Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Mùa xuân không quên

22:10 18/07/2016 - Đời & Nghề
Kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2016)

Thành phố Hồ Chí Minh sau 41 năm giải phóng. Ảnh: TTXVN

Chuyến đi lịch sử

Huỳnh Tám - Báo Thống Nhất

...Trên đường vô Nam giữa những ngày cả nước rầm rập ra quân mùa xuân Ất Mão 1975, tôi gặp anh Hải, nguyên Chính ủy của đoàn vận tải Quang Trung mang tên 559, tôi nhớ hoài cái giọng Quảng Ngãi sôi nổi - dẫu anh đã ngoài 60, dạn dày qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến: “Tới hôm nay, chúng tôi mới hả hê tự hào. Thật bõ lúc anh em vai khoác rựa, lưng đeo cơm vắt, vạch chồi, phạt gốc với khẩu hiệu “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” mỗi lần vượt suối lên bờ là phải lót ni-lông bước cho khỏi lộ dấu chân”. Tôi hiểu ý anh, vì ngay chính tôi trong chuyến đi này cũng gặp bao nhiêu anh hùng thầm lặng của buổi ban đầu “khai sơn phá thạch” ấy. Các anh nhắc lại niềm vui khôn xiết khi cũng một ngày tháng 5/1966, thấy ba chiếc GAZ đầu tiên của ta xuất hiện trên tuyến đường, mở đầu cho cuộc hành quân bằng cơ giới trên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại.

Sáng 29/4/1975, cả đội quân tuyên truyền của đoàn Tuyên huấn B2 hội sư tại cánh rừng chồi Đồng Pan trên đường tiến quân thần tốc về Sài Gòn. Tôi đã gặp đông đảo ba thế hệ cách mạng của thời đại Hồ Chí Minh, từ những nhà báo lão thành thời tiền khởi nghĩa đến những cây bút kỳ cựu thời kháng chiến chống Pháp và lớp ký giả trẻ được đào luyện trưởng thành trong những năm chống Mỹ, cứu nước; những anh chị luôn đi đầu trong những giờ phút lớn lao của lịch sử khi đất nước chuyển mình.

Sáng 30/4/1975, một buổi sáng tươi đẹp rực rỡ cờ hoa, chúng tôi từ quốc lộ 1 vào đường băng Tân Sơn Nhất, từ lộ 4 lên Long An, từ xa lộ Biên Hòa vào cầu Rạch Chiếc và gặp nhau tại Dinh Độc Lập để chứng kiến giây phút cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn. Để có tên TP. Hồ Chí Minh đầy kiêu hãnh hôm nay, chúng ta đã trải qua những năm gian lao nếm mật nằm gai, lội suối trèo đèo để có được thời khắc rút ngắn còn 150 phút một chuyến bay xuyên suốt hai miền Nam Bắc.

Đường chúng ta đi, con đường đi lên “hạnh phúc rộng thênh thang” đã được Bác Hồ vạch sẵn từ buổi Người dừng chân tại Bến Nhà Rồng, trên đường ra đi tìm đường cứu nước. Con đường hôm nay và cánh bay rạng rỡ huy hoàng của Tổ quốc ngày mai đều có ánh mắt và nụ cười hiền dịu của người dõi theo cổ vũ.

Trên đường về giải phóng Sài Gòn

Thanh Bền - Thông Tấn Xã Giải Phóng

...Sáng ngày 7/4/1975, đoàn chúng tôi xuất phát từ trạm giao liên của đồng chí Năm Đông từ Xa Mát, huyện Tân Biên (Tây Ninh), có xe đưa đến Thanh An (Thủ Dầu Một), qua thị trấn Dầu Tiếng vừa được giải phóng ngày 13/3/1975, đến Củ Chi giữa tháng 4/1975. Từ đây, đoàn chúng tôi được nhập vào đại đoàn dưới sự chỉ huy của đồng chí Chín Đào (Phan Minh Tánh).

