Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Sử dụng khẩu hiệu tuyên truyền trực quan

Cũng như khẩu hiệu tuyên truyền (KHTT) nói chung, KHTT trực quan ngoài trời là hình thức tuyên truyền lâu đời, cổ xưa nhất, không ngừng được phát triển và sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chưa quy chuẩn

Trong tuyên truyền, khẩu hiệu là một trong những yếu tố quan trọng và mang ý nghĩa quyết định. KHTT có mục đích cung cấp cho con người những thông tin cần thiết, qua đó vận động, thuyết phục họ thực hiện hoặc thay đổi một hành vi, một thói quen nào đó. Một khẩu hiệu ngắn gọn, cô đọng, dễ thuộc sẽ có hiệu quả tác động rất to lớn. Công dụng của KHTT có những biểu hiện nhất định như khả năng tác động vào nhận thức cũng như hành vi ứng xử của con người, tác động vào tâm lý xã hội, xây dựng hệ tư tưởng chủ đạo của xã hội, biến nhận thức thành hành động theo chiều hướng tích cực để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

Điểm lại tình hình sử dụng KHTT trực quan ở nước ta thời gian qua, nhìn chung, sự phối hợp giữa ngôn ngữ cùng với các phương tiện khác đã tạo thành đặc điểm thú vị, thu hút độc giả và bảo đảm tính ưu việt cho KHTT. Theo nghiên cứu, trong số 100 KHTT tiếng Việt được thu thập ngoài trời có đến 15 KHTT có sử dụng tranh cổ động. Hình ảnh được lựa chọn phù hợp không chỉ là một công cụ đắc lực để làm nổi bật nội dung, ý nghĩa của KHTT mà còn góp phần tạo nên tính chân thực cho lời văn. Hiện nay, với kỹ thuật hình ảnh và in ấn không ngừng phát triển, các hình ảnh trực quan được thể hiện ngày càng đẹp mắt hơn, qua đó, góp phần làm cho KHTT trở nên sinh động, hấp dẫn, thu hút nhiều độc giả hơn bởi lẽ chính hình ảnh là yếu tố đầu tiên tác động đến độc giả khi họ tiếp cận một KHTT.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, thành tựu và đóng góp như vừa nêu, tình hình sử dụng KHTT ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy việc sử dụng KHTT ở nhiều nơi vẫn còn tùy tiện, thiết kế không theo một quy chuẩn nhất định về nội dung lẫn hình thức. Một trong những vấn đề rất đáng quan tâm là vẫn còn nhiều KHTT vướng các lỗi cơ bản về ngôn từ gây ảnh hưởng xấu đến dư luận và tư duy ngôn ngữ của dân tộc. Không ít KHTT sai về mặt ngôn từ đã tạo nên những rào cản ngôn ngữ đối với sự tiếp nhận của công chúng hiện đại. Hơn nữa, những KHTT này nếu được sử dụng lâu dài, không được chỉnh sửa sẽ hình thành thói quen không tốt về ngôn ngữ, từ đó có thể làm ảnh hưởng đến đến sự trong sáng của tiếng Việt.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là vai trò của yếu tố ngôn ngữ trong KHTT vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Phần lớn nhà tuyên truyền chỉ xây dựng KHTT theo cảm quan ngôn ngữ của mình hoặc sử dụng KHTT của người khác một cách rập khuôn, máy móc, thiếu cân nhắc và chọn lọc. Hiện tại, chúng ta vẫn chưa có đội ngũ chuyên về sáng tạo KHTT cũng như chưa có những hành lang pháp lý cụ thể để quản lý việc xây dựng và sử dụng KHTT. Trong thực tế, kiến thức và kỹ năng về ngôn ngữ của những người làm công tác tuyên truyền vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được xem xét lại.

