Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

60 nghìn tỷ đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Chiều 18/12, tại TPHCM, dự Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định dành gói tín dụng khoảng 50 – 60 nghìn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với các doanh nghiệp. Ảnh: VGP

Sự kiện do Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam – đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam) tổ chức với sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp.

Hướng tới nông nghiệp hiện đại

Tại hội nghị, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã trao đổi, giải đáp trực tiếp các mối quan tâm của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Cuộc đối thoại diễn ra thẳng thắn, cởi mở, dân chủ, mà theo Thủ tướng, một xã hội cởi mở, dân chủ là yếu tố dẫn đến thành công.

Thủ tướng nêu rõ tầm nhìn, khát vọng xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, đa chức năng, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Việt Nam nỗ lực phấn đấu vươn lên, từng bước đứng trong nhóm các quốc gia nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, có vị thế quan trọng trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Từ nền tảng phát triển nông nghiệp, thúc đẩy nhiều ngành khác như công nghiệp chế biến, thực phẩm, công nghiệp sản xuất máy móc và vật tư đầu vào cho nông nghiệp, phát triển các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng. “Phấn đấu sớm đưa Việt Nam thành một quốc gia hàng đầu về sản phẩm nông nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Căn cứ một số đề nghị của DAA, Thủ tướng nêu rõ thông điệp: Không phải địa phương nào được quy hoạch trong các vùng nông nghiệp công nghệ cao thì mới được phép đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Thay vào đó, cần phải bảo đảm rằng mọi nông dân Việt Nam bất kể vùng miền nào, bất kể quy mô nào, tính chất như thế nào cũng được khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Về đề xuất của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, doanh nghiệp đang phát triển mô hình sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao, Thủ tướng nhất trí việc mở rộng diện tích nuôi tôm. Thủ tướng cho biết sẽ cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì một hội nghị về phát triển tôm chất lượng cao ở Việt Nam trong tháng 1/2017.

Về đề xuất của các doanh nghiệp liên quan đến hỗ trợ tín dụng, Thủ tướng quyết ngay: Phải có một gói tín dụng 50 – 60 nghìn tỷ đồng để phục vụ công việc này với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất, nhưng không chỉ cho một ngân hàng thương mại làm việc này mà cho nhiều ngân hàng thương mại. Bởi vì nguyên tắc quan trọng của kinh tế thị trường là cạnh tranh, từ đó, mới nâng cao chất lượng tín dụng, chống tiêu cực, chi phí không chính thức.

Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định Thương mại tự do, là thành viên WTO, Thủ tướng đồng ý với ý kiến các doanh nghiệp là Việt Nam cần có hàng rào kỹ thuật đúng quy định và các cam kết hội nhập để bảo vệ nông sản trong nước.

Thủ tướng nhất trí với các ý kiến là cần thiết phải sửa điều 193 Luật Đất đai về điều kiện nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và Thông tư 23 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đất đai để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp.

Thủ tướng cũng cho rằng phải tổ chức lại sản xuất của các hợp tác xã, hộ cá thể, “chứ để các hộ nhỏ li ti như hiện nay thì khó cạnh tranh trong kinh tế thị trường”.

Thủ tướng cũng đánh giá cao đề xuất của DAA về mô hình phát triển các khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao.

 Việc xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao là điều tất yếu. Ảnh: VGP

Các cơ quan quản lý đều phải cùng hành động

Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu một số chủ trương. Cụ thể là hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp dựa trên nền tảng tiềm năng và lợi thế so sánh, phải tính toán lại sử dụng đất đai có hiệu quả nhất để thực hiện chủ trương đưa cơ giới hóa, đưa doanh nghiệp vào nông nghiệp. Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang thí điểm thành lập ngân hàng về quỹ đất và xem xét việc hình thành thị trường quyền sử dụng đất để nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất.

Cùng với tín dụng, cần thành lập phát triển một số quỹ bảo hiểm nông nghiệp, quỹ hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chủ trương tăng cường liên kết giữa 4 nhà, trong đó liên kết giữa nhà nông và nhà đầu tư là nòng cốt, đặc biệt là xây dựng cho được chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến và phân phối nông sản, tham gia hiệu quả vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.

Thủ tướng đề nghị, nông nghiệp công nghệ cao trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là nền nông nghiệp không chỉ ứng dụng công nghệ cứng, tức là thiết bị, máy móc mà phải biết tranh thủ công nghệ mềm là công nghệ thông tin, mạng xã hội, các phương thức kết nối phi truyền thống…

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Bộ NN&PTNT rà soát, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao theo hướng mở, hiệu quả bền vững; nghiên cứu, có chính sách ưu đãi cho các khu nông nghiệp công nghệ cao.

Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi cho quá trình tích tụ ruộng đất, có chính sách cho nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cả trong nước và quốc tế, thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản chất lượng cao có giá trị. Nghiên cứu các loại nhà kính, một số công cụ sản xuất phục vụ nông nghiệp công nghệ cao để phát triển ngành cơ khí, khoa học công nghệ trong nước, đồng thời giảm giá thành đầu tư trong nông nghiệp.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành cơ chế đầu tư tín dụng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, hình thành quỹ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện chính sách về thúc đẩy sức sáng tạo, chuyển giao, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; ưu tiên ngân sách cho các nhiệm vụ khoa học, ứng dụng công nghệ sinh học, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin khoa học công nghệ, sử dụng quỹ đổi mới công nghệ quốc gia trong hỗ trợ các dự án nông nghiệp công nghệ cao.

 Thủ tướng đã ấn nút khởi động chương trình rau an toàn cho TP. Hà Nội và TP. HCM. Ảnh: VGP

Ngành Y tế kiểm tra, xác định các sản phẩm nông nghiệp sạch đến người dân, “phải làm mạnh mẽ hơn, công bố cái nào sạch, cái nào tốt” để người tiêu dùng yên tâm./.

Nam Dương

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.