Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người làm báo

Từ ngày 21 - 23/4/2016, tại TP. HCM, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016, Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Thuận Hữu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm quan gian trưng bày giới thiệu tổng quan báo chí Việt Nam tại Hội báo Xuân Ất Mùi 2015. Ảnh: Ngọc Thành

Trong diễn văn bế mạc và tại cuộc gặp mặt thân tình với các nhà báo ngay sau khi Đại hội Đảng lần thứ XII kết thúc ngày 28/1/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá rất cao sự đóng góp tâm huyết, trí tuệ và công sức của các cơ quan thông tấn, báo chí đối với thành công của Đại hội. Điều này cho thấy, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm sâu sắc, đề cao những đóng góp, cống hiến to lớn của báo chí; luôn ủng hộ, tạo điều kiện để báo chí phát triển và mong muốn giới báo chí nước nhà nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang và cao cả của mình. Xã hội tôn vinh, Đảng và Nhà nước ghi nhận, những người làm báo có quyền vui mừng, tự hào về nghề nghiệp của mình và tất nhiên chúng ta chưa thể tự bằng lòng về tất cả.

Chưa khi nào sức mạnh của truyền thông xã hội có khả năng tạo dư luận xã hội rõ ràng, mạnh mẽ và nhanh chóng như vậy. Mức độ ảnh hưởng của chúng đặt ra những yêu cầu, thách thức rất lớn đối với người làm báo cả về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, sự nhạy cảm, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Nhấn mạnh điều này bởi lẽ, những năm gần đây, một bộ phận người làm báo, một số cơ quan báo chí đã đánh mất niềm tin của công chúng, của xã hội vào sứ mệnh cao cả của báo chí mà chúng ta đã lên tiếng cảnh báo nhiều lần. Thêm vào đó, một số cơ quan báo chí chưa bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, không ít nhà báo đưa thông tin thiếu chính xác, thậm chí thiếu cân nhắc về hiệu ứng xã hội và những phản ứng tiêu cực, tạo kẽ hở cho kẻ địch lợi dụng thổi phồng, xuyên tạc, kích động, làm phân tâm xã hội, gây hoang mang trong dư luận, làm phương hại đến lợi ích của dân tộc, của đất nước.

Thực tế đó cho thấy, không đổi mới tư duy, đổi mới phương thức làm báo, cách tiếp cận công chúng sẽ lạc nhịp với đời sống hiện tại và đánh mất bạn đọc, đánh mất vai trò dẫn dắt dư luận. Các hạn chế, khuyết điểm ấy nếu không ngăn chặn kịp thời, khắc phục triệt để sẽ làm phương hại đến uy tín, làm mai một giá trị tinh thần cao quý của báo chí cách mạng mà bao thế hệ người làm báo Việt Nam đã dày công tạo dựng và bền bỉ vun đắp trong suốt gần một thế kỷ qua.

Năm 2016, sẽ là năm sôi động của báo chí nước nhà, do tình hình chính trị và kinh tế thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, thuận lợi và thách thức đan xen. Cuộc đua để có được thông tin và đưa thông tin đến với công chúng sẽ vẫn là chủ đề nóng bỏng, vừa là cơ hội, vừa là thách thức to lớn đặt ra cho công tác báo chí, cho những người làm công tác Hội.

Trước dòng chảy của thời đại, báo chí cách mạng Việt Nam sẽ luôn thích nghi và phát triển mạnh mẽ trong thế giới thông tin đầy biến động và cạnh tranh quyết liệt, phần lớn phụ thuộc vào đội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí, trong đó có các cấp Hội Nhà báo chúng ta. Làm sao khắc phục được khuynh hướng thương mại hóa, hạn chế những thông tin giật gân, câu khách phục vụ thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả là trăn trở của những cây bút chân chính. Làm sao để mỗi khi tiếp nhận một tác phẩm báo chí, bạn đọc có thêm những thông tin bổ ích và lý thú, góp phần nâng cao nhận thức, bồi đắp tâm hồn, nhân lên những điều tốt đẹp, niềm tin vào sự thật và lẽ phải trọng cộng đồng chúng ta.

Đòi hỏi cấp thiết của thời đại đang đặt cho đội ngũ báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng cũng thật vẻ vang. Chúng ta đang làm báo trong bối cảnh và điều kiện rất khác trước, cạnh tranh thông tin gay gắt trong kỷ nguyên số dẫn đến cạnh tranh về nguồn nhân lực, về tiềm lực và thương hiệu của từng tờ báo. Do đó, chỉ có tiếp tục đổi mới và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, báo chí mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng sự kỳ vọng nhân dân.

Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam đã đề ra Nghị quyết, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Hội trong giai đoạn mới. Trách nhiệm của những người làm công tác Hội là phải đưa Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam, đưa tinh thần dân chủ và trách nhiệm, của đoàn kết và trí tuệ tiếp tục lan tỏa đến từng cấp Hội và mỗi nhà báo. Do đó, Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động năm 2015 và triển khai công tác năm 2016 của Hội Nhà báo Việt Nam sẽ là dịp để các cấp Hội, hội viên - nhà báo cả nước nghiêm túc bàn bạc, tìm cách khắc phục các hạn chế, đề ra các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả xã hội của báo chí, xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để thể hiện rõ vai trò của một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của giới báo chí cả nước, các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương cần quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng và củng cố tổ chức Hội. “Ngôi nhà chung” của những người làm báo Việt Nam phải được xây dựng trên tinh thần đoàn kết, đồng thuận, có sự đóng góp của từng hội viên, nhà báo trên cả nước.

Muốn vậy, trước hết Hội Nhà báo các cấp cần quan tâm bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và lợi ích hợp pháp của hội viên, tạo chuyển biến rõ rệt trong đổi mới nội dung, phương thức, hiệu quả hoạt động của các cấp Hội, theo kịp yêu cầu phát triển của thời đại, phục vụ tốt nhất lợi ích của đất nước, dân tộc và nhân dân.

Tôi luôn có một niềm tin sâu sắc rằng, trước bất cứ hoàn cảnh nào, các nhà báo, hội viên của Hội Nhà báo Việt Nam với chức năng, sứ mệnh cao cả sẽ nhận thức rõ những thách thức và không ngừng rèn luyện bản lĩnh, trí tuệ, bằng lao động nghề nghiệp với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực sáng tạo, có thêm nhiều tác phẩm báo chí có giá trị để phục vụ công chúng, phục vụ xã hội./.

Nhà báo Thuận Hữu
Ủy viên Trung ương Đảng - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top