Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Tập trung mọi nguồn lực trong giải quyết chế độ BHXH, BHYT

Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, BHXH Việt Nam ưu tiên tập trung nguồn lực cho công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực BHXH, BHYT. Theo đó, công tác tiếp nhận và giải quyết chế độ, quyền lợi BHXH, BHYT cho người tham gia, thụ hưởng chính sách được kịp thời, đầy đủ, trong mọi trường hợp không phân biệt địa giới hành chính và đảm bảo đúng quy định hiện hành.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tập trung mọi nguồn lực trong công tác giải quyết chế độ BHXH, BHYT.

Tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia, thụ hưởng chính sách

Nhằm đáp ứng được các yêu cầu tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong tình hình mới, tạo sự hài lòng cho người tham gia, những năm qua, BHXH Việt Nam thường xuyên rà soát, cắt giảm hồ sơ, thủ tục không cần thiết, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN khi giao dịch với cơ quan BHXH; chuyển đổi mạnh mẽ tác phong làm việc sang phục vụ; tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số toàn diện; 100% TTHC được cung cấp DVC trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng DVC BHXH Việt Nam, từng bước tích hợp trên Cổng DVC quốc gia; đa dạng hình thức tiếp nhận hồ sơ (trực tuyến, trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính công ích) vì sự hài lòng của tổ chức, cá nhân tham gia, thụ hưởng chính sách.

Gần như các hoạt động của ngành, cũng như các giao dịch của người dân, NLĐ và DN với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên không gian số nên các giao dịch có thể thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Khi cần thông tin, người dân không phải đến trực tiếp trụ sở mà có thể tương tác với cơ quan BHXH ở nhiều kênh khác nhau như: Tổng đài hỗ trợ, Cổng thông tin điện tử, Fanpage của ngành…

Trong năm 2022, đã có khoảng 18,3 triệu lượt người tương tác, tiếp cận với các thông tin về chính sách BHXH, BHYT. Đây cũng là năm, BHXH Việt Nam được xếp là đơn vị dẫn đầu các bộ, ngành về số giao dịch thành công trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia với gần 278 triệu giao dịch (theo Báo cáo chuyên đề về “Kết nối, chia sẻ dữ liệu” của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố).

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo BHXH các địa phương nâng cao trách nhiệm, tinh thần, tận tâm phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, đáp ứng đầy đủ, kịp thời quyền lợi chính đáng của nhân dân. Đơn cử, gần đây, trước tình trạng người dân rút BHXH một lần gia tăng, dẫn đến việc “quá tải” tại một số tỉnh, thành phố phía Nam, BHXH Việt Nam đã nắm bắt, sát sao tình hình thực tế để đưa ra những chỉ đạo kịp thời đối với BHXH các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa và đảm bảo quyền lợi cho NLĐ đầy đủ, kịp thời theo Luật định.

Theo đó, BHXH các tỉnh, thành phố trong đó có TP.Hồ Chí Minh đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình địa phương để giải quyết thủ tục hưởng BHXH một lần theo hướng cải cách TTHC, minh bạch, tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người hưởng.

Cụ thể: Chỉ đạo, quán triệt toàn thể viên chức phải có tinh thần trách nhiệm trong việc tiếp nhận hồ sơ của đơn vị, NLĐ theo quy định. Nghiêm cấm tình trạng đùn đẩy hoặc gây khó khăn hoặc hướng dẫn NLĐ đi nơi khác nộp hồ sơ.

Thực hiện niêm yết công khai theo hình thức pano, danh sách và đặt nơi dễ nhìn thấy để tổ chức, các nhân nắm bắt và thực hiện đối với các nội dung sau: Niêm yết địa chỉ nơi tiếp nhận hồ sơ BHXH một lần (22 BHXH quận, huyện và 97 Bưu cục có tiếp nhận hồ sơ BHXH một lần); Pano triển khai, hướng dẫn tiện ích đặt lịch làm việc trực tuyến với cơ quan BHXH; Pano triển khai, hướng dẫn nộp hồ sơ giải quyết BHXH 1 lần qua cổng DVC trực tuyến.

Phân luồng việc tiếp nhận hồ sơ hưởng BHXH một lần riêng, đảm bảo tiếp nhận hết hồ sơ của NLĐ trong ngày. Không được giới hạn số hồ sơ được nhận trong ngày. Riêng sáng thứ Bảy, tổ chức làm việc và ưu tiên tiếp nhận hồ sơ BHXH 1 lần.

Không được yêu cầu NLĐ khi đến nộp hồ sơ trực tiếp phải đặt lịch làm việc sau đó mới quay lại nộp hồ sơ BHXH một lần.

“Đích” cuối cùng là đảm bảo an sinh lâu dài cho người dân           

BHXH Việt Nam luôn nỗ lực để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho NLĐ tham gia, thụ hưởng chính sách, trong đó có NLĐ rút BHXH một lần, đảm bảo đúng quy định. Song, vì quyền lợi an sinh lâu dài của NLĐ, BHXH Việt Nam luôn khuyến nghị NLĐ cần cân nhắc không nên rút BHXH một lần để không bị thiệt thòi quyền lợi cho bản thân. Cụ thể:

Nếu nhận BHXH một lần, sau này tham gia lại BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH đã thanh toán một lần, và chỉ được tính thời gian đóng BHXH lại từ đầu. Như vậy NLĐ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu hoặc nếu khi nghỉ hưu vẫn đủ thời gian được hưởng lương hưu nhưng số tiền lương hưu sẽ thấp do thời gian đóng BHXH ít.

Trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu, NLĐ được quỹ BHXH trả kinh phí để cấp thẻ BHYT miễn phí với quyền lợi hưởng lên đến 95% chi phí khám, chữa bệnh.

Khi người hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng được nhận một khoản hỗ trợ mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu chết và thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc một lần.

Khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là “của để dành” quý giá của chính NLĐ. Tại thời điểm không có điều kiện tham gia BHXH, NLĐ có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ đóng của Nhà nước. Trong thời gian bảo lưu, nếu chẳng may NLĐ qua đời thì gia đình được hưởng trợ cấp mai táng phí, thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất một lần hoặc hàng tháng theo quy định.

Do đó, việc NLĐ tự rời “lưới” an sinh là tự tước đi quyền lợi được an hưởng tuổi già của chính mình.

Có thể nói, tất cả các giải pháp cải cách trong công tác tiếp nhận và giải quyết các chế độ BHXH, BHYT của BHXH Việt Nam nói chung, BHXH các tỉnh, thành phố nói riêng đều nhằm mang tới sự thuận tiện và những lợi ích tối ưu, tốt nhất cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách mà không phân biệt địa giới hành chính. Đây là mục tiêu nhất quán và là định hướng xuyên suốt được toàn ngành thực hiện đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.

Gia Linh

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top