Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Tình hình phát triển kinh tế biển tỉnh Kiên Giang

13:43 29/09/2016 - Kinh tế
Một trong những nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang là phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, là cầu nối của ĐBSCL trong hội nhập kinh tế và giao lưu hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và thế giới.

                       Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet     

Tiềm năng kinh tế biển

Kiên Giang nằm tận cùng phía Tây Nam của Tổ quốc và thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là tỉnh sản xuất lương thực và thủy sản trọng điểm của cả nước. Với hơn 200 km bờ biển và có hàng 100 cửa sông, kênh rạch thoát nước ra biển Tây; Có 2 huyện đảo là Phú Quốc và Kiên Hải với khoảng 137 hòn/đảo nổi lớn, nhỏ nằm xa đất liền, tạo cảnh quan du lịch biển đảo, ranh giới vùng biển của tỉnh giáp với các nước Campuchia, Thái Lan và Malaisia.

Kiên Giang là tỉnh có đặc thù riêng biệt là vừa có đồng bằng, có núi, rừng; có biển và hải đảo với tổng diện tích tự nhiên là 6.346 km2, bằng 1,90% diện tích tự nhiên của cả nước và 15,78% diện tích tự nhiên của vùng ĐBSCL. Chiều dài lớn nhất của tỉnh theo hướng Đông Nam – Tây Bắc khoảng 120 km, chiều rộng lớn nhất theo hướng Đông - Đông Tây khoảng 60 km. Kiên Giang nằm trong khoảng tọa độ địa lý từ 103030' đến 105032' kinh độ Đông và từ 9023' đến 100 32' vĩ độ Bắc (đổi qua VN 2000). Toàn tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 02 huyện đảo: Phú Quốc và Kiên Hải; phần đất liền ven biển trải dài qua 7 đơn vị hành chính cấp huyện gồm có: thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên và 5 huyện (Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên, An Minh và Châu Thành); với 51/142 xã, phường, thị trấn ven biển, đảo; tổng diện tích đất tự nhiên là 200.377 ha (trong đó có 17 xã đảo và 34 xã ven biển).

Vùng biển Kiên Giang được xác định là ngư trường trọng điểm đánh bắt hải sản của cả nước; kinh tế thủy hải sản là thế mạnh của tỉnh sau sản xuất nông nghiệp; có nguồn thủy sản đa dạng, phong phú bao gồm: Tôm, cá các loại và có nhiều đặc sản quý như: Đồi mồi, hải sâm, sò huyết, nghêu lụa, rau câu, ngọc trai, bào ngư,… ngư trường đánh bắt rộng (diện tích mặt nước biển) khoảng 63.290km2, gấp 10 lần so với diện tích tự nhiên trên đất liền; trong đó ở độ sâu dưới 20m, diện tích ngư trường là 15.440 km2; ở độ sâu 20 - 50m diện tích ngư trường đánh bắt là 33.960 km2; ở độ sâu > 50 m diện tích ngư trường đánh bắt là 13.890 km2.

Thành tựu phát triển kinh tế biển 

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; Nghị quyết Đại hội IX, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2010 - 2015 và Chương trình số 367/CTr-UBND ngày 15/8/2012 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế biển tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 – 2015.

Qua 5 năm tổ chức thực hiện Chương trình số 367/CTr-UBND, tình hình kinh tế – xã hội (KT-XH) vùng biển, ven biển và hải đảo có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế biển giai đoạn 2011 - 2015 đạt 11,4%/năm (giá cố định năm 1994); trong đó, nông lâm thủy sản 6,7%; công nghiệp xây dựng 10,7% và  dịch vụ 14,9%. Tỷ trọng GDP kinh tế biển chiếm 73,3% GDP toàn tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng – nông nghiệp. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 3.154 USD tăng gần 2 lần năm 2010.

Huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011 – 2015 đạt 111.000 tỷ đồng, bằng 80% vốn đầu tư toàn tỉnh; tổng lượng khách du lịch năm 2015 đạt 4,365 triệu lượt, tăng 50,9% so năm 2010; khối lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa giai đoạn 2011 – 2015 bằng đường bộ, đường biển tăng bình quân 13%/năm; tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng năm 2015 đạt 647.125 tấn, tăng 3,5 lần so năm 2010; kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2015 đạt 137,7 triệu USD, tăng 18,15% so năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 – 2015 đạt 3,34%/năm. Cơ sở hạ tầng KT-XH vùng biển, ven biển và hải đảo đã được quan tâm đầu tư. Hoàn thành một số công trình trọng điểm như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, đường tránh thành phố Rạch Giá, cầu sông Cái Lớn, Cái Bé, đường điện ra đảo Phú Quốc và đảo Hòn Tre; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 61; đưa vào sử dụng một số các cảng cá và khu neo tránh trú bảo như: Lình Huỳnh, Hòn Tre, Thổ Châu, An Thới... đê chắn sóng và nạo vét luồng cửa sông Dương Đông. Khởi công đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn,… kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với đảm bảo quốc phòng - an ninh (QP-AN), tăng cường hợp tác quốc tế; gắn phát triển kinh tế biển với giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn lao động, chăm sóc sức khỏe nhân dân… đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong vùng từng bước được nâng lên khá rõ nét, giáo dục và đào tạo có chuyển biến tích cực, mạng lưới trường lớp được mở rộng đến khu vực biên giới, biển đảo.

