Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Làm báo tết như mở hội!

23:25 11/01/2023 - Đời & Nghề

Cuộc gặp gỡ, đàm đạo về nghề nghiệp giữa nhà báo Phan Quang (phải) và nhà báo Phạm Quốc Toàn (trái), tháng 12/2022_Ảnh:TGCC

Mùa Đông Hà Nội. Mỗi lần gió mùa phương Bắc tràn về, mưa lạnh, rét tê tái. Những chiếc lá vàng cuối cùng của dãy cây cổ thụ rụng tiếp, trải vàng trên hè phố. Nếp quen thuộc, tôi nhắn tin xin hẹn gặp nhà báo, nhà văn Phan Quang lúc 15 giờ. Ông là Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam nhiều khóa, Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Người Làm Báo. Ông nhắn tin trả lời ngắn gọn: “Vui quá, mong gặp anh!”. Đúng 15 giờ bấm chuông, cửa mở, tôi bước vào nhà, ông đã chờ ở phòng khách, vẫn một Phan Quang mái tóc bạc, dáng vẻ quắc thước hiền hậu, đôi mắt sáng, lịch thiệp.

Lúc trẻ cũng như về già, cựu Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phan Quang là mẫu người uyên bác, khiêm nhường, chu toàn mọi việc, đã hẹn ai không bao giờ ông sai một phút. Chất giọng Quảng Trị trầm ấm, ông hỏi tôi: - Anh từ Chu Lễ ra thẳng Hà Nội phải không? Tôi bất ngờ trước câu hỏi của ông, bởi khi ghé thăm quê Hà Tĩnh, tôi không nói với ai. Tôi chợt nghĩ, thôi chết, do đong đầy cảm xúc về quê, trên chuyến xe lửa từ ga Hương Phố ra Hà Nội tôi đã đưa lên Facebook vài tấm ảnh, kèm vài dòng tự vấn quê nhà, nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến địa danh Chu Lễ. Tôi trả lời ông: - Dạ thưa, em chỉ ghé thăm quê thắp nhang cho các cụ rồi vù xe lửa ra đây ạ! Ông quay sang tôi, nở nụ cười hồn hậu: - Mình có nhiều kỷ niệm với Chu Lễ, các địa danh dọc tuyến đường xe Goòng Tĩnh - Bình (Hà Tĩnh & Quảng Bình).

Chu Lễ là nơi có những đồi thông đẹp làm mê lòng bao người. Đôi mắt sáng nhìn ra cổng nhà, nơi có gần chục giỏ hoa phong lan - loài hoa mà ông yêu thích. Tôi hiểu tâm trạng của ông, khi tuổi đã hoàng hôn cuộc đời. Phan Quang chuyển đề tài, chuyện viết bài cho số báo Tết Quý Mão: - Làm báo Tết, viết bài cho số báo Xuân có bao kỷ niệm. Với tôi, già rồi thú vui viết báo Tết nay khó thực hiện. Trong câu chuyện cởi mở, ông nhớ lại: Năm 1948, lên căn cứ đi theo kháng chiến, sau đó được tổ chức phân công làm phóng viên báo Cứu Quốc Liên khu IV, tòa soạn tổ chức xuất bản số báo Tết, rà lại nội dung vẫn đang thiếu Truyện ngắn đăng chuyên mục văn hóa - văn nghệ, thế là sếp giao cho tôi “trám” chỗ. Chỉ một đêm tôi viết xong truyện “Bên bếp lửa hồng”. Bài được duyệt đăng, đó là bài báo Tết đầu tiên trong cuộc đời làm báo, viết văn của tôi. Phan Quang tiếp tục mạch chuyện: - Báo chí Việt Nam có sự khác biệt so với báo chí thế giới là làm số báo Tết Nguyên đán.

