Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Tọa đàm KH: 'Kinh nghiệm sử dụng các thể loại báo chí trong kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam'

Sáng 25/4/2015, Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân và truyền hình Viettel đã phối hợp đồng tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Kinh nghiệm sử dụng các thể loại báo chí trong kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam”. Buổi tọa đàm được diễn ra tại Nhà khách Bộ quốc phòng, số 33 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội.

Quang cảnh buổi tọa đàm khoa học: “Kinh nghiệm sử dụng các thể loại báo chí trong kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam”. Ảnh: AJC

Điều hành Tọa đàm có: Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân; Nhà báo Hà Minh Huệ, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; PGS,TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng  Khoa học - Đào tạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Tọa đàm là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế “Báo chí về đề tài chiến tranh” do Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân và truyền hình Viettel phối hợp tổ chức. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015) và hướng tới 90 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2015).

Tham dự Tọa đàm khoa học có đông đảo các cựu phóng viên chiến trường của Báo Quân đội nhân dân cùng các giảng viên, các nhà nghiên cứu của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đại diện các cơ quan báo chí, nhà báo, cựu phóng viên chiến trường trong nước và quốc tế tham gia.

Tọa đàm khoa học “Kinh nghiệm sử dụng các thể loại báo chí trong kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam” đã thu hút sự tham gia thảo luận, trao đổi ý kiến của nhiều phóng viên chiến trường của Báo Quân đội Nhân dân, các nhân chứng lịch sử, điển hình tiên tiến đã trở thành những tấm gương sáng cho quân và dân cả nước học tập, làm theo trong những năm tháng kháng chiến.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, các nhà báo chiến trường của Báo Quân đội nhân dân đã cho thấy rõ cách sử dụng và phát huy cao nhất các thể loại báo chí trong chiến tranh. Tin tức, phản ánh, phóng sự, ký sự, bình luận quân sự, ảnh, thơ châm biếm, đả kích... được sử dụng linh hoạt, sáng tạo, tận dụng được hiệu quả của từng thể loại báo chí cũng như mối quan hệ hữu cơ, mật thiết giữa các thể loại đó với nhau. 

Các Nhà báo chiến trường chia sẻ kinh nghiệm làm báo thời chiến tranh. Ảnh: AJC

Đặc biệt, nhiều nhà báo cùng thống nhất nhận định làm báo trong thời chiến tranh, người phóng viên phải phát huy tối đa tính năng động và sáng tạo vì tác nghiệp hoàn toàn độc lập, vừa bám sát các đơn vị, vừa thường xuyên liên lạc với toà soạn ở mặt trận, đồng thời họ còn phải duy trì liên lạc để chuyển bài vở, thông tin từ mặt trận về và nhận tin từ hậu phương, tìm thông tin, viết bài, biên tập, tổ chức báo, lăn lộn như những người lính thực sự.

Các nhà báo, nhà khoa học quốc tế còn đưa ra những ý kiến, trao đổi, chia sẻ về truyền thông trong chiến tranh. Từ đó giúp mọi người có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về hoạt động truyền thông báo chí trong chiến tranh. Việc thể hiện những vấn đề an ninh phi truyền thống và chiến tranh hiện đại cũng như trong tương lai cũng là vấn đề được các đại biểu tham dự Tọa đàm thảo luận sôi nổi.

Các đại biểu quốc tế trao đổi về vấn đề truyền thông trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: AJC

Kết luận Tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân đánh giá cao những ý kiến trao đổi, góp ý, chia sẻ của các đại biểu; đồng thời nhấn mạnh: Chương trình Hội thảo "Báo chí về đề tài chiến tranh: Lý luận và thực tiễn" với các phiên làm việc toàn thể tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tọa đàm khoa học và triển lãm ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam cùng với Tọa đàm khoa học tổ chức tại Báo Quân đội nhân dân đã giúp chúng ta có nhiều kinh nghiệm và bài học quý về báo chí trong chiến tranh. Chúng ta trân trọng, lưu giữ những kinh nghiệm làm báo trong chiến tranh, nhưng không mong muốn lại phải sử dụng một lần nào nữa. Vì dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam, các nhà báo cách mạng Việt Nam luôn nâng niu, khao khát và gìn giữ hòa bình!

Nguồn: AJC

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.