Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Thời cơ, động lực phát triển mạnh mẽ từ khu kinh tế ven biển phía Nam (kỳ 2)

Sự phát triển hiệu quả của Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải là một trong những yếu tố quan trọng để Hải Phòng hướng tới việc phát triển khu kinh tế thứ 2, tức là khu kinh tế ven biển phía Nam của thành phố. Ý tưởng này hoàn toàn phù hợp với các định hướng phát triển Hải Phòng về phía Nam, để cùng với KKT Đình Vũ - Cát Hải tạo thành thế đứng vững chắc, hội đủ các ưu thế, tiềm năng, thế mạnh của Hải Phòng. Thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam có tính khả thi rất cao, là sự phát triển tất yếu của Hải Phòng và đang được lãnh đạo thành phố chỉ đạo gấp rút triển khai thực hiện.

Phối cảnh Khu Công nghiệp Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng

Thiên thời, địa lợi, nhân hoà

Đề xuất thành lập Khu Kinh tế( KKT) ven biển phía Nam Hải Phòng là sự cụ thể hóa Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng; Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quyết định số 323 ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung phát triển thành phố Hải Phòng tới năm 2040, tầm nhìn tới năm 2050.

Các nghị quyết, quyết định này đều xác định, thành phố Hải Phòng nằm trong vùng động lực tăng trưởng phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), thuộc hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc), Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế Nam Ninh (TrungQuốc), Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế ven biển (Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình) có vai trò đặc biệt quan trọng, là đầu tàu, động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng; thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.

Theo đó, các nghị quyết cho phép Hải Phòng tập trung nghiên cứu, đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới, để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện của thành phố Hải Phòng. Cùng với đó là hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc ven biển; xây dựng, nâng cấp các tuyến đường kết nối liên tỉnh Hải Phòng với Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương; xây dựng cảng cửa ngõ Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn thành cụm cảng cửa ngõ quốc tế có chức năng trung chuyển container; mở rộng không gian phát triển khu kinh tế ven biển trên địa bàn thành phố Hải Phòng; xây dựng mới tuyến Hà Nội - Hải Phòng (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng) song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (đến ga Nam Hải Phòng) kết nối cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện: tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh (bao gồm cả đoạn Nam Hải Phòng - Hạ Long) kết nối cảng Nam Đồ Sơn với các tỉnh duyên hải Bắc Bộ.

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng Cảng Hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng. Sau năm 2025, mở rộng không gian phát triển Khu kinh tế ven biển về hướng Kiến Thụy - Tiên Lãng; ưu tiên phát triển các dự án khu, cụm công nghiệp, trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế, các khu đô thị dọc theo tuyến đường bộ ven biển và các tuyến đường nối với tuyến đường bộ ven biển, tận dụng lợi thế của khu vực Quy hoạch cảng Nam Đồ Sơn và sân bay Tiên Lãng.

Cùng với việc xác định phát triển các vành đai dịch vụ - công nghiệp gồm: khu vực công nghiệp phía Bắc dọc đường vành đai 3, sông Bạch Đằng; khu vực công nghiệp phía Tây dọc quốc lộ 10; khu vực công nghiệp phía Tây Nam dọc quốc lộ 5 thì khu vực công nghiệp phía Đông Nam dọc sông Văn Úc và tuyến cao tốc ven biển được coi là động lực tăng trưởng mới của thành phố.

Đề xuất thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Trung ương. Tại Văn bản số 4356 ngày 13/6/2023, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Về việc thành lập thêm khu kinh tế ven theo đường cao tốc ven biển, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, kiến nghị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư  cho rằng, hiện tuyến đường cao tốc ven biển Ninh Bình - Hải Phòng đang được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm khởi công. Sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới kết nối đường bộ cao tốc giữa các tỉnh ven biển Bắc Bộ với cảng biển tại Hải Phòng; rút ngắn thời gian di chuyển từ khu vực hệ thống cảng biển Hải Phòng đi các tỉnh phía Bắc, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch, cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực ven biển.

Do vậy, việc đề xuất nghiên cứu phát triển thêm một khu kinh tế tại thành phố Hải Phòng là cần thiết, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố đóng góp trong phát triển vùng và cả nước như mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 45. Bộ Xây dựng cũng thống nhất chủ trương để Hải Phòng nghiên cứu thành lập thêm Khu kinh tế ven biển theo đường cao tốc ven biển, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng và các quy hoạch ngành quốc gia, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương và của khu vực.