Thành tựu phát triển kinh tế biển của tỉnh trong 5 năm qua còn một số hạn chế đó là: Tốc độ tăng trưởng còn chậm; chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế tài nguyên biển, việc khai thác và nuôi trồng thủy sản chưa ổn định và bền vững; tiềm năng mặt nước ven biển còn lớn nhưng chưa khai thác hiệu quả; môi trường sinh thái vùng biển, ven biển diễn biến có chiều hướng xấu, một số nơi ô nhiễm nặng, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, khả năng tái tạo thấp; cơ sở hạ tầng nói chung, du lịch nói riêng phát triển chậm và chưa đồng bộ…; tình hình an ninh trật tự vùng biển, đảo từng lúc còn diễn biến phức tạp, tình trạng khai thác thủy sản vi phạm pháp luật trong và ngoài nước còn phổ biến chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Năm 2015, UBND tỉnh đã tổng kết thực hiện Chương trình số 367/CTr-UBND, ngày 15/8/2012 về phát triển kinh tế biển Kiên Giang giai đoạn 2011 – 2015; Theo đó, Chương trình phát triển kinh tế biển tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2015 – 2020 đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội X, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Phát triển bền vững kinh tế biển Kiên Giang 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội X, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 08/3/2016 về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020 và Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 29/8/2016 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế biển tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2020. Nội dung cơ bản của kế hoạch phát triển kinh tế biển đến năm 2020, tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016 - 2020.

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về chiến lược biển; các cơ quan báo, đài tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho ngư dân vùng biển và ven biển về Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Luật Tài nguyên môi trường biển hải đảo năm 2015; tổ chức hưởng ứng các hoạt động Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam; Hãy làm sạch biển...; phối hợp tổ chức tuyên truyền về biển, đảo cho ngư dân trong tỉnh; tổ chức triển lãm và trưng bày tư liệu về “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”…

Hai là, đẩy mạnh công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển các vùng kinh tế biển và ven biển; hoàn chỉnh các dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; quy hoạch tổng thể phát triển ngành; quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 – 2020; quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo của tỉnh; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030…

Ba là, phát triển kinh tế các ngành ở vùng ven biển, hải đảo, tập trung đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển nhanh và bền vững, là một trong những trung tâm du lịch khu vực ĐBSCL. Huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng 4 vùng du lịch trọng điểm: Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá và các vùng phụ cận. Xây dựng đảo Phú Quốc thành khu du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng hiện đại tầm cỡ khu vực và quốc tế; xây dựng các Tour du lịch bằng đường hàng không và đường biển kết nối với các quốc gia khu vực và thế giới…

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực và các lĩnh vực văn hóa - xã hội (VH-XH) vùng ven biển, hải đảo; đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển của tỉnh; chú trọng đào tạo và có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, Đề án “Phát triển y tế, Đảo Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh”; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, nhân lực cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Năm là, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng ven biển và trên các đảo: tập trung các lĩnh vực về giao thông; nông nghiệp; đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp; y tế; văn hóa; thể dục thể thao; phát triển du lịch; cấp điện; cấp nước và phát triển hạ tầng đô thị.

Sáu là, phát triển khoa học và công nghệ, bảo vệ tài nguyên, môi trường và UPBĐKH; tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ (KH&CN), tập trung nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, UPBĐKH và nước biển dâng; Quan trắc nước biển ven bờ cảnh báo nguy cơ, sự cố môi trường biển, là cơ sở đánh giá chất lượng môi trường biển.

Bảy là, tăng cường QP-AN gắn với phát triển KT-XH vùng ven biển, hải đảo; tiếp tục xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên khắp các địa bàn tỉnh; chủ động ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” và các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, nhất là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo.

Để thực hiện tốt cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp theo Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 29/8/2016 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế biển tỉnh Kiên Giang đến năm 2020./.

Đ/c Lưu Thành Nghĩa, Chi cục trưởng, Chi cục Biển và Hải đảo tỉnh Kiên Giang

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.