Chuyển đổi số báo chí: Sắc son giữ vững nền tảng, chuyển mình cùng thời đại - Bài 1: Gian nan… “đích đến” 

Báo chí vì nhân dân phục vụ. Báo chí tự hào gần một thế kỷ sắc son giữ vững nền tảng, bản lĩnh chuyển mình cùng thời đại. Trong vận hội mới, báo chí cách mạng kiên cường theo đuổi mục tiêu của chuyển đổi số thành công, xây dựng nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn và phụng sự xã hội.

Chúng ta đang được chứng kiến một kỷ nguyên mới của báo chí số, công nghệ số, hội tụ công nghệ, hội tụ nội dung hình thành và phát triển mạnh mẽ. Chuyển đổi số như một mệnh đề bất biến mà ở đó, báo chí chỉ có con đường duy nhất là phải thay đổi để tồn tại và phát triển. Chuyển đổi số báo chí trở thành mệnh lệnh trái tim để báo chí cách mạng Việt Nam kiến tạo tri thức, định hướng dư luận xã hội, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của công chúng.

Tuyến bài dưới đây tiếp tục khẳng định tính tất yếu của chuyển đổi số báo chí; đồng thời nhấn mạnh một toà soạn số được xây dựng và quản trị tốt, sẽ là điều kiện để báo chí tận dụng cơ hội, vượt qua các thách thức và cả những vấn đề mà báo chí Việt Nam phải đối mặt. Để thực hiện sứ mệnh của mình trong tình hình mới, báo chí phải nhanh chóng thích ứng, đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của báo chí vừa là đích đến vừa là mục tiêu cao cả của quá trình vận động không ngừng, thay đổi nhận thức, tư duy, hành động tiến tới một mô hình “tòa soạn số”.

Mỗi cơ quan báo chí đều phải tự tìm ra con đường riêng cho mình trong chuyển đổi số, tìm ra cách làm riêng của mình để phù hợp với hoàn cảnh đặc thù. Sự kiên trì học hỏi cùng tinh thần sáng tạo và lòng quyết tâm hành động sớm muộn cũng sẽ đem lại những thành công giúp báo chí vượt qua khó khăn, thành công xây dựng tòa soạn số, tiếp tục phát huy vai trò không thể thay thế đối với xã hội trong thời gian tới.

Qua đó củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với báo chí cách mạng. Sự tử tế của mỗi nhà báo, phóng viên, sứ mệnh tòa báo sẽ là bộ lọc thời đại để báo chí biết gạn đục khơi trong, cảm hóa con người, hướng xã hội đến những giá trị chân thiện mỹ, những giá trị cốt lõi của báo chính thống.

Trên nóng… dưới cầm chừng

Chủ trương chuyển đổi số báo chí nằm trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam, trong đó báo chí là một trong những lực lượng tiên phong, đi đầu, có vai trò và chức năng kết nối các thiết chế xã hội khác vận động và chuyển đổi.

Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Khẳng định, việc chuyển đổi số của các phương tiện truyền thông không chỉ đơn thuần là vấn đề sống còn; nó là điều cần thiết cho sức sống của ngành, đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT - cơ quan có chức năng dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, chuyển đổi số báo chí, nắn dòng tri thức, quảng cáo chuyển hướng sang các nền tảng trong nước để thông tin, tri thức từ dữ liệu có thể được kiểm soát và sử dụng nhằm phát triển báo chí lớn mạnh, phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Thời gian qua, chuyển đổi số báo chí đã trở thành vấn đề nóng, hiện diện ở mọi mặt của đời sống báo chí; là chủ đề chính của rất nhiều hội nghị, tọa đàm tầm quốc gia, khu vực. Vừa qua, tại Đà Nẵng, với vai trò là nước chủ nhà chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (AMRI 16), trong khuôn khổ hội nghị, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội thảo ASEAN về chuyển đối số báo chí và truyền thông: Chuyển đổi số Kiến tạo tri thức số. Hội thảo ASEAN về Chuyển đối số Báo chí do Việt Nam khởi xướng lần đầu tiên năm 2023 sẽ trở thành hoạt động thường niên trong các năm tiếp theo của ASEAN để chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, ứng dụng chuyển đổi số ngành báo chí và truyền thông.

Chuyển đổi số báo chí đã trở thành vấn đề nóng, hiện diện ở mọi mặt của đời sống báo chí; là chủ đề chính của rất nhiều hội nghị, tọa đàm tầm quốc gia, khu vực.

