Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

“Vũ khí” đặc biệt giữa chiến trường Điện Biên

21:34 19/07/2016 - Góc nhìn
Sau 62 năm, lật giở 33 số báo nhiều trang đã úa màu thời gian, ra đời giữa chiến trường bộn bề cam go, thiếu thốn, thế hệ phóng viên trẻ chúng tôi vẫn vô cùng kinh ngạc và cảm phục những người làm báo Quân đội nhân dân năm ấy đã góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng...

Cựu chiến binh Điện Biên kể chuyện cho thế hệ trẻ trên đỉnh đèo Pha Din. Ảnh:TL

Cập nhật tin tức trong đêm Cuối năm 1953, bộ đội ta mở chiến dịch Đông - Xuân 1953-1954, quân Pháp nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ. Đã trở thành thông lệ qua 3 kỳ thu - đông, cứ mỗi lần quân ta mở chiến dịch là Báo Quân đội nhân dân lại tổ chức toà soạn đặc biệt đi theo chiến dịch. Nhóm phóng viên lên đường đông hơn thường lệ, nhưng cũng chỉ có 5 người, gồm: Hoàng Xuân Tuỳ (Phụ trách toà soạn kiêm Trưởng ban Tuyên huấn mặt trận), Trần Cư (Thư ký toà soạn), Nguyễn Khắc Tiếp (phóng viên), Phạm Phú Bằng (phóng viên), Nguyễn Bích (hoạ sĩ)... Cuối chiến dịch, toà soạn bổ sung thêm phóng viên Nguyễn Trần Thiết.

Đến tận bây giờ, sau hơn 60 năm, Đại tá, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp (một trong 5 nhà báo quân đội trực tiếp tham gia làm báo ở chiến trường Điện Biên Phủ) càng thấm thía vì sao ngày 9/3/1954, báo vừa ra thì ngày 10/3/1954, cấp trên lại lệnh ra ngay một số nữa. Số ngày 10/3 đăng toàn văn lời kêu gọi của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ nêu rõ “Trận Điện Biên Phủ sắp bắt đầu” và lệnh “Kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Điện Biên Phủ”. Tuy không nói rõ giờ nổ súng mở màn là thời điểm nào, nhưng hai số báo liền nhau ấy có “ý đồ” rất rõ để xây dựng ý chí quyết tâm cho bộ đội trước trận mở màn Him Lam ngày 13/3/1954.Và rồi, ngày 14/3/1954, ngay sau khi trận mở màn thắng lợi, số báo ra hôm đó đã chạy dòng tít lớn trên trang nhất “Quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Him Lam”.

Để có được số báo này, những nhà báo chiến sĩ đã gồng mình chạy đua trong đêm.Theo bài tường thuật chiến sự “Tiêu diệt hoàn toàn vị trí Him Lam” đăng trên trang nhất thì trận đánh mở màn lúc 16 giờ chiều ngày 13/3 nhưng phải đến 23 giờ kém 20 phút, cứ điểm Him Lam mới hoàn toàn bị tiêu diệt. Như vậy, tin tức tổng hợp về Bộ Tổng tư lệnh nhanh nhất cũng phải sau 0 giờ sáng mới “lọt” tới Báo Quân đội nhân dân. Vậy mà ngay ngày hôm sau 14/3, số báo đưa tin chiến thắng Him Lam đã “ra lò”. Chắc chắn đêm đó, những căn hầm trên Đồi Ngựa Hý không ngủ. Các nhà báo Phú Bằng, Khắc Tiếp lại chạy như con thoi từ đồi Ngựa Hý qua rừng Đại tướng lấy tin.

Phổ biến kinh nghiệm giữa chiến trường

Là người lính đã trực tiếp cầm súng và cầm bút đi suốt 8 chiến dịch, Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng ví von tờ báo có lúc là một người chính uỷ, thậm chí có lúc giữ vai trò là chính uỷ của các chính uỷ khi phát đi nhiều bài viết mang tư cách “người phát ngôn của Bộ Tổng tư lệnh”, có lúc lại đăng những bài bình luận quân sự rất quan trọng chắp bút chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tá Phú Bằng nhấn mạnh: “Cứ những bài nào ký bút danh Lê Liêm hoặc Chính Nghĩa thì cả ta và địch đều phải đọc rất kỹ vì nó chuyển tải những thông điệp chiến lược. Với quân ta thì các chính uỷ đại đoàn đều phải đọc rất kỹ, rất sâu nên tôi nghĩ tờ báo có vai trò như một chính uỷ là vì thế”.

