Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Nỗi niềm... “mưu sinh mùa nước nổi”!...

16:43 01/07/2016 - Đời & Nghề
Mỗi mùa nước nổi về, tôi lại đi, như một nỗi nhớ da diết lắm. Mỗi chuyến đi, gặp gỡ thêm một số phận, một cuộc mưu sinh đầy bĩ cực, những trăn trở trong tôi cũng lớn thêm theo từng trang viết. Tôi lại đi, đón những mùa nước nổi, nhận những nỗi niềm và để yêu thương hơn đời lũ.

Phóng viên tác nghiệp tại hiện trường. Ảnh: Quốc Dũng​

1. Tác phẩm “Thắc thỏm mưu sinh mùa nước nổi” của tôi đạt giải B cuộc thi viết Phóng sự trên Báo Nhân Dân Chủ nhật từ năm 2012-2014, nhưng vẫn khiến tôi nhiều trăn trở, đến tận bây giờ. Trăn trở đó là sự đồng cảm, cảm thông mà tôi chỉ nói hộ hàng ngàn con người đang từng ngày lênh đênh đời du mục, mưu sinh trên sông nước miền Tây Nam bộ. Mùa nước nổi vốn là nét văn hoá đặc trưng ở miền Tây, từ bao đời nay. Hàng ngàn con người, không ruộng đất, bám víu mùa nước nổi để mưu sinh. Có những đứa trẻ được sinh ra ngay trên chiếc ghe tuềnh toàng, trên sông. Rồi mặc định, khi lớn lên nối nghiệp cha, làm nghề “bà cậu”. Những cuộc mưu sinh lênh đênh trên sông nước ấy lại đầy hiểm nguy, may rủi...Họ chấp nhận đánh cược số phận của chính mình, gia đình, con cái. Bằng nhiều cách. Có khi là tính mạng. Chỉ để hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái, sau này. Để hoàn thành phóng sự này tôi phải đi hàng trăm cây số, xuyên qua vùng đầu nguồn lũ của biên giới Tây Nam, nơi tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Mà không phải chỉ một lần, mà đến ba lần. Bởi những chuyến đi không hẹn trước, cứ như trò chơi “cút bắt” (trốn tìm) với cánh vạn chài. Khi tôi lên tới khu vực biên giới Tân Hồng, Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp thì ghe của họ đã sang đến kênh Vĩnh Tế, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Xuồng ghe của vạn chài cứ di chuyển theo con nước và luồng cá, không cố định bến bờ nào. Cũng giống như chính cuộc đời họ, mãi lênh đênh, biết khi nào tìm được bến để dừng cuộc “du mục trên sông nước”. Còn tôi cứ rủi may, loanh quanh, xuôi ngược đầu nguồn lũ, để tìm kiếm nhân vật của mình. Cái khó của không chỉ riêng tôi, một người sinh ra, lớn lên nhẵn mặt miền Tây, mà với tất cả người viết phóng sự về “lũ miền Tây” là nó quá quen thuộc, gần gũi, thân thiết tới mức không còn nhận ra điều gì mới lạ, riêng tư. Mà chỉ cần một chút vô tâm, một chút lười nhác sẽ “tái bản” ngay mùa nước nổi của năm rồi. Sẽ có một chút thuận lợi cho những nhà báo từ nơi khác tới với những cảm nhận rất mới khi được đứng chân giữa rốn lũ đồng bằng. Nhưng cũng không ít khó khăn là thiếu kiến thức, sự hiểu biết cơ bản về mùa nước nổi miền Tây để viết đúng, viết hay. Cái khó chính là góc nhìn mới lạ. Tôi chọn cái khó đó, để thử thách chính mình. Tuy vậy, những chi tiết vàng, thông tin đắt giá có khi lại xuất hiện bất ngờ. Đó là cái duyên của người cầm bút, mà tôi từng may mắn có được trong những chuyến đi thực tế của mình, đôi lần... Trong số hàng chục vạn chài đang tề tựu về kênh Vĩnh Tế, tôi vô tình chú ý tới người đàn ông có nước da sạm nắng, trạc tuổi 40. Hỏi mấy đồng nghiệp của anh, mới biết đó là Sáu Thanh, quê ở miệt Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Trong suốt buổi chiều, anh cứ đưa mắt ngó xa xăm, một nỗi buồn sâu thẳm hiện rõ trên gương mặt. Sau một hồi lân la, thăm hỏi, mới biết Sáu Thanh chính là ngư dân vừa bị đắm xuồng trên sông Hậu. Trận giông chướng suýt cuốn cả gia đình Sáu Thanh đi chầu “Hà Bá”. Nhà nghèo, đơn chiếc, có đến ba đứa con nên mỗi lần ra sông đánh bắt, vợ chồng Sáu Thanh đều mang cả các con theo. Chuyến đánh cá cuối ngày không ngờ trở thành định mệnh, đớn đau. Giông gió bất ngờ ập tới, sóng tung ngọn cao lừng lững, nhấn chìm chiếc ghe cào nhỏ bé trong dòng nước xoáy. Ba đứa con gái chới với trong biển sóng. Sáu Thanh chỉ kịp quơ được đứa con gái 3 tuổi và túm lấy tay vợ. Còn đứa lớn 6 tuổi và đứa nhỏ mới thôi nôi chìm vào lòng nước lạnh. “Sau biến cố tôi mới giận mình. Con tôi chết là tại tôi vô ý. Cuối buổi chiều hôm trước tôi đã thấy một cái móng mọc ở phía cuối chân trời. Mà hễ có móng thì chắc là hôm sau sẽ có giông gió chướng. Dân làm nghề bà cậu thì phải biết chuyện này. Cái móng, nhìn như cầu vồng, nhưng ngắn ngủn, nhìn từ xa, đưa tay ướm thử độ một gang. Cánh vạn chài quả quyết, thấy lói (móng) mọc thì xuồng ghe phải tấp hết vô bờ. Chỉ vì mải lo lặn ngụp để kiếm miếng cơm mà tôi sơ ý, hại chết mấy đứa con”, Sáu Thanh đau đớn vò đầu, bứt tóc tự trách bản thân.

