Kỳ 3: Để mỗi cán bộ, đảng viên, người làm báo tự soi, tự sửa

Bảy mươi bảy năm qua, hòa vào dòng chảy của báo chí nước nhà, Thông tấn xã Việt Nam kiên định giữ vững giá trị nền tảng, tiếp tục đổi mới sáng tạo, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thông tin chiến lược. Coi sản phẩm báo chí chính là thước đo mức độ chuyên nghiệp hay giá trị mà người làm báo tạo ra; trên nền tảng bề dày truyền thống, Thông tấn xã Việt Nam tự hào hình thành nên những chuẩn mực đạo đức và văn hoá trong từng lĩnh vực công tác đặc thù để mỗi cán bộ, đảng viên, người làm báo tự soi, tự sửa. 

Với quan điểm các thành tố văn hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của báo chí, phóng viên Tạp chí Người Làm Báo đã có cuộc trò chuyện cùng nhà báo Vũ Việt Trang -Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Báo chí chuyên nghiệp và nhân văn

PV: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến xu hướng phát triển của báo chí, Thông tấn xã Việt Nam đã triển khai chuyển đổi số và phát triển đầy đủ các loại hình thông tin trên nền tảng kỹ thuật hiện đại; thành tố văn hoá được xây dựng, thể hiện như thế nào ở một cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện quốc gia, thưa bà?

Nhà báo Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc TTXVN: Cảm ơn Người Làm Báo đã đề cập đến một chủ đề mà theo tôi vừa có tính bao trùm vừa là kết tinh của hành trình thời gian và trải nghiệm.

Nhà báo Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam_ Ảnh: Tư liệu.

Về mặt học thuật, văn hóa là tất cả những giá trị vật thể do con người sáng tạo ra trên nền của thế giới tự nhiên. Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Văn hóa bao gồm tất cả những sản phẩm của con người, và như vậy, văn hóa bao gồm hai khía cạnh: khía cạnh phi vật chất của xã hội như ngôn ngữ, tư tưởng, giá trị và các khía cạnh vật chất như nhà cửa, quần áo, các phương tiện,… Cả hai khía cạnh cần thiết để làm ra sản phẩm và đó là một phần của văn hóa.

Liên hệ với hoạt động của cơ quan báo chí, những người làm báo vừa là người tạo ra các sản phẩm văn hóa (sản phẩm báo chí), vừa là người sử dụng đa dạng các công cụ văn hóa cả phi vật thể và vật thể (tư tưởng, ngôn ngữ, máy móc, phương tiện truyền tải) để tạo ra sản phẩm báo chí. Nói như vậy để thấy rằng các thành tố văn hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của báo chí.

Quay lại với vấn đề cụ thể mà chúng ta đang trao đổi, nhìn lại thời kỳ đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tin học hoá đã từng bước làm thay đổi diện mạo của quy trình hoạt động. Khi đó, mỗi đơn vị của Thông tấn xã Việt Nam cũng chỉ có 1-2 máy tính để khai thác tin từ các hãng thông tấn nước ngoài hay trao đổi tin với các đối tác. Trong thập niên 90 của thế kỷ 20, máy đánh chữ vẫn hiện diện một cách thân quen trong mỗi ca làm việc của chúng tôi. Khi bước sang thế kỷ 21, công nghệ số ngày càng thâm nhập sâu vào đời sống báo chí. Chúng tôi không chỉ đầu tư cho máy móc, thiết bị, đường truyền mà quan trọng hơn là phải tiến hành thay đổi quy trình tác nghiệp và tư duy làm báo. 

Các sản phẩm thông tin số của Thông tấn xã Việt Nam_Ảnh: Tư liệu.

Chúng tôi tiến hành ứng dụng các công nghệ tiên tiến từ mô hình thử nghiệm cho đến bao phủ toàn bộ quy trình sản xuất. Thông tin chính thống được thể hiện sinh động hơn và đến với công chúng nhanh hơn. Với nền tảng đa phương tiện, các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam phải quen với tư duy làm báo đa nhiệm, tác nghiệp đa năng. Trong cuộc cạnh tranh thông tin hiện nay, bên cạnh yếu tố quan trọng bậc nhất là có được nội dung chuẩn xác, kịp thời thì cơ quan báo chí còn cần phải có phương tiện tác nghiệp hiện đại, hệ thống xử lý liên hoàn, nền tảng truyền tin nhanh chóng và đa dạng để tiếp cận công chúng một cách nhanh nhất. 

Ở phương diện khác, nếu trước đây, tư liệu là của riêng từng cá nhân, từng đơn vị chuyên môn, khi ai đó muốn tiếp cận phải đến tận nơi để xin phép khai thác. Còn giờ đây, chúng ta đã có thể tiếp cận kho tri thức khổng lồ của nhân loại chỉ bằng một cú nhấp chuột. Những năm gần đây, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, Thông tấn xã Việt Nam đã từng bước số hóa và tạo ra các hệ thống dữ liệu số theo chủ đề một cách khoa học và thân thiện với công chúng, dễ khai thác, sử dụng và đáp ứng tốt hơn yêu cầu về báo chí dữ liệu. 

