Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Tít báo mạng: “Đồng phục” hay chỉ là xu hướng từ khóa?

Thời gian gần đây, nhiều báo mạng lại phải sử dụng“một phần” tít bài giống nhau. Sự thay đổi ấy bắt nguồn từ lí do nào?
Nếu vài năm trước, phóng viên báo điện tử trước khi giật tít thường có một “động tác” seach Google để tránh trùng tít với báo bạn – một thủ thuật nho nhỏ nhưng khá “ổn” để tránh hiện tượng báo này quá giống báo kia từ nội dung cho tới tên bài khi các phóng viên cùng tham gia tác nghiệp tại một sự kiện hay hội nghị nào đó. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều báo mạng lại phải sử dụng“một phần” tít bài giống nhau. Sự thay đổi ấy bắt nguồn từ lí do nào?

Từ xu hướng tìm kiếm…

Có lẽ câu nói “Cái gì không biết thì tra Google” đúng với cả thế giới người dùng Internet chứ không riêng người Việt. Chính vì vậy, mỗi khi có tin tức hay sự kiện nào diễn ra, việc đầu tiên người muốn biết tin tức làm là vào mạng tìm kiếm về câu chuyện, nhân vật, tin tức liên quan đến nó. Nhưng tìm kiếm bằng cách nào, tìm bài báo đăng tin về nó hay tìm địa điểm liên quan, nhân vật được nói tới… - tất cả những điều bạn cần nghĩ tới chính là từ khóa tìm kiếm. Và thuật ngữ xu hướng tìm kiếm, tìm kiếm theo từ khóa, tìm kiếm có trọng tâm chính là một sự “dẫn dắt” mà vô tình chúng ta bắt buộc phải tuân theo khi tìm kiếm tin tức trên mạng.

Những từ khóa tìm kiếm nào nhiều nhất, tin tức nào nóng nhất… được các chuyên gia truyền thông phân tích và rồi các công ty quảng cáo trực tuyến biết phải làm gì để SEO.

Theo chuyên gia truyền thông Vũ Minh Anh, Công ty Minh Anh Media: Thực tế, câu chuyện xu hướng tìm kiếm bắt nguồn đầu tiên từ việc làm SEO (viết tắt của cụm từ “Search Engine Optimization” - “Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm”) và quảng cáo trực tuyến. Ban đầu, các doanh nghiệp luôn trăn trở muốn biết người tiêu dùng đang quan tâm đến điều gì nhất để họ có thể cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Nếu biết được người dùng cần gì, nếu có sẵn hãng hóa, dịch vụ đó họ chỉ cần lên kế hoạch bán sản phẩm, dịch vụ là xong. Còn nếu không có thứ mà người ta đang “tìm kiếm”, thì bạn hãy quảng cáo hàng hóa của bạn trên những trang mà người ta đang quan tâm, đó chính là khởi thủy của chuỗi liên kết giữa truyền thông - xu hướng tìm kiếm - hàng hóa dịch vụ. Từ đây, các công cụ phân tích xu hướng ra đời.

Những từ khóa tìm kiếm nào nhiều nhất, tin tức nào nóng nhất… được các chuyên gia truyền thông phân tích và rồi các công ty quảng cáo trực tuyến biết phải làm gì để SEO trên những nơi được gọi là “điểm nóng” của tin tức, sự kiện đang diễn ra. Từ phân tích từ khóa, xác định từ khóa thích hợp để “đặt” trong các bài quảng cáo đã khởi nguồn cho cuộc chiến marketing, quảng cáo trực tuyến và sau này lan sang cả mảng báo chí. Do đó, công cụ tìm kiếm từ khóa Google Trends (và Google Keyword Tool) ra đời từng được coi là “cẩm nang” một thời cho những người làm quảng cáo và sau này là báo mạng.

Vậy Google Trends (http://www.google.com/trends/) là gì? Nó là công cụ cho phép người dùng xem xu hướng tìm kiếm của một hoặc nhiều từ khóa nào đó. Trends sẽ biểu diễn số liệu dưới dạng biểu đồ theo thời gian để chúng ta biết khi nào thì mức độ quan tâm của một từ khóa tăng cao, khi nào thì giảm xuống thấp hay so sánh lượng tìm kiếm của từ khóa nào nhiều hơn. Nếu ở mảng quảng cáo trực tuyến, nó là công cụ xác định xu hướng tiêu dùng; nhưng ở mảng báo chí truyền thông, nó lại là công cụ xác định vấn đề nóng của tin tức và báo chí lấy ngay từ khóa trong dòng xu hướng ấy để đặt tít cho các bài viết của mình, để không bị “trượt” khỏi dòng sự kiện.

…đến tít bài giống nhau trên báo mạng

Như phân tích ở trên, báo chí nói riêng, báo mạng nói chung cần phải có độc giả. Với báo mạng, lượng view không chỉ phản ánh lượng độc giả của báo (cũng giống như lượng phát hành của báo giấy; lượt người xem của báo hình; lượt người nghe của báo nói), nó còn là thương hiệu của tờ báo, là cơ sở để các công ty quảng cáo cân nhắc nên mua đất quảng cáo trên báo điện tử nào. Về phía tòa soạn, muốn bán được quảng cáo, trước hết họ phải “bán” được tin tức, nghĩa là nội dung, bài vở phải hấp dẫn người đọc; hình thức, giao diện tờ báo phải bắt mắt, dễ xem. Tuy nhiên, trong thời đại Internet bùng nổ, khi báo chí đang phải cạnh tranh với rất nhiều hình thức truyền tin phi truyền thống khác như mạng xã hội thì báo mạng dù nội dung hay, hình thức hấp dẫn vẫn là chưa đủ.

