Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Nhà báo Lê Bình: Làm báo để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn

16:16 01/07/2016 - Đời & Nghề
“Như một cuốn sách được biên soạn bằng hình ảnh, như một tập tài liệu bao quát toàn cảnh kinh tế trong nước và thế giới trong suốt 1 năm qua, nhưng lại hấp dẫn, thu hút, đầy cảm xúc”, đó là ý kiến một số khán giả khi xem chương trình Tạp chí kinh tế năm Bính Thân “Thế giới phẳng hay không phẳng?” do Trung tâm tin tức VTV 24 sản xuất . Nhiều người đã thay đổi suy nghĩ, nhận thức và thậm chí quyết tâm hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn. Nhà báo Lê Bình- Giám đốc Trung tâm tin tức VTV24 đã tâm sự như vậy về chương trình đặc biệt này, cũng như về những câu chuyện thú vị phía sau khuôn hình...

 

Nhà báo Lê Bình tại hành trình chuyến tác nghiệp ở đảo Lesbos - địa ngục trần gian của người nhập cư

Chúng tôi muốn lan toả sự yêu thương

Phóng viên (PV): Ý tưởng nào giúp chị và ê- kíp quyết định sản xuất chương trình “Thế giới phẳng hay không phẳng” để phát dịp năm mới Bính Thân 2016 sau 1 năm dừng phát sóng Tạp chí kinh tế cuối năm?

NB Lê Bình: Thực ra, năm Ất Mùi chúng tôi cũng dự định thực hiện Tạp chí kinh tế cuối năm. Tuy nhiên, với sự ra đời của VTV 24, có quá nhiều công việc cần chuẩn bị, cùng với đó là việc sản xuất Chuyển động 24 giờ nên nhân lực bị hụt đi rất nhiều, chưa có đủ điều kiện để thực hiện. Vả lại, chúng tôi không muốn cho ra đời một sản phẩm hời hợt, nếu đã sản xuất thì phải bằng sự tận tâm, bằng toàn bộ nhiệt huyết. Phải đổ tất cả công sức, nỗ lực, tình yêu và kỹ năng nghề nghiệp của mình để gửi thông điệp đến khán giả.

Thế giới phẳng là một khái niệm đã được đưa ra và in sâu trong tâm thức của nhiều người. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của người làm báo, chúng tôi đã nỗ lực đi tìm lời giải cho câu hỏi, bản chất của thế giới này là gì? Dưới mỗi góc nhìn khác nhau, chúng tôi mong muốn vẽ lại bức tranh toàn cảnh kinh tế của 1 năm để khán giả có cái nhìn toàn diện, để biết được Việt Nam đang ở đâu, thế giới đang ở đâu, chỗ nào phẳng, chỗ nào không phẳng và chúng ta cần phải làm những gì để phẳng cùng thế giới.

PV: Và để có được câu chuyện chân thực nhất, chắc hẳn ê- kíp làm phim đã có những ngày tác nghiệp thật sự khó khăn?

NB Lê Bình: Chúng tôi rất may mắn khi đã quay được những hình ảnh ấn tượng, kể lại câu chuyện một cách rõ nét về những gì đã chứng kiến, trải qua. Chúng tôi vừa đi vừa sợ bị bắn, hay bom nổ xung quanh..., thậm chí mất tích ở đâu đó. Tôi đã nghĩ và mường tượng ra cả tình huống tồi tệ nhất này. Chúng tôi đã vào những chỗ vừa bị đánh bom, có băng đảng buôn bán ma tuý, bắt cóc tống tiền và giết người, nơi mà người dân địa phương nói là nguy hiểm nhất. Nhớ lại quãng thời gian đó, những bạn sản xuất đồ hoạ thậm chí thức trắng gần 5 ngày, mỗi ngày chỉ ngủ chưa đầy 1 tiếng đồng hồ. Có thể nói, chúng tôi đã vắt kiệt sức mình để tác phẩm lên sóng đúng hẹn.

PV: Những điểm mới của chương trình là gì?