Từ ngày 19/4, càng gần Sài Gòn, địch phản kích càng mạnh. Đoàn chúng tôi phải bám sát bộ đội để bảo toàn lực lượng. Cách hành quân cũng phải thay đổi, ngày nghỉ, đêm đi. Điểm trú quân được phân tán nhỏ và luôn di động hết rừng chồi, vườn cây ăn trái đến ruộng trồng thuốc lá, xẻo dừa nước để ém quân kín đáo. Mỗi người phải tự đào công sự để trú bom pháo và sẵn sàng chống địch càn. Có đêm ngủ ngay bên mộ của đồng đội vừa hy sinh.

Khoảng nửa đêm 29/4/1975, bỗng chúng tôi phải bật dậy vì tiếng pháo rền vang hướng cứ điểm Đồng Dù (Củ Chi), một cánh cửa, lá chắn quan trọng sát nách Sài Gòn. Mới sáng tinh mơ, mấy chiếc đầm già (máy bay trinh sát L19) cùng vài chiếc “cá rô” (loại trực thăng chiến đấu) thay nhau quần đảo sát ngọn cây bắn hỏa tiễn, ném lựu đạn, bắn đại liên. Công sự ngập đầy nước, quần áo ướt sũng...

Đến 11 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, một tiếng nổ dữ dội, bốn cột khói đen bốc lên cao, lan xa. Đám máy bay và pháo địch im bặt. Cứ điểm ác ôn Đồng Dù đã bị tiêu diệt.

Chúng tôi khẩn trương lên đường, bám địa hình hành quân giữa ban ngày. Sáng 30/4/1975, một toán lính ngụy kéo đến xin hàng và được du kích tiếp nhận giải quyết thủ tục rồi cho về nhà. Chợ Hóc Môn sau vài giờ giải phóng đã ổn định. Các tiệm tạp hóa, lò bánh mì, tiệm giặt ủi, uốn tóc, nhà sách, chụp ảnh mở cửa bình thường.

Khoảng 9 giờ sáng 30/4/1975, đoàn đến Gò Vấp đi qua các con đường lớn ngã tư Bảy Hiền, Lê Văn Duyệt... vào Dinh Độc Lập. Tôi cố kìm nén xúc động, chứng kiến bao cảnh tượng vui mừng trên các đường phố đi qua giữa tiếng reo mừng của đồng bào với cờ giải phóng phấp phới giữa nắng Sài Gòn...

“Nướng”nhẫn cưới bằng 40 cuộn phim
Minh Trường - Thông Tấn Xã Việt Nam

Khi chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, tôi và Sáu Đạt hầu như quên ăn quên ngủ, không lúc nào rời chiếc đài bán dẫn. Chúng tôi bàn nhau áp sát Cần Thơ và vấn đề cấp thiết là làm sao kiếm được mấy cuộn phim chụp ảnh. Mấy năm qua, hoạt động ở chiến trường T3, xa cơ quan, không có tiền phụ cấp, không lĩnh được phim. Tất cả đều nhờ vào sự cưu mang của dân, cho ăn, cho mặc; các má, các chị còn đi chợ trên phố kiếm cả phim chụp. Giờ đây sự kiện trọng đại đã đến, cần phải gấp rút có phim. Sực nhớ đến chiếc nhẫn đang đeo ở tay, chiếc nhẫn cưới mang theo khi từ biệt vợ con lên đường vào chiến trường. Từ chiếc nhẫn, chúng tôi có 40 cuộn phim. Tôi và Sáu Đạt chia nhau bám theo tiểu đoàn chủ lực tỉnh nằm sát lộ vòng cung, ngoại vi thị xã Cần Thơ.