2. Để có một bài phóng sự tốt thật sự đòi hỏi người viết phải lao động nghiêm túc. Cũng không gian đó, thời gian đó, con người đó, nhưng do cách của mỗi người tiếp cận mà có được những thông tin khác nhau. Không chỉ là đến nơi gặp gỡ hỏi han, nhìn ngó rồi viết. Thông tin sẽ rất nghèo nàn, bởi thiếu sự trải nghiệm, hoá thân và cảm xúc của một người trong cuộc. Tôi đã đi, đã sống, đã ăn ở và làm cùng họ để những trải nghiệm đó ngấm vào tim mình, để cảm nhận tự thân và thấu hiểu. Và chỉ khi họ không còn coi bạn là nhà báo, mà là một thành phần trong họ hoặc là bạn bè, đồng nghiệp thì họ mới trút cạn nỗi lòng. Cảm xúc, khi đó như dòng máu nóng lan toả khắp người, trào dâng mãnh liệt, làm mạch chảy xuyên suốt cho bài viết. Mỗi nhân vật đều để lại trong lòng tôi một nỗi niềm trăn trở. Nó như một nhát dao cứa vào tận tâm can, mỗi khi nhớ lại. Cho nên, từng con chữ chạy dài trên trang viết, tôi phải đắn đo, suy tư nhiều lắm. Đôi lúc là sự giằng co, đấu tranh tư tưởng với chính mình. Cái nghèo, gian khổ của họ có nên được lột tả hay không? Có vô tình làm cho họ càng thêm đau, tủi buồn cho số phận không? Hay để cho mọi người thấy được, đằng sau mùa nước nổi đẹp lung linh những cánh đồng lũ cuốn hút bao nhiêu du khách tìm về thưởng ngoạn đến đắm say, là những thân phận vật lộn với sóng nước để có miếng cơm, manh áo, để con cái họ được tới trường... Vậy rồi, cảm xúc cứ đẩy trôi từng con chữ tuôn ra:... Mùa lũ năm nay, Chín Nghĩa đùm túm vợ và hai đứa con nhỏ xuống chiếc xuồng cui, sống đời phiêu bạt suốt 4 tháng trời nước nổi lênh đênh. Chiếc xuồng nhỏ xíu, gắn máy đuôi tôm cũ kỹ cứ vượt hết khúc sông này đến cánh đồng lũ khác. Mấy bận qua sông lớn đầu nguồn, nước chảy xiết, xoáy đụn nghe ron rót, ớn lạnh sống lưng. Anh Nghĩa phải nghiến răng, cầm chắc tay lái vượt qua dòng nước đang cuồn cuộn chảy. Qua được hiểm nguy, lưng áo anh ướt sũng. Hai đứa bé ghì chặt tay mẹ. Nín thinh. Mặt tái nhợt vì sợ mà không dám khóc. 40 tuổi, chừng nửa tuổi đời vợ chồng anh Nghĩa phải sống kiếp lênh đênh. Mái nhà nhỏ ở quê được dựng lên chỉ để cho có cái gọi là nhà. Còn chiếc xuồng nhỏ với chẵn vạc tre, tấm cà rèm bằng lá dừa nước, mới là “mái nhà” theo Chín Nghĩa suốt chặng đường phiêu bạt. Mấy đứa nhỏ sinh ra đã biết đến cái nắng, cái gió của chốn thương hồ. Rồi đây mai đó, vật lộn mưu sinh nên tụi nhỏ lớn lên cũng chưa biết đến con chữ vỡ lòng. Năm tuổi, thằng Đen, con trai lớn Chín Nghĩa đã biết rõ mặt từng loại cá sông. Đến nay 13 tuổi vẫn chưa một ngày đến lớp. Hôm gặp nó, tôi rút trong túi ra cuốn truyện tranh trinh thám. “Chú tặng”, tôi đẩy quyển sách đủ sắc màu về phía nó. Nó lật đi lật lại, nhìn ngấu nghiến vào tranh vẽ rồi xếp lại thật nhanh. “Con chưa đi học”, thằng Đen cúi gầm mặt nói giọng nhẹ hều mà sao nỗi buồn nặng trịch. Anh Nghĩa rơm rớm nước mắt nhìn đứa con trai, giải thích. Cái nghèo đã đẩy vợ chồng anh sống đời lang bạt thương hồ nên tụi nhỏ đâu có chốn dừng chân, làm sao cắp sách tới trường?...

Còn nhiều lắm những mảnh đời cơ cực, vật lộn với sóng gió cuộc đời để mưu sinh. Dẫu gian khổ, khó khăn nhưng trong họ vẫn tươi rói niềm tin vào ngày mai tốt đẹp, đang chờ đợi những chuyến đi khám phá, trải nghiệm và sẻ chia của tôi, của bạn.../.

Bùi Quốc Dũng

Tạp chí Người Làm Báo số 385 - Tháng 3/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top