Đi trước, bắt nhịp xu thế về kỹ thuật và công nghệ luôn là yêu cầu sống còn và cũng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Thông tấn xã Việt Nam trong suốt hành trình 77 năm qua cũng như trong thời gian tới. Đây cũng chính là phương thức để Thông tấn xã Việt Nam luôn hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng, Nhà nước và lan tỏa nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam đến với công chúng trong và ngoài nước.

PV: Với số lượng nhà báo, phóng viên đông đảo không chỉ tác nghiệp trên khắp đất nước mà Thông tấn xã Việt Nam còn có các cơ quan thường trú ở nước ngoài. Với đặc thù công việc, phóng viên, nhà báo Thông tấn xã Việt Nam tác nghiệp đồng nghĩa với việc mang trên mình hình ảnh của Việt Nam – thể diện của quốc gia, dân tộc, yếu tố văn hoá đã giữ vai trò như thế nào để phóng viên tác nghiệp vừa hoàn thành tốt công việc vừa giữ gìn hình ảnh đẹp về báo chí Việt Nam, con người Việt Nam?

Nhà báo Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc TTXVN: Tôi cho rằng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, mỗi người Việt Nam dù ở bất kỳ đâu sẽ đều có thể quảng bá giá trị Việt. Người nông dân tự hào khi nông sản Việt có mặt ở nhiều thị trường trên thế giới, giới khoa học hội nhập với thế giới bằng các kết quả nghiên cứu khoa học của người Việt được ghi nhận trên phạm toàn cầu, các bạn trẻ mang tri thức, sức mạnh và vẻ đẹp Việt tỏa sáng ở nhiều diễn đàn và các cuộc thi khu vực và quốc tế… Những người làm báo cũng không phải ngoại lệ, đặc biệt đối với các phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam.

Không chỉ có phóng viên thường trú ở nước ngoài mà ngay cả khi Việt Nam làm chủ nhà của các sự kiện khu vực và quốc tế, phóng viên, nhà báo của chúng ta cũng chính là hình ảnh đại diện cho quốc gia khi cùng tác nghiệp với đồng nghiệp nước ngoài. 

Như phần đầu tôi đã đề cập, sản phẩm báo chí chính là thước đo mức độ chuyên nghiệp hay giá trị mà chúng ta tạo ra. Sản phẩm đó hội tụ các yếu tố từ tâm thế khi tác nghiệp tới cách làm việc chuyên nghiệp, sự dấn thân, khả năng sử dụng ngôn ngữ, xử lý hình ảnh, cách thể hiện quan điểm về các vấn đề của thời cuộc một cách chuyên nghiệp và nhân văn. Đối với các phóng viên đa năng thì còn có thêm một yếu tố quan trọng nữa đó là khả năng vận hành thuần thục các thiết bị tác nghiệp. 

Chúng ta không chỉ gìn giữ các giá trị văn hóa khi tác nghiệp ở nước ngoài. Điều quan trọng hơn, đó là chúng ta cần phải hội nhập, tìm hiểu về văn hóa của nước sở tại. Ở Thông tấn xã Việt Nam, việc thiết lập quan hệ với các chuyên gia, học giả, chính khách người nước ngoài là một yêu cầu bắt buộc đối với phóng viên thường trú ngoài nước. Về việc hình thành và nuôi dưỡng mối quan hệ này, nhiều phóng viên thường trú của chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm đó là phải nắm chắc luật pháp, quy tắc ứng xử của nước sở tại, tìm hiểu về nhân vật sẽ tiếp cận, đặc biệt là những thành tựu chuyên môn của họ. Ngoài ra, trong quá trình giao tiếp, phóng viên thường tìm ra những điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử, truyền thống để có tiếng nói chung, hoặc nắm bắt được những khác biệt, mâu thuẫn để thu hẹp khoảng cách. Thiếu những kiến thức và kỹ năng trên sẽ là rào cản rất khó vượt qua khi tác nghiệp ở nước ngoài.

Làm tốt nhiệm vụ trọng tâm, giúp người làm báo tránh được cạm bẫy của thời cuộc

PV: Theo bà, để xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo có văn hoá cần quan tâm nhất đến những yếu tố tác động nào để không ngừng khẳng định vững chắc vị thế, vai trò của Thông tấn xã Việt Nam trong định hướng thông tin, là trung tâm thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước?

