Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại Thanh Hóa

Ngày 26/9, đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả thiên tai; thăm, tặng quà cho các đơn vị, hộ gia đình bị ảnh hưởng của mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kiểm tra khu vực sạt lở đất tại Trường THCS Lâm Phú, huyện miền núi Lang Chánh_Ảnh: Báo Thanh Hóa

Theo đó, đoàn đã đến kiểm tra khu vực bị sạt lở đất, trao quà cho Ban giám hiệu và học sinh Trường THCS Lâm Phú (Lang Chánh). Đồng chí Trần Hồng Hà Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở đồi đất khu vực Trường THCS Lâm Phú và báo cáo kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra. Thực hiện rào chắn, cắm mốc quan trắc và biển cảnh báo nguy hiểm trong phạm vi sạt lở; đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; không cho người và phương tiện đi vào khu vực sạt lở và có nguy cơ bị ảnh hưởng của sạt lở, nhất là khi xảy ra mưa lớn.

 Đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ tặng quà cho học sinh Trường THCS Lâm Phú, huyện Lang Chánh_Ảnh: Báo Thanh Hóa

Khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án trọng điểm phòng, chống thiên tai sạt lở đồi đất khu vực Trường THCS Lâm Phú, huyện Lang Chánh, đảm bảo an toàn cho người và tài sản theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là chủ động sơ tán/di dời người và tài sản có nguy cơ bị ảnh hưởng khi xảy ra mưa lớn và các tình huống nguy hiểm. Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn vốn cùng với đối ứng của tỉnh Thanh Hóa sớm đầu tư xây dựng Trường THCS Lâm Phú để thầy trò nhà trường có nơi dạy và học kiên cố.

Tiếp đó, đoàn công tác đã đến thăm và kiểm tra xử lý sự cố cống Nổ Thôn đê tả sông Mã, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, đồng chí Trần Hồng Hà chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương cần lưu ý, mặc dù tuyến đê vẫn an toàn. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm, chủ động hơn nữa phòng chống thiên tai trong thời gian tới. Những vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ đê điều vượt khả năng của tỉnh, tỉnh báo cáo Trung ương để có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.

Đồng chí Trần Hồng Hà, chỉ đạo địa phương khẩn trương triển khai phương án bảo vệ trọng điểm phòng, chống lụt bão công trình đã được xây dựng, phê duyệt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tuyến đê tả sông Mã. Đặc biệt là sẵn sàng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân, cơ quan, công sở bị ảnh hưởng khi có tình huống xảy ra; thực hiện các biện pháp gia cố phù hợp bảo đảm an toàn cho tuyến đê.

Cùng ngày, đồng chí Trần Hồng Hà Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến thăm và tặng quà cho các hộ dân thôn Ngọc Bồ, thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) bị ảnh hưởng của thiên tai, chia sẻ với người dân vùng ngập bị ngập lũ và mong muốn người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn, thực hiện nghiêm chỉ đạo, hướng dẫn của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sớm ổn định cuộc sống sinh hoạt, sản xuất. Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành có liên quan ở Trung ương và tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu mô hình nhà ở chống lũ  có thể giúp người dân nơi đây thích ứng vượt qua mùa lũ lụt.

Đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác tặng quà cho các lực lượng vũ trang tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh Thanh Hóa luôn bám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ban, ngành đồng thời ban hành công điện, văn bản chỉ đạo về công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa, lũ, ngập lụt, sạt lở đất gây ra trên địa bàn giảm mức thấp nhất do thiên tai gây ra, với tinh thần sẵn sàng huy động tối đa lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”; tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân. Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý các sự cố, hư hỏng công trình. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động sơ tán 3.624 hộ/13.788 khẩu sinh sống trong vùng có nguy cơ bị ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn; tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng của thiên tai, nhất là các hộ phải đi sơ tán, di dời; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở; không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.

Đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao tinh thần chủ động trong phòng, chống thiên tai và khắc phục hậu quả ngập lụt sau bão của cấp uỷ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa, các lực lượng Quân đội, Công an, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích,... Đặc biệt, là người dân đã tuân thủ các hướng dẫn, biện pháp phòng chống bão, lụt, luôn giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn. Đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ người dân. Các cấp chính quyền trong tỉnh tích cực hỗ trợ người dân khắc phục sau ngập lụt như vấn đề nước uống, dọn dẹp vệ sinh môi trường, dịch bệnh, khôi phục sản xuất, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Bảo Châu

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top