NB Lê Bình: Để có một chương trình ấn tượng, nội dung phải có sự khác biệt và lột tả được bản chất mới thuyết phục được khán giả. Chương trình này không chỉ mang tính chất thông tin mà đã nâng lên tầm triết lý, mang tính chất thông điệp. Đặc biệt, cách thể hiện đồ họa đã tác động rất lớn để người xem có thể cảm nhận một cách trung thực nhất, cảm giác như đang hiện hữu trong khung hình ấy.

Chúng tôi rất tự hào vì VTV đang có những trường quay hiện đại ngang tầm thế giới. Điều này là nhờ chiến lược đầu tư của lãnh đạo Đài THVN vào công nghệ và con người với mục tiêu đưa VTV trở thành một Đài truyền hình đẳng cấp trong khu vực và trên thế giới.

PV: Theo chị cái hay nhất của chương trình nằm ở đâu?
NB Lê Bình: Nằm ở những thông điệp chương trình chuyển tới, ở từng thông tin chúng tôi phát hiện, lựa chọn và phân tích, ở từng góc nhìn của các phóng viên, biên tập viên, ở sự nỗ lực không mệt mỏi, ở những chi tiết hình, câu chuyện, phóng sự được chỉnh sửa vài chục lần... Và ở cả khát vọng cung cấp cho khán giả bức tranh toàn cảnh về kinh tế nhưng đầy xúc cảm nhân văn, khiến con người ta thay đổi nhận thức muốn sống tử tế hơn và khiến người ta muốn hành động. VTV24 cần những phóng sự có ích

PV: Chị quan niệm như thế nào là một chương trình hay?

NB Lê Bình: Tôi luôn nói với các bạn phóng viên của Trung tâm tin tức VTV24 rằng, “Chị không cần một phóng sự hay, một chương trình hay mà chị cần một phóng sự, một chương trình có ích”. Sự hấp dẫn của phóng sự không phải từ những khuôn hình trau chuốt, những lời bình được viết nắn nót, cũng không phải là sự kết hợp âm thanh ánh sáng một cách hoàn hảo bằng kịch bản được chuẩn bị kỹ càng... Một tác phẩm báo chí hay phải là sản phẩm có một mục tiêu tốt đẹp, khiến người ta cười, khiến người ta suy ngẫm, có thể khiến người ta đau khổ mà thay đổi. Mục tiêu cuối cùng là khiến người xem cùng căm phẫn cái xấu, cái ác, mong muốn làm điều tử tế, muốn lan toả sự yêu thương, khiến con người sống tử tế hơn, xã hội tốt đẹp hơn.

PV: Để có được những chương trình ấn tượng chắc chị phải có “bí quyết” để rèn quân?

NB Lê Bình: VTV24 còn quá trẻ, nhiều bạn mới ra trường, kinh nghiệm sống cũng như kinh nghiệm nghề chưa nhiều nhưng bù lại, các bạn ấy có sự nhiệt huyết, đam mê và tôi tin, các bạn ấy có khao khát mãnh liệt trong việc trở thành những nhà báo chuyên nghiệp, không vụ lợi và có ích. Từ động lực đó, các bạn ấy đã làm việc không mệt mỏi, sẵn sàng cống hiến để mang tới những chương trình tốt nhất dành cho khán giả. Tôi ám ảnh trước ánh mắt của những đứa trẻ Trung Đông...

PV: Chị có thể kể một vài kỷ niệm đáng nhớ nhất khi trực tiếp tác nghiệp tại hiện trường để thực hiện chương trình này?

