Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Lạm dụng từ lóng, lợi bất cập hại

10:15 25/03/2019 - Dọn vườn
Thời điểm đầu và cuối năm 2018, hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã bày tỏ niềm tự hào, phấn khích thăng hoa khi đội tuyển Việt Nam giành chức Á quân Giải bóng đá U23 châu Á và chức vô địch Giải bóng đá khu vực Đông Nam Á AFF Cup 2018. Báo chí, truyền thông nhân cơ hội này cũng thỏa sức ca ngợi những cầu thủ trẻ Việt Nam đã mang niềm vui, niềm vinh quang cho nền thể thao nước nhà.

Trận thắng tối thiểu của U23 Việt Nam trước U23 Indonesia tối 24/3 chưa cho thấy sự an tâm cho người hâm mộ. Ảnh: TL

“Bão”

Tôn vinh những người làm nên chiến thắng là điều cần thiết. Tuy nhiên, khi truyền thông về niềm vui chiến thắng “bất tận” của người hâm mộ, một số cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử lại tỏ ra thiếu chừng mực, thậm chí thái quá khi sử dụng một số câu từ, chữ nghĩa. Trong đó, đáng nói nhất, một số người cầm bút đã dùng từ “đi bão”, “bão đêm”, “tâm bão”... với hàm ý khích lệ, cổ vũ người dân, nhất là thanh thiếu niên đi xuống đường ăn mừng chiến thắng của đội chủ nhà.

Có thể kể đến một số tít như: “Ngất ngây với chức vô địch, cổ động viên “đi bão” quá nửa đêm không muốn về”; “Hàng loạt sao Việt xuống đường “đi bão” mừng chức vô địch AFF Cup 2018”; “Không “đi bão” thì thôi, đã xuống đường là phải “độc” như thế này đây!”; “Việt Nam vô địch: Biển người sung sướng “bão” xuyên đêm; “Việt Nam vô địch: Muôn kiểu “đi bão” hài hước đốn tim người hâm mộ”; “Cặp đôi Nghệ An vừa “đi bão”, vừa chụp ảnh cưới mừng Việt Nam vô địch”; “Tâm bão” đêm nay: Hình ảnh cụ bà ngồi sau xe máy bắt tay, ăn mừng Việt Nam vô địch”; “Khóc cười trong trận “bão đêm” khổng lồ thâu đêm mừng Việt Nam vô địch”...

“Bão đêm”, “đi bão” là từ “lóng” dùng để chỉ hiện tượng một số người trẻ thường tụ tập với nhau để trình diễn, đua xe hàng ngang về đêm trên các tuyến phố ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,... Tham gia “đi bão” thường là những thanh thiếu niên (được gọi là “quái xế”) dùng những loại xe phân khối lớn rồi có những hành động quá khích như bấm còi inh ỏi, nẹt pô, tăng tốc bốc đầu xe, úp nghiêng cả người và xe sát vỉa hè, lái xe bằng chân...

Những “quái xế” này thường tạo ra cảnh náo nhiệt kinh hoàng, gây mất trật tự công cộng và tai nạn giao thông và tạo sự khiếp sợ, ám ảnh cho nhiều người dân tham gia giao thông trên đường phố. Tóm lại, “bão đêm” hay “đi bão” vốn là từ ngữ ám chỉ sự tiêu cực mà mọi người cần phải tránh xa, loại bỏ.

Một từ vốn mang nghĩa tiêu cực, tại sao một số nhà báo, cơ quan báo chí lại vẫn sử dụng một cách hồn nhiên như vậy? Một mặt, do người viết chưa hiểu rõ nguồn gốc, ý nghĩa, bản chất của từ “bão đêm”, “đi bão” nên vẫn sử dụng từ ngữ một cách... vô tư, vô thức; mặt khác, một số nhà báo cũng có biểu hiện a dua, “ăn theo, nói leo” người khác theo kiểu “tâm lý đám đông”.

Dù vô tình hay hữu ý, việc nhà báo sử dụng từ “bão đêm”, “đi bão” để phản ánh việc người dân, giới trẻ tràn ra đường phố, tràn ra các khu vực công cộng để cổ vũ, ăn mừng chiến thắng đội tuyển bóng đá nước nhà, là thiếu thận trọng, không phù hợp với những chuẩn mực văn hóa cổ vũ bóng đá. Bởi vì, như đã nói ở trên, tự thân từ “bão đêm”, “đi bão” vốn mang nghĩa tiêu cực và đã bị phê phán, lên án nhiều lần, do đó, việc gắn hai từ này với việc chào đón, ăn mừng chiến thắng bóng đá, vô hình trung khuyến khích, cổ vũ cho các hoạt động dễ gây mất trật tự công cộng, thậm chí cổ xúy cho phong trào đua xe trái phép.

Đúng như một người Việt Nam hiện đang sinh sống ở một nước châu Âu nhìn nhận, bình luận khá chí lý rằng, khi “đi bão” là người ta chấp nhận để mình trở thành một phần của “bão gió”, tức là chấp nhận bỏ qua mọi luật lệ, bỏ qua mọi ý chí và sẵn sàng va chạm lung tung vào mọi thứ, bất chấp bản thân không cần biết gì cả. Cách truyền thông như vậy là lợi bất cập hại.

Hàng triệu người hâm mộ đổ ra đường ăn mừng chức vô địch AFF Suzuki Cup 2018 của Đội tuyển Việt Nam. Ảnh: TL

Chắt lọc thông tin

Trước đây, báo chí từng có thời điểm so sánh những người sử dụng ma túy như những người bị mê hoặc bởi “nàng tiên nâu”, vô hình trung gợi ý, kích thích sự tò mò cho một bộ phận giới trẻ thử một lần “nàng tiên nâu” xem sao. Cách ví von tưởng như hình ảnh này đã bị nhiều bạn đọc phản ứng vì ít nhiều gây ra sự ngộ nhận, hệ lụy cho xã hội. Tất nhiên, báo chí đã tự phản tỉnh mình nên sau đó không sử dụng từ tai hại này nữa.

Để tránh những hệ lụy không đáng có, đã đến lúc các cơ quan báo chí, nhà báo cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại việc sử dụng từ “bão đêm”, “đi bão” để cổ vũ đám đông xuống đường phố ăn mừng chiến thắng bóng đá.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí và nhà báo đã được quy định trong Luật Báo chí 2016 là “góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Với tư cách là người truyền tin, người định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội hướng đến những giá trị tiến bộ, lành mạnh, văn minh, dù thông tin, tuyên truyền, phản ánh bất cứ vấn đề gì trong xã hội, dù ca ngợi, cổ vũ hay phê bình, phê phán, nhà báo phải luôn chắt lọc, lựa chọn, cân nhắc, sử dụng từ ngữ sao cho phù hợp, đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng. Chỉ có như vậy mới góp phần mang đến những thông tin tích cực, nhân văn cho công chúng và xã hội./.

Thiện Văn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top