Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Tôi làm báo Tết

00:15 21/02/2018 - Góc nhìn
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi mấy lần giục viết cho Tạp chí Người Làm Báo số đầu năm một vài kỷ niệm làm báo Tết, tôi cứ ngại ngần.

Báo Cứu Quốc số mùa xuân. Ảnh: TL

Làm báo Tết là một đặc sắc của báo chí Việt Nam, các nước phương Tây không có. Nó là một thú vui gian khó. Làm sao tạo được số đặc biệt đậm bản sắc báo mình mà vẫn bám sát diễn biến thời cuộc chung. Thời bao cấp, cái khó đầu tiên là chạy đâu ra giấy để tăng số lượng phát hành. Thời kinh tế thị trường, càng đậm nét chuyện “đầu tiên - tiền đâu”, vẫn phải vắt chân lên cổ tìm bạn đồng hành. Về nội dung, làm sao tươi mát, ấm sắc xuân, kết nối giao hòa báo chí với văn chương, nghệ thuật cho người đọc thưởng thức tác phẩm của mình đậm đà tựa thưởng ngoạn chén trà ngon đặc biệt đầu xuân.

Tôi cố tình dài dòng lê thê những điều ai cũng biết như trên là để chốt lại: Vậy mà kỷ niệm làm báo Tết lần đầu trong đời tôi là một kỷ niệm đẹp vui, hào hứng, gọn mà tươi như... một đóa hoa xuân vừa hái trên cành.

Ấy là vào cuối năm 1948, cách đây 70 xuân. Tôi về nhận việc ở báo Cứu Quốc Liên khu 4 mới được chừng 6 tháng. Tập tễnh vào nghề, nhưng trong điều kiện kháng chiến gian nan, cơ quan ít người, thiếu vốn, nhân tài vật lực đều hẻo cho nên anh lính mới tò te vẫn ngày ngày săn tin, viết bài, đi làm phóng sự như bất kỳ ai.

Cuối năm, tòa soạn chuẩn bị ra số báo đặc biệt mừng Xuân Kỷ Sửu 1949, dày gấp đôi số ngày thường. Dành mấy trang cho văn học. Trình bày và minh họa đã có cao thủ, họa sĩ Văn Bình tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương. Về thi ca, may quá, nhà thơ Xuân Diệu đến thăm ưu ái mang cho tờ nhật báo của Liên khu một bài anh vừa sáng tác. Tiểu phẩm có sẵn bài của Chế Lan Viên với trí tuệ khác người, hơi văn hóm hỉnh, ngày nào anh cũng có bài cho chuyên mục Chuyện đời, dưới ký tên “Mũi nhọn” - nhà thơ dùng bút danh ấy vì, theo như lời anh em nói, ông Chế có tính hay châm chọc mọi người, mọi thứ ông cho là chướng tai gai mắt trên đời. Tuỳ bút có bài ngắn gọn, hợp thể loại báo hằng ngày của nhà thơ Gia Ninh lại lãng đãng y như thơ ông, người chuyên Nhặt lại thời gian (1) , đại loại:

Thời gian mất, khôn tìm lại được
Không gian tàn, biến hóa mênh mang
Duy bóng thời gian lưu bộ nhớ
Duy hình không gian lưu mắt xanh...

Ngoài nhà thơ Xuân Diệu là cộng tác viên, còn lại các cây bút đều là thành viên tòa soạn. Chủ nhiệm kiêm chủ bút báo là Trần Đức Hinh, trí thức người Hà Nội gốc, vào Huế dạy trường trung học Lyceum Việt Anh. Tản cư ra vùng tự do làm báo, anh vẫn nhớ Huế, nhớ chiến khu ở thượng nguồn sông Ô Lâu qua bản nhạc khá nổi tiếng “Nhớ Sông Bồ” cùng dạng với “Trường ca Sông Lô” của Văn Cao.

Giữa dàn đồng ca bề thế như vậy của tòa soạn, tại buổi giao ban điểm lại việc chuẩn bị số báo đặc biệt mừng Xuân, nhà thơ Chế Lan Viên bỗng cao giọng xướng: “Vẫn thiếu cái truyện ngắn hay! Hoàng Tùng (bút danh Phan Quang thời ấy) vừa từ vùng địch hậu chiến trường ra, viết cái gì về Bình Trị Thiên đi!”. Tòa soạn đồng tình. Vậy là ngay trong ngày, cậu lính mới là tôi phải hì hục cày cho xong một truyện ngắn, với điều kiện không được quá dài 1.500 từ, muộn nhất sáng sớm mai phải có bài trình chủ nhiệm kiêm chủ bút báo.

