Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Chuyện những cán bộ Bảo hiểm xã hội làm báo nghiệp dư

Ngày 21/6 là ngày xã hội tôn vinh đội ngũ những người làm báo trên cả nước. Với những cán bộ truyền thông của ngành BHXH Việt Nam, mặc dù chỉ là những "nhà báo nghiệp dư", nhưng những đóng góp của họ cho công tác tuyên truyền cũng rất đáng ghi nhận...

Nhân viên BHXH đang trò chuyện với người dân

Nuôi dưỡng “lửa nghề” bằng những chuyến đi

Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ngay khi bước chân vào ngành BHXH Việt Nam, chị Nguyễn Thị Ngọc Mai- cán bộ Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH tỉnh Sơn La) đã xác định sẽ theo nghiệp “cầm bút” để tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT một cách nghiêm túc.

Được phân công phụ trách công tác truyền thông của BHXH tỉnh, công việc của chị Mai gắn liền với việc viết lách. Khi còn làm ở bộ phận hành chính, chị được giao quản lý nội dung Trang Thông tin điện tử của BHXH tỉnh Sơn La. Vừa viết bài, vừa làm báo cáo, đồng thời nhận bài từ các địa phương gửi đến, mỗi ngày công việc của chị luôn xoay quanh những con chữ.

“Vừa phải làm báo cáo, vừa viết bài, rồi kiêm luôn biên tập khiến nhiều hôm chị rơi vào trạng thái “loạn chữ” vì quá nhiều tin bài gửi đến. Tuy nhiên, điều đó không làm bản thân chùn bước. Nhất là từ khi thành lập Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, chị cùng các cán bộ đi tuyên truyền thường xuyên hơn. Đây cũng là cơ hội đi cơ sở, tiếp xúc thực tế và thay đổi tư duy để có thể viết bài tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT hay hơn, bớt khô khan hơn…”- chị Mai kể.

Từ những hội nghị tuyên truyền tập trung, cho đến những chuyến "đi từng ngõ, gõ từng nhà", chị Mai và các cán bộ tuyên truyền của BHXH tỉnh Sơn La đã có dịp tiếp xúc với rất nhiều những hoàn cảnh khác nhau. Dần dà chị nhận thấy, người dân sẽ mở lòng nếu biết đặt mình vào vị trí của họ; khi đó sự đồng cảm, thấu hiểu sẽ phá vỡ bức tường ngăn cách đôi bên. Đi nhiều, trải nghiệm nhiều khiến chị càng thấu hiểu được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT. 

Cũng từ đó, chị Mai càng quyết tâm trau dồi kỹ năng tuyên truyền và nuôi dưỡng niềm say mê với công việc sáng tạo những tác phẩm báo chí từ vốn liếng thực tiễn của mình. Càng ngày, những đề tài về con người, những tấm gương người tốt, việc tốt trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT càng dày đặc trên trang web của BHXH tỉnh cũng như các phương tiện truyền thông khác. “Cứ mỗi lần đi tuyên truyền tại hội nghị, chị đều tranh thủ phỏng vấn Chủ tịch huyện, xã để tìm hiểu và lan truyền cách làm hay, sáng tạo để các cơ sở khác học tập”- chị Mai nói.

Theo chị Mai, việc phối hợp với các cơ quan báo chí cũng là nhiệm vụ rất quan trọng. Vì là đầu mối liên hệ với các cơ quan báo chí, nên việc cung cấp tài liệu lại càng phải kỹ và không được sai sót, đặc biệt là số liệu. Chính vì tính cách nhanh nhẹn, cởi mở mà chị Mai rất được các nhà báo, phóng viên yêu quý. Và, bản thân chị cũng học hỏi được rất nhiều kiến thức cũng như kỹ năng làm báo từ họ.

Ngày này qua ngày khác, sống với đam mê và cống hiến cho Ngành, chị Mai hiểu rằng, công việc của mình là một trong những nút thắt quan trọng để đưa chính sách BHXH, BHYT đến với người dân. Đối với chị, những bài viết không đơn giản là sự phản ánh, đưa tin đơn thuần, mà nó còn chứa đựng muôn vàn dòng cảm xúc và những thông điệp nhân văn về chính sách cần truyền tải tới người đọc. “Cầm bút đôi khi là công việc, nhưng cũng chính là đam mê, là sự gửi gắm chân thành của mỗi người làm công tác truyền thông tới công chúng của mình”- chị Mai nói.

