Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Thông điệp từ nghị trường

22:27 21/07/2016 - Đời & Nghề
Tại cuộc Tọa đàm trao đổi cởi mở với các anh chị em báo chí, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của đội ngũ phóng viên chuyên mảng nghị trường. Nhờ có báo chí mà hoạt động của Quốc hội (QH) Khóa XIII đã được truyền tải cụ thể, sinh động đến với cử tri cả nước.

Phóng viên tác nghiệp tại Kỳ họp thứ mười một khóa XIII. Ảnh: TL

Mối quan hệ hai chiều

Cử tri và nhân dân cả nước ngày càng quan tâm sâu sát hoạt động nghị trường với nhiều sự kiện sôi động, nóng bỏng, những câu chuyện mang tầm mức quốc gia đến các vấn đề từ cơ sở, làng thôn, ngõ xóm. Hình ảnh QH, đại biểu dân cử càng trở nên gần gũi với người dân, qua việc tham gia bàn luận, ấn nút thông qua những quyết sách quan trọng, thể hiện trách nhiệm rất cao của từng đại biểu.

Chia sẻ câu chuyện nghề nghiệp, PGS,TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng Biên tập báo Đại biểu Nhân dân cho rằng, đời sống báo chí sẽ rất thiếu vắng, bạn đọc sẽ thấy tẻ nhạt nếu thiếu các phát ngôn tâm huyết của các đại biểu, thiếu những vấn đề cốt lõi của đời sống trên những trang báo thể hiện qua những phát ngôn chính thống của những người đại biểu của nhân dân.

Cụ thể hơn, từ thực tế công tác thông tin, báo chí những năm qua, những vấn đề đời sống sát thực ai cũng biết, nhưng khi qua phát ngôn của đại biểu, câu chuyện mang một tầm vóc khác, một khí thế khác, một động lực khác để giải quyết. “Những phát ngôn của đại biểu khi được truyền tải qua báo chí đến với nhân dân tạo nên một niềm tin hết sức quý giá trong giai đoạn xã hội đang chuyển động, trong giai đoạn bên trong, bên ngoài rất nhiều vấn đề cần giải quyết, trong bối cảnh nền kinh tế hết sức khó khăn hiện nay”. Nhà báo Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh. Trong mối quan hệ hợp tác công việc giữa những người đưa tin từ nhiều cơ quan báo chí khác nhau, từ thời gian QH còn họp nhờ ở hội trường Bộ Quốc Phòng (Phố Nguyễn Tri Phương), nay về nhà Quốc hội mới đàng hoàng và to đẹp, đều có điểm chung: Dù ở đâu, các cơ quan của QH, trực tiếp là Văn phòng QH đã rất chia sẻ, tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp. Thực tế cũng cho thấy, tiến trình đổi mới đi lên của QH ngày càng rõ nét, chất lượng đại biểu ngày càng được nâng lên là nền tảng tạo nên môi trường thuận lợi để báo chí tiếp cận, khai thác thông tin. Sự trao đổi, phản hồi thông tin giữa báo chí - đại biểu, giữa đại biểu - cử tri, giữa cử tri - báo chí trở nên thường xuyên, mật thiết hơn bao giờ.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, từng phóng viên, nhóm phóng viên từ các cơ quan khác nhau đều nỗ lực cố gắng khai thác, tiếp cận thông tin tốt nhất, nhanh nhất. Trên diễn đàn QH và trong nhiều hoạt động khác nhau của QH, đại biểu QH trong cả nhiệm kỳ đều được phản ánh kịp thời, khá toàn diện. Qua đó người dân từ các địa phương có thể giám sát hoạt động của các đại biểu một cách thường xuyên.

Là người phát ngôn của Quốc hội, thường xuyên trao đổi với anh em báo chí, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc rất chia sẻ với những khó khăn của anh em báo chí trong quá trình tác nghiệp. Kinh nghiệm cho thấy, còn có những đại biểu còn e ngại khi tiếp xúc với phóng viên, báo chí. Trong khi báo chí là cơ hội rất tốt để đại biểu QH truyền thông điệp của mình đến cử tri và cũng thông qua báo chí là cơ hội rất tốt để xây dựng hình ảnh đại biểu, đoàn đại biểu. Nếu như đại biểu QH mới tham gia QH lần đầu (như QH khóa XIV nhóm họp lần đầu vào 20/7 này là hơn 300 người mới), rõ ràng hầu hết còn mang tâm lý rất ngại tiếp xúc báo chí.

