Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Báo chí đồng hành cùng Chính phủ - Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực

Không có nghề nào là nhẹ nhàng. Báo chí càng là một nghề gian khó. Bởi vinh quang có thể được phủ lên sau những ngày vất vả đi tìm sự thật, nhưng cũng chính vinh quang ấy có thể thiêu đốt những thành công nếu như nhà báo không tự chiến thắng bản thân khỏi những cám dỗ. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Có nhiều nghề mà mỗi người vẫn phải tự nỗ lực vượt qua chính bản thân để chiến thắng sự ma mị của bạc tiền, danh vọng. Nhưng ở nghề báo, chiến thắng bản thân thôi chưa đủ. Còn cần cả tinh thần đồng đội, tinh thần cống hiến, tinh thần hi sinh cái riêng để bảo vệ cái chung. Tháng sáu – là chuỗi ngày vinh danh những người làm báo. Có lẽ không có nhiều nghề mà sự vinh danh được xã hội tự nhiên kéo dài gần như cả tháng. Cũng dễ hiểu thôi, báo chí cách mạng – là nền báo chí phụng sự nhân dân, song hành cùng doanh nghiệp và đồng hành cùng Chính phủ. 

Trong phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tối 21/6 tại Lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI  năm 2022, kỷ niệm 97 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng chân tình: “Tôi hiểu nghề báo là một trong những nghề vinh quang nhưng vất vả, một nghề có thể đúng với câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. 

Giải thưởng hôm nay để tôn vinh những đóng góp trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả, bền bỉ của người làm báo, đã tích cực đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, nhất là việc tuyên truyền, thúc đẩy thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Nhiều tác phẩm năm nay đã góp phần truyền tải những chính sách lớn về tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh… Đặc biệt, nhiều tác phẩm đã tích cực tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng và Nhà nước; phát hiện, phản ánh những sai phạm trong sử dụng đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư công…; quảng bá những mô hình kinh doanh, sản xuất sáng tạo, hiệu quả; tôn vinh, lan tỏa những hình ảnh, nghĩa cử cao đẹp, những tấm gương nhân ái trong phòng, chống dịch và trong khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội…”

Giải báo chí Quốc gia – chỉ là biểu tượng vinh danh những đại diện của cả nền báo chí cách mạng Việt Nam bởi còn rất nhiều, rất nhiều những tác phẩm báo chí, những nhà báo, người làm báo khác vẫn âm thầm đồng hành cùng Chính phủ, cống hiến cho xã hội, bảo vệ lẽ phải, bài trừ cái xấu, kiến tạo góp phần xây dựng đất nước ngày một phồn vinh, thịnh vượng. 

Qua gần 3 năm đại dịch COVID – 19 hoành hành, càng nhìn rõ hơn báo chí thực sự đang chiến đấu ở một mặt trận không tiếng súng mà vô cùng khốc liệt. Những “chiến sĩ” trên mặt trận ấy luôn ở tuyến đầu, sát cánh cùng đội ngũ y, bác sĩ, cùng lực lượng tình nguyện ở những nơi cam go nhất, nguy hiểm nhất để ghi nhận, phản ánh và lưu giữ những hình ảnh chiến đấu giữa con người và dịch họa, giữa cái sống và cái chết, giữa tình người và khốn khó. Chưa bao giờ, kể từ sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt mà thế hệ làm báo cha ông đã phải trải qua, báo chí lại thể hiện rõ nét nhất tính tiên phong của mình trên mặt trận thông tin, huy động tinh thần đoàn kết sâu sắc đến như vậy. 

Đã có những nhà báo hy sinh trong dịch bệnh, đã có nhà báo thiệt mạng trong khi tác nghiệp, rất nhiều nhà báo ít nhất 1 lần trong cuộc đời làm nghề, bị áp lực bởi sự đe dọa, mua chuộc của các đối tượng xấu. Cho dù đâu đó, vẫn còn những con người mang danh người làm báo có hành vi xấu, thì bức tranh chung của những người làm báo chí cách mạng vẫn là cương trực, trong sáng và hiến dâng vì Tổ quốc, đồng bào. 

Báo chí đồng hành cùng Chính phủ vì một Việt Nam phát triển bền vững. Đó là một mệnh đề rất rõ ràng, có lẽ không cần phải chứng minh thêm, bởi vốn dĩ báo chí cách mạng Việt Nam được ra đời vì lợi ích dân tộc, phát triển, đồng hành cùng Chính phủ vì lợi ích dân tộc và ngày càng phát huy vai trò tiên phong trong bảo vệ, phát triển đất nước. Ví dụ như báo chí đã đồng hành cùng Chính phủ góp phần quan trọng đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Mọi phản biện của báo chí đều hướng đến mục tiêu xây dựng đất nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, sự gắn bó, đồng hành giữa báo chí với Chính phủ càng trở nên gắn kết. 

