Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Nhà báo nữ đòi hỏi niềm đam mê

16:09 19/10/2016 - Đời & Nghề
Hẳn nhiều người vẫn nghĩ, nghề báo như món quà kỳ diệu của cuộc sống, đẹp tựa giấc mơ và đầy màu hồng của vinh quang nghề nghiệp.

Chỉ có yêu nghề báo, tâm huyết với nghề, mới giúp những nhà báo nữ đưa hơi thở cuộc sống vào từng trang viết. Ảnh minh họa

Ít ai biết rằng, đằng sau mỗi bài viết, đằng sau mỗi bút danh ẩn giấu biết bao trăn trở, buồn vui, bao hiểm nguy và cả những hy sinh thầm lặng. Dấn thân vào nghề báo, người phụ nữ vất vả không thể nói hết, nhưng với lòng yêu nghề, đam mê và nhiệt huyết, họ vẫn tiếp tục bước đi trên con đường mình đã chọn. Bởi họ biết mình luôn có “hậu phương” vững chắc là niềm tin của độc giả...

Nhà báo Ngô Hương Sen, Ban Nhân Dân hằng tháng, Báo Nhân Dân:

Phụ nữ duy tình hơn nam giới?

Phụ nữ làm báo cũng như làm bất kỳ nghề gì khác, như: bác sĩ, giáo viên, đầu bếp, kế toán... hay tạp vụ, vẫn phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và để lại chút dấu ấn riêng. Phụ nữ làm báo sáng cũng đưa con đi học chiều đón con về, cũng tranh thủ đi chợ nấu cơm lo toan việc nhà chỉn chu con cái. Nghề nghiệp không phải là điều kiện để bạn đòi hỏi quyền ưu tiên trong cuộc sống. Thỉnh thoảng chốn công cộng có gặp bạn đồng nghiệp xưng danh “Tôi là nhà báo” với mong muốn được hưởng ưu đãi gì đó. Nhà báo thì sao nhỉ? Nhà báo thì không phải xếp hàng, thì được quyền đi muộn, thì vượt đèn đỏ mà không sợ công an phạt?

Cảm giác nhiều đồng nghiệp giờ hơi ảo tưởng về nghề. Cái ảo tưởng biến bạn thành cửa quyền rồi dẫn đến lạm quyền, trong khi bạn không hề có một thứ quyền lực gì, ngoài quyền của một người đưa tin theo pháp luật quy định. Có thể từ ảo tưởng đó thời gian quan mới dẫn đến nhiều xô xát đáng tiếc gây đình đám trong dư luận giữa nhà báo với các bên liên quan, và rút cục ai đúng ai sai thì cũng chắc chắn là điều đáng tiếc...

Nếu cứ bắt buộc phải gạch vài cái đầu dòng phụ nữ làm báo khác gì nam giới, tôi sẽ cho rằng: Vì phụ nữ duy tình hơn, dễ mềm lòng hơn, trái tim yếu đuối hơn do bản năng giới, nên phụ nữ hay bị dằn vặt vì công việc của mình hơn các đồng nghiệp nam, sự dằn vặt len vào bữa ăn, giấc ngủ, không chỉ khi họ làm sai, mà kể cả, nhất là lúc họ đúng...

Nhà báo Bích Phượng, Đài PT-TH Bình Thuận:

Lắng lại một chút để nhìn vấn đề thật kỹ

Trong nghề báo, hầu như không có sự phân biệt yếu tố giới tính cũng như sự ưu tiên đối với nữ giới trong cuộc chạy đua để đưa những thông tin nhanh nhất, tin cậy nhất đến cho bạn đọc trong sự cạnh tranh thông tin từng phút từng giờ trên các tờ báo đặc biệt là báo điện tử. Vì vậy, nhà báo nữ hiện nay, để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh thông tin cần có sự năng động, linh hoạt, nhạy bén và cả sức khỏe, sự dẻo dai mới có thể trụ vững đối với công việc luôn đầy áp lực này. Chậm lại một chút để nhìn vấn đề kỹ hơn, lắng lại để phân tích trước những nguồn thông tin ngồn ngộn, điều này đòi hỏi các nhà báo cần phải thật sự tỉnh táo trước các nguồn tin, đặc biệt là các nguồn tin trên mạng xã hội, những nguồn tin từ ý kiến số đông dư luận.

Dũng cảm để đi đến cùng sự thật, nói không với tiêu cực, lôi những điều khuất tất, bất công ra ánh sáng công luận. Đi nhiều, va chạm không ít và đầy rủi ro, nghề báo là một chọn lựa thách thức cho cả nam giới và nữ giới. Đặc biệt, đối với nữ giới, với đặc trưng giới tính cũng như những khó khăn và nỗi niềm của phái yếu, vì vậy, để có thể gắn bó với công việc đầy vất vả, áp lực và cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay, đam mê với nghề chính là điều cần có đối với các nhà báo nữ khi chọn lựa nghề báo là công việc để theo đuổi suốt đời.