Nhà báo Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc TTXVN: Mỗi người làm báo thông tấn luôn xác định cần phải làm tốt vai trò của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Giống như những người lính khi ra trận, hành trang của chúng tôi mang theo là tinh thần trách nhiệm và sự dấn thân với nghề. Lý tưởng sống và nguyên tắc làm nghề đó đã thôi thúc lớp lớp phóng viên, nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam có mặt ở tuyến đầu. Trong chiến tranh, nhiều nhà báo chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam không chỉ viết tin, chụp ảnh mà còn trực tiếp tham gia chiến đấu. Sự hy sinh và cống hiến của họ đã để lại cho Tổ quốc một kho tư liệu quý giá với những hình ảnh, dòng tin chân thực về cuộc sống, chiến đấu gian khổ nhưng cũng hết sức vẻ vang để giành lại độc lập tự do cho dân tộc trong những năm tháng đất nước còn chìm trong bom đạn. Khi non sông thu về một mối, thế hệ các nhà báo trở về sau chiến tranh lại tiếp tục học tập, nâng cao trình độ, làm công việc thầm lặng của mình và truyền lửa cho thế hệ sau.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tác nghiệp_ Ảnh: Tư liệu.

Trong cuộc cạnh tranh thông tin khốc liệt ngày hôm nay, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam luôn phải chạy đua với thời gian để đưa tin, trực tiếp ghi lại những dấu mốc trọng đại của đất nước, giây phút tỏa sáng của các nhân vật, hay những khoảnh khắc đau thương, sự tàn phá của thiên tai... Có nhiều phóng viên chấp nhận đối mặt với hiểm nguy và áp lực để thực hiện phóng sự điều tra, phanh phui hoạt động vi phạm pháp luật có tổ chức hay sự buông lỏng quản lý của các cấp, các ngành, từ đó kích hoạt sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. 

Những nhà báo thông tấn còn có mặt tại nhiều điểm nóng trên thế giới, phỏng vấn các nhà lãnh đạo, chuyên gia, học giả hay thực hiện những hành trình dài để đưa tin về công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước sở tại hay viết nên những câu chuyện về tình cảm của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam... 

Tại các ban biên tập, tòa soạn thuộc Thông tấn xã Việt Nam, các biên tập viên, kỹ thuật viên cần mẫn và trách nhiệm với từng con chữ, khuôn hình để mang tới cho công chúng những tác phẩm báo chí có chất lượng, phản ánh chân thực cuộc sống, có ích cho đất nước, cho nhân dân. 

Sự tin tưởng và đón nhận của đông đảo công chúng và các cơ quan báo chí trong và ngoài nước đối với các sản phẩm báo chí của Thông tấn xã Việt Nam vừa là mục tiêu, động lực của Thông tấn xã Việt Nam đồng thời cũng là phần thưởng tinh thần vô giá đối với người làm nghề.

PV: Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí trong công cuộc xây dựng môi trường văn hoá hôm nay, và nhất là với một hãng thông tấn quốc gia, luôn cung cấp kịp thời thông tin thời sự về mọi mặt đời sống xã hội trong nước và quốc tế cho hệ thống truyền thông trong và ngoài nước?

Nhà báo Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc TTXVN: Nhiệm vụ quan trọng nhất của tập thể lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam là định hướng sự phát triển của cơ quan thông tấn quốc gia, đổi mới cơ chế vận hành, khơi dậy nhiệt huyết và truyền cảm hứng cho tập thể những người làm báo của Thông tấn xã Việt Nam. 

Trước sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông số trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để đáp ứng những đòi hỏi của tình hình mới, ngày 15/12/2021, Đảng ủy Thông tấn xã Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/ĐU về giữ vững giá trị nền tảng, tiếp tục đổi mới sáng tạo, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thông tin chiến lược. Đến nay, các cấp ủy Đảng đã quán triệt và triển khai Nghị quyết, hình thành nên những chuẩn mức đạo đức và văn hoá trong từng lĩnh vực công tác đặc thù để mỗi cán bộ, đảng viên, người làm báo tự soi, tự sửa. 

Song hành với công tác tư tưởng là việc tạo lập được môi trường làm việc văn minh, thực hành văn hóa công sở, tạo sự ổn định và đảm bảo về thu nhập, giúp đội ngũ người làm báo yên tâm công tác. Trong bối cảnh chung của đất nước, Thông tấn xã Việt Nam và có lẽ các cơ quan báo chí khác cũng vậy, đang tìm lời giải cho bài toán làm thế nào để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, vừa làm tốt kinh tế báo chí, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động. Tạo thu nhập ổn định, có cơ chế phân phối hợp lý, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, thực hành tốt kỷ cương là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ Thông tấn xã Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025. Làm tốt nhiệm vụ này cũng là giúp cán bộ, đảng viên, người làm báo tránh được những cạm bẫy của thời cuộc.

Cùng với đó, Liên chi hội nhà báo Thông tấn xã Việt Nam đã phát động phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam khởi xướng. Chúng tôi tin tưởng phong trào sẽ lan tỏa những cách làm hay, những gương điển hình mới trong xây dựng môi trường báo chí văn hoá và những người làm báo có văn hoá.

Trân trọng cảm ơn bà đã có những chia sẻ rất ý nghĩa.

 Anh Tuấn – Hà Giao (Thực hiện)

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top