Không khí làm báo Tết ở các tòa soạn vui lắm, như mở hội. Khi tôi làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Chấp hành Hội có sáng kiến tổ chức Hội báo Xuân, báo Tết toàn quốc và tại các địa phương, Hội Nhà báo chủ trì. Hội báo Xuân trở thành nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền mấy chục năm nay. Mai vàng - Đào thắm mà thiếu báo Xuân coi như thiếu Tết! Với chuyện khi hoa mai nở vàng sườn núi, hoa đào rực đỏ vườn Nhật Tân, nhà báo mở hội làm báo Tết, tôi hỏi thêm bậc ký giả lão thành: - Hơn 70 năm, bác Phan Quang làm báo, những bài viết cho số Tết, bài nào để lại dấu ấn không thể quên? Ông vui vẻ trải lòng: - Mỗi bài báo Tết là một kỷ niệm khó quên, bài báo Tết “Tôi muốn có một quả cam bày cúng tổ tiên” đăng Báo Nhân Dân Xuân Đinh Dậu, năm 1957 là một trong những bài như thế. Vui Tết đón Xuân, Bác Hồ đi kiểm tra cửa hàng bán hàng Tết cho dân trong chợ Đồng Xuân, Hà Nội.

Vào quầy bán hoa quả phục vụ Tết, Bác Hồ đóng vai một ông già nông dân ra tỉnh hỏi mua một quả cam thờ Tết, cô mậu dịch viên thản nhiên trả lời, cam Tết chỉ bán sỉ, không bán lẻ. Bác Hồ không nói gì trở về Phủ Chủ tịch gọi điện thoại nghiêm khắc với Bộ trưởng Bộ Nội thương và Chủ tịch Hà Nội phê bình cung cách phục vụ xa dân và yêu cầu chấn chỉnh ngay. Mừng Xuân Bính Thìn, 1976 khi đất nước sạch bóng quân thù, cầu Hiền Lương và con sông Bến Hải - Quảng Trị thông thương, non sông thu về một dải, mai vàng phương Nam, đào thắm phương Bắc sum họp một nhà. Bài báo Tết Bính Thìn thật nhiều cảm xúc, rạo rực khó tả. Bùi ngùi kể lại Tết đầu tiên đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, ông về thành phố Đà Nẵng - nơi thân phụ là cụ Phan Tấn sinh năm 1880, qua đời trước ngày miền Nam giải phóng.

Cụ được các con cháu an táng tại khu nghĩa trang thuộc thành phố Đà Nẵng. Mỗi độ Xuân về, Tết đến, cây mai vàng bên phần mộ của cụ Phan Tấn nở vàng rực, loài mai vàng cánh to rung rinh trước làn gió biển. Cây không phụ lòng người, dù là bão tố hoặc nắng hạ gay gắt trên triền cát nóng, hoa vẫn rực rỡ sắc Xuân. Chỉ sau này, khi phần mộ cụ thân sinh được quy tập về quê nhà Quảng Trị thì Phan Quang ít trở lại triền cát nóng bao kỷ niệm. Đà Nẵng là nơi sinh thành của bà Kiều Nga, người bạn đời thủy chung của Phan Quang. Hai người con Quảng Trị và Đà Nẵng đã dệt nên câu chuyện tình yêu thời tuổi trẻ, từ nhà máy dệt thành Nam, đi trọn cuộc đời cho đến hôm nay.

Năm 2022 vừa đi qua, nhà văn, nhà báo Phan Quang có thêm dấu ấn, xuất bản tập sách có tựa đề “Du ký Phan Quang - Tiếc nuối hoa hồng” càng thấy sức viết, sức sáng tạo của cây bút lão thành Phan Quang đáng nể, sự minh mẫn, sức dẻo dai “tải đạo” thật hiếm có, để lại cho đời những tuyệt tác ký sự nhuần nhuyễn giữa báo chí và văn học. Trong câu chuyện thân tình với tôi buổi chiều tháng Chạp giáp Tết, cựu Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phan Quang còn bao ấp ủ và dự định “tải đạo” trên cánh đồng chữ nghĩa, chỉ lo sức khỏe của ông không cho phép (!). Phan Quang mở lòng: - Rốt cuộc vẫn là trở về cội nguồn, người già trở về với miền ký ức, sự hòa quyện của hôm qua, hôm nay và ngày mai! Mùa Xuân Quý Mão đã gõ cửa mọi nhà. Nhà báo, nhà văn Phan Quang là tấm gương đam mê nghề nghiệp, tự học, tự rèn, mà những cây bút trẻ có thể học tập, hướng tới.

Phạm Quốc Toàn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top