Phóng viên tác nghiệp

Báo chí không chỉ là kênh thông tin tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, Chính phủ mà ngược lại, còn là kênh cung cấp tình hình xã hội một cách trực diện, sinh động nhất cho Chính phủ. Nhiều vấn đề, vụ việc cụ thể, thông qua báo chí mà lãnh đạo Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu xử lý, làm rõ. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch dã, báo chí chính là tai mắt, là kênh thông tin nhanh và chân thực giúp Chính phủ đánh giá tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng chống để ban hành các chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời. Đồng thời cũng kịp thời gỡ bỏ những biện pháp chống dịch không cần thiết nữa, góp phần khơi thông, tạo dòng chảy phát triển đất nước được thông suốt và mạnh mẽ.  

Người đứng đầu Chính phủ cũng từng nhấn mạnh trong một cuộc gặp gỡ báo chí hồi giữa tháng 6/2022, rằng những thành tựu của đất nước trong những năm tháng qua, đặc biệt là giai đoạn chống dịch cam go đều có sự tham gia, đóng góp tích cực của các cơ quan báo chí. “Người làm báo là một trong những lực lượng trên tuyến đầu của các mặt trận; báo chí góp phần làm cho dân biết, dân hiểu, dân theo, dân tin và dân làm”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói.

Không chỉ phản ánh những vấn đề hiện tại, báo chí còn đồng hành với Chính phủ trong việc dự báo, đánh giá xu hướng tình hình tương lai, thông qua việc huy động trí tuệ xã hội, đặc biệt là các chuyên gia trong các lĩnh vực để tạo thành các diễn đàn, tiếng nói giới trí thức và nguyện vọng của nhân dân. Từ đó, Chính phủ có thể tham khảo, cân nhắc, tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc mà vẫn có được những kết quả đo lường tương đối chính xác và những gợi mở, ý tưởng kiến tạo, hướng tới xây dựng một Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng. 

Ngược lại, Chính phủ cũng hiểu được những khó khăn, vất vả của báo chí và người làm báo, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế báo chí bị cạnh tranh khốc liệt bởi các nền tảng công nghệ xuyên biên giới. Bởi vậy, Chính phủ cũng đã có những cơ chế chính sách nâng cao đời sống đối với người làm báo; cơ sở vật chất, trang thiết bị tác nghiệp của báo chí; nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ,... cho lực lượng làm báo. Từng bước tăng cường sức mạnh cho báo chí và hỗ trợ báo chí hoàn thành nhiệm vụ thông qua các chương trình đặt hàng nội dung. 

Chiến sĩ đảo Trường Sa Đông đọc Tạp chí Người Làm Báo

Rất nhiều nhiệm vụ đã, đang và sẽ tiếp tục đặt lên vai báo chí, đặc biệt là nhiệm vụ làm “người đồng hành” có trách nhiệm với Chính phủ. Một Chính phủ phát triển bền vững không thể thiếu đi những thành tố cấu thành phát triển bền vững – như báo chí. Vậy thì việc đồng hành của báo chí trong xây dựng đất nước phải đi trước một bước, phải thực sự chủ động, sáng tạo, phải là một nền báo chí cách mạng kiến tạo để phát triển. Trong đó, như 6 mong mỏi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ trao giải báo chí quốc gia năm 2022, đặc biệt cần nhấn mạnh đồng hành cùng Chính phủ  “phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, người tốt, việc tốt, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” để Nhân dân có niềm tin vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tập trung tuyên truyền về 03 đột phá chiến lược,  những chủ trương, chính sách về phục hồi kinh tế; chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân và không để ai bỏ lại phía sau với mục tiêu cao nhất là vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. 

Chủ động đấu tranh với những thông tin xuyên tạc, xấu độc, sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Đặc biệt, báo chí tích cực hơn nữa tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được Đảng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”. 

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, góp phần xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số; đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các công nghệ mới vào hoạt động báo chí - truyền thông, tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt và định hướng dư luận xã hội”. 

Báo chí đồng hành cùng Chính phủ là chân lý tất yếu của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Tự trọng và tinh thần của người làm báo luôn sẵn sàng bất kể giờ giấc, bất cứ nơi đâu từ tuyến đầu biên cương Tổ quốc tới cột mốc cuối cùng ở mũi Cà Mau, những người làm báo vẫn cống hiến hết mình trên mặt trận văn hóa tư tưởng, để mang tới những tác phẩm báo chí chân thực, hiện đại, có ý nghĩa xã hội và đồng hành cùng Chính phủ vì một Việt Nam phát triển bền vững.  

Nhà báo Nguyễn Đức Thành - Báo Lao Động

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.