Để KHTT sinh động, hấp dẫn

Trước những hạn chế về ngôn từ và tình trạng “lộn xộn” về KHTT ở nhiều địa phương hiện nay, để KHTT được sử dụng hiệu quả với đầy đủ chức năng vốn có của chúng, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với việc sáng tạo, lưu hành và phát tán KHTT. Theo chúng tôi, công tác quản lý cần phải tập trung các giải pháp sau:

Phương châm phát triển đi đôi với quản lý tốt

Để làm được điều này, cần phải có một hệ thống quản lý công tác tuyên truyền từ cấp Trung ương tới địa phương. Công tác quản lý không chỉ chú trọng về hình thức thể hiện mà còn phải quan tâm đến các yếu tố nội dung, chất lượng và hiệu quả sử dụng KHTT trong thực tế. Trong đó, điều quan trọng là cần phải nghiên cứu xây dựng và ban hành chính sách ngôn ngữ tuyên truyền nói chung cũng như ngôn ngữ trong các KHTT nói riêng. Chính sách ngôn ngữ này cần phải được cụ thể hoá thành những quy định cụ thể của nhà nước và pháp luật, bảo đảm tính hiệu quả của việc sử dụng ngôn từ trên cơ sở giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Sát thực tế

Theo nguyên tắc này, KHTT được tạo ra phải gắn liền với những yêu cầu thực tiễn của cuộc sống cũng như những yêu cầu của công tác thông tin tuyên truyền trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Điều này sẽ trả lời cho câu hỏi KHTT này thuộc lĩnh vực gì? [3, tr.102]. Đó là những vấn đề liên quan đến “những quan điểm của Đảng”, đến “thực tiễn của từng ngành, từng địa phương, từng cơ sở, đến những mũi nhọn của mặt trận sản xuất và chiến đấu, phát hiện và trả lời những câu hỏi do đời sống đặt ra”. Trong quyển Nghệ thuật thông tin, tác giả Line Ross [2, tr.28] cho rằng tính chất gắn liền với cuộc sống “thể hiện trước hết ở chỗ nó phải bám chắc vào thực tiễn cách mạng, vào quá trình đấu tranh của quần chúng cải tạo xã hội, cải tạo thiên nhiên, phải luôn tính đến đặc điểm và tâm trạng của các tầng lớp nhân dân” hay ở chỗ “phải đi sát thực tế, kịp thời giải đáp những vấn đề do thực tiễn đặt ra”.

Xây dựng đội ngũ cán bộ

Trước hết, những người làm công tác tuyên truyền cần phải công nhận vị trí, vai trò của ngôn ngữ trong công tác tuyên truyền. Bởi vì, một khi hiểu được vai trò quan trọng của ngôn ngữ, họ mới thật sự quan tâm đến các yếu tố ngôn ngữ trong các KHTT. Do mục đích, yêu cầu của công tác tuyên truyền, nhất là tính chính xác và sức lay động lan toả đối với công chúng nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ tuyên truyền “Phải biết cách nói. Nói thì phải giản đơn, rõ ràng, thiết thực”. Người sáng tạo KHTT không những phải nắm vững bản chất đặc thù của KHTT mà còn phải biết “gói” thông điệp của mình vào ít chữ nhất. Để làm được điều này, người cán bộ làm công tác tuyên truyền cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt, đặc biệt là phải có kiến thức về ngôn ngữ, cũng như nắm bắt được xu thế vận động và phát triển của ngôn ngữ để có cách diễn đạt phù hợp, đồng thời không ngừng nghiên cứu, tìm tòi và tiếp thu những KHTT hay từ các nước và vận dụng có hiệu quả vào tình hình thực tế ở Việt Nam.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền và ngôn ngữ tuyên truyền

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền và ngôn ngữ tuyên truyền được thể hiện ngay trong cách viết, cách nói của Người. Chính vì vậy, trong tuyên truyền, nói hay viết đều phải ngắn gọn, giản dị, rõ ràng, sinh động và hấp dẫn, phù hợp với quảng đại quần chúng nhân dân để mọi người dễ hiểu, dễ nhớ và làm theo.

Trong thời đại hiện nay, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ nhất là công nghệ thông tin và xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc, tạo ra nhiều cơ hội lớn lao và những thách thức không thể coi thường. Trong bối cảnh đó, các thế lực phản động, thù địch tăng cường chống phá ta trên nhiều mặt, trong đó có lĩnh vực tuyên truyền. Hơn bao giờ hết, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác tuyên truyền nói chung và việc sử dụng KHTT nói riêng càng được đặt ra một cách cấp thiết./.

NCS. Trần Thanh Dũ

------

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hồ Chí Minh toàn tập, 2000, Nxb CTQG, Tp.HCM tập 5

2. Ross, L. (2004), Nghệ thuật thông tin, Nxb Thông tấn, 2004.

3. Đào Duy Tùng (1999), Một số vấn đề về công tác tư tưởng, Nxb Chính trị Quốc Gia.

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.