Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Đẹp mãi nợ đời - tình người (*)

16:19 07/07/2016 - Đời & Nghề
Tập văn tuyển Có một ngày như thế - Đẹp mãi của Nguyễn Xuân Lương vừa ra mắt bạn đọc là một cuốn sách đẹp. Đẹp về hình thức đã đành, đẹp hơn nhiều là nội dung, đẹp ở tấm lòng của tác giả đối với người, với đời.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hơn chục năm trở lại đây tôi được đọc Nguyễn Xuân Lương khá nhiều qua những bài anh đăng trên các báo và tạp chí từ Bắc vào Nam, đọc xong lần nào cũng có cùng cảm nhận thoáng chút băn khoăn. Lần này đọc tập văn tuyển của anh, nói đọc lại cũng được bởi đây là tuyển tập, cảm nhận ấy đậm hơn bao giờ. Mừng anh nhiều mà cũng có hơi tiếc cho anh. Giá mà... Cuộc đời không có giá mà. Lịch sử càng không có giá mà. Bản thân tôi từng khẳng định vậy qua nhiều bài viết. Thế nhưng có phải trong cuộc sống thường ngày của mỗi chúng ta, lòng ai chẳng có lúc áy náy hai chữ giá mà?

Giá mà cây bút Nguyễn Xuân Lương được đời dành cho nhiều thời gian vật chất hơn để anh thoải mái rong ruổi theo đam mê của mình từ khi còn là anh bộ đội Cụ Hồ phơi phới tuổi hai mươi đã bộc lộ năng khiếu văn chương qua nhật ký hành quân, để rồi trở thành nhà báo chuyên nghiệp mấy năm sau tại Đài phát thanh quốc gia. Đời đây là... tổ chức. Nguyên nhân sâu xa, tôi nghĩ tại cốt cách của chính Nguyễn Xuân Lương. Anh chịu đọc, chịu ghi, chịu học hỏi, nhờ vậy thường xuyên tích luỹ vốn kiến thức dày. Cách làm việc của anh bài bản, chỉn chu. Hành xử của anh có lý có tình. Tầm nhìn của anh thấy được cái đại cục mà vẫn rõ tiểu tiết thường tình. Anh thành thạo chế độ, chính sách văn phòng, quan hệ quốc tế. Và anh sẵn sàng phục vụ. Có phải vì vậy mà tổ chức thường giao cho anh những công việc đòi hỏi trước hết cái nghiêm túc, cái chỉn chu, bài bản: chánh văn phòng, bí thư, trưởng ban đối ngoại. Phân công anh phụ trách đối ngoại thì có thể yên tâm, không lo vấp những sơ xuất ngoài ý muốn đối với bạn bè quốc tế hay đồng nghiệp gần xa. Giao anh viết báo cáo tổng kết hoặc chuẩn bị đề dẫn hội thảo thì cầm chắc, dù thời gian hạn hẹp, tập thể sẽ khỏi phải chỉnh lý nhiều. Đã có lần tổ chức phân công anh phụ trách một tờ báo. Vừa làm xong đề án phát triển, anh đã phải giã từ đi nhận nhiệm vụ khác. Cá nhân tôi những tháng năm công tác tại Bộ Thông tin, Hội Nhà báo... tôi biết ơn anh Nguyễn Xuân Lương về sự chí tình của anh. Tuy nhiên, chuyện riêng tư giữa bè bạn, không dám miên man.

Trở lại với tập văn tuyển Có một ngày như thế... Nói đi, cần nghĩ lại. Tôi vừa nói mừng anh nhiều mà cũng hơi tiếc cho anh. Giá anh có nhiều thời gian vật chất hơn, hẳn cống hiến của Nguyễn Xuân Lương cho báo chí, văn học còn đồ sộ gấp mấy. Thế nhưng chẳng phải ông cha ta thường dạy: văn hay chẳng lọ ngắn dài. Còn thiên hạ đông tây kim cổ vẫn tâm niệm: quý hồ tinh...?

Từ sau ngày được nghỉ hưu, nhà báo Nguyễn Xuân Lương viết nhiều, và càng viết cái thần cây bút của anh càng thêm khởi sắc, đọc càng thấy ngon lành - nói như lời nhà văn Đoàn Minh Tuấn “càng già trái càng ngọt”.

