Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Báo chí với công tác phòng, chống bạo lực trẻ em

Tạp chí Người Làm Báo xin giới thiệu bài tham luận của TS Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội thảo: "Tăng cường sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng" tổ chức ngày 12/10, tại Hà Nội.

Các đại biểu chủ trì hội thảo. Ảnh: PV

Đặt vấn đề

Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, do Đảng ta và Bác Hồ thành lập ngày 21/4/1950, tại chiến khu Việt Bắc. Hội là tổ chức đoàn kết, tập hợp những người làm báo cả nước dưới một mái nhà chung, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và tuân theo pháp luật.

Trong Luật Báo chí do Quốc hội ban hành (1990, 1999 và Luật 2016 có hiệu lực từ 1/1/2017) đều ghi rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN).

Trong suốt quá trình hoạt động hơn 65 năm qua, HNBVN luôn luôn phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với các tổ chức xã hội ở Trung ương và địa phương, trong việc tập hợp, động viên, tổ chức cho hội viên nhà báo cả nước, tham gia các hoạt động xã hội, vì mục tiêu chung là phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đối với Hội Bảo vệ quyền trẻ em (BVQTE), Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã có mối quan hệ hợp tác từ nhiều năm nay theo hướng đó. Cách đây hơn 2 năm, hai Hội đã kí kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2014 - 2016.

Tại Hội thảo này, cùng với việc kí kết chương trình phối hợp giai đoạn 2016 – 2018 giữa hai Hội, tham luận này đề cập chủ đề: Cơ hội và sự tham gia của các cơ quan báo chí trong việc tham gia chiến dịch phòng chống bạo lực trẻ em.

1. Vai trò và cơ hội lớn của các cơ quan báo chí, của các cấp hội trong tham gia phòng chống bạo lực trẻ em

Hiện nay, cả nước có hơn 800 cơ quan báo chí với 4 loại hình báo chí: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình. Chưa kể hơn ngàn trang tin điện tử cũng tham gia việc cung cấp thông tin, truyền thông cho công chúng, ở tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Báo chí có mặt ở tất cả các lĩnh vực đời sống, các địa phương, các ngành, nghề, các tổ chức xã hội…

Về phương diện cung cấp thông tin cho xã hội, báo chí phục vụ tất cả mọi lứa tuổi (từ thiếu nhi học mẫu giáo đến người cao tuổi), tất cả các thành phần (mọi ngành nghề, khu vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động xã hội… đều có báo chí riêng), mọi nơi (tất cả các vùng, miền trong cả nước), mọi lúc (báo chí cập nhật thông tin lien tục cả 24 giờ trong ngày).

Quan điểm của Đảng nhấn mạnh báo chí của ta là báo chí cách mạng, báo chí phục vụ nhân dân, vì nhân dân, của nhân dân, đáp ứng nhu cầu thông tin của mọi tầng lớp nhân dân, chứ không đơn thuần là phương tiện kinh doanh.

Về lực lượng lao động báo chí, cả nước có gần 40 nghìn người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó có hơn 17 nghìn người được cấp thẻ nhà báo để hành nghề.

Về tổ chức Hội Nhà báo, có 63 Hội nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên Chi hội và gần 200 Chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, quản lí hơn 23 nghìn hội viên hoạt động trong tất cả các cơ quan báo chí và cơ quan quản lí, chỉ đạo báo chí, cơ quan đào tạo, nghiên cứu báo chí…

Một cách khái quát, hơn 800 cơ quan báo chí là lực lượng hùng hậu và là cơ hội lớn ít có ngành nghề nào có được trong việc tham gia các hoạt động bảo vệ quyền trẻ em. Đó là cơ hội có mặt ở tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, các địa phương, khu vực, mọi nơi mọi lúc, để đưa tin, phản ánh các hoạt động bảo vệ quyền trẻ em.

Đối với Hội nhà báo Việt Nam: Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam có vai trò, chức năng và có điều kiện trong việc tập hợp, đoàn kết hội viên – nhà báo cả nước thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng nói chung, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ quyền trẻ em.

Đối với việc báo chí tham gia bảo vệ quyền trẻ em, Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện các vai trò, chức năng dưới đây:

Tổ chức tập hợp, động viên, tạo điều kiện để hội viên tham gia tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ quyền trẻ em; Phản ánh, giám sát, phản biện hoạt động của các địa phương, tổ chức, các cơ quan… trong việc tham gia bảo vệ quyền trẻ em;

Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, cung cấp kiến thức, kỹ năng truyền thông về bảo vệ quyền trẻ em nói chung đặc biệt là vấn đề phòng, chống bạo lực với trẻ em, cho các nhà báo. Nâng cao kỹ năng viết tin, bài về trẻ em, về chấm dứt bạo lực với trẻ em.