Trong những ngày 28, 29, 30/4, lính ngụy bỏ trốn hàng loạt, các đồn bốt không đánh cũng tan, vũ khí, quân trang, quân dụng chúng vứt lại, mặc áo dân thường chạy về nhà. Nhân dân các xã nổi dậy giải tán tề ấp, thành lập chính quyền tự quản. Chủ lực khu phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân, du kích bao vây Cần Thơ, cắt đứt quốc lộ 4, gọi hàng các quận lỵ, chi khu. Sáng 30/4/1975, khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện thì tên Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4 ngụy vẫn triệu tập chân tay bàn tính kế hoạch kháng cự lâu dài. Nhưng khi biết lính tráng bỏ trốn gần hết, Nguyễn Khoa Nam đã tự sát và đến 8 giờ tối cùng ngày, Quân đoàn 4 mới xin đầu hàng.

Tôi và anh Sáu Đạt trong những ngày này được một số thanh niên địa phương dùng xe máy đưa đi hết chỗ này đến chỗ khác. Chúng tôi ghi hình nhân dân vui mừng đón quân giải phóng, cũng không quên chụp lại cảnh thất trận của sĩ quan binh lính ngụy. Chỉ có mấy ngày mà tôi đã “nướng” hết số phim mua được. Lúc này tôi và Sáu Đạt lạc nhau. Một mình giữa Cần Thơ không người quen biết, lại nóng lòng tìm cách về Sài Gòn, đưa phim về cơ quan TTXVN để kịp thời sử dụng bảo đảm tính thời sự.

Ngày 2/5/1975, đang đứng nhìn cảnh sinh hoạt ở bến Ninh Kiều thì nghe tiếng “Chào anh nhiếp ảnh giải phóng”. Tôi quay lại, thấy một người mang máy ảnh nhìn tôi cười. Tôi bắt tay làm quen và được biết anh là Văn Kỉnh, một nhà nhiếp ảnh có tên tuổi ở Cần Thơ.

Anh mời tôi về nhà ở gần đó, mời tôi ăn cơm, lúc bấy giờ tôi mới thấy đói, vì từ chiều hôm trước đến giờ tôi chưa có chút gì vào bụng, vì hết cả tiền. Ăn uống xong, anh tặng tôi mấy cuộn phim và lấy xe đưa tôi đi Sài Gòn.

Đài Phát thanh Giải phóng ngày giải phóng Sài Gòn
Nguyễn Hữu Phước - Đài phát thanh Giải Phóng

... Ngày 26/4/1975, tại một địa điểm chỉ cách Sài Gòn không đầy 100km, một đoàn tiền phương của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam được thành lập và khẩn trương chuẩn bị lên đường.

Lúc này, Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của địch- hầu như bị vây chặt bốn bề, còn ở Đài Phát thanh Giải phóng của chúng tôi, mọi việc cũng thật bộn bề, khẩn trương. Chúng tôi là một binh chủng đặc biệt, có nhiệm vụ đưa tiếng nói của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tiếng nói chân chính và đầy khí thế cách mạng vào những giờ phút lịch sử đáng ghi nhớ. Sự chỉ đạo nhanh nhất và rộng khắp nhất không gì bằng làn sóng đài phát thanh trong giờ phút khẩn trương “một ngày bằng 20 năm” này.

9 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, người ta nghe thấy trên Đài phát thanh Sài Gòn phát đi liên tục lời tuyên bố đơn phương của Dương Văn Minh đề nghị ngừng bắn và chờ cách mạng vào bàn giao chính quyền. Kèm theo đó, tuyên bố của phụ tá Tổng tham mưu trưởng Quân lực Sài Gòn Nguyễn Hữu Hạnh thay mặt Dương Văn Minh yêu cầu các đơn vị quân đội Sài Gòn buông súng, tiếp xúc với lực lượng Chính phủ Cách mạng lâm thời tại chỗ để tránh đổ máu.

Chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau, vào lúc 10 giờ 45 phút, xe tăng của Lữ đoàn 203 Quân Giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, đó là giờ phút lịch sử kết thúc chế độ tay sai ngự trị Sài Gòn mấy chục năm qua./.

Thu Hương
© Tạp chí Người Làm Báo số 386 - Tháng 4/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top