Gần đây, trong những ngày đầu tháng 12, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức thành công Hội thảo Báo chí quốc tế với chủ đề “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” để lại nhiều dấu ấn và gây tiếng vang lớn trong giới báo chí khu vực. Bên cạnh sự khẳng định sứ mệnh báo chí mang tinh thần quốc gia dân tộc, giới báo chí các nước trong khu vực có cơ hội hình dung bức tranh toàn cảnh “chuyển đổi số” của báo chí ASEAN và Việt Nam.

Không còn là vấn đề của riêng bộ, ngành, khi sự cần thiết cấp bách phải chuyển đổi số báo chí thành công để dẫn dắt, định hướng dư luận, đồng thời tối ưu hóa chi phí sản xuất nội dung, hình thành mô hình, sản phẩm kinh doanh mới nhằm tăng nguồn thu cho cơ quan báo chí.

Ngày 06/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-Ttg phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, thực hiện chuyển đổi số các cơ quan báo chí truyền thông chính là sự thay đổi về tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo các tác phẩm báo chí; là sự thay đổi quan trọng về nhận thức và thái độ của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí. Đồng thời, là hoạt động phát triển báo chí dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chính trị như định hướng thông tin và định hướng dư luận trong bối cảnh mới của cách mạng Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng, tiền đề định hướng, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số báo chí.

Triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí, đến nay đã có 43 đơn vị (Bộ Nội vụ, Đài Truyền hình Việt Nam và 41 địa phương) ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hiện nay một số cơ quan báo chí đã thực hiện chuyển đổi số trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện như Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV, Báo điện tử VietnamPlus, Báo điện tử VnExpress, Báo Tuổi trẻ…

Song vì nhiều nguyên nhân, chuyển đổi số báo chí đang diễn ra tình trạng “trên nóng dưới cầm chừng”, nơi quyết liệt, nơi thờ ơ, nhiều cơ quan báo chí có xu hướng “chờ xem” các cơ quan khác làm thế nào rồi mới chuyển động,… Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024, nhắc đến câu chuyện chuyển đổi số, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đặc biệt nhấn mạnh: “Có 63% cơ quan báo chí chuyển đổi số ở mức yếu, ở đây không phải nằm ở phần mềm, không phải ở phần cứng mà nằm ở ý chí của người đứng đầu. Nếu chúng ta không giải phóng, thay đổi được tư duy thì không thể thoát được xếp hạng yếu kém”.

Cùng lý giải thực trạng trên, nhiều diễn giả, nhà báo, nhà khoa học cho rằng, một trong những rào cản làm chậm quá trình chuyển đổi số nằm ở vấn đề nhận thức. Theo Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT Đặng Thị Phương Thảo, thực tế hiện nay cho thấy, trong khi một số cơ quan báo chí đã tích cực, đóng vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số bằng cách thay đổi cách thức thể hiện, tiếp cận độc giả, vẫn còn nhiều cơ quan báo chí Việt Nam vẫn đang do dự, băn khoăn trong thực hiện chuyển đổi số... Bà Phương Thảo cũng nhấn mạnh, để công cuộc chuyển đổi số báo chí thành công, nhận thức của các cơ quan báo chí cần thực sự thay đổi để đầu tư hơn vào công cuộc này, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà báo, nhà công nghệ và nhà quảng cáo để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả cả về nội dung và kinh tế báo chí.

Mới đây nhất, tại kết quả khảo sát, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí toàn quốc năm 2023 lần đầu tiên được công bố của Cục Báo chí (Bộ TT&TT), đánh giá nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số báo chí của lãnh đạo không ít cơ quan báo chí còn ở mức thấp, điển hình là tỷ lệ báo chí chưa hoàn thành tập huấn 61,56%; tỷ lệ báo chí chưa tham gia thực hiện việc tự đánh giá 69.05%; người đứng đầu cơ quan là người chủ trì, chỉ đạo chuyển đổi số 34,8%; cơ quan báo chí đã xây dựng chiến lược/kế hoạch/chương trình chuyển đổi số báo chí của cơ quan 43,59%.

Thiết nghĩ, chuyển đổi số phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của cơ quan báo chí, thấy được sự cấp bách và đòi hỏi tất yếu, từ đó xác định mục tiêu cần đạt được và xây dựng nên chiến lược chuyển đổi số cho riêng mình, phù hợp với năng lực của mình. Trước những biến đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ hiện đại, để đồng lòng cùng nhau xây dựng cơ quan báo chí với những giá trị cốt lõi, mang tinh thần, hơi thở thời đại, chỉ khi coi chuyển đổi số thực sự như người bạn đồng hành cùng đời sống báo chí, cùng tòa soạn.

