Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

“Vết đen” của nền dân chủ

16:51 20/07/2016 - Bình luận
Thổ Nhĩ Kỳ vừa trải qua cơn ác mộng của vụ đảo chính bất thành. Mặc dù Chính phủ đã thực hiện các biện pháp trấn áp và duy trì an ninh, bắt giữ những kẻ liên quan đến âm mưu đảo chính, song quốc gia này vẫn đối mặt một thời kỳ đầy khó khăn và thách thức ở phía trước. Cuộc đảo chính bị coi là “vết đen” trong nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ nhất là để lại những hậu quả lâu dài.

Kỳ nghỉ tại Ma-ma-rít của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Éc-đô-gan đáng ra đã kết thúc trọn vẹn, nếu không xảy ra vụ đảo chính đêm 15-7 vừa qua. Tổng thống Éc-đô-gan đã phải tức tốc rời Ma-ma-rít trước khi xảy ra vụ đánh bom nhằm vào khách sạn nơi ông nghỉ. Sau khi quân đội tiến hành đảo chính, chiếm trụ sở Đài Truyền hình quốc gia và Quốc hội tại Thủ đô An-ca-ra, tuyên bố giành quyền kiểm soát chính quyền, Tổng thống Éc-đô-gan đã kêu gọi người dân ủng hộ chính phủ chống lực lượng đảo chính.

Người dân ở Istanbul đổ ra đường, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Erdogan. Ảnh: AFP

Đáp lại lời kêu gọi của ông Éc-đô-gan, hàng triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng loạt đổ xuống đường phản đối đảo chính. Họ dùng xe hơi, thậm chí là cả thân mình, để chặn xe tăng quân đội. Họ vây quanh những chiếc xe bọc thép, mạt sát những người lính tham gia đảo chính, bất chấp nguy hiểm tính mạng khi những tiếng súng vẫn rít xé tai. Được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân, lực lượng ủng hộ Tổng thống đã nhanh chóng dập tắt đảo chính. Hơn 290 người chết, cùng hơn 1.400 người bị thương là “cái giá” trước mắt cho âm mưu đảo chính quân sự bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Vụ đảo chính tuy được nhanh chóng dập tắt, song đặt ra không ít nghi ngờ về lỗ hổng tình báo và an ninh ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều quan chức cấp cao trong quân đội nước này đã bị bắt giữ vì liên quan đảo chính. Trong số người bị bắt giữ có 70 tướng và sĩ quan cấp cao quân đội, thậm chí có cả cố vấn quân sự số một của Tổng thống T.Éc-đô-gan, ông A.Y-a-di-xi. Mặc dù Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã khôi phục toàn bộ quyền kiểm soát trên khắp đất nước, song một số đối tượng đứng sau cuộc đảo chính vẫn chạy trốn, đặt chính quyền trước thách thức an ninh không nhỏ. Giới phân tích quan ngại về nguy cơ tiếp tục xảy ra đảo chính khi nhiều máy bay chiến đấu, trực thăng ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn “mất tích”.

Trong khi đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ có những lời bóng gió về vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính đã gây tổn hại nghiêm trọng quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh trong NATO. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, cuộc đảo chính chắc chắn do những người ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo P.Gu-len, người Thổ Nhĩ Kỳ đang sống lưu vong tại Mỹ thực hiện. Tổng thống Éc-đô-gan đề nghị Oa-sinh-tơn dẫn độ giáo sĩ này về nước, song phía Mỹ cho rằng, An-ca-ra cần cung cấp bằng chứng và cơ sở pháp lý rõ ràng chống lại giáo sĩ Gu-len. Thổ Nhĩ Kỳ còn tuyên bố những nước ủng hộ giáo sĩ này không phải là bạn, thậm chí là tuyên chiến với An-ca-ra.

Những phát ngôn gây tổn hại quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ cũng tác động tới cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) mà hai nước này đang trên cùng mặt trận. Thêm vào đó, việc Chuẩn tướng B.Van cùng hơn 10 sĩ quan thuộc cấp, bị bắt giữ tại Căn cứ không quân In-xơ-lích ở tỉnh miền nam A-đa-na gây lo ngại cản trở các chiến dịch không kích chống IS, bởi căn cứ này vốn được lực lượng Mỹ sử dụng để tiến hành các cuộc không kích ở Xy-ri. An-ca-ra nghi ngờ căn cứ In-xơ-lích bị lợi dụng để tiếp nhiên liệu cho các máy bay quân sự bị những đối tượng chủ mưu đảo chính khống chế.

Tổng thống T.Éc-đô-gan đối mặt thách thức lớn nhất trong 13 năm cầm quyền trên cả cương vị Thủ tướng và Tổng thống, song ông đã thành công trong việc tập hợp những người ủng hộ cùng xuống đường đập tan âm mưu đảo chính. Sau khi tình hình được kiểm soát, hàng nghìn người tại nhiều thành phố trong cả nước tiếp tục xuống đường bày tỏ ủng hộ ông Éc-đô-gan. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại những hệ lụy về bạo loạn, giết chóc, bất ổn khi tại nước này từng xảy ra nhiều cuộc đảo chính. Họ cũng không muốn đất nước bị biến thành một “điểm nóng” mới ở Trung Đông, khu vực bị coi là “chảo lửa xung đột” của thế giới.

Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước chồng chất khó khăn và thách thức sau vụ đảo chính bất thành. Hiện, còn nhiều vấn đề về tình báo và an ninh mà Chính quyền Tổng thống Éc-đô-gan cần chỉnh đốn. Quốc gia thành viên NATO này cũng cần chứng tỏ vẫn là đối tác tin cậy trong cuộc chiến chống khủng bố, dù đất nước rơi vào bất ổn hiện nay. Với niềm tin của người dân, Tổng thống Éc-đô-gan tiếp tục được kỳ vọng có thể chèo lái “con thuyền Thổ Nhĩ Kỳ” vượt qua sóng gió./.

Nguồn: NDĐT

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top