Báo chí và sự cố môi trường
16:06 31/08/2016
- Báo chí & Công chúng
Sự cố môi trường do Formosa gây ra, báo chí đã vào
cuộc, đã điều tra - phát hiện như thế nào, đâu là những bài
học nghiệp vụ cần đúc rút?
Cuộc đấu tranh không khoan nhượng
Cuối tháng 6/2016, sau gần 3 tháng xem xét cẩn trọng, khoa học, minh bạch, khách quan, Chính phủ đã chính thức công bố nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh là thủ phạm gây ra sự cố môi trường này. Formosa Hà Tĩnh trước những bằng chứng không thể chối cãi đã phải cúi đầu nhận tội trước Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Họ cam kết đền bù thiệt hại 500 triệu USD, cam kết khắc phục hậu quả sự cố môi trường. 500 triệu USD chẳng là bao so với những thiệt hại to lớn về nhiều mặt mà Formosa đã gây ra, nhưng đấy là kết quả của một quá trình đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng, chứng cứ rõ ràng, thuyết phục, buộc Formosa không thể chối bỏ trách nhiệm.
Thay mặt các nhà khoa học có uy tín trong nước và quốc tế, thay mặt các cơ quan chức năng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà công bố: Formosa Hà Tĩnh có 53 hành vi vi phạm về hành chính liên quan đến quá trình thiết kế, xây dựng, vận hành, thi công trong đó có những vi phạm rất nghiêm trọng như tự ý thay đổi công nghệ xử lý luyện cốc từ công nghệ khô sang công nghệ ướt, là công nghệ có nhiều nước thải và khí thải. Formosa Hà Tĩnh không quan tâm đúng mức xử lý nước thải và khí thải. Các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền lỏng lẻo, sơ hở trong việc quản lý, giám sát hoạt động của Formosa, thậm chí có những điểm để Formosa qua mặt, nên đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề về môi trường, kinh tế và xã hội.
Hàng trăm tấn hóa chất cực độc được Formosa nhập về rửa đường ống rồi xả thải thẳng ra biển, gây ô nhiễm nặng nước biển một vùng rộng lớn. Cá chết trôi dạt vào bờ, vùi lấp dưới biển; tôm cá, sò huyết nuôi trong các lồng bè chết hàng loạt; một khối lượng lớn cây san hô, rong tảo biển, thủy sinh khu vực biển 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế bị hủy diệt. Thiệt hại cực lớn không thể tính được, hàng vạn ngư dân rơi vào cảnh khó khăn, mất nguồn sống.
Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng cho biết, Formosa Hà Tĩnh, bằng nhiều phương thức, thông qua việc ký hợp đồng vận chuyển với một số đơn vị, trong đó có Công ty Môi trường Đô thị Kỳ Anh, Hà Tĩnh cho chôn lấp chất thải, bùn khô tại nhiều nơi ở Kỳ Anh, các địa phương khác ở Hà Tĩnh, chôn lấp tại tỉnh Phú Thọ. Chất thải có mùi hôi thối được Formosa đóng vào các túi ni-lông, chôn xong được khỏa lấp. Có nhiều nơi chất thải chôn ở đầu nguồn nước, tại công viên, bãi biển, gần khu dân cư, bốc mùi hôi hám. Số lượng lên đến hằng trăm tấn, kéo dài từ năm 2015 đến nay. Hiện nay, bên trong khuôn viên Formosa còn khoảng 700 - 800 tấn chất thải chưa chuyên chở ra ngoài, cần được xử lý - nhưng sẽ xử lý bằng cách nào đây? Có thể nói, ở bất cứ nơi nào có thể chôn lấp được, Formosa đều cho ký các hợp đồng thực hiện chuyên chở đến chôn lấp, xả thải, không cần quan tâm đến yếu tố môi trường. Gần đây, khi bị phát hiện, Formosa lại chối bỏ trách nhiệm, cho rằng chất thải đã ra khỏi nhà máy, chôn lấp nơi nào là do đối tác, trách nhiệm của bên nhận vận chuyển (!?).
Minh bạch và mang tính phát hiện
Điều rất đáng quan tâm là những hoạt động xả thải, chôn lấp gây ô nhiễm môi trường của Formosa Hà Tĩnh, các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường phát hiện chậm; thậm chí có trường hợp cơ quan quản lý không phát hiện được, đến khi báo chí thông tin thì họ mới biết. Có những thông tin, cá nhân người có trách nhiệm đưa ra vội vã, thiếu chuẩn xác. Có thể nói, trong sự cố môi trường do Formosa gây ra, có nhiều bài học có thể rút ra về lĩnh vực quản lý Nhà nước về môi trường.
Trong sự cố môi trường ở miền Trung do Formosa gây ra, báo chí đã có vai trò hết sức quan trọng, thông tin nhanh, kịp thời. Ngay khi sự cố môi trường đang nóng lên, qua hoạt động điều tra - báo chí đã minh bạch và cẩn trọng, cung cấp nhiều thông tin mang tính phát hiện. Phóng viên của nhiều báo điện tử, báo in, truyền hình - phát thanh đã thông tin về một đường ống xả thải lớn, đường kính hàng mét, chiều dài cả chục cây số từ Formosa, đặt dưới đáy biển xả thẳng nước thải ra đại dương. Những cuộc phỏng vấn ngư dân trên các ngư trường, vùng miền của phóng viên cũng đã gợi mở nhiều thông tin mang tính phát hiện cần thiết.
Với vụ chôn lấp chất thải tại trang trại gia đình ở phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, đầu nguồn sông Trí - thông qua hợp đồng với Công ty Môi trường Đô thị Kỳ Anh, do ông Lê Quang Hòa làm giám đốc là do báo chí phát hiện, sau đó cơ quan có trách nhiệm mới vào cuộc. Một số địa chỉ “đen” chôn lấp chất thải tiếp sau đó cũng chính báo chí nêu ra, từ nguồn tin báo của nhân dân. Phóng viên đã sử dụng hiệu quả nghiệp vụ điều tra, phản ánh sự kiện thông qua thông tin, điều tra xác thực, khách quan, tạo áp lực dư luận, thúc đẩy nhanh sự vào cuộc của chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường.
Bộ Thông tin & Truyền thông bước đầu hoan nghênh và đánh giá cao các cơ quan báo chí, các nhà báo đã theo sát sự chỉ đạo của cơ quan chỉ đạo và quản lý Nhà nước về báo chí thông tin kịp thời, đúng đắn sự cố môi trường do Formosa gây ra. Báo chí đã góp phần định hướng dư luận, tạo sự ổn định, đồng thuận xã hội./.
Hải Vân
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)
- Hội đồng nữ doanh nhân Việt Nam - ASEAN báo công dâng Bác (03:43 22/10/2024)
- Báo chí kiến tạo, phát triển để hội nhập với nền báo chí hiện đại trên thế giới (02:21 27/08/2024)
- Ngành Thông tin và Truyền thông quyết liệt thực hiện chuyển đổi số quốc gia (03:02 30/07/2024)
- Thành phố Hồ Chí Minh: Trao giải và triển lãm ảnh “Khoảnh khắc tươi đẹp quanh ta” (09:18 29/06/2024)