Vấn đề quốc kế dân sinh hay chuyện... câu view

Ông Nguyễn Hạnh Phúc chỉ ra một trong những lý do là bản thân đại biểu QH chưa làm chủ được thông tin, kiến thức pháp luật, và đôi khi cũng lo sợ là kỹ năng giao tiếp với báo chí không chuẩn sẽ gặp chuyện rắc rối... Nhiều người vẫn ngại báo chí, với suy nghĩ “bệnh thì tự miệng mà vào, họa thì tự miệng mà ra”, họ còn rất ngại chỉ sợ báo chí nói sai ý của mình!

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, hầu hết anh em báo chí viết về QH chưa phải tất cả đều có kiến thức vững chắc về QH, về cơ cấu, tổ chức nhà nước. Rõ ràng có một bộ phận, một số anh em phóng viên không được chuyên nghiệp lắm trong theo dõi về QH, khi đưa tin về hoạt động của QH, hoạt động của đại biểu QH vẫn có thể có cái nhìn chưa chính xác, thiếu khách quan, thiếu cân nhắc và thiếu tinh thần trách nhiệm.

“Có những vấn đề có ích, có lợi cho hoạt động của QH, cho vấn đề chung của đất nước thì có khi anh em chỉ phản ánh ở chừng mực nào. cho nên, mới có câu chuyện, vấn đề lớn, vấn đề toàn cục của QH thì đôi khi nói lất phất, nhưng những thứ bên hành lang thì có thể là bám theo để mà tìm cách làm “nóng” nó lên, làm nổi bật lên”. Nhà báo Hồ Quang Lợi cũng chỉ ra thủ thuật báo chí như vậy làm nổi bật những cái không cần thiết, không cơ bản. “Đôi khi trong phát biểu của người ta mình lại chọn một chỗ nào đó để phục vụ ý đồ của mình. có khi cả QH toàn những chuyện quốc gia đại sự chẳng viết mà chỉ chọn để xoáy sâu vào vấn đề nào đó trong phát biểu của đại biểu QH, rồi cắt gọt, đưa lên mạng để câu view”.

Ý kiến của các đại biểu QH chuyên nghiệp và các nhà báo có kinh nghiệm tại cuộc Tọa đàm vừa qua đều chia sẻ: Nếu từ hai phía báo chí và đại biểu chịu gặp gỡ nhau, trao đổi với nhau với tinh thần cởi mở, chân thành, xây dựng vì cái chung thì tin rằng, đại biểu không sợ, không ngại báo chí và báo chí cũng ủng hộ hoạt động của QH cũng như của từng đại biểu QH một cách công tâm, có trách nhiệm.

"Đòi hỏi nhà báo cần phản ánh chính xác, khách quan, trung thực những thông tin mà đại biểu QH, Quốc hội đã quyết định, bàn luận. Nếu đưa sai thông tin thì sẽ có tác dụng ngược. Hình ảnh của tờ báo, nhà báo đó có thể không còn trong lòng của các đại biểu QH nữa, dẫn đến việc ngại trả lời, thậm chí từ chối phỏng vấn, trao đổi thông tin trong những lần sau đó"...
(Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc)

Thời gian tới đây, lãnh đạo Văn phòng QH sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các giải pháp, tạo môi trường thuận lợi để báo chí tiếp cận đại biểu, đại biểu tiếp cận báo chí. Bên cạnh đó, Tổng Thư ký QH cam kết sẽ phối hợp, tạo điều kiện để câu lạc bộ nhà báo đưa tin QH phối hợp Vụ Thông tin Văn phòng QH, nhà Văn hóa hội nhà báo Việt nam tổ chức các hoạt động trao đổi nghiệp vụ, giao lưu với đại biểu, tổ chức tọa đàm chuyên đề về kinh tế, luật pháp, văn hóa, xã hội có sự hiện diện của các chuyên gia, đại biểu QH đạt hiệu quả.

Tin rằng chuyện nghề nghiệp sẽ còn nhiều điều thú vị để tiếp tục chia sẻ trong những kỳ hoạt động QH mới, với những con người mới, quan điểm - ý kiến mới, ngày càng trí tuệ và tinh thần trách nhiệm cao. Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ QH mới đang diễn ra.

Văn Chúc
Tạp chí Người Làm Báo số 389 - Tháng 7/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top