Dựa vào ký ức, tôi viết một mạch truyện ngắn “Lửa hồng”. Câu chuyện thật ra còn giản đơn, sơ lược lắm. Gọi truyện ngắn là được, bởi các nhân vật toàn hư cấu, bảo bút ký không sai, do bối cảnh, thời gian, câu chuyện đều có thực.

Lụi cụi cuốc cày rồi nắn nót chép lại cho ngay ngắn để công nhân nhà in tiện đọc, đỡ xếp chữ sai. Cuối giờ chiều, mang bài sang nộp Sếp. Chủ nhiệm báo lịch sự đón bản thảo đã chép lại cẩn thận trên mấy trang giấy thô nháp đen xì, xeo bằng bột nứa, chăm chú đọc một mạch, thỉnh thoảng cầm cây bút mực đỏ của thầy giáo chỉnh sửa dấu chấm phẩy hoặc lỗi chính tả của học trò.

Tôi bồn chồn ngồi đợi. Đọc xong, anh chậm rãi đặt bản thảo xuống bàn, lấy chiếc thước kẻ nặng đè lên, rồi ngẩng đầu nhìn thẳng vào mắt tôi nói bằng tiếng Pháp “Un tableau très vivant!” (Một bức tranh thật sống động). Chỉ có thể. Không bình luận gì hơn, nhà lãnh đạo rút từ túi áo ngực cây bút Parker mạ vàng sang trọng và hơi lạ lẫm trong môi trường kháng chiến gian nan, ký tên lên đầu góc trái bản thảo.

Truyện ngắn Lửa hồng chiếm gần trọn trang báo Cứu Quốc - Xuân Kỷ Sửu, có tiếp sang trang sau một đoạn vì cần dành hai cột báo bên phải, hơi lùi thấp xuống một ít, trang trọng đóng khung in với kiểu chữ nghiêng bài thơ Trở về của Xuân Diệu, Vua thơ tình:

Cũng bởi vì tôi nhớ tôi mong
Một sớm mai hồng tôi sẽ lên đường trở lại...

Trở lại với Hà Thành, với Quy Nhơn, Bình Định hay trở lại với ai trong “nhân gian, vũ trụ” như ông viết, dù sao nhất thiết nhà thơ sẽ trở lại.

Như đôi chân rón rén
Trong đêm vui hò hẹn...

Sáng sớm tinh mơ hôm số báo đặc biệt mừng Xuân xuất xưởng khỏi nhà in, nhà thơ Hoàng Yến thư ký tòa soạn mang tờ báo còn thơm mùi mực - “thơm” là tôi bắt chước người xưa nói văn hoa, chứ “hôi” mới chuẩn xác, bởi mực in ta chế bằng hắc ín pha dầu thực vật tỏa mùi khó ngửi lắm - chạy sang nhà bác nông dân nơi tôi ở nhờ, dí vào mặt chàng trai mặt còn non choẹt: - “Này, xem đi! Xuân Diệu khép nép bên cạnh Hoàng Tùng thế này!”.

Sau Tết, gặp nhà thơ đến thăm và chúc Tết tòa soạn báo, Xuân Diệu bắt tay tôi khen: “Truyện ngắn Hoàng Tùng viết tốt quá!”.

Lời động viên của bậc đàn anh làm tôi mừng rơn, mừng đến tận hôm nay, sau 70 xuân xanh.

Có thể gọi đó là kỷ niệm lần đầu tôi làm báo Tết, cũng có thể bảo đó là sáng tác đầu tay của nhà báo được in trang trọng trên số báo mừng Xuân, mở đầu một đời nghề báo nghiệp văn với quan điểm báo và văn là con cùng một mẹ, cho nên văn, báo bất phân, trong báo có văn, trong văn có báo./.

Phan Quang

(1) Tên một tuyển tập thơ Gia Ninh, NXB Văn học in năm ông tròn 80 tuổi

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top