Là diễn đàn tập hợp ý kiến của các nhà báo, hội viên về các sáng kiến, cơ hội và lộ trình tham gia của các cơ quan báo chí, truyền thông, các nhà báo trong việc chấm dứt nạn bạo lực trẻ em;

Khen thưởng kịp thời những hội viên, nhà báo có thành tích xuất sắc trong việc tham gia phòng chống bạo lực với trẻ em.

2. Trách nhiệm và sự tham gia của các cơ quan báo chí, truyền thông trong phòng chống bạo lực trẻ em

2.1. Trách nhiệm, nghĩa vụ đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân

Các cơ sở pháp lý và chính trị

Luật Báo chí hiện hành (sửa đổi, bổ sung năm 1999), tại Điều 6 nêu rõ:

“Báo chí có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân;

Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hoá lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân;

Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác…”.

Hiến pháp 1992 quy định tại Điều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Đây là quyền mới được bổ sung vào Hiến pháp (các bản Hiến pháp của Việt Nam trước đó như Hiến pháp năm 1946, năm 1959 và năm 1980 đều chưa quy định về quyền này).

Điều này phù hợp với Điều 19 Tuyên ngôn về nhân quyền của Liên Hợp Quốc: “Có quyền tìm kiếm, thu thập, truyền bá thông tin và ý kiến bằng bất kì phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới”;…

Và, để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, đồng thời nội luật hóa một số quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhiều quy định về quyền được tiếp cận thông tin và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin do cơ quan nhà nước nắm giữ, đã được ban hành trong các văn bản pháp luật, nhất là các luật chuyên ngành.

Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cũng nêu rõ quan điểm, định hướng của Đảng trong việc “Phát triển hệ thống thông tin đại chúng”:

“Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước…”

Từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới (từ 1986), Việt Nam từng bước xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật phù hợp hơn với bối cảnh mới của đất nước. Trong đó, các quy định về công khai thông tin, về quyền được thông tin của người dân, về trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng… được đưa vào trong nhiều văn bản pháp luật.

Khẳng định, báo chí - công luận là một trong bốn hệ thống giám sát xã hội, giám sát cán bộ, đảng viên, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 - lần 2, ngày 2/2/1999, nêu rõ:

“Sử dụng đồng bộ hệ thống giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là sự giám sát của tổ chức Đảng, trước hết là từ chi bộ, sự giám sát của nhân dân và các cơ quan đại diện nhân dân, sự giám sát của công luận...”

Cơ sở thực tiễn

Trên thực tế, hệ thống báo chí chuyên ngành và cả những cơ quan báo chí không chuyên ngành về trẻ em, trong hoạt động của mình đã tạo điều kiện, đã tổ chức cho các nhà báo tham gia hoạt động bảo vệ quyền trẻ em và phòng, chống bạo lực với trẻ em. Đó là việc thành lập các tờ báo, tạp chí chuyên ngành về trẻ em, mở các chuyên trang, chuyên mục, cử phóng viên chuyên trách về lĩnh vực này.

Cơ quan báo chí đã cùng với các tổ chức hội của Hội BVQTE cung cấp kiến thức cho các nhà báo trong các cơ quan thông tấn, báo chí, phóng viên trong các CLB nhà báo Bảo vệ quyền trẻ em, về thực trạng bạo lực với trẻ em hiện nay tại Việt Nam, phân tích tác động của bạo lực với trẻ em, chia sẻ một số kinh nghiệm phòng chống bảo lực tốt và đề xuất giải pháp để chấm dứt bạo lực với trẻ em.

Các cơ quan báo chí cùng với các tổ chức hội của Hội BVQTE đã thường xuyên tăng cường sự tham gia của Câu lạc bộ nhà báo Bảo vệ quyền trẻ em và một số cơ quan thông tấn, báo chí trong việc truyền thông phòng, chống bạo lực với trẻ em.

2.2. Nội dung và hình thức tham gia:

2.2.1. Nội dung:

Báo chí tham gia phòng chống nạn bạo lực với trẻ em với những nội dung chính sau đây:

Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ quyền trẻ em, trong đó có phòng chống nạn bạo lực với trẻ em;

Phản ánh, giám sát, phản biện chủ trương, chính sách và các hoạt động của các địa phương, tổ chức, các cơ quan trong việc tham gia bảo vệ quyền trẻ em; Biểu dương những kinh nghiệm, cách làm hay, gương điển hình; Phát hiện và phê phán những yếu kém, bất cập.