Nhà báo Phương Nguyệt, Đài PT-TH Tây Ninh:

Yêu & cống hiến hết mình

Gắn với nghề gần 30 năm, tôi hiểu chỉ có nhà báo mới thấm những khó khăn mình phải trải qua. Là nhà báo nữ thì áp lực với nghề càng nhiều hơn. Công việc và giờ giấc của một phóng viên khiến những người thân yêu của tôi phải chịu nhiều thiệt thòi. Các bạn có tin không, hàng năm, hiếm khi tôi dự được lễ khai giảng hay tổng kết năm học của con. Đưa con đến trường khi cổng trường còn chưa mở và rước con lúc nào cũng trễ. Ngày lễ tết thì những chuyến đi công tác, lịch làm chương trình đã chiếm hết thời gian. Đi công tác, tôi thường xuyên nhận được rất nhiều câu hỏi của cô bác và chị em phụ nữ rằng: Đi nhiều thế còn thời gian đâu chăm lo cho gia đình? Không ít người tỏ vẻ ái ngại khi phụ nữ làm nghề báo. Nhất là, khi nhu cầu từ phía bạn đọc, ngày một khắt khe hơn.

Có thể tôi may mắn khi có được những người thân luôn đứng bên cạnh mình. Nhưng suy cho cùng, phải yêu nghề thực sự trước đã. Mình có yêu nghề thì mới dốc hết tâm huyết cho công việc. Xã hội không còn quá khắt khe với việc chọn nghề của phụ nữ. Nên đã chọn thì yêu và cống hiến hết mình.

Hoàng Lê My, Hội Nhà báo nữ Khánh Hòa:

Vững tin để đi tiếp cuộc hành trình

Việc sắp xếp ưu tiên cho việc cơ quan, việc nhà trong từng thời điểm, từng giai đoạn là có nhưng để mang lên bàn cân lựa chọn, đánh đổi, hy sinh thì không. Vẫn biết nghề làm báo vất vả, đi nhiều, gần như không giờ giấc, áp lực lớn nhất là đối với phụ nữ, nhưng khi đã chọn nghề và nghề chọn mình thì vững tin vào bản thân để đi tiếp cuộc hành trình. Trong hành trình đó, bên cạnh mình là gia đình, là đồng nghiệp, là những người hỗ trợ, sẻ chia. Với tôi, sự thành đạt của người phụ nữ không phải là chức vụ, quyền lực, hay kiếm được thật nhiều tiền mà đó là làm tốt công việc mình yêu thích, bảo đảm cho cuộc sống gia đình yên vui, nuôi dạy con cái nên người, vợ chồng tôn trọng và yêu thương. Nói thì đơn giản nhưng để được những điều đó không dễ chút nào...

Ai bảo nữ nhà báo ăn nhậu như đàn ông, nữ nhà báo bỏ bê việc gia đình? Tôi vui khi thấy xung quanh mình các thế hệ nữ nhà báo đều hết mình vì công việc. Có khi các chị, các em quên cả buổi ăn sáng, đến đầu giờ chiều mới tranh thủ ăn trưa, thức khuya dậy sớm... để xong tin, bài, chương trình phát sóng nhưng không quên lo cho con đến lớp, đến trường; không quên tưới vườn rau sạch ở nhà. Và còn rất nhiều những hình ảnh đẹp trong các cuộc thi nấu ăn, hội thi duyên dáng, thanh lịch, đá bóng, cầu lông, kéo co... của nữ nhà báo. Những nụ cười rạng rỡ bên chồng, bên con, bên bè bạn lúc ấy, với chúng tôi đáng quý đáng yêu, đáng trân trọng.

Các nhà báo nữ thuộc CLB Nhà báo nữ Việt Nam tác nghiệp tại Trường Sa_Ảnh: PV

Nhà báo Thu Hương, Báo Quân Đội Nhân Dân:

Tôi yêu gia đình và cũng yêu nghề

Công việc và gia đình, bạn chọn cái nào để ưu tiên? Chắc chắn đa phần sẽ trả lời là làm tốt cả hai. Nhưng để làm tốt cả hai việc đó cùng lúc quả thực khó khăn, rất khó khăn nếu như bạn không có được sự hỗ trợ tối đa của gia đình. Phụ nữ làm báo thực chất phải hy sinh rất nhiều. Công việc cường độ cao và áp lực nặng nề, nếu như không tìm được sự đồng cảm, cảm thông và chia sẻ từ phía gia đình thì sẽ chỉ có một tỉ lệ nhỏ giữ được mái ấm gia đình một cách trọn vẹn.

Làm báo là công việc vất vả nhưng đem lại nhiều trải nghiệm thú vị mà không phải nghề nào cũng có. Cái được lớn nhất đó là được đi nhiều, biết nhiều, tiếp xúc nhiều, mở rộng mối quan hệ từ đó mở rộng tầm hiểu biết trong xã hội. Thế nhưng, so với các đồng nghiệp nam, các nhà báo nữ chịu nhiều áp lực hơn. Ví dụ, như khi còn độc thân, tôi có thể bay nhảy với những chuyến đi tác nghiệp kéo dài cả tuần lễ. Nhưng sau khi lấy chồng, sinh con, hàng trăm thứ việc không tên của người vợ, người mẹ đã khiến công việc làm báo càng trở nên vất vả gấp bội. Tôi không thể quên được câu nói của cô con gái tôi khi mới gần 3 tuổi: “Ngày nào mẹ cũng đón con muộn, con buồn lắm”. Từ đó trở đi, tôi luôn cố gắng về sớm để đón con. Có những hôm phải đi làm tin buổi chiều, chẳng tập trung được vì chỉ lo đến đón con muộn. Từ khi có con, tôi đã phải từ chối nhiều lời mời đi công tác tỉnh vài ngày dù đề tài để đi viết rất hay.

