Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Sửa đổi Quy định đạo đức người làm báo phù hợp với Luật Báo chí 2016

Việc sửa đổi Luật Báo chí năm 2016 khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn đề cao vai trò của báo chí, đồng thời cũng trao trách nhiệm cao cả, nặng nề cho những người làm báo Việt Nam... Đó là khẳng định của nhà báo Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016, góp ý kiến bổ sung, sửa đổi Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp tổ chức ngày 14/7.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Sơn Hải

Điểm mới của Luật Báo chí 2016

Điểm cốt yếu nhất của Luật Báo chí là khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin và quyền được thông tin của xã hội. Luật cũng quy định rõ, cụ thể những điều báo chí không được làm; quy định trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, việc cải chính trên báo chí khi đưa tin sai; luật hóa các quyền và nghĩa vụ của người làm báo.

Những năm qua, đội ngũ người làm báo Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng và các cấp chính quyền với nhân dân, phê phán đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng tiêu cực, tệ nạn xã hội... góp phần dự báo, đón đầu các xu thế phát triển của xã hội. Song bên cạnh đó, có thể nhận thấy những biểu hiện tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp người làm báo đang diễn ra ngày càng phức tạp, cho thấy dấu hiệu tha hóa trong một bộ phận người làm báo.

Tình trạng vi phạm đạo đức đáng báo động

Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016, góp ý kiến bổ sung, sửa đổi Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí và dư luận lại quan tâm nhiều đến đạo đức nghề nghiệp của nhà báo đến thế. Thực tế những năm gần đây, đa số những người làm báo luôn giữ vững phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ luật pháp và đóng góp lớn vào việc định hướng dư luận xã hội trên các lĩnh vực về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh... Thế nhưng, tình trạng người làm báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp đang gây “bức xúc” trong dư luận. Các sai phạm đạo đức trên báo chí tuy chỉ ở một bộ phận nhỏ, song đã làm ảnh hưởng tới uy tín, cũng như cản trở sự phát triển của báo chí. Hơn lúc nào hết, việc chủ động ngăn chặn sai phạm trong hoạt động báo chí cần phải được thực hiện một cách triệt để.

Bàn về đạo đức người làm báo, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chỉ rõ, chúng ta không thể chối bỏ một thực tế, thời gian gần đây, trước những thách thức của thời cuộc, của đời sống xã hội, có một bộ phận người làm báo đã vi phạm chuẩn mực, đạo đức nghề nghiệp với những biểu hiện khác nhau, dẫn đến công chúng mất niềm tin vào báo chí.

Trong số những hành vi không chuẩn mực khi hoạt động báo chí, có hành vi vừa vi phạm đạo đức vừa vi phạm cả pháp luật. Có những điều pháp luật không cấm nhưng đạo đức thì không cho phép. Có nơi, hầu như tất cả hoạt động của tòa soạn đều phục vụ cho mục đích gia tăng lượng độc giả, câu view bằng mọi giá, chăm chăm vào chuyện “tiền, tình, tù, tội”, moi móc chuyện đời tư, miêu tả tỉ mỉ, rùng rợn chuyện vụ án, làm “nóng” sự việc, đơm đặt, thậm chí là bịa đặt thông tin, đăng thông tin không kiểm chứng... Những kiểu tin, bài như vậy tạo cho công chúng cảm giác bức bối, làm ô nhiễm môi trường tinh thần, văn hóa xã hội và ngôn ngữ tiếng Việt.

Đạo đức là vấn đề sống còn

Trong thời kỳ mới, đất nước ta đang phải đối mặt vô vàn khó khăn, thách thức để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, do đó mỗi nhà báo cần thể hiện trách nhiệm bằng việc lựa chọn thông tin tích cực, lành mạnh, đúng đắn để truyền tải tới độc giả. Đây là một nhiệm vụ không dễ dàng bởi hằng ngày, hằng giờ mỗi người phải đối diện không ít thông tin xô bồ, hỗn tạp.

Theo Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, đạo đức người làm báo không phải là một khái niệm trừu tượng, khó hiểu đến nỗi không thể làm theo, nó hiển hiện trong đời sống hằng ngày. Mỗi cá nhân ứng xử trên cơ sở đạo đức của xã hội, là lương tâm, trách nhiệm xã hội của nhà báo.

