Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Trách nhiệm cao cả và nặng nề

Bộ Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam đang trong quá trình lấy ý kiến, với kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển biến mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động báo chí, chất lượng công tác Hội và trở thành cuốn“cẩm nang” nghề nghiệp cho các nhà báo hành nghề. Tuy nhiên, làm thế nào để bộ Quy định đạo đức người làm báo thực sự cô đọng, sát với tình hình thực tế và phát huy được hiệu quả trong cuộc sống? Xung quanh vấn đề này, PV Tạp chí Người Làm Báo đã ghi lại một số ý kiến tâm huyết của những người làm nghề.

Phóng viên tác nghiệp tại hiện trường. Ảnh: PV

Nhà báo Đoàn Minh Long, Ủy viên Ban chấp hành HNBVN, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa:

Trách nhiệm càng nặng nề, đạo đức càng phải đề cao

Đạo đức người làm báo ngoài việc bị chi phối bởi Luật Báo chí và những điều luật khác liên quan đến báo chí cần phải tuân theo những chuẩn mực khác rất quan trọng. Đặc biệt đạo đức của người làm báo trong khai thác và xử lý thông tin là một vấn đề nóng hổi hiện nay, là đề tài được bàn luận sôi nổi trong các cuộc Hội thảo diễn ra trong thời gian gần đây. Khi ý nghĩa của nghề báo đóng vai trò quan trọng, là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội thì bản lĩnh và đạo đức người làm báo có vai trò quan trọng bởi thông tin báo chí sử dụng được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, nguồn trực tiếp và gián tiếp nên đòi hỏi đội ngũ phóng viên, nhà báo nhanh nhạy, sắc sảo trong phát hiện và xử lý nhiều loại thông tin phong phú, đa dạng...

Để nâng cao phẩm chất đạo đức của người làm báo trong thời kỳ mới, vai trò, trách nhiệm của Hội Nhà báo ngày càng được thể hiện rõ. Hội Nhà báo phải luôn chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, tăng cường công tác tập huấn, nâng cao bản lĩnh chính trị và đạo đức người làm báo thời kỳ hiện nay.

Hội Nhà báo phải phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định đạo đức người làm báo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên. Phối hợp tốt với các cơ quan báo chí trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đó là vinh dự và cũng chính là trách nhiệm của những người công tác ở Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay.

Nhà báo, TS Phạm Mỵ, Chủ tịch CLB Nhà báo nữ Việt Nam:

Trong kỷ nguyên số người làm báo càng phải đề cao trách nhiệm

Theo tôi, có nhiều lý do khiến người làm báo hiện nay phải nâng cao đạo đức trong tác nghiệp báo chí. Sự lệ thuộc vào mạng xã hội có thể khiến nhiều thông tin thiếu chính xác, không có tính định hướng, hoặc thông tin có dụng ý xấu dễ dàng lan tỏa, tạo thành dư luận, dẫn đến khủng hoảng truyền thông.

Nhìn lại hiện tượng thủy sản chết hàng loạt ở miền Trung có thể thấy, chỉ trong khoảng 3 tuần của tháng 4/2016, đã có hơn 200.000 bài viết liên quan, trong đó 82% đến từ mạng xã hội facebook. Các bài viết thu hút nhiều lượt chia sẻ, nhiều thảo luận và lượt like nhất trên fanpage của các báo. Hình thức phát video trực tiếp (live stream) được khai thác tối đa và cũng thu hút rất lớn độc giả.

Với các tính năng đăng ý kiến, dẫn bài viết, phát video trực tiếp, bình luận, bày tỏ cảm xúc, nếu nhà báo thể hiện quan điểm của mình trên bài viết hoặc trên mạng xã hội có hướng lệch lạc, rất có thể, quan điểm đó sẽ tạo nên một làn sóng mạnh mẽ trên mạng dẫn đến những sai lệch trong hành vi.

Nhà báo Nguyễn Xuân Hải, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Tĩnh:

Trau dồi đạo đức có ý nghĩa lớn đối với mỗi người làm báo

Thời gian qua, những biểu hiện tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đang diễn ra ngày càng phức tạp và cho thấy dấu hiệu tha hóa trong một bộ phận nhà báo Việt Nam. Đó là sự tha hóa về đạo đức nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng. Đạo đức nghề nghiệp là phẩm chất hàng đầu của người làm báo chân chính. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, báo chí ngày càng có ảnh hưởng và tác động to lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội, tình hình chính trị, an ninh của đất nước nên đòi hỏi trách nhiệm của người làm báo cũng nặng nề hơn. Việc sửa đổi bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo phù hợp với Luật Báo chí 2016 và pháp luật hiện hành sẽ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động báo chí, chất lượng công tác Hội. Trau dồi đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp có ý nghĩa lớn đối với mỗi người làm báo. Tôi luôn cho rằng, những quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam phải luôn bổ sung, đổi mới cho phù hợp với thực tiễn./.

Ngọc Thành,Thanh Bình, Cường Phạm (thực hiện)

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.