Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Phát triển người tham gia BHYT: Nhiều địa phương gần đạt kế hoạch năm

Vượt qua ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, chỉ trong 6 tháng đầu năm, BHXH nhiều địa phương đã gần đạt kế hoạch cả năm về phát triển người tham gia BHYT. Đây là tín hiệu vui về an sinh xã hội, khi trụ cột BHYT đã “bám rễ” và khẳng định vai trò không thể thiếu trong cộng đồng.

BHXH nhiều địa phương đã gần đạt kế hoạch cả năm về phát triển BHYT

Ước đến hết tháng 6, tỉnh Lâm Đồng- địa phương đang được Chính phủ kỳ vọng trở thành khu vực kinh tế động lực của vùng Tây Nguyên-  đã đạt gần 97% kế hoạch năm về BHYT, với hơn 1.145.000 người tham gia. Cũng tại khu vực này, tỉnh Gia Lai đến nay đã đạt 99,74% kế hoạch năm, với gần 1.378.000 người tham gia. Còn tỉnh Đắk Nông- địa phương có “tuổi đời” trẻ nhất trong số 5 tỉnh Tây Nguyên, cũng đã đạt 99,8% kế hoạch năm, với gần 566.000 người tham gia BHYT.

Ở khu vực duyên hải miền Trung, Phú Yên đã “chạy nước rút” trong 6 tháng đầu năm để đạt 99,4% kế hoạch năm, với gần 807.000 người tham gia. Còn ở Bình Thuận cũng đã có gần 1.022.000 người tham gia BHYT, đạt khoảng 98% kế hoạch năm.

Với các tỉnh khu vực ĐBSCL, Tiền Giang ước đạt 97,5% kế hoạch năm với hơn 1.524.000 người tham gia; còn Bạc Liêu ước đạt hơn 90% kế hoạch năm; Kiên Giang ước đạt hơn 95% kế hoạch năm với gần 1.500.000 người tham gia….

Ở tỉnh Kiên Giang, câu chuyện thầy giáo trẻ Danh Văn không may bị gãy chân trong lúc tình nguyện dạy học trên xã đảo khiến cộng đồng biết đến và sẻ chia. Điều khiến nhiều người không khỏi “giật mình”, đó là thầy Danh vì mắc bệnh máu khó đông do di truyền (Hemophilia), nên quá trình điều trị vết thương ở chân kéo dài và được quỹ BHYT chi trả hơn 13 tỷ đồng chi phí KCB, đã giúp thầy Danh Văn trở lại cuộc sống bình thường để tiếp tục thực hiện hoài bão “đưa con chữ đến đảo xa”. Gần đây, bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm, cũng ở ĐBSCL và cũng mắc bệnh lý Hemophilia, đã được quỹ BHYT chi trả số tiền “khủng” lên tới hơn 38 tỷ đồng, lại càng khiến nhiều người kinh ngạc.

Qua chuyện thầy Danh Văn và bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm, không chỉ người dân khu vực ĐBSCL, mà ở các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, đặc biệt là những người chưa “phòng thân” bằng thẻ BHYT đều thực sự “giật mình”. Còn với những người đã tham gia BHYT, qua những câu chuyện này, đã củng cố thêm niềm tin và an tâm với quyết định “rất chính xác” của mình và gia đình.

Cách đây mấy tháng, khi câu chuyện bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm đang hút dư luận bởi truyền thông loan tải dày đặc, một bác sĩ ở TP.HCM đã ví von chia sẻ rằng BHYT là “một phần tất yếu của cuộc sống”. Ngẫm lại, trong bối cảnh dịch bệnh khó lường và chi phí y tế đắt đỏ như hiện nay, thì BHYT quả đúng là một phần tất yếu của cuộc sống!

