Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Mẹ già 80 tuổi nuôi năm người con thiểu năng

Cứ ngỡ rằng sinh con ra để có nơi nương tựa lúc về già nhưng với cụ Tảo- trú tại khu 3, xã Phụ Khánh, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ thì đó lại là một mong ước xa vời.

Nỗi nhọc nhằn, vất vả cứ gồng lên đôi vai người mẹ - một quả phụ với năm người con ngây dại, hàng ngày chỉ biết ú ớ, kêu la.

Sống cho qua ngày

Cụ Tảo và năm người con sống trong ngôi nhà ba gian tềnh toàng, không có một thứ gì giá trị, tứ bề đều đã bục tươm bởi bàn tay những người con ngây dại, không biết gì cứ cào, trọc thủng. Xung quanh tường chỗ thì phải dùng những mảnh bờ lô vỡ che lại, chỗ lại dùng miếng bìa để đậy cho kín.

Bữa ăn hàng ngày chỉ có cơm độn sắn, rau má, rau muống chấm nước muối, nước mẻ. Ở vườn, rau cỏ có thứ gì ăn thứ nấy, sắn trồng rồi ăn từ lúc còn non, không biết đến bữa cơm thịt, cơm cá bao giờ.

Cuộc sống bên ngôi nhà tranh vách nứa, ảnh: PV

Một ngày, năm mẹ con chỉ có hai bữa cơm: sáng và tối. Chứng kiến bữa cơm tại nhà cụ Tảo sẽ không ít người phải chạnh lòng, xót xa khi trong mâm chỉ có canh rau rừng và vài miếng cà muối. Cụ Tảo than thở: “Khổ cực thế này thì cũng chỉ cốt no bụng, sống cho qua ngày mà thôi”.

Cô Nguyễn Thị Bản- hàng xóm cụ Tảo kể: “Có bữa cơm nào bà ấy được yên đâu, cứ cho được đứa này ăn thì đứa kia lại chạy, đến bữa ăn cứ như chơi đuổi bắt. Còn mâm cơm thì bữa nào sang cũng thấy chỉ có vậy. Thương xót lắm nhưng cũng bất lực, chỉ giúp bà được phần nhỏ thôi”.

 

Mâm cơm đạm bạc

"Cá chuối đắm đuối vì con"

Ở cái tuổi xế chiều, phần vì không ai trông con, phần vì không thể làm những công việc nặng nhọc được nữa nên cụ Tảo đành bỏ ruộng. Số tiền hàng tháng nhà nước trợ cấp cho cụ và các con dường như không đủ để trang trải cho cuộc sống nhọc nhằn: tiền điện, tiền lúa gạo, tiền thuốc cho con.

Bên căn nhà xập xệ, các con của cụ chỉ quanh quẩn một góc đi ra rồi lại đi vào, cứ dở cười, dở khóc, đói thì la hét, gào khóc, quần áo mẹ mặc cho lại xé toạc đi. Năm người con đều đã ngoài 30 nhưng tất cả đều không biết nói.

“Chúng nó có biết gì đâu, bố chết cũng không biết, chúng chỉ kêu như tiếng chim, chuột vậy thôi, từ khi sinh ra tới giờ ngay cả tiếng mẹ cũng chưa một lần chúng gọi được”, cụ Tảo nói.

Con gái ngoài 30 nhưng ngờ nghệch và sợ người.

Sinh ra những người con không được lành lặn, lại không thể làm bất cứ việc gì, mọi việc trong nhà đều chất chồng lên đôi bàn tay người phụ nữ bất hạnh. Hàng ngày cụ phải tắm giặt, thay quần áo cho các con. Nấu cơm xong nhưng đến bữa phải xới cơm cho các con ăn, không đưa tận tay họ không biết cầm lấy mà ăn.

Một người phụ nữ kiên cường và đầy nghị lực, với đôi chân gân guốc, nứt nẻ, đôi bàn tay gầy gò, trai sờn, cụ đã đi cùng các con qua những năm tháng khốn khó của cuộc sống.

Đôi tay ấy, ngày ngày vẫn phải lôi con về ăn cơm, thậm chí phải dùng dây thừng để trói con vào một góc nhà vì người con cả cứ chạy lang thang. Và đôi chân ấy vẫn phải chạy theo con, đi tìm con ngoài đường, ngoài rừng, ra những đống mồ mả.

Sợi dây thừng để trói con, làm thắt lòng người mẹ già.

“Mẹ Tảo” suốt mấy chục năm qua chưa có một đêm yên giấc, lúc nào cũng thấp thỏm canh con. Một, hai giờ sáng con của cụ thức giấc rồi chạy ra ngoài rừng kêu la, gào thét ầm ĩ. Những đêm đông lạnh tê buốt, hay những đêm mưa gió sấm chớp, cũng phải đội mưa mon men lên rừng, ra bãi tha ma tìm con. Sức già không theo nổi con, cụ cứ gắng giọng mà gọi con quay về trong bất lực.

Trên gương mặt khắc khoải những khổ đau, bất hạnh, cụ Tảo tâm sự: “Làm mẹ sinh con ra, thấy con như vậy đau đớn lắm, nhưng biết làm thế nào được, số phận cả rồi, ông trời đã không thương thì mình có tránh cũng không được.”

Đôi khóe mắt nhăn nheo của cụ dưng dưng, chỉ chờ để trực trào, có lẽ suốt mấy chục năm qua người mẹ ấy đã phải nuốt nước mắt vào trong, để mạnh mẽ cùng các con sống tiếp những tháng ngày cơ cực, nghèo đói.

 “Không biết các con sẽ ra sao khi tôi mất đi”....

Cả một đời làm mẹ, chưa bao giờ cụ Tảo than thở về những ngày tháng khốn khó khi phải nuôi năm người con ngờ nghệch, thiểu năng, chưa bao giờ cáu gắt, quát mắng con nặng lời. Cụ chỉ than thân, trách phận, trách mình sinh con ra lại chỉ biết đau đớn nhìn con mà bất lực.

Tuổi già như ngọn đèn dầu leo lắt trước gió, sớm muộn rồi cũng về với thế giới bên kia, nhưng người mẹ già những năm qua luôn đau đáu trong lòng một nỗi lo: “Không biết các con sẽ ra sao khi tôi mất đi”.

Cụ Tảo chưa một ngày yên lòng vì con.

Cụ Tảo nghẹn ngào nói: “Tôi còn sống thì chúng còn được trông nom, chăm sóc. Tôi chết đi rồi không biết chúng bơ vơ, trôi dạt đi đâu, sống chết ai hay. Chỉ mong có tổ chức nào có thể đưa các cháu về trại trẻ mồ côi, tàn tật để chúng được sống nốt quãng đời còn lại”.

Cụ Nguyễn Thị Lực (80 tuổi) thường gọi là cụ Tảo, quê ở Hà Nam, khi lấy chồng theo chồng về Phú Thọ làm ăn, sinh sống. Cụ sinh được 6 người con, một người đã mất, còn lại 5 người, tất cả đều bị thiểu năng trí tuệ, ngờ nghệch không nhận thức được.  Năm 1994 chồng cụ mất, thân cô thế cô, một mình cụ Tảo phải bươn trải nuôi 5 người con từ ngày đó đến giờ.

                                                    Bài và ảnh: Thu Hương

 

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.