Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Hội thảo khoa học "Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình”

Ngày 2/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học "Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình”; sự kiện có ý nghĩa quan trọng mở ra trang sử mới cho lịch sử dân tộc, tình đoàn kết giữa nhân dân hai miền Nam, Bắc ruột thịt, như chung một nhà.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các đại biểu tham dự tại hội thảo

Tại thời điểm cuối tháng 8/1954, sau đúng 1 tháng ký Hiệp định Giơnevơ, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ quyết định lãnh đạo, chỉ đạo công tác đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra miền Bắc.

Với công tác chuẩn bị chu đáo của chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 25/9/1954 đến ngày 1/5/1955, Thanh Hóa đã đón tiếp 7 đợt gồm 1.869 thương bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ tập kết ra Bắc. Tỉnh đã chỉ đạo Ty Thương binh mượn nhà dân để thành lập và tổ chức 12 trạm đón tiếp. Ngay khi vừa đặt chân lên mảnh đất Sầm Sơn, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đã được Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa tiếp đón bằng tất cả sự chân thành, yêu thương và tình cảm ruột thịt. Sống trong vòng tay yêu thương trên đất Bắc, hàng nghìn người con phương Nam đã học tập, lao động, công tác, rèn luyện và chiến đấu. Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt; khi đêm về thì đau đáu nỗi nhớ quê, tìm đến nhau, thông báo từng mẩu tin nơi quê nhà, rồi lặng im nhìn nhau, đong đầy niềm thương nhớ.

Để làm sáng tỏ hơn về sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng như đã nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội thảo khoa học "Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình”. Trong quá trình chuẩn bị hội thảo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã nhận được gần 60 báo cáo tham luận của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí nguyên là con em, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và cơ quan, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá, mỗi bài tham luận gửi đến hội thảo là một công trình nghiên cứu khoa học công phu, tâm huyết của các tác giả, các tập thể, được tiếp cận từ nhiều nguồn sử liệu khác nhau, từ nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng tất cả đều khẳng định chủ trương, đường lối vô cùng sáng suốt, đúng đắn của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ kính yêu đối với cuộc chuyển quân này; khẳng định những đóng góp to lớn cả về tinh thần và vật chất của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh miền Bắc nói chung đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Đồng thời, khẳng định tình cảm sâu sắc của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa và nhân dân các tỉnh miền Bắc.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo khoa học, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội thảo. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Là dịp khẳng định những tình cảm sâu nặng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa và nhân dân miền Bắc đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc; đồng thời là sự kiện để tỏ rõ tình cảm, sự tri ân của cán bộ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đối với nhân dân Thanh Hóa.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, có vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế trong suốt chặng đường cách mạng, đấu tranh giành độc lập, tự do cũng như trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quân và dân tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thanh Hóa đã huy động nhiều sức người, sức của cùng với cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, được Bác Hồ khen ngợi “Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và những chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta trên các mặt trận quân sự và ngoại giao, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết. Với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quyết định đúng đắn, kịp thời đưa một lực lượng cán bộ, chiến sĩ và con em học sinh miền Nam, đồng bào miền Nam tập kết ra miền Bắc nhằm mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị lực lượng hết sức quan trọng cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng đất nước ngày nay.

Trong cuộc chuyển quân lịch sử đó, tỉnh Thanh Hóa được Trung ương Đảng lựa chọn là nơi đón tiếp, chăm sóc, nuôi dưỡng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam. Địa điểm đầu tiên tập kết tại cảng Lạch Hới, xã Quảng Tiến, nay là phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, bằng trách nhiệm cao nhất và tình cảm thiêng liêng Nam - Bắc một nhà, tỉnh Thanh Hóa đã khắc phục mọi khó khăn, tổ chức đón tiếp, tạo mọi điều kiện tốt nhất về nơi ăn, chốn ở, nuôi dưỡng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam chu đáo và an toàn.

Tình cảm thân thiết của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa là nguồn sức mạnh cổ vũ, động viên những cán bộ, chiến sĩ, học sinh, các gia đình miền Nam tập kết ra Bắc nỗ lực vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, tích cực học tập, lao động, sản xuất và chiến đấu, góp phần quan trọng để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: 70 năm đã trôi qua nhưng tình cảm và trách nhiệm của nhân dân miền Bắc, trong đó có Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đối với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và các thế hệ học sinh miền Nam tập kết ra Bắc mãi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc ta, khẳng định chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”; là biểu tượng sinh động về nghĩa tình đồng bào, đồng chí yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh; là bài học kinh nghiệm quý báu về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa tin tưởng thông qua những bài viết và ý kiến tham luận tại hội thảo sẽ bổ sung, làm sâu sắc cơ sở khoa học và thực tiễn về một sự kiện quan trọng trong lịch sử cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời cung cấp thêm nguồn thông tin, tư liệu quý giá phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để phát huy hiệu quả các kết quả nghiên cứu, Ban Tổ chức và các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, khẳng định về vị trí, vai trò, tầm vóc của sự kiện tập kết ra Bắc. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các đại biểu, diễn giả tiếp tục nghiên cứu, khai thác, phát huy, vận dụng các bài học kinh nghiệm về sự kiện lịch sử trọng đại này trong công cuộc đổi mới của đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như công cuộc hội nhập quốc tế.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế; tôn vinh và tri ân các thế hệ cha anh đã có nhiều công lao cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; khẳng định tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Cùng với đó, tỉnh cần chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công lễ khánh thành công trình Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc và lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại TP.  Sầm Sơn. Tiếp tục nghiên cứu, đầu tư xây dựng, sưu tầm, bổ sung phong phú tư liệu vào Khu lưu niệm, tạo thành điểm đến tham quan, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đoàn kết, chung sức, chung lòng, phát huy trí tuệ, niềm tin và khát vọng, nỗ lực phấn đấu, bứt tốc về đích để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 2025, xây dựng Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng ở phía Bắc của Tổ quốc.

Tại hội thảo, thông qua các bài tham luận đã làm sáng tỏ hơn về sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã cố gắng làm tròn trách nhiệm được giao, là nơi đón tiếp, nuôi dưỡng, đào tạo, sinh sống và chứng kiến sự trưởng thành của cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Bảo Châu

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top