Theo nhà báo Trần Cư, các cán bộ và chiến sĩ ở Điện Biên Phủ đều chờ đợi đọc bình luận quân sự của Chính Nghĩa. Vậy Chính Nghĩa là ai? “Là một bút danh chung để viết những bài bình luận theo gợi ý của đồng chí Võ Nguyên Giáp, thường do anh Hoàng Xuân Tùy chấp bút. Không những Chính Nghĩa chỉ bình luận tình hình mà có thời kỳ còn cài vào trong một số bài, vài chi tiết để đánh lạc hướng Na-va và bộ tham mưu của ông ta, trong khi ta đánh ra 5 đòn chiến lược. Những bài ấy được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam để cho đối phương nghe” - nhà báo Trần Cư “bật mí”.

Có lúc, tờ báo như một chính trị viên, một cán bộ quân y, hậu cần chăm lo đời sống, sức khoẻ của bộ đội. Số (125) đưa kinh nghiệm đào củ mài trong rừng. Mới đầu lẻ tẻ mấy anh háu ăn đi đào về tổ chức riêng ăn mảnh. Sau lập thành tổ chuyên môn đi đào. Có tổ trưởng lành nghề đã có 8 năm chuyên đào từ ở nhà; tổ ấy được 46 tạ. Đôi khi, kinh nghiệm ấy lại được đúc vào một câu thơ trở thành tít bài: “Có công đào đất có xôi củ mài”. Ăn xôi chưa đã, lại muốn ăn cả thịt nữa; thế là thành phong trào bẫy chim, cầy cáo. Lại có bài truyền đạt kinh nghiệm: Nên tìm rau ăn mát ruột (số 122); Kinh nghiệm ngâm giá (số 124) và đặc biệt là gương anh nuôi Thổi cơm dưới đại bác vẫn đúng giờ.

Số báo đỏ rực tin chiến thắng

Bước sang đợt 2 tấn công dãy đồi khu Đông Điện Biên Phủ cũng là giai đoạn nước rút, báo ra 10 số từ 137 (ngày 28/3/1954) đến số 146 (ngày 1/5/1954), nhịp báo mau hơn, trung bình ba ngày một số, có khi hai ngày một số. Nhưng đùng một cái, trưa ngày 7/5 trước đòn Tổng công kích vũ bão của quân ta, Báo Quân đội nhân dân chưa kịp phản ánh cuộc chiến đấu đợt 3 từ đêm 1 tháng 5 thì Đờ Cát-tơ-ri đã ra hàng chiều ngày 7/5.

Mãi đến ngày 11/5, số báo 147 mới ra mắt, bẵng đi 10 ngày. Lý giải về sự chậm trễ này, nhà báo Trần Cư cho hay: “Vì vui sướng chiến thắng ào ra. Nôn nao rạo rực không cầm bút được đến vài ngày. Rồi hàng trăm việc mới vô cùng bận rộn ập xuống...”. Còn nhà báo Phú Bằng cho biết phải tối mặt tối mũi với những văn kiện tuyên huấn khi chiến dịch kết thúc. Chưa kể thông tin như thế nào, đơn vị nào lập công, ai là người bắt sống tướng Đờ Cát-tơ-ri, nhiều việc chưa được chính xác hoá.
Thế nhưng, trong bộn bề công việc ấy, Thư ký toà soạn Trần Cư vẫn là người say máu cầm bút, yêu nghề.Ông vẫn kịp viết bài tường thuật cảnh đầu hàng “Ở Mường Thanh địch ra hàng như nước chảy” bằng cách “liều lĩnh” bứt khỏi bài vở, xông xuống đồi E, viết tại trận một phần bài báo ngay trong hầm Đờ Cát-tơ-ri và một phần tại chỉ huy sở của Đại đoàn Bến Tre.

Số báo cuối cùng ngày 16/5 như một lời chia tay chiến dịch Điện Biên toàn thắng đã được in màu đỏ rực, thực sự là số báo đặc biệt nhất. Khác với thông lệ, mỗi số báo mặt trận chỉ 2 trang, số ngày 16/5 lên tới 8 trang, gấp 4 lần, cả trang 1 và trang 6 đều có măng séc và in màu đỏ. Ngoài ra, còn có hai phụ trương in màu bức tranh lớn của hoạ sĩ Nguyễn Bích với hình người lính phất cao lá cờ quyết chiến quyết thắng cùng dòng khẩu hiệu đỏ rực “Chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại đã toàn thắng” kèm theo lời dạy của Bác Hồ: “Đại thắng Điện Biên Phủ mới chỉ là bước đầu. Chúng ta phải kiên quyết kháng chiến để giành lấy độc lập, thống nhất, dân chủ, hoà bình”.

Đó là một lời tiên tri, một dự báo vĩ đại của Bác Hồ giúp mỗi người lính không ngủ quên trên men say chiến thắng mà còn phải bước vào một cuộc trường chinh mới./.

Minh Giang
Tạp chí Người Làm Báo số 387 - Tháng 5/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top