Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Vui buồn nghề báo

22:30 09/07/2016 - Đời & Nghề
Những người trong nghề báo thường rất ngại viết về công việc của mình. Thật khó để nói hết đặc thù công việc, sự vinh dự lớn lao luôn đi kèm với quá trình lao động nghiêm túc và nhiều khi là phải đối mặt với nguy hiểm. Trong cách đánh giá của xã hội, nghề báo và nhà báo thường được gắn với chữ “sợ” và “ghét”. Nhà báo Trần Thanh Minh (Báo ảnh Ðất Mũi) có một nhận xét rất sắc về vấn đề này: “Người ta sợ vì có điều mờ ám trong việc làm, suy nghĩ. Ghét vì nhà báo và tác phẩm báo chí có thể ảnh hưởng đến "nồi cơm", đến quyền lợi vật chất không chính đáng của họ”.

Biết bao vui buồn trong nghề, biết bao vinh quang và sự hy sinh thầm lặng, có lẽ cũng cần chia sẻ đôi điều với tất cả mọi người.

Trải lòng của người làm báo

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi bước chân vào nghề báo là như bị “chết đuối”. Cái gì cũng không biết, kể cả chuyện đường đi nước bước, vậy nên lạc đường là thường xuyên. Tôi cũng nhớ mãi bài báo xuân đầu tiên của đời làm báo, “Sắc xuân trên nông trường văn hoá”, viết về đời sống mới ở Nông trường 402. Ảnh của bài báo xuân được mấy anh, mấy chú nói là chụp “coi được” là cảnh cô gái tươi cười bên giàn bí đao trĩu trái.

Tôi nhớ hoài câu nói của cô gái: “Bán hết lứa bí đao, rau cải này, mấy bữa nữa em làm cô dâu”. Trông nét mặt, nghe lời nói của cô gái đều tràn đầy niềm vui, sự phấn chấn, vì thế không khí Tết đã đến thật cận kề trong từng câu chữ của bài viết. Ðúng là làm báo có rất nhiều thứ không thể đoán định trước, anh em hay nói với nhau: “Cứ vác ba lô rồi thâm nhập vào đời sống, ở đó đề tài và chất liệu báo chí là vô tận”.


Các phóng viên tác nghiệp tại sự kiện thông xe đường Hồ Chí Minh về đến Ðất Mũi, tháng 1/2016.       Ảnh: HOÀNG DIỆU

Tuổi đời, tuổi nghề còn ít, tôi cũng vấp phải những lỗi lầm mà bản thân day dứt mãi. Lần đó cũng là bài báo xuân, nói về công tác dân vận để huy động sức dân chỉnh trang đô thị Cà Mau. Khi nhận nhiệm vụ, tôi cảm thấy rất khó khăn vì đề tài này mình đã từng thực hiện. Cận ngày giao bài, tôi cập nhật thêm thông tin, chỉnh sửa lại bố cục bài đã viết (và đăng trước đó), yên tâm nộp bài. Bài viết không đạt, bộ phận biên tập phát hiện có một số chỗ giống bài đã đăng, tôi phải giải trình, kiểm điểm trước phòng, trước Ban Biên tập và thực hiện lại công việc. Qua sự cố nghề này, tôi tự rút ra 2 điều cho bản thân mình: Thứ nhất, làm báo phải biết lựa chọn thông tin và không thể nhận hết tất cả mọi việc, tự gây áp lực rồi không hoàn thành nhiệm vụ. Thứ hai, là phải thật sự trân trọng, kính trọng nghề nghiệp của mình, không thể làm nghề báo với sự cẩu thả, qua loa và không có đầu tư chất xám.

Những ngày đầu làm báo của Nhà báo Thanh Minh là vác chân máy quay phim, làm “cu li” cho những phóng viên chính. Anh kể: “Chân máy quay phim loại cũ nặng lắm, có hôm đi với anh Trung Thực, giữa trưa ôm chân máy lội đất cày, mắt nổi đom đóm”. Trước đây, mỗi lần cánh báo chí đi tác nghiệp thì phải mất mấy ngày mới làm xong đề tài vì đường sá đi lại rất khó khăn. Trong nghề còn lưu truyền mãi giai thoại về việc đài truyền hình phát tin “nhắn tìm phóng viên đi công tác cả tháng chưa về”. Xin nhân vật trong câu nói trên cũng đừng giận, bởi gợi lại chuyện này vừa vui, vừa thương, vừa nể phục sức làm việc của lớp nhà báo cha, anh đi trước.

Anh Thanh Minh nói: “Mình gốc từ nông dân ra, cho nên đề tài lớn nhất của mình là cuộc sống của người nông dân”. Theo anh Minh, làm báo phải luôn học hỏi. Anh Minh cho biết: “Vô báo mới biết phải học thêm chụp ảnh, chụp rồi mê. Mình không mộng nghệ sĩ, chỉ biết cầm máy và ghi lại những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống”. Nhà báo Thanh Minh kiên trì chụp một chỗ lở trên đê biển Tây qua nhiều năm, có lúc chỗ đó đã bị sóng xoá sạch, nhưng năm nay trở lại anh mừng: “Chỗ đó thấy mắm đã xanh, sạt lở cũng bớt phần căng thẳng”. Cũng chính tại điểm ấy, anh Minh có kỷ niệm không thể quên: “Khi đi chụp đê sạt lở, mình chuẩn bị 2 máy ảnh, thẻ nhớ. Tới đó mê chụp quá, sóng đánh ụp vô, hư máy hết”. Nhà báo cũng có lúc ướt tèm nhem, nhìn cái máy ảnh hư mà khóc rưng rức. Niềm an ủi là anh Minh cũng đã chụp được mấy kiểu - khoảnh khắc cuối của điểm đê sau đó tan vào sóng biển.