Để làm được điều đó, bản thân mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo có chuẩn mực đạo đức của riêng mình. Cao quý nhất của người làm báo Việt Nam là liêm chính, liêm khiết và chính trực. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, trách nhiệm của báo chí là tìm kiếm sự thật, hạn chế gây hại bằng những thông tin “bỏng mắt, đắng lòng”, bất chấp đạo lý. Mỗi nhà báo phải ý thức sâu sắc về trách nhiệm đối với xã hội, với cộng đồng, nêu cao đạo đức nghề nghiệp trong mọi hoàn cảnh. Thông tin cần bảo đảm sự chính xác, kịp thời nhưng cũng phải hướng đến những giá trị nhân văn của cuộc sống.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh TuấnBộ quy tắc do Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng phải là “quy tắc mẹ”

Báo chí, nhà báo phải tìm kiếm sự thật, cân nhắc sự kiện đưa lên mặt báo, hoạt động báo chí độc lập, không bị chi phối khi viết bài... Chuẩn mực bao hàm trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo. Bộ quy tắc do Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng phải là “quy tắc mẹ”, là nền tảng đáp ứng chuẩn mực chung của nghề báo và sát thực tế. Từ những nguyên tắc nền tảng đó, các cơ quan báo chí cần phải xây dựng những bộ “quy tắc con” của riêng mình. - Trích lời Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn

Sửa đổi Quy định đạo đức người làm báo

Tại hội nghị, nhiều nhà báo cho rằng, sau 11 năm thực hiện, Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam có nhiều điểm không còn phù hợp với hoạt động thực tiễn của báo chí cũng như với Luật Báo chí được Quốc hội thông qua tháng 4/2016. Việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định về đạo đức nghề nghiệp sao cho phù hợp với Luật Báo chí hiện hành, với hoàn cảnh chính trị, xã hội và thực tế cuộc sống hiện nay... là vô cùng quan trọng, không chỉ với giới báo chí cả nước mà với toàn thể xã hội.

Do đó, Hội Nhà báo Việt Nam kêu gọi các hội viên và người làm báo cả nước đóng góp, đề xuất, để xây dựng một Quy định mới về đạo đức nghề nghiệp, phù hợp và sát với thực tiễn hơn chứ không nhất thiết là 9 Điều như hiện nay. Đây là nhiệm vụ và trách nhiệm nặng nề, liên quan mật thiết tới hoạt động báo chí hằng ngày. Vì vậy, các cấp Hội phải tổ chức nghiêm túc việc lấy ý kiến đóng góp, xây dựng một bộ quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo mới, là “điểm tựa” quan trọng của những người làm nghề, do chính những người làm báo thống nhất xây dựng từ các cấp Hội. Tất cả hội viên đều có quyền tham gia bàn bạc và có trách nhiệm thực hiện, giám sát lẫn nhau. Hết sức quan tâm các ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành và nhân dân, chọn lọc đăng tải những ý kiến phù hợp. Hết sức tránh hình thức, tổ chức qua loa, chiếu lệ gây lãng phí, tốn kém nhưng không hiệu quả.

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cũng đề nghị, sau hội nghị này, các cơ quan báo chí tổ chức cho hội viên, nhà báo ngành đơn vị mình học tập nghiêm túc Luật Báo chí năm 2016, thấm nhuần quan điểm, nắm vững những quy định trong các điều luật, thảo luận xác định rõ phạm vi giới hạn, những thao tác nghề nghiệp. Các chi hội, liên chi hội tổ chức tọa đàm về việc thực hiện, những nội dung luật hóa đối với hoạt động báo chí, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, phù hợp với chuẩn mực, hành vi, đạo đức xã hội...

Đồng thời, các cơ quan báo chí lấy ý kiến của hội viên của các ngành và của các tầng lớp nhân dân, đóng góp vào từng điều quy định đạo đức nghề nghiệp; có thể đề xuất thêm nội dung cần thiết, có thể bớt những nội dung trùng lặp, những câu từ cho rõ nghĩa hơn, tổng hợp thành văn bản gửi Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam. Mọi ý kiến đóng góp sẽ được lĩnh hội, tập hợp và lựa chọn phương án tối ưu nhất nhằm giúp hoạt động báo chí ngày càng thuận lợi, chuyên nghiệp hơn.

Sau khi lấy ý kiến, Hội Nhà báo sẽ tổng hợp lại thành những quy định cụ thể để các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo và toàn thể hội viên, nhà báo trên cả nước quán triệt thực hiện.

Đợt sinh hoạt, học tập Luật Báo chí và góp ý xây dựng Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam diễn ra từ tháng 5 đến hết tháng 9/2016. Trong đó, từ ngày 1/6 đến ngày 30/7, các cấp Hội và cơ quan báo chí tổ chức quán triệt, thảo luận; từ ngày 1/8 đến ngày 30/9, Trung ương Hội sẽ tổ chức hội thảo, lấy ý kiến và ban hành Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam. Từ ngày 1/10/2016, các cấp Hội tổ chức học tập và thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Thành Văn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.