Cơ hội và động lực để Hải Phòng cất cánh

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cho biết, thực hiện nhiệm vụ Thành ủy, UBND thành phố giao, Ban đã rà soát, đề xuất khu vực phát triển khu kinh tế mới tại thành phố Hải Phòng tại khu vực phía Nam cửa sông Văn Úc; khu vực cảng và logistics Nam Đồ Sơn; khu vực dịch vụ logistics, công nghiệp, sân bay Tiên Lãng nhằm kết nối với đường cao tốc ven biển, cảng Nam Đồ Sơn và sân bay Tiên Lãng dự kiến sẽ hình thành trong tương lai.

Tuyến đường ven biển hoàn thành mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Hải Phòng với Khu Kinh tế phía Nam và các Khu Công nghiệp mới

Dự kiến, tổng diện tích dự kiến của Khu kinh tế mới là khoảng 20.000 ha, bao gồm toàn bộ địa bàn các xã Đoàn Xá, Tân Trào, một phần xã Đại Hợp, Tú Sơn, Kiến Quốc, Ngũ Phúc (Kiến Thụy); một phần xã An Thọ, Chiến Thắng (An Lão); toàn bộ xã Vinh Quang, Tiên Hưng, Hùng Thắng, Đông Hưng, Tây Hưng, Nam Hưng, Bắc Hưng, một phần xã Tiên Thắng, Tiên Minh (Tiên Lãng); toàn bộ xã Trấn Dương, Hòa Bình, Vĩnh Tiến, Cổ Am (Vĩnh Bảo); một phần phường Bàng La (Đồ Sơn).

Tại đây sẽ có các công trình hạ tầng quan trọng như sân bay Tiên Lãng; cảng Nam Đồ Sơn; hệ thống cảng dọc sông Văn Úc; trung tâm logistics Kiến Thụy; trung tâm logistics Tiên Lãng...; các tuyến giao thông chính gồm đường cao tốc ven biển; quốc lộ 37 và các tuyến đường giao thông khác...

Đáng chú ý, trong khu vực dự kiến thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng có một số KCN đã có trong quy hoạch. Cụ thể là KCN Tân Trào 500 - 550 ha (chỉ tiêu sử dụng đất 2021-2030: 350 ha); KCN Ngũ Phúc 450 - 500 ha (chỉ tiêu sử dụng đất 2021-2030: 270 ha); KCN Tiên Lãng 1diện tích 600 - 700 ha (chỉ tiêu sử dụng đất 2021-2030: 216 ha); KCN Tiên Lãng 2diện tích  500-550 ha (chỉ tiêu sử dụng đất 2021-2030: 312 ha); KCN Sân bay Tiên Lãng  450 - 550 ha (chưa có chỉ tiêu sử dụng đất). Ngoài ra còn có khu vực phát triển công nghiệp Trấn Dương - Hòa Bình 800-900 ha (chưa có chỉ tiêu sử dụng đất).

Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, KKT ven biển phía Nam dự kiến thành lập hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện cả về cơ sở pháp lý cũng như quy mô, diện tích, tính chất, chức năng. Việc thành lập một khu kinh tế mới tại Hải Phòng sẽ tận dụng được dư địa phát triển của KKT Đình Vũ - Cát Hải, tiếp tục trở thành một khu kinh tế thành công với khả năng thu hút đầu tư các dự án, công trình quy mô lớn, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả vùng.

Việc Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng khẩn trương xây dựng và hoàn thành bước đầu đề án thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng thể hiện tâm huyết, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ Thành ủy, UBND thành phố giao; tất cả vì sự phát triển bứt phá của thành phố. Đề án sẽ được tiếp tục lấy ý kiến tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý; được bổ sung, hoàn thiện trình xin ý kiến Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; báo cáo các bộ, ngành Trung ương trình Chính phủ phê duyệt...

Diện mạo của KKT thứ 2 của Hải Phòng đã được hình thành. Từ đây, người dân Hải Phòng hoàn toàn có thể mường tượng được sự phát triển nhanh chóng, sầm uất, sôi động của khu vực phía nam thành phố; các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng bắt đầu quan tâm, tìm hiểu, hoạch định, hình thành các ý tưởng đầu tư, xây dựng. Từ đó, Hải Phòng có thêm các cơ hội, động lực mạnh mẽ để phát triển bứt phá, thực hiện thành công Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, xứng đáng với vai trò động lực phát triển của cả vùng, cả nước.

                                                                                   Trọng Hồng

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top