Chuyển đổi số báo chí: Sắc son giữ vững nền tảng, chuyển mình cùng thời đại - Bài cuối: Đoàn kết, bản lĩnh tạo không gian thực hành chuyển đổi số báo chí

Với vai trò là đội quân xung kích, là vũ khí sắc bén của Đảng và Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân; báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước những cơ hội to lớn của mình dưới tác động của chuyển đổi số. 

Cơ quan báo chí cần có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau

“Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, có lẽ, sự ví von này đúng với báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.

Những năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự chuyển mình kiên cường của nhiều cơ quan báo chí khi nỗ lực đưa kỹ thuật, công nghệ xây dựng tòa soạn số. Song tất cả mới chỉ dừng ở hoạt động đơn lẻ, mạnh ai lấy làm ở từng tòa soạn. Hiện nay, ở vào hoàn cảnh mới, việc xây dựng và vận hành mô hình tòa soạn số đang đặt ra các điều kiện về nhân lực, tài chính và công nghệ. Để xây dựng và vận hành một tòa soạn số đòi hỏi phải có sự đầu tư đồng bộ từ con người, nền tảng kỹ thuật, công nghệ và kinh phí… Thực tế yêu cầu, các cơ quan báo chí cần có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, để thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số, thay vì thực hiện manh mún ở từng tòa soạn.

Đơn cử, như việc đầu tư công nghệ trong các tòa soạn. Việc mua mới công nghệ sẽ là không dễ dàng với quy mô các tòa soạn nhỏ, tuy nhiên nếu cải thiện dần dần có thể gây tốn kém hơn vì phải lồng ghép nhiều hơn. Việc đầu tư mới một cách tổng thể ngay từ đầu lại đối mặt với vấn đề không mới, đó là công nghệ có thể sẽ lạc hậu rất nhanh. Vậy thay vì quá sức, các tòa soạn có thể liên kết cùng chia sẻ công nghệ, nền tảng kỹ thuật.

Để công cuộc chuyển đổi số báo chí thành công, nhận thức của các tòa báo cần thực sự thay đổi để đầu tư hơn vào công cuộc này, bên cạnh việc đẩy mạnh kết hợp chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà báo, nhà công nghệ và nhà quảng cáo để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả cả về nội dung và kinh tế báo chí; sự liên kết, hỗ trợ chính giữa các cơ quan báo chí sẽ sớm thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số đi vào chiều sâu, thực chất.

Trên hành trình phát triển của báo chí, chuyển đổi số sẽ lặp lại ở các chu kỳ. Cùng học tập, ứng dụng mô hình xây dựng và quản trị tòa soạn số hiệu quả sẽ tạo tiền đề để các tòa soạn tiếp tục tiến lên hoàn thành các giai đoạn chuyển đổi số trong tiến trình vận động không ngừng.

Hiện nay, rất nhiều tòa soạn ở Việt Nam đã áp dụng chuyển đổi số để hỗ trợ phóng viên, biên tập viên trong công việc của mình, bên cạnh đó, tạo ra trải nghiệm tốt hơn, gần gũi và đa dạng hơn cho độc giả ở khía cạnh tiếp cận thông tin, nâng cao tri thức, giáo dục, giải trí... Mở rộng ra ngoài môi trường tòa soạn, sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các tòa soạn để giảm chi phí, thu hút được lượng lớn bạn đọc...

Tạo không gian thực hành chuyển đổi số

Báo chí tác động tới công chúng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, đòi hỏi báo chí càng cần “đi trước đón đầu” trong chuyển đổi số. Công cuộc tạo không gian thực hành chuyển đổi số để báo chí bắt kịp xu thế của công nghệ hiện tại, đáp ứng tốt nhiệm vụ thông tin, truyền thông trong tình hình mới đang được đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.

Cục Báo chí (Bộ TT&TT) lần đầu tiên công bố kết quả khảo sát, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí toàn quốc năm 2023.