Đã có những lúc tôi tính đến việc tìm một công việc khác, ít áp lực hơn nhưng nghề báo giống như cái duyên, cái nợ. Vậy là lại đi, lại viết, lại đam mê và sống với nghề...

Bùi Lan Anh, Hệ phát thanh đối ngoại quốc gia, Đài TNVN - VOV5:

Say công việc, yêu công việc như yêu người yêu mình

Nhớ những chuyến đi công tác Trường Sa hay các đảo ở khu vực phía Bắc cũng như phía Tây Nam, nhà báo nữ gặp nhiều khó khăn hơn về sức khỏe, điều kiện thích nghi, sinh hoạt thay đổi. Hoặc nhiều lần đi công tác ở huyện vùng xa ở các tỉnh miền núi Tây Bắc, chúng tôi phải đi bộ hàng chục km đường rừng mới tới nơi gặp người dân để phỏng vấn, nếu không quyết tâm không đi nổi. Còn rất nhiều những vấn đề khó khăn khác mà những nhà báo nữ phải giải quyết khi theo nghề, như công tác tại những vùng an ninh phức tạp hoặc đôi khi là những cám dỗ vật chất từ thực tế công việc. Nếu không say nghề, không yêu nghề thì sẽ không giúp những nữ nhà báo vượt qua mọi gian khó để lao vào công việc. Say công việc, yêu công việc như yêu người yêu mình sẽ giúp các phóng viên nữ như chúng tôi vượt qua những khó khăn đó để hoàn thành công việc và phát huy được năng lực của mình. Và chỉ có yêu nghề báo, tâm huyết với nghề, mới giúp những nhà báo nữ có mặt ở khắp vùng miền tổ quốc, đưa hơi thở cuộc sống vào từng trang viết.

Nhà báo Đinh Thu Hiền, Báo Phụ nữ Việt Nam:

Nghề báo tạo cho người phụ nữ tính cách mạnh mẽ và nhanh nhẹn.

Nghề báo là một nghề không mang lại giá trị vật chất như các ngành nghề khác. Lương và nhuận bút chỉ đủ sống. Đặc biệt ở thời báo mạng phát triển, báo in thu hẹp lại, thì nhuận bút lại càng hẻo. Trước đây, tôi viết 1 bài phóng sự, nhuận bút khoảng 750 ngàn/bài và ảnh. Giá vàng thời đó dao động 500 ngàn đồng/ chỉ. Giờ một bài phóng sự nhuận bút trung bình 2 triệu đồng không có nhiều tờ trả được. Mà vàng bây giờ đang là 3.6 triệu đồng/chỉ. Trung bình mỗi bài báo in hiện nay chỉ khoảng 600 ngàn đồng. So sánh như vậy, để thấy nếu tập trung hết mức để sản xuất bài vở, số tiền nhuận bút mà nhà báo thu về khá khiêm tốn. Chưa kể, ngồi viết nhiều sẽ sinh bệnh mà phụ nữ có khả năng mắc cao hơn đàn ông, đó là bệnh giãn tĩnh mạch. Nhiều khi tiền nhuận bút chỉ đủ để mua thuốc uống và mua vớ đeo chân chữa bệnh. Nhưng nói như vậy, không có nghĩa nghề báo đối với nữ giới chỉ có những nỗi lo mà không có nỗi mừng. Phụ nữ vốn đa cảm hơn đàn ông, những bài báo đi sâu vào các thân phận phụ nữ và trẻ em, sẽ dễ có sự đồng cảm và chia sẻ. Hơn thế, nghề viết cũng tạo điều kiện cho việc đi nhiều, tiếp xúc nhiều, gợi cảm hứng cho cuộc sống không bị nhàm chán.

Nghề nghiệp cũng định hình cho người phụ nữ tính cách mạnh mẽ, nhanh nhẹn, thích ứng với các hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy, không lạ gì nhiều nữ nhà báo tất bật đưa đón con tới trường, đi làm, viết bài, nấu cơm và chăm sóc gia đình. Họ biết cách sắp xếp hợp lý một cuộc sống bận rộn. Đôi khi, việc nữ nhà báo ra ngoài thường xuyên cũng lại là chất xúc tác để ông chồng phải cố gắng để “giữ chân vợ”, nhìn theo hướng tích cực nhất. Cũng như việc hoạt động năng nổ khiến tâm hồn và hình dáng của nữ nhà báo luôn tươi trẻ, yêu đời.

Thanh Bình, Kim Loan, Ngọc Bích (thực hiện)

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top