Góp phần cung cấp kiến thức, kỹ năng cho trẻ em, cho các thành viên trong xã hội nói chung về bảo vệ quyền trẻ em nói chung đặc biệt là vấn đề phòng, chống bạo lực với trẻ em, về chấm dứt bạo lực với trẻ em.

Là diễn đàn tập hợp ý kiến của các nhà báo, hội viên về các sáng kiến, cơ hội và lộ trình tham gia của các cơ quan báo chí, truyền thông, các nhà báo trong việc chấm dứt nạn bạo lực trẻ em;

Phản ánh về thực trạng nạn bạo lực với trẻ em, phát hiện và hỗ trợ trẻ em bị bạo lực tại Việt Nam;

Phân tích nguyên nhân, sự ảnh hưởng của bạo lực đến thể chất và tâm lý của trẻ em và các giải pháp, thông qua việc mời chuyên gia, hoặc đại diện tổ chức xã hội có kinh nghiệm trong lĩnh vực này phát biểu trên báo chí.

Giới thiệu mô hình, phương hướng thực hiện phòng, chống bạo lực với trẻ em đạt hiệu quả.

2.2.2. Hình thức:

Với báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình, đều mở các chuyên trang, chuyên mục về trẻ em.

Không chỉ có báo chí của người lớn, do người lớn thực hiện, còn có báo chí do chính trẻ em làm để nói về mình (trong đó có các CLB phóng viên nhỏ…)

Về thể loại báo chí:

Báo chí sử dụng hầu hết các thể loại nghiệp vụ để thông tin về trẻ em, từ đưa  tin đến bình luận, chuyên luận, tọa đàm, giao lưu, ảnh báo chí...

3. Một số vấn đề về nghiệp vụ

3.1. Tổ chức thông tin, tuyên truyền về phòng chống bạo lực trẻ em

Thực tế cho thấy, nạn bạo lực với trẻ em vẫn còn nhiều và là nỗi nhức nhối đối với xã hội, với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Do vậy, cần có các chiến dịch lớn do Hội BVQTE và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các tổ chức, các ngành, đoàn thể… tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về phòng chống bạo lực trẻ em.

3.2. Khắc phục những bất cập về nghiệp vụ báo chí trong tuyên truyền phòng chống bạo lực trẻ em:

Trong lĩnh vực này, nhiều cơ quan báo chí chưa quan tâm một cách thường xuyên. Thậm chí có nơi chưa quan tâm, ít quan tâm.

Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa thường xuyên và chưa chặt chẽ.

Trong nghiệp vụ đưa tin về trẻ em, về phòng chống bạo lực với trẻ em, vẫn còn tình trạng yếu về kĩ năng tiếp cận, khai thác thông tin, kĩ năng đưa tin, kĩ năng thể hiện vấn đề; còn bất cập về văn hóa đưa tin về trẻ em…

3.3. Một số giải pháp cụ thể

Hội BVQTE và Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng kế hoạch mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí về trẻ em, dành cho các nhà báo viết về trẻ em và các phóng viên nhỏ…

Đầu tư để tăng cường hoạt động và nâng cao chất lượng các trang thông tin điện tử chuyên về báo chí với trẻ em (của Hội BVQTE và Hội Nhà báo Việt Nam).

Tổ chức Giải Báo chí về Trẻ em, để thu hút thêm lực lượng báo chí về trẻ em, về phòng, chống bạo lực với trẻ em.

Kết luận

Sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ trẻ em là của toàn dân. Tuy nhiên, vai trò và nhiệm vụ của những người làm báo và của Hội BVQTE là rất nặng nề và vẻ vang. Muốn nâng cao chất lượng hoạt động bảo vệ quyền trẻ em và phòng chống bạo lực với trẻ em, cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa giữa HNBVN và HBVQTE Việt Nam.

Các nhà báo cần tận dụng hơn nữa cơ hội báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, phương tiện và diễn đàn xã hội rộng lớn để nhân dân thực hiện quyền thông tin và quyền được thông tin.

Trên cơ sở đó, hai Hội mới tập hợp, thúc đẩy, động viên được hội viên, nhà báo tham gia tích cực và có hiệu quả đối với việc bảo vệ quyền trẻ em và chấm dứt nạn bạo lực với trẻ em./.

TS Trần Bá Dung
Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ, 
Hội Nhà báo Việt Nam

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.