Mong là cánh én nhỏ...

Không như chị Mai, chị Nguyễn Thị Hằng Nga- cán bộ Phòng Truyền thông và Phát triển (BHXH tỉnh Lào Cai) lại không có xuất phát điểm được đào tạo làm báo chuyên nghiệp. Học chuyên ngành Kế toán và làm việc tại Phòng Quản lý Thu của BHXH tỉnh  từ năm 2012, nhưng duyên phận lại đưa đẩy chị sang một lĩnh vực hoàn toàn mới lạ…

“Cán bộ truyền thông, liệu mình có làm được không?”- là câu hỏi chị Nga đặt ra trong đầu ngay khi được phân làm nhiệm vụ mới. Nghĩ không bằng làm, chị bắt đầu với tuyệt chiêu “học mót”. Chị Nga tâm sự, thời gian đầu, chị thường lên mạng, đọc thật nhiều tin bài, đặc biệt là các tin bài trên Tạp chí BHXH... để học hỏi cách viết sao cho chuẩn chỉ. Lúc mới bắt đầu còn bỡ ngỡ, bài viết lủng củng, thiếu logic và phải sửa nhiều, nhưng cứ viết nhiều, dần dần chị lại thành ra yêu cái công việc viết lách này từ lúc nào không hay.

Nhớ lại hành trình vượt khó trên con đường đưa chính sách tới người dân, chị Nga kể: "Hôm ấy là chương trình ra quân tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đầu tiên tổ chức tại địa bàn huyện Bát Xát, điểm đến của anh chị em cán bộ truyền thông là một xã nằm rất xa trung tâm huyện. Khi đó, trời mưa tầm tã, con đường nhỏ vào xã dường như được che phủ bởi làn nước trắng xóa, ai nấy đều ướt như chuột lội. Thế nhưng, dù mưa có lớn đến mấy, cũng không làm mất đi sự nhiệt huyết trong mỗi cán bộ BHXH. Mọi người chia nhau thành các nhóm đến nhà từng người dân để tuyên truyền, vân động tham gia chính sách…".

Theo chị Nga, nhờ chuyến đi thực tế này, chị đã có cơ hội được trò chuyện, được tìm hiểu cuộc sống của người dân bản địa. Được lắng nghe và cảm nhận một cách chân thật nhất hơi thở của cuộc sống, và cũng chính từ đây chị càng thấu hiểu nỗi niềm khao khát chính sách ASXH của những con người nơi đây. “Ngay sau khi kết thúc, tôi đã lập tức đăng các tin, bài về hình ảnh các cán bộ tuyên truyền và sự đón nhận của bà con đối với chính sách BHXH tự nguyện. Dù chỉ là một tin, bài bình thường, nhưng đây là một món ăn tinh thần rất lớn đối với các cán bộ truyền thông. Đồng thời, là nguồn thông tin giúp các địa phương nỗ lực, vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ được giao và lan tỏa chính sách BHXH tự nguyện tới người dân trên địa bàn”- chị Nga chia sẻ.

Chị Nga bảo, cứ sau mỗi chuyến đi là chị lại cầm bút, ghi lại từng khoảnh khắc và chuyển tải thành bài viết. Bản thân chị muốn lan tỏa những câu chuyện an sinh, những dẫn chứng chân thật nhất cho thấy tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT đối với cuộc sống thường nhật. “Tôi và các anh chị em trong Ngành vẫn luôn ngày đêm cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, để tương lai tất cả người dân sẽ có một cuộc sống ấm no, đủ đầy. Chúng tôi, những con người nhỏ bé, nhưng mang một khao khát được là cánh én nhỏ để làm nên “mùa xuân an sinh” trên dải đất hình chữ S thân thương…”- chị Nga bộc bạch.

Tuy xuất phát điểm nghiệp cầm bút có thể khác nhau, nhưng nhiều cán bộ ngành BHXH Việt Nam nói chung và cán bộ làm công tác truyền thông nói riêng đều có chung niềm đam mê, nỗ lực, cố gắng để góp sức vào công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT; đồng thời lan tỏa hình ảnh đẹp, tích cực của Ngành đến với toàn xã hội. Mặc dù là những "nhà báo nghiệp dư", song mỗi dịp 21/6, họ cũng hoàn toàn xứng đáng nhận được những lời chúc mừng, sự cảm ơn sâu sắc giống như những nhà báo thực thụ. 

Thanh Hằng- Kim Dung-Hải Dương

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top