Việc phân tích xu hướng người đọc, nhu cầu tìm kiếm thông tin và mang đến những tin tức độc giả cần, thay vì những gì tòa soạn có mới là điều quyết định. Chính vì vậy, công cụ phân tích từ khóa xu hướng áp dụng vào giật tít báo chí chỉ là một trong rất nhiều “thủ thuật” nho nhỏ của các biên tập viên báo mạng trong cuộc chiến đưa thông tin tới độc giả của họ. Phân tích sâu hơn dưới góc độ nghiệp vụ báo chí, nhà báo Lương Hương, Báo điện tử Infonet.vn chia sẻ: Với tiêu chí nhanh, độc, hấp dẫn, tin tức báo chí ngày nay không còn lượng hóa bằng đơn vị tin đơn thuần, mà phải mang được cái riêng của tờ báo trong cái chung của dòng sự kiện.

Lấy ngay câu chuyện khi dư luận nóng lên về Chương trình “60 phút mở”  với tiêu đề “Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?” (với nhân vật chính là MC Phan Anh, anh chia sẻ video clip về cá chết nhưng thông tin Phan Anh chia sẻ lại chưa hề được kiểm chứng-PV) của VTV hồi tháng 5/2016. Thuật ngữ “đấu tố” Phan Anh được Báo điện tử Infonet dùng đầu tiên, để rồi chính từ khóa này, rất nhiều báo điện tử khi chạy bài phản ánh đã dùng nó để trở thành một phần tít bài về chương trình “gây bão” dư luận thời điểm ấy.

Theo nhà báo Lương Hương: “Câu chuyện dùng chung từ khóa cho một phần tít bài của báo điện tử hiện nay thực ra không phải là “đồng phục”. Nói “đồng phục” tít bài báo điện tử là có phần không thỏa đáng, đơn giản đó chỉ là do xu hướng từ khóa và tính nhất thời của sự kiện mà thôi. Khi ấy, biên tập viên dùng Google Trends để xác định xem từ khóa nào nóng nhất liên quan đến vụ việc. Cụ thể, Chương trình “Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?”, những từ khóa nóng nhất như: Đấu tố, MC Phan Anh, VTV, Tạ Bích Loan… được xếp theo thứ tự người đọc tìm kiếm. Việc sử dụng thuật ngữ nào cho bài viết về sự kiện này là sự “nhạy bén” và khả năng đón đầu xu thế tìm kiếm của phóng viên, biên tập viên nhằm thu hút được lượng độc giả lớn nhất”.

Theo ông Vũ Đình Anh, trong thủ thuật SEO, từ khóa có vai trò quan trọng và nó phải thỏa mãn được 2 yêu cầu: Thứ nhất, từ khóa phải là trung tâm của vấn đề - tức là nó phải nóng, trọng tâm. Thứ 2, từ khóa phải là từ đang được người đọc tìm kiếm nhiều nhất. Tức là cùng một nội dung liên quan nhưng người dùng (với khách hàng), người đọc (độc giả báo chí) có thói quen tìm kiếm nhất? Thực tế, việc thỏa mãn nhu cầu thứ 2 chính là việc bạn đã “nắm thóp” được độc giả. Khi hiểu được điều này, các biên tập viên báo chí đã xây dựng cho mình một công thức đặt tít theo từ khóa xu hướng.

Thực tế, bên cạnh những mặt trái tiêu cực của một số tờ báo chạy theo view khi dùng cả những chiêu trò như “té máu vào tít, chan ít dâm dật” (tức là tít bài phải có các từ khóa liên quan đến đâm, cướp, giết hiếp hay những chuyện dâm dật, lộ hàng, phòng the… để câu view rẻ tiền-PV), thủ thuật giật tít sao cho văn hóa, nắm bắt nguồn được xu thế tìm kiếm của độc giả là việc không hề dễ dàng. Và câu chuyện tít báo chí “na ná” nhau về một phần hay cùng sử dụng chung từ khóa nào đó do xu hướng tìm kiếm của độc giả quyết định chứ không phải do các biên tập viên báo chí tự nghĩ ra.

Tối ưu hóa tiêu đề/tít bài viết

Do tít bài viết là phần đầu tiên của bài viết đập vào mắt người xem trước khi người đọc biết đến nội dung nên người xem sẽ dựa vào tít bài để đánh giá về mức độ hấp dẫn của bài viết trước khi quyết định có nên đọc hay bỏ qua nó. Chính vì vậy, áp dụng tiêu chí của SEO, tít bài báo điện tử cũng phải hội tụ 3 tiêu chí: Liên quan chặt chẽ đến nội dung; Không dài quá để người đọc còn nhớ; Phải có ít nhất 1 từ khóa hoặc cụm từ khóa quan trọng.

 

Nguồn: Infonet

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.