NB Lê Bình: Có quá nhiều câu chuyện để kể, quá nhiều hình ảnh ám ảnh, và quá nhiều đôi mắt ấn tượng khiến mình không thể quên được. Tôi chỉ nghĩ là mình nợ những người dân ở đấy những câu chuyện. Người dân Việt Nam cần biết đến những câu chuyện ấy. Những đứa trẻ tôi được gặp ở miền núi nước ta trong những chuyến đi từ thiện, chúng bị đói, không có cái ăn, nhưng so với những đứa trẻ ở vùng Trung Đông, chúng vẫn còn may mắn hơn. Vì chúng không phải sống trong sợ hãi, không phải sống trong cảnh bom rơi đạn lạc không phải chứng kiến những cảnh bạo lực xảy ra mỗi ngày và cảnh người ta cắt đầu người một cách thản nhiên đến ghê rợn. Những đứa trẻ bị ám ảnh mỗi đêm khi nhìn thấy cha mình chết ngay bên cạnh mà không thể bò tới chạm vào cha lần cuối vì chính nó cũng đang bị bom cưa cụt một chân! Tôi đã được gặp một gia đình người tị nạn. Lúc đó họ đang nấu bữa tối và khi nhìn vào chiếc nồi đặt trên bếp, tôi thấy có 3 củ khoai tây. Tôi hỏi họ đó có phải bữa tối của gia đình không và nó được dành cho những ai? Họ trả lời đó là bữa tối cho 12 người. Bạn có thể tin không? 3 củ khoai tây là bữa tối cho 12 người trong cái rét xuống tới 0°C. Tôi không thể tưởng tượng được làm sao người ta có thể chịu đựng được và họ sẽ tồn tại kiểu gì với cuộc sống như thế, trong một mùa đông giá rét như thế? Tôi cũng đã hỏi một đứa trẻ, nó nói với tôi rằng nó không còn nhớ mùi thịt như thế nào, vì rất lâu rồi không được ăn thịt. Tôi cũng không thể quên được vòng tay của một đứa trẻ đã ôm lấy tôi như không muốn rời đi mà mình không thể làm gì được để giúp đứa trẻ ấy. Tôi đã bị ám ảnh kinh khủng trước ánh mắt hồn nhiên đến đau đớn của những đứa trẻ Trung Đông...

PV: Trong chương trình có những đoạn rất xúc động khi nói về người nhập cư. Đứng trước thực trạng ấy chị có bị cảm xúc chi phối không?

NB Lê Bình: “Trái tim nóng và cái đầu lạnh”, tôi cố gắng đi theo nguyên lý đó. Chúng tôi không không phải là người phán xét, cũng không bình luận, chỉ là người kể chuyện để làm sao chạm đến cảm xúc và trái tim khán giả. Chúng tôi đã kể lại một câu chuyện và hy vọng khán giả đón nhận cảm xúc mà chúng tôi chuyển tải.

PV: Khi chương trình phát sóng chị và ê-kíp đã nhận những phản hồi gì của công chúng và khán giả?

NB Lê Bình: Tôi đã đọc say mê cả trang bình luận và cảm xúc của khán giả, từ những cô bé, cậu bé mới chỉ học lớp 8, lớp 9, đến những chuyên gia kinh tế hay nhà báo giàu kinh nghiệm. Tôi rất cảm động dù lời bình luận ấy chỉ có một từ là “hay”, “ý nghĩa”, “sâu sắc”. Và những phản hồi của khán giả khiến chúng tôi sung sướng và hạnh phúc vì chúng tôi đã làm ra một tác phẩm truyền hình có ích, lan tỏa tới công chúng để mọi người thêm yêu quý cuộc sống này hơn.

PV: Chị có ý định sản xuất tiếp chương trình nào như vậy nữa không? Chị có sợ bị lặp lại chính mình?

NB Lê Bình: Chúng tôi thầm cảm ơn khán giả đã luôn ủng hộ, động viên những sản phẩm của Trung tâm tin tức VTV 24 và tự nhủ rằng mình phải cẩn trọng với từng con chữ, từng khuôn hình để cung cấp tới công chúng những tác phẩm tốt nhất, chân thực và sinh động nhất. Cuộc sống luôn luôn vận động, nhưng nếu chúng tôi luôn cố gắng sáng tạo, làm mới mình hơn nữa, khắt khe hơn với chính mình thì cuối năm sẽ có một sản phẩm mới để cống hiến cho khán giả, để khán giả tiếp tục yêu quý mình. Đòi hỏi ấy không bao giờ dừng lại. Nếu tự mãn cũng là lúc khán giả sẽ rời xa chúng tôi.
PV: Xin trân trọng cảm ơn chị!

Ngọc Thành ( thực hiện)

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top