Ở trên tôi có nói tập văn tuyển của Nguyễn Xuân Lương đẹp ở tấm lòng. Ngẫm nghĩ một chút về bố cục tập sách, ta sẽ thấy cung cách và tâm tình người viết. Phần Một, tác giả dành bảy bài liền nói lên lòng biết ơn Bác Hồ và những thu hoạch khi nghiên cứu, học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh. Tiếp đó, kỷ niệm về đại tướng Võ Nguyên Giáp, người sống mãi trong lòng nhân dân. Và không thể thiếu, sự nghiệp ân đức vị danh tướng thời vua Lê Lợi đánh đuổi quân Minh: Thái bảo Huân quận công Nguyễn Tuấn Thiện, người đất Hương Sơn, Hà Tĩnh, mà Nguyễn Xuân Lương là một hậu duệ.

Phần Hai chọn một số bài tác giả viết về quê nhà, xứ sở: từ cái làng quê nơi có bà ngoại cùng ngôi nhà cổ ông cha để lại đến bà con họ hàng liệt sĩ, từ cái hói Trùa và sông Ngàn Phố đến Điện Biên Phủ và Điện Biên Phủ trên không.

Như thể chờ trả xong nghĩa với quê hương, tác giả mới dành Phần Ba cho việc vi vu các nẻo đường xa xứ người. Phải xuất hành từ Hương Sơn và Ngàn Phố, phải có Phố Hiến có Mai Châu trong người, mới có thể đàng hoàng gặp Paris và Thành Đô, Seoul hay Bangkok, Berlin hoặc Praha..., tôi nghĩ vậy có phải không, thưa nhà báo Nguyễn Xuân Lương?

Phần Bốn, tác giả dành cho nghề và đồng nghiệp. Từ các nhà báo liệt sĩ và những tên tuổi thế hệ trên mà ông có dịp tiếp xúc: Hoàng Tùng, Quang Đạm, Trần Công Mân, Trần Lâm, Hoàng Phong... đến bạn bè cùng lứa hoặc trẻ hơn: Đoàn Minh Tuấn, Phạm Quốc Toàn, Nguyễn Huy Thông..., với bất kỳ ai Xuân Lương cũng đằm thắm cảm tình.

Và như một sự tất nhiên, Phần Năm, phần cuối, là cơ hội để tác giả trải lòng qua những vần thơ làm vào lúc xế bóng cuộc đời, qua khỏi mốc xưa nay hiếm...

Tôi hoàn toàn chia sẻ những cảm nhận của ông bạn ở thành phố Hồ Chí Minh, nhà văn Đoàn Minh Tuấn, sau khi đọc các bài viết của Nguyễn Xuân Lương: chân thực, nhạy bén thời sự, sắc sảo chính kiến, phong phú nội dung. Và tôi còn biết nói gì hơn ngoài việc lặp lại nhận xét của cây đại thụ văn học, báo chí nay đã đi xa, nhà văn Tô Hoài: Đọc ký của Nguyễn Xuân Lương ta cảm như có cái gì đó cuồn cuộn bồng bềnh như dòng nước sông La, như câu mở đầu bài hát để đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý phỏng lời thơ nhà cách mạng lão thành Nguyễn Xuân Linh, người từng đảm đương nhiều trọng trách, cuối đời trở về quê làm Bí thư Tỉnh ủy: “Đi mô cũng nhớ về Hà Tịnh...: Xin mạn phép thưa: “Tịnh” theo giọng nói dân gian chứ không phải “Tĩnh” viết theo văn bản pháp quy, thì mới thấm thía hết cái bồng bềnh cái mạnh mẽ của gió nước sông La. Đã đi vay thì vay cho trót. Tôi vay luôn ý của tác giả Nguyễn Xuân Lương làm đầu đề đôi điều cảm nhận sau khi gấp tập sách: “Nghề báo là nợ đời, tình người”. Đúng vậy, và đẹp mãi tình và nợ của bất kỳ ai đã trót mang cái nghiệp vào thân./.
 

Phan Quang

Tạp chí Người Làm Báo số 382 - Tháng 12/2015

 

* Đọc có một ngày như thế - Đẹp mãi, tập văn tuyển của Nguyễn Xuân Lương.

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top