Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Khi nhà báo nhét chữ vào mồm người khác

22:05 25/05/2017 - Dọn vườn
Mới đây, một số tờ báo đưa tin, Đài truyền hình Vĩnh Long cấm cửa nghệ sĩ Trấn Thành. Thông tin ấy kéo theo nhiều bình luận cực đoan trên mạng xã hội.

Gần đây, trong đời sống báo chí Việt Nam, hiện tượng khái quát tinh thần phát biểu của nhân vật đưa vào tít trở nên phổ biến

Muôn vàn kiểu... nhét chữ

Trong phiên họp cuối cùng với Chính phủ ngày 6/4/2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu chia tay các thành viên. Trong bài phát biểu này, ông dành nhiều thời lượng cám ơn mọi người, và ở phần cuối, Thủ tướng dành những lời chúc cho các thành viên Chính phủ sẽ về hưu. Bài phát biểu từ biệt này được ghi hình và cũng công khai trên các trang báo điện tử, cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Nguyên văn đoạn cuối: “Chúc các đồng chí - tôi cũng chúc tôi luôn và 15 đồng chí chúng ta kỳ này thôi, nghỉ chính sách - ráng giữ gìn sức khỏe, sức khỏe là quan trọng nhất..., làm một công dân tốt, một Đảng viên tốt, ráng làm được cái chương trình như ông Bình Minh nói đó, là người tử tế, sống tử tế... Mỗi đồng chí chúng ta tùy mỗi hoàn cảnh sẽ đóng góp hết sức mình cho Đảng, cho dân”.

Thế nhưng cũng ngay hôm đó, một số tờ báo đã giật tít: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Về nghỉ, tiếp tục làm người tử tế” hoặc “Thủ tướng: Về nghỉ, ráng làm người tử tế” v.v..

Những cái tít ấy dẫn đến nhiều lời bình xuyên tạc nặng nề và sau đó, khi nhận ra sự thiếu khách quan trong trích dẫn, các báo ấy đã lặng lẽ sửa đổi trên bản trực tuyến.

Không cần phải giỏi câu chữ tiếng Việt cũng có thể nhận ra rằng, nhà báo (và có thể là biên tập viên ở tòa soạn) đã diễn đạt không khách quan, chính xác tinh thần phát biểu trong những cái tít như thế này.

Nhiều giáo trình báo chí trước đây có nêu yêu cầu: Việc trích dẫn cho nội dung bài hoặc tít phải để trong dấu ngoặc kép. Tuy nhiên, gần đây, trong đời sống báo chí Việt Nam, hiện tượng khái quát tinh thần phát biểu của nhân vật đưa vào tít trở nên phổ biến (một kiểu dẫn gián tiếp). Và cách làm này đôi lúc đã biến việc “biên tập” câu chữ trở thành gán ghép nội dung nhân vật không hề nói.

Những ví dụ như trên khá nhiều.

Nhiều nhà báo nhét chữ vào mồm người đọc gây ra những dư luận không đáng có

“Biên tập” hay gán ghép nội dung?

Tháng 3 vừa qua, khi câu chuyện dọn dẹp vỉa hè ở Quận 1, TP. HCM thành tâm điểm của truyền thông, UBND TP. HCM có một cuộc họp bàn các giải pháp hỗ trợ địa điểm kinh doanh cho người bán hàng rong. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM chủ trì cuộc họp này. Một phóng viên của VTV có mặt tại cuộc họp này cho biết: Giải pháp được đưa ra rất đa dạng, nhưng cơ bản vẫn là việc thành phố quy hoạch một vài tuyến đường phù hợp, chọn lọc ra các gánh hàng rong nổi tiếng, ngon, chất lượng để hỗ trợ đưa vào các khu kinh doanh tập trung”.

Thế nhưng không hiểu sao sau cuộc họp đó, một tờ báo giật tít “Người bán hàng rong có thể kinh doanh qua mạng”. Cách giật tít ấy làm độc giả cảm thấy như đây là giải pháp chủ yếu mà TP. HCM đề ra. Và cái tít trích dẫn này đã bị nhiều cư dân mạng biến thành đề tài để ném gạch đá phê bình ông Phó Chủ tịch.

Cũng theo một nhà báo có mặt trong cuộc họp, việc “hỗ trợ bán hàng rong qua mạng” là một giải pháp gợi ý thêm được ông Tuyến có trao đổi bên lề sau cuộc họp với báo chí nhưng chắc chắn nó không phải là giải pháp cơ bản.

“Đà Nẵng làm du lịch như cái lờ” là một cái tít được trích dẫn theo kiểu cúp cắt phát biểu đại biểu Nguyễn Quốc Bình tại Kỳ họp thứ 14, HĐND TP Đà Nẵng khoá VIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016. Thực chất, ông Bình dùng một ẩn dụ để phát biểu: “Du lịch Đà Nẵng làm như đặt lờ, đợi du khách như con cá chui vô rồi chén chứ chẳng có sản phẩm gì mới, thu hút khách đến tham quan”. Nhưng dù sao, những dạng tít cúp cắt như thế này chỉ có thể gây cười vì ngô nghê, chưa hoàn toàn “đổi trắng thay đen”. Đáng lo là những cách trích dẫn trong tít đầy định kiến.

Trở lại trường hợp nghệ sĩ Trấn Thành, trước đó không lâu, anh cũng bị dư luận phản ứng dữ dội với cái tít trích dẫn, “Nếu khán giả thấy hài nhảm, hãy tắt tivi”. Thực chất, phát ngôn đầy đủ của Trấn Thành là: “Game show hài dạo này xuống cấp, tôi đồng ý. Nhưng bản chất chúng không rẻ tiền và nhảm nhí. Bây giờ, ai cũng có tivi, vậy chúng ta nên chọn lọc mà xem. Nếu quý vị cảm thấy chương trình nào nhảm nhí, hãy tắt tivi. Còn các chương trình nào đầu tư về kịch mục, hãy đón nhận” (nguồn: VnExpress). Các ví dụ trên cho thấy, hiện tượng thiếu công bằng trong trích dẫn phát ngôn vào tít đang là lời báo động trên cả bình diện đạo đức lẫn pháp lý.

rích dẫn là thành tố quan trọng trong tác phẩm báo chí, nó bổ sung màu sắc và độ tin cậy, đưa công chúng đến gần với sự kiện hơn, phô bày cá tính nhân vật... Thế nhưng khi trích dẫn phải tuyệt đối chú ý đến yếu tố: nội dung, cách giới thiệu, bối cảnh. Tất nhiên, chúng ta dễ dàng đồng ý với nhau rằng khi trích dẫn trực tiếp phải để nguyên văn, nhưng thực tế viết tít, chuyện này đôi lúc cũng khó. Vì thế, tránh không được thay đổi từ ngữ trong câu trích dẫn, tuyệt đối không được “biên tập thêm”.

Lỗi thiếu chính xác và không công bằng khi trích dẫn trong tít có khi do phóng viên quá tin cậy trí nhớ của mình (không ghi chép, ghi âm), hoặc biên tập thiếu trao đổi với phóng viên viết. Lỗi vô ý này cũng có thể gây ra hậu quả truyền thông nghiêm trọng, nhưng tác hại của nó đối với uy tín cơ quan báo chí và nhà báo không nặng nề bằng chuyện trích dẫn sai vì định kiến.

Vì thế, phải hết sức cân nhắc khi sử dụng tít trích dẫn vì chúng ta có thể đối mặt với không chỉ với tòa án lương tâm...

Phan Văn Tú

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top