Chương trình “ATM rác" góp phần bảo vệ môi trường
16:34 05/10/2022
- Báo chí địa phương
Sau 6 tháng triển khai chương trình Ngân hàng “Gửi rác - Rút tiền”, Công ty Cổ phần Xi măng và xây dựng Quảng Ninh (trụ sở tại thành phố Uông Bí) đã thu gom được hơn 20 tấn rác thải tái chế và chuyển cho khách hàng trên 100 triệu đồng. Đây là chương trình “ATM rác" đầu tiên được thực hiện tại một nhà máy sản xuất xi măng ở Việt Nam, không chỉ nhằm mục tiêu tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế trong sản xuất mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải nhà kính, cùng với tỉnh Quảng Ninh chuyển đổi phát triển kinh tế từ “nâu sang xanh”.
Xuất phát từ việc nguyên liệu sản xuất xi măng, nhất là nguồn than nung clinker là nguồn tài nguyên không tái tạo có giá thành rất cao và ngày càng cạn kiệt, Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh đã hình thành ý tưởng sử dụng nguồn nguyên liệu thay thế từ rác thải. Qua đó vừa giải quyết bài toán về nguyên liệu thay thế trong sản xuất xi măng, tiết kiệm chi phí, vừa xử lý được khối lượng lớn rác thải nhựa, rác thải tái chế trong dân cư và các công trình, nhà máy, khu công nghiệp…
Nói về những tác động kép từ chương trình Ngân hàng “Gửi rác-rút tiền”, ông Vũ Trọng Hiệt, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng và xây dựng Quảng Ninh, cho biết: Qua sử dụng rác tái chế vào nung clinker cho sản xuất xi măng, Công ty tiết kiệm được khoảng 10-15% khối lượng than. Với giá than cám 4A có thời điểm lên tới trên 2 triệu đồng/tấn, trong một năm, việc sử dụng nguyên rác tái chế làm nguyên liệu sẽ làm lợi được hơn 13 tỉ đồng, vấn đề chính là giảm khí thải các bon, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, xây dựng ý thức cho người trong Công ty và cộng đồng xã hội về bảo vệ môi trường.
Từ ngày 1/4/2022, Công ty Cổ phần Xi măng và xây dựng Quảng Ninh triển khai chương trình Vrac Bank “Gửi rác - Rút tiền” (đặt tại Nhà máy Xi măng Lam Thạch, phường Phương Nam, thành phố Uông Bí). Vào đầu giờ sáng thứ 4 và thứ 6 hằng tuần, cán bộ, công nhân, người lao động của Công ty và nhân dân phường Phương Nam sẽ thu gom các loại rác như rác thải nhựa, kim loại, giấy, vải vụn... để đổi lấy tiền. Khi rác thải tái chế mang lên đổi, sau khi định lượng và tính thành tiền, các khách hàng sẽ nhận được tem phiếu ghi rõ số tiền, số điểm tích lũy, nhận tiền mặt (hoặc chuyển khoản) ngay lập tức.
Khách hàng có thể để dành số tiền đó trong tài khoản để tiết kiệm. Những người gom được trên 100 kg sẽ có xe đến vận chuyển về nhà máy, giá thu mua cao hơn ngoài thị trường, hỗ trợ lãi suất đối với những tài khoản tích lũy lâu dài… Đặc biệt, khi tài khoản đạt đến 300 điểm tích lũy, chủ tài khoản chưa rút tiền sẽ được Công ty cộng trả lãi suất cao gấp đôi lãi suất không kỳ hạn của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Đến nay đã có khoảng 600 tài khoản VracBank với tổng số hơn 113.000 điểm tích lũy.
Ông Vũ Trọng Hiệt, Phó Giám đốc Công ty CP Ximăng và Xây dựng Quảng Ninh cũng tích cực mang rác đổi tiền_Ảnh TTXVN.
Bà Vũ Thị Thuần (sinh năm 1958, tổ 2, khu Hợp Thành, phường Phương Nam), hào hứng nói: "Hàng ngày đều thu gom vỏ chai nước ngọt, lon sữa, thùng giấy mang lên Công ty Cổ phần Xi măng và xây dựng Quảng Ninh để “Gửi rác - rút tiền”. Việc gom rác thải mang lại nguồn thu nhập nhỏ, nhưng tích cực thu gom cũng có khoản chi phí và hơn hết là bảo vệ môi trường,”. Anh Dương Duy Ngọc, chị Hoàng Thị Hòa và nhiều người lao động thuộc Nhà máy Xi măng Lam Thạch chia sẻ, hàng tuần, anh, chị cùng các thành viên trong gia đình sẽ phân loại rác từ nhà. Những loại rác không tái chế được để ra túi riêng, rác tái chế sẽ gom hàng ngày và mang lên nhà máy.
Cùng với việc phát động cán bộ, công nhân, người lao động và người dân "Gửi rác - rút tiền", Công ty phối hợp với phường Phương Nam tổ chức Cuộc thi vẽ tranh Giảm thiểu rác thải nhựa, chung tay bảo vệ môi trường. Qua cuộc thi, học sinh có ý thức trong sinh hoạt, tự giác phân loại rác thải, bảo vệ môi trường.
Theo bà Nguyễn Thị Dáng, Phó Chủ tịch UBND phường Phương Nam, chương trình biến rác thải thành tiền có ý nghĩa quan trọng với công nhân lao động, người dân về bảo vệ môi trường. Công ty phối hợp với địa phương để vận động người dân cùng tham gia thu gom rác thải tái chế. Qua đó gắn trách nhiệm của người lao động, Ban lãnh đạo công ty, người dân để chủ động bảo vệ môi trường, biến rác tái chế được sử dụng cho mục đích khác.
Ông Vũ Trọng Hiệt cho biết thêm, thời gian tới, Công ty mở rộng mạng lưới thu mua, phân loại rác thải nhựa có thể tái chế trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, ngày 5/10, đơn vị sẽ phối hợp với một số phòng, ban chuyên môn của thành phố Uông Bí phát động rộng cuộc thi "Gửi rác - lấy tiền". Cá nhân tập thể có số lượng rác gửi cao nhất sẽ được nhận giải thưởng 10 triệu đồng. Hiện, rác thải tái chế đã được phân loại ngay từ đầu và cho vào kho để tích trữ, tái chế tại Công ty, khi đủ lượng sẽ được đưa vào nung clinker phục vụ sản xuất xi măng.
TTXVN
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Nghệ An: Đại hội đại biểu Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ lần thứ III, nhiệm kỳ 2024 - 2029 (09:54 21/11/2024)
- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV, năm 2024 (08:56 21/11/2024)
- Trao Giải báo chí viết về giáo dục TP. HCM lần thứ 2 (06:31 20/11/2024)
- Nghệ An: Công bố Quyết định của Bộ Chính trị bổ nhiệm chức danh Bí thư Tỉnh ủy (04:10 17/11/2024)
- Tổng kết công tác thi đua Hội Nhà báo các tỉnh miền núi Tây Bắc năm 2024 (01:40 16/11/2024)