Có thể thấy, chuyển đổi số là một trong những trọng tâm ưu tiên phát triển của Việt Nam. Chủ trương chuyển đổi số báo chí nằm trong Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, trong đó báo chí là một trong những lực lượng tiên phong, đi đầu, có vai trò và chức năng kết nối các thiết chế xã hội khác vận động và chuyển đổi.

Ngày 6/4/2023, Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 348/QĐ-TTg về Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chiến lược nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Đây là văn bản pháp lý quan trọng đối với việc thúc đẩy thực tiễn chuyển đổi số báo chí ở nước ta, quá trình chuyển đổi từ báo chí đơn loại hình sang nền báo chí số lấy báo mạng điện tử làm trung tâm, ứng dụng công nghệ số trong toàn bộ hoạt động của tòa soạn số. Nói cách khác, đây là tiền đề để báo chí số, tòa soạn số ra đời, trở thành xu thế tất yếu của hoạt động báo chí trong bối cảnh mới.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

Ngay sau Quyết định của Chính phủ, Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí với nhiều cách làm mới. Như ra mắt Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí; xây dựng và công bố bản đồ công nghệ cho lĩnh vực báo chí, là cơ sở quan trọng giúp các cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển công nghệ phục vụ chuyển đổi số thông qua 03 vấn đề gồm các xu hướng lớn ảnh hưởng tới ứng dụng công nghệ số hiện nay; công nghệ số nào có tiềm năng cân bằng giữa giá trị và rủi ro; công nghệ số mới nổi nào nên thận trọng khi triển khai.

Mặt khác, việc ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí, giúp các cơ quan báo chí xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi số, từ đó xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp để chuyển đổi số hiệu quả.

Mặc dù vẫn còn những vướng mắc như chưa có sự đồng bộ và tương thích về cơ sở pháp lý tạo ra khoảng trống trong hành lang pháp lý quan trọng để báo chí số, tòa soạn số được thừa nhận và phát triển; sự thiếu hụt và thiếu đồng bộ về nhân lực, nền tảng kỹ thuật, công nghệ, các điều kiện về tài chính, quản trị tài chính;… Song có thể thấy một không gian thực hành chuyển đổi số đang hình thành sẵn sàng cho công cuộc chuyển đổi số báo chí.

Trước đó, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, sẽ hỗ trợ những cơ quan báo chí có quy mô vừa và nhỏ, báo địa phương, gặp khó khăn về tài chính, công nghệ. Có thể xây dựng những nền tảng công nghệ chung cho báo chí.

Sự chuyển dịch của các cơ quan báo chí truyền thông Việt Nam trong dòng chảy chung của báo chí thế giới dưới tác động của chuyển đổi số đã đang dần hình thành xu thế báo chí công nghệ. Điều quan trọng đặt ra trong bối cảnh hiện nay là quản trị tòa soạn số ấy như thế nào để tận dụng một cách tối đa cơ hội và vượt lên những thách thức. Việc chuyển đổi số từng công đoạn trong quản trị, tác nghiệp, sản xuất nội dung,... chính là bước đệm hướng tới chuyển đổi số toàn diện, có hệ thống cho nền báo chí chuyên nghiệp của Việt Nam sau này.

Chỉ còn ít ngày nữa chúng ta sẽ bước sang năm 2024 tiệm cận với đích đến của chuyển đổi số giai đoạn đến năm 2025, sẽ còn rất nhiều việc cần làm để có thể chuyển đổi số báo chí thành công. Tận dụng thời cơ, phát huy nội lực, đổi mới sáng tạo, nhanh chóng thích ứng, cùng đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số là điều tất yếu. Truyền thống lịch sử gần 100 năm của báo chí cách mạng sẽ là bệ đỡ để báo chí hôm nay sắc son giữ vững nền tảng, bản lĩnh chuyển mình cùng thời đại.

Nam Giao

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top