Thầm lặng cống hiến

Lực lượng báo chí Cà Mau ngày càng được chuẩn hoá và trẻ hoá. Ðiều ấn tượng hơn là trong những cây bút “mới nổi” có những cá tính, những sắc màu rất riêng biệt. Ðiều này được thể hiện rõ ràng nhất thông qua những tác phẩm báo chí đánh động được dư luận, tạo được sự đồng thuận cao của người dân. Với Nhà báo Ðặng Duẩn (Báo Cà Mau), mỗi đề tài anh phát hiện đều gắn với những trăn trở, bức xúc mà đời sống đặt ra. Nhà báo Ðặng Duẩn đôi khi rất ít viết, nhưng đã viết thì đi đến tận cùng vấn đề. Cách viết của Ðặng Duẩn gai góc, không ngại va chạm và điều đặc biệt là luôn đứng về phía lẽ phải, về người dân.

Trong một lần tác nghiệp về đề tài phá rừng nuôi tôm, phóng viên Ðặng Duẩn (Báo Cà Mau) bị “đối tác” bỏ rơi, phải lội gần 10 cây số đường rừng.

Tấm hình đăng trong bài viết này là một kỷ niệm “vừa vui, vừa tức” của Ðặng Duẩn. Anh kể: “Ðã lâu nghe về vườn chim Ðầm Dơi, khi về đến nơi, bản thân thấy hụt hẫng vô cùng”. Anh thực hiện bài viết “Công ty Trường Khánh biến sân chim Ðầm Dơi thành vuông tôm” và tác phẩm này vừa đạt giải tại Giải Báo chí Trần Ngọc Hy lần thứ XXV. Tiếp cận vườn chim, anh tâm sự: “Rừng bị phá gần hết, chỉ còn mắm chồi và chà là, chim cũng bỏ đi hết, nhìn mà không thể tin nổi nơi đây trước kia nổi tiếng với những bầy chim đông đúc”. Cũng lần tác nghiệp này, anh Duẩn phải lội bộ gần 10 cây số để từ rừng ra lộ cái. Lý do là bị “đối tác” bỏ rơi.

Chuyện làm nghề càng đau đáu hơn với những anh em “nhà báo huyện”, tức lực lượng đang làm công tác tại các đài truyền thanh huyện. Gặp Phóng viên Phan Thanh Vũ, vào nghề năm 2012, mới hiểu thêm những tâm tư của anh em làm công tác thông tin ở cơ sở. Thanh Vũ bộc bạch: “Tôi xuất thân từ bộ đội xuất ngũ, may mắn được đi học và sau đó thi tuyển vào đài Năm Căn. Nghề đến với tôi tình cờ, nhưng đến giờ tôi thấy gắn bó và muốn tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa”.

Từ một tin vắn, khung hình quay, lời bình cho phóng sự, từng bước, từng bước Thanh Vũ đã thành thạo các kỹ năng nghề, có những tác phẩm chất lượng và đạt nhiều giải báo chí của tỉnh Cà Mau. Thanh Vũ nói vui: “Phóng viên đài phát thanh huyện đa năng lắm, quay phim được, chụp ảnh được, viết tin, phóng sự từ báo hình tới báo in, kiêm luôn phát thanh viên…”. Càng thêm trân trọng những sản phẩm của các đơn vị truyền thanh trong điều kiện trang thiết bị, máy móc thiếu thốn.

Riêng Phóng viên Nguyễn Văn Tưởng, Ðài Truyền thanh Năm Căn, 12 năm gắn bó với nghề là quãng thời gian đong đầy kỷ niệm. Có lần, Văn Tưởng lên dự hội nghị tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau, Nhà báo Ðỗ Kiến Quốc, Giám đốc Ðài có nói vui: “Khách mời nước ngoài nên lên hàng ghế đầu đi”. Văn Tưởng có “giò đi”, tác nghiệp nhiều nên làn da gần như cháy đen, giống như người nước ngoài nên mới có chuyện trên. Văn Tưởng thổ lộ: “Có lần đang phỏng vấn giữa đồng, trời ập mưa, tôi vác máy phóng chạy, ướt tèm nhem. Còn chuyện ăn quán, ngủ đình, thâm nhập cơ sở thì đi thành… ghiền, ở nhà hoài là buồn hổng chịu nổi”.

Còn biết bao nhiêu chuyện vui buồn của giới báo chí Cà Mau mà không cách nào kể hết. Chỉ biết rằng phía sau những tác phẩm là rất nhiều công phu, vất vả và cả sự hy sinh, sáng tạo của lực lượng cầm bút. Chúng tôi, những người đã, đang và sẽ sống với báo chí vẫn coi đó là một niềm vinh dự lớn lao, lớn đến nỗi đủ sức để giúp chúng tôi vượt qua tất cả để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí thật sự phục vụ Nhân dân, góp phần nhỏ để dựng xây xã hội tốt đẹp hơn./.

 

Nguồn: Báo Cà Mau

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top