Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Tháng Năm - Hải Phòng rộng dài, rực sáng…

Đúng vào dịp kỳ niệm 68 năm Ngày giải phóng Hải Phòng, thành phố khởi công xây dựng Trung tâm Hội nghị- biểu diễn tại khu đô thị mới bắc sông Cấm. Các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tham dự lễ khởi công, chứng kiến và chia vui, động viên, khích lệ càng làm niềm vui của Đảng bộ, chính quyền quân và dân thành phố cảng nhân lên gấp bội. Cũng bởi thế, tháng năm này, Hải Phòng lại rộn rã tươi vui, rực rỡ sắc màu, thể hiện rõ sức sống của một thành phố cảng đang vươn lên mạnh mẽ, xứng tầm đô thị lớn của cả nước.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri thành phố Hải phòng_Ảnh: PV.

Tỏa sáng miền cửa biển

Chủ đề: “Tỏa sáng miền cửa biển” của lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng năm 2023 bao hàm nhiều ý nghĩa sâu sắc. Đó không chỉ nói lên hình ảnh lung linh, rực sáng của thành phố Hải Phòng trong những năm gần đây mà còn thể hiện ý chí, bản lĩnh vượt sóng vươn lên để luôn tỏa sáng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố cảng.  

Ý chí, bản lĩnh đó được khắc họa khá rõ nét bằng những công trình, dự án lớn liên tục được khởi công và khánh thành trên địa bàn thành phố mà tiêu biểu là 2 công trình “thế kỷ” của Hải Phòng đố là: Trung tâm Chính trị - Hành chính và Trung tâm Hội nghị- biểu diễn. Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới bắc sông Cấm, trên diện tích 317 ha, với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Trong đó, giải phóng mặt bằng 2.600 tỷ đồng; xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ hơn 2.000 tỷ đồng; xây dựng các hạ tầng khác gần 5.000 tỷ đồng. Với tinh thần quyết liệt và khẩn trương, đến nay hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới bắc sông Cấm đã cơ bản hoàn thành, là yếu tố quan trọng để thành phố triển khai xây dựng 2 công trình quy mô, tầm vóc lớn là Trung tâm Chính trị- Hành chính và Trung tâm Hội nghị- Biểu diễn với tổng vốn đầu tư hơn 4800 tỷ đồng.

Trung tâm Chính trị - Hành chính được khởi công ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới 2023 đang được bố trí nguồn vốn đầu tư công kịp thời; thi công khẩn trương, hứa hẹn sẽ là trung tâm Chính trị- Hành chính đẹp, hiện đại, quy mô lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Cùng với đó, Trung tâm Hội nghị - biểu diễn thành phố với sức chứa 1500 chỗ; ngoài ra còn có hội trường đa năng với gần 500 chỗ ngồi; phòng họp bàn tròn với 100 chỗ ngồi và hơn 10 phòng họp nhỏ có từ 20 đến 100 chỗ ngồi/phòng; đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tổ chức các hội nghị; các cuộc biểu diễn với quy mô lớn mang tầm quốc gia và quốc tế.

Phối cảnh dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh, đây là công trình có giá trị về mặt kiến trúc; với ý tưởng từ hình ảnh của giọt nước rơi xuống mặt nước, tạo ra các làn sóng lan tỏa, cũng có thể coi là tượng trưng cho vai trò động lực, lan tỏa của thành phố Hải Phòng. Công trình này cùng với công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố sẽ góp phần hoàn thiện đồng bộ cảnh quan kiến trúc khu vực đô thị mới bắc sông Cấm theo hướng đồng bộ và hiện đại, mang tầm cỡ quốc tế. Cả 2 công trình được quyết tâm hoàn thành vào năm 2025 để tới thời điểm đó, Hải Phòng  hoàn thành việc di chuyển Trung tâm Chính trị- Hành chính thành phố sang phía bắc sông Cấm. Đặc biệt là phục vụ tổ chức các sự kiện chính trị lớn của thành phố trong năm 2025 gồm: Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2025); lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng năm 2025; Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Hiện nay 2 công trình thế kỷ được triển khai ngay trong những tháng đầu năm 2023, hòa chung với khí thế thi đua sôi nổi chào mừng 68 năm Ngày giải phóng Hải Phòng mang lại niềm hân hoan cho người dân đất cảng. Đây cũng là sự khẳng định cho sự tăng tốc, phát triển vững chắc của thành phố, bất chấp tác động của đại dịch COVID-19 và  những biến động khó lường của thế giới; thể hiện tiềm lực của Hải Phòng khi có thế tự lực cánh sinh xây dựng các công trình trị giá 2300- 2500 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách tự cân đối.

Niềm vui trong những ngày tháng năm lịch sử càng lớn hơn, trọn vẹn hơn khi trong dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn là nhà đầu tư Dự án xây dựng bến số 7, số 8 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Với quyết định này, Hải Phòng sẽ có 4 bến cảng (cùng bến số 5, số 6 do Công ty CP Tập đoàn Hateco là chủ đầu tư) có chiều dài mỗi bến 450m, tiếp nhận cỡ tàu container đến 12.000 Teus hoặc đến 18.000 Teus; đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của khu vực miền Bắc trực tiếp đến thị trường châu Âu, châu Mỹ; khai thác tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý để phát triển Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. 8 bến cảng nước sâu được hoàn thành và  triển khai xây dựng trong thời gian ngắn càng khẳng định ý chí, quyết tâm vượt sóng, vươn ra biển lớn của thành phố Hải Phòng. Phát triển cảng biển chính là mục tiêu, là động lực để Hải Phòng vươn tới những tầm cao mới. Cùng với đó, Khu Công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu được chính thức khởi công ngày 13-5 gắn liền với sự phát triển của các bến cảng nước sâu. Sức hấp dẫn của thành phố ngày càng lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài, để rồi tới đây, sẽ có một làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào Hải Phòng, để cùng tăng tốc và phát triển.

Đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng trao giấy chứng nhận đầu tư xây dựng 2 bến cảng số 7 và số 8 cho Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn.

Hải Phòng tháng năm còn rực rỡ hơn bởi không khí thi đua lao động sản xuất sôi nổi khắp nơi nơi. Mỗi ngành, mỗi địa phương đều có những dự án, công trình chào mừng. Cảng biển tấp nập tàu lớn vào, ra. Các nhà máy công nghiệp rộn ràng tiếng máy với các sản phẩm công nghệ cao tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Nông nghiệp mang một diện mạo hoàn toàn mới với những cánh đồng công nghệ cao và những sản phẩm sạch, an toàn cung cấp cho người dân thành phố, thị trường trong nước. Nông thôn mới khởi sắc rõ nét với 55 xã đồng loạt xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi tiếp xúc cử tri thành phố Hải Phòng trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV khẳng định: Hải Phòng là điểm sáng của cả nước; trong khó khăn vẫn có mức tăng trưởng gấp 2-3 lần bình quân chung cả nước; diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng đổi mới, khởi sắc; tinh thần đoàn kết, đồng thuận được phát huy; nhân dân vui mừng, phấn khởi và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.  Chính bởi thế, niềm vui và tự hào của người dân đất Cảng lan tỏa rộng rãi, càng thôi thúc mỗi người cố gắng học tập, rèn luyện, cống hiến để góp phần xây dựng thành phố cảng thân yêu ngày càng giàu mạnh.

Hoa phượng đỏ_Ảnh: Vũ Dũng.

Rộn ràng khí thế, náo nức niềm vui

Có thể khẳng định rằng, vị thế, tiềm lực kinh tế của thành phố Hải Phòng đang tăng trưởng mạnh mẽ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được quan tâm; ý Đảng lòng dân đồng thuận chính là nhân tố quan trọng nhất để tháng Năm này vui và rạng rỡ hơn bao giờ hết. Các sự kiện liên tiếp diễn ra, làm cả thành phố rộn ràng khí thế, náo nức niềm vui.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Trần Thị Hoàng Mai cho biết, lễ hội Hoa phượng đỏ năm 2023 và chương trình nghệ thuật với chủ đề: “Hải Phòng- Tỏa sáng miền cửa biển” có sự đổi mới, độc đáo, sáng tạo, hấp dẫn so với 9 kỳ lễ hội trước, thật sự đặc sắc, thể hiện được nét văn hóa đặc trưng của vùng đất và con người Hải Phòng. Với nội dung bao gồm 3 chương có tựa đề lần lượt: “Thành phố mặt trời lên”;“Trái tim màu phượng đỏ” và “Hải Phòng - Tỏa sáng miền cửa biển” nhằm khắc họa rõ nét sự phát triển đi lên, tình yêu và sự khao khát cống hiến luôn “cháy rực như màu phượng đỏ” và ý chí, bản lĩnh vượt sóng để  tỏa sáng của Hải Phòng. Đêm khai mạc lễ hội ngày 13-5 được coi là điểm nhấn, là trung tâm, với những màn pháo hoa rực sáng sẽ là “đêm giao thừa thứ hai” của Hải Phòng với những dự cảm tốt lành và niềm hạnh phúc vô biên; niềm tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố để Hải Phòng tỏa sáng.

Cũng hiếm có dịp nào mà Hải Phòng lại rộn rã, tươi vui đến thế như những ngày tháng năm này. Giải vô địch quốc gia các Câu lạc bộ Lân Sư Rồng năm 2023; giải trẻ và Giải vô địch quốc gia môn bóng chuyền bãi biển 2x2 năm 2023; chương trình nghệ thuật Cát Bà xanh; phát động cuộc thi sáng tác các ca khúc về Hải Phòng; liên hoan Ca trù mở rộng; khai mạc lễ hội văn hoá dân gian biển, đảo Việt Nam và khai mạc lễ hội biển Đồ Sơn - Hải Phòng; liên hoan múa rối Hải Phòng mở rộng 2023… cùng chuỗi các chương trình Festival âm nhạc đường phố ; Carnaval đường phố; hội diễn ca - múa - nhạc của các địa phương; chương trình Foodtour… làm mỗi người dân Hải Phòng và du khách bốn phương thêm tưng bừng, háo hức. 

Đúng vào dịp kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Hải Phòng; hoa phượng, loài hoa tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của người dân Hải Phòng đang nở rộ, rực rỡ, thắm sắc hơn bao giờ hết. Từ đây, người dân thành phố càng thêm vui mừng, phấn khởi, tự hào và kỳ vọng về sự phát triển đi lên của thành phố Hoa phượng đỏ, thành phố cảng biển; để sự rực rỡ tháng năm biến thành những hành động thiết thực và cụ thể, thôi thúc tinh thần học tập, làm việc, cống hiến, để Hải Phòng luôn rực rỡ, tỏa sáng, hiện thực hóa các khát vọng phát triển.

Hồng Thanh

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top