Sức mạnh của báo chí, truyền thông trong phản ánh chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn

Ngày 30/6, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam đã diễn ra Hội thảo "Nhà báo và vấn đề chính sách cho nông dân” và Lễ trao giải Cuộc thi viết về chủ đề “Nông dân và Hợp tác” lần thứ nhất năm 2016.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Cường Phạm

Tới dự có Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; TS Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay; PGS,TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo; nhà báo Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Nhà Văn hoá - Hội Nhà báo Việt Nam; cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà báo, phóng viên đến dự và đưa tin.

Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay phát biểu đề dẫn
hội thảo. Ảnh: Cường Phạm

Phát biểu tại lễ trao giải, nhà báo Lưu Quang Định cho rằng: Trong thời kỳ hội nhập, báo chí có vai trò quan trọng trong việc phân tích, phản biện, bảo vệ quyền lợi của nông dân và thúc đẩy xây dựng các chính sách mới, sửa đổi điều chỉnh các văn bản chính sách quản lý chưa phù hợp của Nhà nước trong lĩnh vực Nông nghiệp – Nông thôn.

TS Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội Người làm vườn Việt Nam phát biểu tham luận
tại hội thảo. Ảnh: Cường Phạm

Theo TS Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội Người làm vườn Việt Nam, thời gian qua báo chí đã có rất nhiều bài viết gắn với chủ đề “nóng” được dư luận và bạn đọc quan tâm như: “ngư dân và giấc mơ thép” hay “làm thế nào gia tăng giá trị cho hạt gạo”,… Có thể thấy báo chí đã đóng góp tích cực cho công tác tuyên truyền phát triển ngành nông nghiệp nước ta. Đồng thời, báo chí cũng đã phân tích và đề xuất các giải pháp, kinh nghiệm thực tiễn có tính chất áp dụng thiết thực trong xây dựng Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn trong tình hình mới.

Đất nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng, các cơ quan báo chí và nhà báo cần phát huy hơn nữa sức mạnh của thông tin truyền thông để truyền tải những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân kịp thời, chính xác, đầy đủ. Đồng thời phản ảnh những tâm tư, nguyện vọng của người nông dân đến với Đảng và Nhà nước. Báo chí trở thành cầu nối mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và người dân.

Nhà báo Hoàng Trọng Thuỷ, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông Thôn Mới nhấn mạnh: Cách tiếp cận của báo chí với vấn đề chính sách nông nghiệp còn nhiều hạn chế, các bài báo chủ yếu đề cập tới câu nói “như thế nào?” mà thiếu đi những loạt bài chuyên sâu trả lời những câu hỏi “tại sao lại như vậy?”.

Từ đó có thể thấy, chúng ta đang thiếu rất nhiều bài báo có tính phản biện những chính sách phát triển Nông nghiệp - Nông thôn. Nhằm tăng cường hon nữa những bài chuyên sâu thì các nhà báo, phóng viên cần phải đưa ra được số liệu có tính chất khoa học và tổng hợp được nhiều ý kiến của các chuyên gia trong trong mỗi bài báo như vậy.

Ông Nguyễn Mạnh Tùng chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng: Trong nhiều bài báo, các nhà báo không dám công bố các số liệu thật, có rất nhiều số liệu đưa vào là bất hợp lý, thiếu khách quan. Việc truyền tải những mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật trong hợp tác nông nghiệp cần phải phản ánh đúng thực tế.

TS Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tổng kết hội thảo. Ảnh: Cường Phạm

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS Mai Đức Lộc khẳng định: Các tham luận được trình bày đã làm rõ mối quan hệ nông dân với nông nghiệp, nông thôn; quá trình đổi mới đất nước đã giúp cho nền nông nghiệp nước ta tăng trưởng một cách mạnh mẽ, giúp cho đời sống của người nông dân được cải thiện.

Bên cạnh đó, những thay đổi to lớn chính sách của Nhà nước đã tạo sự tăng trưởng của nông nghiệp nhưng chúng ta cũng thấy được bất cập về chính sách của Nhà nước với nông nghiệp và nông dân. Từ những bất cập đó các nhà báo phải là cầu nối giúp người dân phản ánh được những bất cập đó tới Đảng và Nhà nước, để chúng ta có được những chính sách đủ mạnh bảo vệ nền nông nghiệp và bảo vệ người dân.

Bên lề hội thảo đã diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi viết về chủ đề “Nông dân và Hợp tác” lần thứ nhất - 2016. Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 318 tác phẩm dự thi từ các tác giả chuyên và không chuyên từ nhiều cơ quan báo chí trên toàn quốc gửi về dự thi. Trong đó có nhiều tác phẩm dự thi được gửi đến từ các cơ quan báo chí có uy tín lớn như: Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Tuổi trẻ, Nông Thôn Ngày Nay, Nông Nghiệp Việt Nam, Thời báo Kinh tế Việt Nam, Đại Đoàn Kết, Tiền Phong, Giáo dục và Thời đại, Kinh tế Nông thôn; các báo điện tử VietNamNet, Dân Trí, Dân Việt, báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam, báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; nhiều tạp chí chuyên ngành và báo địa phương.

Nhà báo Hồ Quang Lợi Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chúc mừng các tác giả đoạt giải. Ảnh: Cường Phạm

Phát biểu tại lễ trao giải, nhà báo Hồ Quang Lợi đã chúc mừng các tác giả đoạt giải, đồng thời hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến tổ chức cuộc thi viết về chủ đề “Nông dân và Hợp tác” lần thứ nhất – 2016.

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi cuộc thi có ý nghĩa rất lớn, với tên gọi “Nông dân và Hợp tác” thì nông dân chính là đối tượng, còn hợp tác nghĩa là tinh thần hợp tác, đối tượng hợp tác, cách thức hợp tác, khuôn khổ hợp tác cuối cùng là hiệu quả của hợp tác.

Trong thời buổi hội nhập, tinh thần hợp tác phải được lan toả trong toàn bộ đời sống kinh tế và đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, vì thế người nông dân phải hướng tới sự “hợp tác”. Ông cũng mong muốn cuộc thi viết sẽ được tiếp tục tổ chức vào những năm tới, với quy mô rộng và thu hút được nhiều tác phẩm chất lượng cao hơn, có đủ các loại hình báo chí tham gia.

TS Đặng Kim Sơn và nhà báo Hồ Quang Lợi trao giải nhất cho nhóm tác giả Vũ Xuân Linh – Nguyễn Thị Vân Anh. Ảnh: Cường Phạm 

TS Nguyễn Duy Lượng trao chứng nhận cho các tác phẩm đoạt giải nhì. Ảnh: Cường Phạm

Nhà báo Nguyễn Thế Dũng và nhà báo Lưu Quang ĐỊnh trao chứng nhận cho tác phẩm đoạt giải ba. Ảnh: Cường Phạm

 PGS, TS Nguyễn Thành Lợi và nhà báo Trần Kim Hoa trao chứng nhận cho các tác phẩm đoạt giải khuyến khích. Ảnh: Cường Phạm

Ngọc Thành – Cường Phạm

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top