 cô Ngã ba Đồng Lộc

8 cô hang đá Quảng Bình

Bao nhiêu cô gái hy sinh

Để làm nên một con đường Giải phóng!

Thanh niên xung phong Truông Bồn san lấp hố bom năm 1968. Nguồn: báo Nghệ An

Một ngẫm ngợi rất gợi: không biết “bao nhiêu cô gái hy sinh” như thế mới “làm nên một con đường Giải phóng!”. Suy nghĩ ấy tất sẽ có những hành động tri ân:

Tôi tìm về triền hoa mua hoàng hôn tím

Dâng nhành thơ trước mộ các em

Toạ độ lửa năm xưa, nay cây xanh, ngói đỏ

Ai ru huyền thoại Truông Bồn...

Dâng hương là tâm linh thường ngày, thường tình, “dâng nhành thơ” là vươn lên một hành vi văn hóa để tưởng nhớ, biết ơn, kính trọng những con người đã lấy xương máu mình điểm tô thêm cho văn hóa Việt rực rỡ sắc màu, để cho đất nước này mãi mãi xanh ngát màu xanh hòa bình, hy vọng.

Khép lại câu chữ, nhưng mở ra không gian sâu thẳm nghĩa tình trong lòng người, đọng lại một chữ “ai” da diết: “Ai ru huyền thoại Truông Bồn...”. Ai cũng tìm thấy mình trong chữ “ai” đó, để cùng hướng về lịch sử, để cùng biết ơn, tri ân các Liệt sĩ! Bài thơ còn là sự nhắn nhủ, kết nối đồng cảm để cùng đồng vọng hướng về các Anh Hùng! Đối với mỗi người dân đất Việt, truyền thống “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “đền ơn đáp nghĩa” mãi được thắp sáng trong tâm khảm!

Hà Nội, tháng 7/2022

PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top