Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Tỉnh táo trong tiếp cận và truyền tải thông tin khoa học

Nếu nguồn thông tin được lấy theo kiểu “thầy bói xem voi” thì tác động về đời sống sẽ là khôn lường. Đã có không ít bài học và sự trả giá cho việc đưa tin thất thiệt, thiếu diễn giải đầy đủ. Xin trích dẫn vài câu chuyện để các nhà báo, những người làm truyền thông KH&CN cùng chia sẻ

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Mẩu tin nhỏ cũng có thế gây “bão”

Giữa tháng 7/2007, một số báo chí nước ngoài như BBC New và Daily Mail (Anh) đã công bố thông tin “Phụ nữ ăn nhiều bưởi sẽ có nguy cơ ung thư vú”. Một số tờ báo trong nước trích dẫn nguồn tin này và gây ra sự nhầm lẫn rất tai hại. Ngay sau đó, giá bưởi tại Đồng bằng Sông Cửu Long đã bị “rớt” từ 8.000-10.000/kg xuống còn 1.000 đồng/kg nhưng vẫn tiêu thụ rất chậm, nhiều người dân đã phải đốn bỏ cây bưởi vì hiệu quả kinh tế. Mặc dù, đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều nhà khoa học nông lâm có uy tín của Việt Nam lên tiếng trấn an dư luận đồng thời đưa ra nhiều bằng chứng khẳng định bưởi Việt Nam không liên quan. Tuy nhiên, thông tin nói trên vẫn gây ảnh hưởng tâm lý nặng nề đối với người tiêu dùng và gây thiệt hại nghiêm trọng đến người trồng bưởi.

Hay như gần đây là vụ thông tin về, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về việc sử dụng thuốc Aslem trong điều trị các bệnh ung thư làm cho nhiều người bệnh đã tự đi tìm mua thuốc để sử dụng mà không theo hướng dẫn sử dụng của thầy thuốc; một số cơ sở bán lẻ thuốc đã lợi dụng để bán thuốc với giá cao, ảnh hưởng quyền lợi của người dân… Sau khi kiểm tra các thông tin và hồ sơ đăng ký sản xuất, lưu hành thuốc lưu tại Cục Quản lý dược, Cục cho biết, đây là thuốc phải được kê đơn, sử dụng theo đúng chỉ định của thầy thuốc và chỉ được bán khi có đơn của thầy thuốc chuyên khoa. Như vậy, thuốc Aslem không phải là thuốc điều trị ung thư nói chung như một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, mà chỉ có tác dụng phối hợp trong điều trị ung thư theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa. Sau khi có thông tin thuốc Aslem có thể chữa được ung thư, giá thuốc này đã tăng vùn vụt, thậm chí khan hàng. Giá thuốc này đã tăng từ 250.000 đồng/hộp lên 290.000 đồng/hộp có nơi còn bán hơn 300.000 đồng/hộp trong khi giá bán cách đây 5 - 6 tháng khoảng 100.000 đồng/hộp. Trong khi đó, theo đại diện Công ty Dược Vĩnh Phúc, giá bán buôn của công ty này là 250.000 đồng/hộp 10 ống và khi bán lẻ các cửa hàng có thể cộng thêm 10 - 15% giá nhập.

Còn câu chuyện về bồn nước inox vẫn là nỗi kinh hoàng của các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này. Trung tuần tháng 6/2007, doanh nghiệp Toàn Mỹ lâm vào cảnh khó khăn, khi doanh số các sản phẩm bồn nước inox của họ gần như bằng 0. Chuyện bắt đầu từ khi Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường chất lượng có thông báo, hàm lượng Mangan trong sản phẩm bồn nước inox của Toàn Mỹ cao hơn 7%, gấp 4 lần so với tiêu chuẩn do chính doanh nghiệp này công bố. Việc tung tin bồn inox gây ung thư dù chưa có kết luận của cơ quan chuyên môn, nhưng nhiều người đã hồ nghi về việc báo chí bị lợi dụng để tiếp tay cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Hệ quả nhãn tiền là nhiều doanh nghiệp sản xuất ngành hàng tương tự cũng lao đao vì không thể thanh minh với người tiêu dùng.

Ranh giới giữa nhà khoa học viết báo và nhà báo viết khoa học

Năm 1969, bác sĩ Franz J. Ingelfinger (1910 - 1980) được bổ nhiệm làm tổng biên tập tập san New England Journal of Medicine (NEJM) - có lịch sử trên 100 năm và cho đến nay vẫn là tập san số 1 trong ngành y. Khi mới nhậm chức, ông phát hiện một số công trình nghiên cứu khoa học đang được xem xét cho in hay sắp in trên Tập san NEJM đã được hệ thống truyền thông đại chúng... công bố trước! Không hài lòng trước tình trạng “cầm đèn chạy trước ô tô”, ông đề ra một qui ước mà sau này được biết đến là Qui ước Ingelfinger. Theo Qui ước Ingelfinger, NEJM sẽ không công bố bất cứ bài báo nào nếu kết quả bài báo đó đã được các cơ sở truyền thông đại chúng đưa tin. Theo Qui ước Ingelfinger, chỉ khi nào bài báo được công bố trên một website hay báo giấy của tập san thì nhà nghiên cứu mới có quyền được tiếp xúc với giới truyền thông đại chúng để nói về thành quả nghiên cứu của mình. Trong thời gian bài báo còn được bình duyệt, hay ngay cả sau khi đã được chấp nhận cho công bố nhưng chưa đưa lên website, nhà nghiên cứu vẫn không có quyền tiếp xúc với truyền thông. Do đó, một khi bản tin được chuyển tải đến công chúng, thì các chi tiết về ý tưởng, phương pháp, kết quả, và diễn giải của công trình nghiên cứu được phê bình và duyệt qua bởi những chuyên gia trong ngành, và đảm bảo chất lượng của thông tin. Nếu không qua khâu “nội bộ” này thì công chúng không thể biết công trình nghiên cứu đó có giá trị khoa học ra sao, phương pháp đúng hay sai, cách suy luận có quá đà hay không... 

 Vì vậy, trước khi đưa thông tin khoa học, nhà báo nên tham vấn ý kiến của nhiều nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực đó. Nhà báo cần có sự nhạy cảm xã hội nhất định, và trên hết cần có lý trí để tránh việc thổi phồng hay giật tin câu khách. Nhà báo không nên đi sâu vào những vấn đề quá chuyên sâu mà trước những vấn đề có tính nhạy cảm, nên tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học. Còn rất vấn đề đã trở nên trầm trọng thì đã có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, vấn đề của báo chí hiện nay là phải biết mình đang phỏng vấn ai, phỏng vấn có đúng người hay không bởi hiện có rất nhiều trường hợp lợi dụng báo chí để đánh bóng tên tuổi hay sản phẩm nghiên cứu của mình. 

Th.S Lê Thị Tuyết Hạnh – Mai Thị Thanh Hà

Tạp chí Người Làm Báo Số 388 - Tháng 6/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.