Tư tưởng không thông… đeo bình tông cũng nặng

Chuyển đổi số báo chí được nhắc nhiều, nói nhiều song không phải ai cũng thông hiểu cốt lõi vấn đề. Điều này dễ dẫn đến những suy nghĩ phiến diện, một chiều hoặc không đầy đủ, nhất là đối với một vấn đề vừa mới, vừa khó như chuyển đổi số.

Trong bài viết “Vấn đề đặt ra và giải pháp xây dựng, quản trị tòa soạn số hiện nay” của các tác giả PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, TS Tạ Bích Loan, ThS Phạm Thị Mai Liên cho rằng, thực tiễn định hình loại hình báo chí số, xây dựng và vận hành tòa soạn số đã và đang xuất hiện nhiều rào cản trong nhận thức của các cơ quan chủ quản báo chí, các nhà lãnh đạo, quản lý báo chí.

Chuyển đổi số báo chí sẽ còn cả một hành trình dài phía trước nhiều gian nan nhưng cũng nhiều trái ngọt, đòi hỏi tinh thần sáng tạo, linh hoạt.

Theo các tác giả, hòa chung với dòng chảy chuyển đổi số báo chí, hầu hết các cơ quan báo chí đều có nỗ lực lớn trong chuyển đổi số. Lãnh đạo các cơ quan báo chí cả trung ương và địa phương đều nhận thức đúng về tính sống còn trong chuyển đổi số, phát triển các dòng sản phẩm báo chí số, xây dựng và quản trị tòa soạn số. Tuy nhiên, chuyển đổi số báo chí vẫn còn chậm về tiến độ, chưa đi vào thực chất. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do nhiều cơ quan báo chí còn mơ hồ về “đích đến” của chuyển đổi số là nền báo chí số, chưa tường minh về mô hình toà soạn báo chí số, dẫn tới hầu hết các cơ quan báo chí chưa xây dựng được mô hình toà soạn báo chí số đáp ứng được sự hội tụ: Nội dung số + Công nghệ số + Công chúng số + Kinh tế số + Hệ sinh thái số. Báo cáo nhận định, trong thực tế, hầu hết các cơ quan báo chí chưa nhận thức đúng và đầy đủ dẫn đến chưa chú trọng phát triển khu vực công chúng số…

Viện dẫn cho nhận định này, nhóm tác giả đưa ra phỏng vấn sâu lãnh đạo 10 cơ quan báo chí đại diện cho 10 cụm Hội Nhà báo địa phương trong cả nước, cho thấy chỉ có 3/10 trường hợp hiểu và mô tả được một số lớp chức năng của tòa soạn báo chí số. Trong thực tế, hầu hết các cơ quan báo chí chưa nhận thúc đúng và đầy đủ dẫn đến chưa chú trọng phát triển khu vực công chúng số.

Như vậy, bên cạnh các vấn đề phát triển nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ mang tính sống còn trong chuyển đổi số báo chí thì nhận thức đúng bản chất của báo chí số và mô hình tòa soạn số cần được xem là giải pháp quan trọng nhất để xây dựng, vận hành và quản trị tòa soạn số. Bởi, chỉ khi có nhận thức mang tính hệ thống và toàn diện về báo chí số và mô hình tòa soạn số mới có thể ứng dụng tối đa công nghệ đi cùng với tối ưu hóa bộ máy, thay đổi căn bản và toàn diện quy trình vận hành, xuất bản các sản phẩm số. Nghĩa là, tòa soạn phải chuyển đổi số phải phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển của các cơ quan báo chí. Khi đó tòa soạn hội tụ phát triển thành tòa soạn số để bảo đảm phát huy được nguồn lực sẵn có nhưng được thiết kế lại bài bản và hiệu quả hơn.

Chuyển đổi số không phải là vấn đề công nghệ mà là vấn đề con người, tư duy. Chuyển đổi số báo chí sẽ còn cả một hành trình dài phía trước nhiều gian nan nhưng cũng nhiều trái ngọt, đòi hỏi tinh thần sáng tạo, linh hoạt và sẵn sàng thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ hiện đại. Các nhà quản lý, phóng viên, nhà báo cần nhận thức đúng để hành động đúng, truyền cảm hứng cho sự thay đổi.

Bài 2: Không có công thức chung cho một “tòa soạn số”

Nam Giao

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
Ngày 23/2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng đã tiến hành phiên họp đầu tiên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban chủ trì Phiên họp. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Ngày 1/2/2024, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô Hà Nội diễn ra lễ công bố và trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VIII năm 2023, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024).
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top