Theo lãnh đạo BHXH nhiều địa phương, những câu chuyện tương tự thầy Danh Văn và bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm được truyền thông loan tải rộng khắp, đã tạo hiệu ứng “rất mạnh”, đủ sức lay chuyển cả những người lâu nay còn thờ ơ với tấm lá chắn mang tên “BHYT”. Dù tích cực là vậy, nhưng “một cánh én không làm nên mùa Xuân”. Do đó, để các địa phương “chạy nước rút” thành công về thực hiện chỉ tiêu BHYT năm 2021 chỉ trong 6 tháng đầu năm, phải khẳng định, đó là nhờ vào “hiệu ứng tổng hợp”.

Theo ông Đậu Tú Lan- Giám đốc BHXH tỉnh Lâm Đồng, kết quả phát triển BHYT ở địa phương này là đoạn đường “gần đến đích” của cả một hành trình dài, mà BHXH tỉnh cùng với hệ thống chính trị chung tay vào cuộc và đi từng bước một. “Phải là hiệu ứng tổng hợp từ nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực… cộng hưởng lại, trong đó BHXH đóng vai trò vừa hoa tiêu dẫn đường, vừa là những tay chèo chủ lực thì “chiếc tàu BHYT” mới đi đúng, đi nhanh như hôm nay”- ông Lan chia sẻ.

Lãnh đạo BHXH nhiều địa phương cũng đều cho rằng, việc chủ động ứng phó dịch bệnh COVID-19 cũng góp phần tạo nên thành công trong phát triển BHYT. Còn nhớ, hồi cuối năm 2020, BHXH một số địa phương bị “khủng hoảng đội hình” thực hiện nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Nguyên nhân là do trong năm 2020 dịch bệnh COVID-19 bùng phát nhiều đợt, trong khi kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh chưa có. Vì vậy, hoạt động phát triển người tham gia BHXH, BHYT bị động, dẫn đến cuối năm khó hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, bước sang năm COVID-19 thứ hai- năm 2021, với những trải nghiệm thực tế tác động tiêu cực của dịch bệnh, nên ngay từ đầu năm, BHXH các địa phương đã chủ động vào cuộc “chạy nước rút”.

“Buộc phải làm vậy, vì đây là cách ứng phó hữu hiệu nhất với COVID-19 trong lĩnh vực dệt lưới an sinh”- lãnh đạo BHXH tỉnh Lâm Đồng chia sẻ. Theo ông Đậu Tú Lan, BHXH tỉnh Lâm Đồng đã tranh thủ tối đa, lúc nào COVID-19 êm êm một chút là “đua” thực hiện nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên toàn địa bàn. Trên thực tế, các địa phương “đua” được khoảng 4 tháng đầu năm, thì đợt dịch COVID-19 thứ tư ập đến và kéo dài đến tận hôm nay, khiến nhiều địa phương vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội.

“Nhờ tranh thủ, chủ động như vậy nên kế hoạch thực hiện BHYT cho cả năm, nay đã gần đạt, nhẹ lo rồi”- ông Lan phấn khởi chia sẻ thêm. Được biết, ngay trong lúc cao điểm dịch bệnh COVID-19 khiến việc tiếp cận truyền thông trực tiếp trở thành “vấn đề lớn”, thì BHXH tỉnh Lâm Đồng vẫn gắng chuyển tải thông điệp BHXH, BHYT đến cộng đồng nhờ livestream, như một kênh “truyền hình BHXH”.

Lãnh đạo BHXH các địa phương cũng chia sẻ một góc nhìn chung đầy tích cực rằng, BHYT gần tới đích rồi nên “nhẹ đầu, rảnh tay, tập trung chạy đua với COVID-19 để lo các nhiệm vụ khác”. Trong nhiệm vụ phát triển người tham gia lưới an sinh, ngoài BHYT, còn có BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp và đặc biệt là BHXH tự nguyện. Chỉ khi nhiệm vụ phát triển người tham gia lưới an sinh hoàn thành, thì các chỉ tiêu liên quan khác, trong đó có chỉ tiêu thu, mới có cơ hội thực hiện đầy đủ theo yêu cầu của Ngành.

Thế Hùng- Thu Hiền-Lý Hải

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top